Phi công anh dũng điều khiển máy bay ra khỏi khu dân cư
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa phát đi thông tin cụ thể về vụ máy bay rơi sáng nay. Theo đó, ngay khi phát hiện có sự cố, phi công đã dũng cảm cố gắng điều khiển máy bay ra khu đất trống để máy bay không rơi vào khu dân cư.
Cụ thể, lúc 7h53 ngày 7/7, trong khi đang bay huấn luyện thả dù tại khu vực sân bay Hòa Lạc, Hà Nội, máy bay Mi 171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371 đã bị cháy động cơ, rơi tại thôn 11 (Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Lúc máy bay gặp nạn có 21 người trên máy bay. Sau khi bị rơi, máy bay đã cháy dữ dội, được lực lượng cứu hỏa dập tắt lúc 8h20 cùng ngày.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thông tin, trước tai nạn thương tâm, người dân tại hiện trường đã nhìn thấy máy bay cháy trên không ở ngay trong khu dân cư đông người, nhưng phi công đã dũng cảm, cố điều khiển máy bay ra khu đất trống để máy bay không rơi vào khu nhà dân.
Người dân đã đánh giá rất cao tinh thần dũng cảm, sự hy sinh anh dũng của người lính phi công trong khi đối mặt với cái chết vẫn bình tĩnh điều khiển máy bay tránh được thương vong lớn cho người dân.
Nhờ sự dũng cảm của phi công, không người dân nào bị thương vong trong vụ máy bay rơi.
Nhiều người dân sống gần khu vực máy bay gặp nạn cùng tỏ lòng tiếc thương đối với những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, đặc biệt là người phi công dũng cảm đã cố gắng bảo vệ nhân dân tới hơi thở cuối cùng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lê (thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) nhà cách hiện trường vụ tai nạn máy bay rơi khoảng 100m, xúc động chia sẻ với phóng viên Dân trí: “Tôi và người dân nơi đây đau xót lắm! Nhưng thật sự biết ơn những người chiến sĩ phi công, mặc dù đang phải đối mặt với cái chết nhưng họ vẫn cố lái chiếc máy bay tránh đường điện cao thế, tránh những nóc nhà dân ở 2 bên và phía trước… Nhân dân chúng tôi biết ơn họ nhiều lắm, họ đã nêu cao tấm gương anh dũng khi bình tĩnh điều khiển máy bay ra khỏi khu dân cư”.
Bộ Tổng tham mưu đã cử Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng tham mưu trưởng – cùng Tư lệnh, Chính ủy quân chủng Phòng không – Không quân; 1 tổ công tác của Cục Cứu hộ Cứu nạn và một số cơ quan có liên quan đến hiện trường trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Chiều 7/7, ông Nguyễn Quang ngọc- chủ nhiệm chính trị Viện Bỏng Quốc gia cho biết, hiện nay bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu điều trị cho 5 nạn nhân trong vụ máy bay rơi sáng nay. Ông Ngọc cho hay, hiện 5 bệnh nhân đang nằm phòng hồi sức cấp cứu và bệnh viện đang dốc hết nguồn lực và nhân lực để cứu chữa tận tình. Hiện nay, 5 bệnh nhân được cấp cứu và được nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt để đảm bảo vô trùng. Từ sáng nay, ngay sau khi nhận được thông tin vụ máy bay rơi, bệnh viện đã cử một đoàn bác sỹ xuống tận nơi để tiến hành sơ, cấp cứu ban đầu và chuyển các bệnh nhân về viện. Hồng Hải
Quang Phong – Tuấn Hợp
Theo Dantri
Video đang HOT
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cuộc chiến
Những bức ảnh trong cuốn sách ảnh "Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp" xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng phần nào phác họa chân dung nhà chỉ huy quân sự tài ba lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn giải phóng dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới xem triển lãm vũ khí do ngành Quân giới Việt Nam sản xuất năm 1950
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng thân Souphanouvong bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào 1953, tạo bước ngoặt quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước Việt Lào đi đến thắng lợi
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trước khi đại tướng lên đường, Chủ tịch hỏi: "Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?", đại tướng trả lời: "Thưa bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị". Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau". Khi chia tay, Chủ tịch chỉ thị: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh"
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng vào lúc 17 giờ 30 ngày 13-3-1954, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ
Mệnh lệnh Tổng công kích Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khối bộc phá 900 kg nổ lúc 20 giờ 30 ngày 6-5-1954 trên đồi A1 là hiệu lệnh Tổng công kích của Bộ chỉ huy cho các đơn vị trên chiến trường Điện Biên Phủ
Đại tướng theo dõi diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm chiến trường Điện Biên Phủ sau chiến thắng vĩ đại 7-5-1954
Các chiến sĩ thi đua trong chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh đại tướng tại lễ mừng công (ngày 13-5-1954)
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đại tướng đi thăm thương bệnh binh (1954)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi nhân dân địa phương và anh chị em công nhân đội vận tải Sông Gianh, Quảng Bình đã góp phần tích cực vận chuyển hàng ra tiền tuyến (1968)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trung tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam quan sát Đại đội 6, Trung đoàn 233, Đoàn Cao xạ Đống Đa huấn luyện (Tết Mậu Thân 1968)
Đại tướng thăm thương, bệnh binh ở Quân y Viện 108 nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7-1969
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh miền Nam và Tư lệnh trưởng Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên bàn kế hoạch tác chiến, chuẩn bị chiến dịch Đường 9 - Nam Lào tại một cánh rừng Trường Sơn năm 1971
Đại tướng duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân
Trong chuyến kiểm tra vùng biển Quảng Ninh sau chiến dịch phá thủy lôi năm 1973, đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Quyết tâm bảo vệ toàn vẹn vùng biển, hải đảo của tổ quốc"
Đại tướng nghiên cứu bản đồ tuyến vận tải chiến lược của bộ đội Trường Sơn trên đường đi thăm đoàn 559 (tháng 3-1973)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa) - đơn vị bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường, tại lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 2-9-1973
Tháng 12-1974 đến tháng 1-1975, Bộ Chính trị quyết định Tổng tiến công giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc tổ thường trực Bộ Tổng tham mưu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Trong bức điện mật ngày 7-4-1975 gửi các đoàn quân đang tiến về Sài Gòn, đại tướng viết: "...Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa..."
Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong ảnh, từ trái sang phải: đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục tác chiến), thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó tổng tham mưu), thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quận ủy Trung ương), trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị)
Theo Người lao động
Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh Những bức ảnh trong cuốn sách ảnh "Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp" xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng phần nào phác họa chân dung nhà chỉ huy quân sự tài ba lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn giải phóng dân tộc. Đây là những hình ảnh lựa chọn trong cuốn sách ảnh "Đại tướng...