Phép thử với hành vi giới trẻ
Sau một ngày “Những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook” của trường PTDL Lương Thế Vinh được đăng tải, hàng nghìn bình luận của giới trẻ được tung ra với phản ứng khác nhau, trong đó có cả những lời bình quá khích. Trước sự việc này, GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng nhà trường tỏ rõ lo ngại về hành vi của giới trẻ trong thế giới ảo.
“Không nói tục, chửi bậy trên Facebook”
Website chính thức của trường PTDL Lương Thế Vinh vừa đăng Những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook dành cho học sinh của trường. Theo đó, “ Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt, ví dụ như dm, vcl, vl, bts,… Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai…”. Cũng theo nhà trường, Facebook là nơi thể hiện văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân.
Sau khi những điều “cấm kỵ” được đưa lên Facebook, hàng nghìn bình luận đã được đẩy lên trang này trong đó có khá nhiều ý kiến khác nhau từ học sinh trường PTDL Lương Thế Vinh cũng như học sinh một số trường khác. Không ít những bình luận chia sẻ sự chưa đồng tình nhưng khá chừng mực như nickname Mee Bunhin cho rằng muốn thay đổi hành vi thì đầu tiên cần thay đổi nhận thức của học sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ viết như thế này sẽ khiến học sinh cảm thấy khó hiểu và khó chấp nhận. Thầy cô nên có những biện pháp mềm mỏng như trò chuyện, khuyên bảo thay vì viết một danh sách những điều “cấm kỵ” cứng nhắc.
Nickname Benny Chow nhận xét, quy định mới của trường không thể áp dụng cứng nhắc dù hướng đến mục đích tốt, nhất là khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay. “Hi vọng sẽ sớm tìm ra phương pháp áp dụng một cách hợp lý nhất”… Tuy nhiên, điều đáng nói là phần nhiều những bình luận trên trang Facebook của trường Lương Thế Vinh là những câu chửi bậy, bình phẩm thiếu văn hóa. Điều này cho thấy khá nhiều phản ứng ngược chiều, chống đối lại những quy định của trường Lương Thế Vinh.
Lo ngại trước những phản hồi tiêu cực
Nói về sự việc này, GS. Văn Như Cương khẳng định, nhà trường không cấm học sinh sử dụng Facebook mà chỉ đưa ra định hướng, khuyến cáo mang tính chất lưu ý học sinh khi sử dụng Facebook. “Đây không phải là văn bản chính thức nhưng là “phép thử” và đã có kết quả tức thì, đưa ra cho tôi cái nhìn tổng quan đáng lo ngại về hành vi giới trẻ trong thế giới ảo” – GS. Văn Như Cương chia sẻ. “Tình trạng học sinh sử dụng Facebook một cách lan tràn không kiềm chế hiện nay là rất đáng báo động. Trong thực tế, qua
Facebook và các diễn đàn khác như blog, yahoo… chúng ta thấy ngôn ngữ, thái độ mà giới trẻ thể hiện không ổn. Trong thế giới ảo, các em thoải mái chửi bậy, nói tục…
Thậm chí có những Facebook con nói về bố mẹ, học sinh nói về thầy cô, về bạn bè, về người lớn, nói về chủ trương của nhà trường mang ý nghĩa tiêu cực. Chính vì vậy cần phải có biện pháp để chấn chỉnh hiện tượng này” – GS. Văn Như Cương cho biết. “Tôi nghĩ để xây dựng văn hóa, lối sống lành mạnh, không ai là không ủng hộ. Bản thân học sinh trong trường tôi đều có phản ứng khá đúng mực về vấn đề này. Còn nếu ai phản đối thì tôi nghĩ tôi vẫn có quyền hạn trong phạm vi trường tôi khi đưa ra những định hướng giáo dục cần thiết”.
Video đang HOT
Đánh giá những phản ứng của học sinh về việc nhà trường can thiệp vào trang thông tin cá nhân, bà Bùi Thị Minh Nga, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho biết, đây là một phản ứng xuất phát từ tâm lý, lứa tuổi học sinh. “Thầy cô cần đặt vào vị trí học sinh để suy nghĩ. Các em hiện nay coi trang mạng này là cách để chia sẻ, tìm sự cảm thông, kết nối. Việc đưa ra định hướng ứng xử là cần thiết nhưng trước tiên phải cho học sinh thấy sự chia sẻ của thầy cô. Bản thân tôi cũng sử dụng Facebook và có cả nghìn học sinh cùng tham gia. Các em đều đưa ra những ý kiến tích cực và đúng mực. Điều phải nhận thấy là giáo viên hay bố mẹ đôi khi cũng có sai lầm và qua những thông tin trên Facebook, tôi có thể lắng nghe tâm tư của bạn trẻ để điều chỉnh”, bà Bùi Thị Minh Nga cho biết. “Tuy nhiên, các em cần hiểu là với tốc độ lan truyền thông tin cao, sự tổn thương đem lại với những người bị phê phán là rất lớn nên hãy cân nhắc trước khi đưa ra ý kiến, trong đó, có cả phản ứng về quy định của trường Lương Thế Vinh “.
Theo ANTD
Hình phạt nào cho nạn văng tục online?
Vấn đề văng tục online một lần nữa khiến dư luận dậy sóng sau sự xuất hiện bản quy định những điều "cấm kỵ" khi lên mạng xã hội của trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội).
Mượn mạng xã hội để cập nhật tâm trạng bản thân.
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, giới trẻ hiện có khuynh hướng mượn mạng xã hội để tự do bày tỏ quan điểm và cập nhật tâm trạng bản thân, từ đó nhận được sự phản hồi, sẻ chia từ mọi người. Việc văng tục trên mạng của một cá nhân, trong một chừng mực nào đó, nhằm thông báo cho mọi người biết về sự bất ổn trong cuộc sống của họ.
Chỉ mới đưa lên mạng từ ngày 15/1, nhưng quy định cấm văng tục trên đã thu hút hàng ngàn ý kiến tranh luận trái chiều.
Những tranh cãi
Trên trang mạng xã hội của Trường Lương Thế Vinh có hơn 80% trong gần 2.000 ý kiến phản hồi thể hiện sự bất bình trước quy định và cho rằng bản quy định "quá khô cứng", "gây ngột ngạt". Nick RexV bức xúc: "Đó là trang cá nhân, người ta thích làm gì thì làm. Sao lại quản?".
"Chia buồn với học sinh Trường Lương Thế Vinh" là một trong những phản hồi lặp đi lặp lại nhiều nhất trong dằng dặc ý kiến về bản quy định nói trên. Lý do để "chia buồn" được đưa ra là "học sinh Lương Thế Vinh không được nói bậy nữa", "mất tự do ngôn luận"...
Sự cấm đoán có thể gây tác động ngược
Cô Vũ Ngọc Thùy - giảng viên Phân viện Báo chí và tuyên truyền - cho rằng việc đưa ra quy định khi lên mạng như trường Lương Thế Vinh là không nên.
"Cũng là quy định, nhưng nên thực hiện dưới hình thức phong trào như "Phong trào dùng mạng xã hội văn minh" sẽ tác động dễ dàng, nhẹ nhàng hơn. Sự cấm đoán có thể gây tác động ngược, học sinh bị nhắm tới đang ở tuổi "mới lớn" dễ xù lông để thể hiện cho bằng được "cái tôi", bất chấp quy định, lại thành phản kháng" - cô Thùy phân tích.
"Thật không hiểu nổi, khi quy tắc để giúp học sinh văn minh hơn lại bị đem ra bàn luận như một hình thức cấm đoán tự do" - PGS Văn Như Cương - hiệu trưởng nhà trường - than.Bạn Phạm Văn Hoàn - lớp 10D1 Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh - bày tỏ: "Nhiều người nói quy định này quá hà khắc, thầy cô định "thiết quân luật", nhưng những học sinh Lương Thế Vinh đều hiểu đó là cách thầy cô muốn tốt hơn cho học trò. Việc đưa ra quy định để tránh cho học sinh mắc những lỗi mà trước nay có thể các bạn không nhận thức được".
Minh Hùng (28 tuổi, quận 1, TP.HCM) thú nhận có sở thích văng tục trên mạng mỗi khi tức giận. Theo Minh Hùng, thế giới mạng hiện là nơi người trẻ sống thật nhất và chia sẻ những điều phải nén trong đời thực... nên cần được tôn trọng. Lập luận của Minh Hùng được nhiều bạn gật đầu tán đồng.
Dưới góc nhìn của một du học sinh, bạn Sỹ Huy (SV cao học ĐH APU, Nhật Bản) cho rằng việc Trường Lương Thế Vinh đưa ra bản quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho học sinh là cần thiết, nhằm kịp thời uốn nắn những hành vi chưa phù hợp. Tuy nhiên, Huy lưu ý: "Suy cho cùng việc giáo dục ý thức ở các bạn trẻ mới là quan trọng nhất".
Ngọc Thanh (21 tuổi, SV ĐH KHXH&NV TP.HCM) lại cho rằng những nguyên tắc ứng xử trên mạng giúp mọi người có dịp nhìn lại và chỉnh sửa bản thân. "Ở đâu không có luật lệ, ở đó sẽ tồn tại sự bất ổn". Và Ngọc Thanh dẫn chứng những trường hợp bạn trẻ gặp hậu quả nghiêm trọng vì vô tư văng tục, thóa mạ người khác trên mạng thời gian qua.
Theo Thạc sĩ xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ, thanh thiếu niên là đối tượng thường có khuynh hướng muốn khẳng định mình. Để nổi bật hoặc khi nhận được sự cổ vũ quá khích, các bạn thường làm điều gì đó gây sốc và chính điều này khiến các bạn rơi vào tình trạng lệch lạc trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân, bộc lộ cảm xúc trên mạng.
Ảo nhưng rất thực
"Những điều này sẽ khiến hình ảnh giới trẻ Việt xấu xí trong mắt mọi người. Cá nhân tôi sẽ không bao giờ tôn trọng và kết bạn với những người như vậy", Anh Thư (Học viện Báo chí tuyên truyền) nói.
"Không chỉ làm xấu hình ảnh bản thân trong mắt cộng đồng mà một số trường hợp khi bị "ném đá" sẽ rơi vào trạng thái ức chế, trầm cảm hoặc khủng hoảng", thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long bổ sung. Ông khuyên bạn trẻ luôn suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi thể hiện bản thân trên thế giới mạng.
"Trong thế giới phẳng, chỉ cần một cú click chuột cả thế giới đều có thể biết về bạn. Và cũng chỉ một phút nông nổi, những câu nói xấu xí của bạn trên mạng sẽ không bao giờ xóa hết được", thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ. Theo ông, sự vô tư trên có khi phải trả giá bằng việc những cơ hội tốt đẹp ở hiện tại lẫn tương lai bị tước mất.
Còn theo thạc sĩ Nhờ: "Mạng xã hội không phải là "thế giới ảo" mà rõ ràng đây là một thế giới rất thực bởi có sự tương tác giữa người và người. Chúng tạo cảm giác "ảo" bởi sự tự do ngôn luận nhưng những hậu quả, nếu có, sẽ khó thể ngờ. Nếu nặng thì phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, còn nhẹ phải xin lỗi, bồi thường. Nhưng hậu quả nặng nề nhất không đến từ nhà trường - lấy ví dụ từ bản quy định của trường Lương Thế Vinh - mà chính là những phán xét từ dư luận xã hội, sự tổn thương từ bản thân, gia đình".
Theo Tuổi Trẻ
Vết "đen" sau mỗi chuyến đi Với quan niệm "phượt" là lên đường để trải nghiệm thiên nhiên và cuộc sống, những năm gần đây, hình thức du lịch này đã trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tuy vậy, sự thiếu ý thức trên hành trình chinh phục thiên nhiên của một số cá nhân đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của dân "phượt"...