Phép thử Dự án châu Âu trong làn sóng dịch thứ hai
Chỉ hơn một tháng trước, người dân châu Âu còn hồ hởi chuẩn bị được đón một mùa Giáng sinh vui vẻ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã giảm đáng kể.
Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lắng dịu, virus SARS-CoV-2 đã bùng phát trở lại và lần này càn quét như một cuộc “tổng tấn công” vào tất cả các nước châu Âu.
Một châu Âu với khu vực Schengen không biên giới là điều kiện lý tưởng để virus “tự tung tự tác”. Châu Âu sẽ xoay sở ra sao và liệu kịch bản như làn sóng lây nhiễm thứ nhất hồi mùa Xuân có bị lặp lại?
Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Prague, CH Séc ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Có thể ví Liên minh châu Âu (EU) với gần 500 triệu dân như một nhà nước liên bang, trong đó có một thị trường chung với hệ thống luật pháp áp dụng cho tất cả các nước thành viên để đảm bảo lưu thông tự do cho người dân, hàng hóa và dịch vụ. Dự án châu Âu đã cho thấy rất nhiều điểm tích cực và tiếp tục được hoàn thiện ở tất cả các mặt. Tuy nhiên, trong những tình huống bất ngờ, sự hợp tác giữa chính phủ các nước châu Âu đôi khi lại ở thế thực sự khó khăn.
Khi dịch COVID-19 bùng phát hồi mùa Xuân, nhiều nước đã bị động, trở tay không kịp, đành chọn giải pháp “bế quan tỏa cảng”. Các nước lần lượt đóng cửa biên giới, thậm chí phong tỏa việc xuất khẩu hàng hóa, vật tư y tế. Đã có một châu Âu với những thời điểm như vậy, khi những hàng xe chất đầy hàng hóa nằm chờ kéo dài hàng chục km ở biên giới Đức-Ba Lan, hay có những khu vực phải gồng mình đương đầu với dịch bệnh (như ở miền Bắc Italy) mà không thể có được sự hỗ trợ vật tư y tế từ những quốc gia láng giềng.
Video đang HOT
Châu Âu không muốn lặp lại kịch bản này. Đó là điều đã rất thấm thía và là nội dung xuyên suốt khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp thượng đỉnh trực tuyến nhằm tìm những giải pháp chung và thống nhất cho toàn liên minh để ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai hiện nay.
“Tất cả chúng ta đang ngồi chung trên một chiếc thuyền”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã khẳng định như vậy khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU tối 29/10. Không quá khi nói rằng cả EU hiện đang là ổ dịch lớn của thế giới. Hầu như tất cả các nước EU hiện đang chứng kiến sự gia tăng mạnh số lượng các ca nhiễm mới cũng như số trường hợp tử vong. Chỉ riêng trong tuần trước, châu Âu đã ghi nhận thêm 1,3 triệu trường hợp mắc COVID-19 và khoảng 1.000 ca tử vong mỗi ngày. Các trung tâm chăm sóc đặc biệt dường như sắp quá tải, trong khi nhiều nước đã tuyên bố “Lockdown” toàn bộ hoặc từng phần để ngăn ngừa sự lây lan với tốc độ phi mã của virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế lấy xét nghiệm COVID-19 tại Prague, CH Séc, ngày 14/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc thảo luận chỉ kéo dài khoảng 3 giờ, song dường như các nhà lãnh đạo EU đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, từ chiến lược chung về xét nghiệm và tiêm chủng cho tới ứng dụng cảnh báo COVID-19 trên điện thoại di động hoạt động trên toàn EU. Theo các nhà lãnh đạo EU, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cần một cách tiếp cận chung trong việc mở rộng và triển khai xét nghiệm nhanh. Bên cạnh đó, khả năng tương tác của các ứng dụng trên điện thoại thông minh sẽ giúp hỗ trợ việc truy vết tiếp xúc, dù hiện tại các nước châu Âu đang có khoảng 20 ứng dụng cảnh báo khác nhau và hiện chỉ có ba nước sử dụng ứng dụng tương thích là Đức, Ireland và Italy. Tuy nhiên, tất cả các ứng dụng này sẽ được tương thích ngay trong tháng 11.
Bên cạnh đó, châu Âu cũng nhất trí sẽ sử dụng vaccine một cách hiệu quả khi ngay được đưa vào sử dụng, trong đó thống nhất về đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine thời điểm ban đầu. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận nhằm đi tới thống nhất về một thời gian cách ly hài hòa cũng như nghĩa vụ xét nghiệm đối với khách du lịch ở châu Âu. Ngay cả việc trao đổi thông tin về các giường bệnh chăm sóc đặc biệt cũng được thảo luận và Ủy ban châu Âu (EC) sẽ huy động khoảng 220 triệu euro cho việc di chuyển bệnh nhân tới những nơi có giường bệnh còn trống.
Từ Berlin, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, nước hiện là Chủ tịch luân phiên EU, đã kêu gọi các nước thành viên phối hợp hành động, đồng thời cảnh báo hậu quả đối với thị trường nội khối khi các nước đóng cửa biên giới trong làn sóng lây nhiễm thứ hai. Theo quan điểm của Thủ tướng Merkel, việc các nước lại đóng cửa biên giới như trước đây không những tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng hay việc đi lại, mà còn ảnh hưởng tới sự vận hành của nền kinh tế toàn châu lục, với Đức nằm ở trung tâm châu Âu. Do các nước EU ngày càng phụ thuộc vào nhau, nhiều nước đã không còn cơ chế có thể tự cung tự cấp sản xuất những thứ cần thiết, nên việc đóng cửa biên giới có thể gây những hậu quả rất lớn. Một châu Âu liên minh, hay một nước Đức liên bang, đều cần có những hành động phối hợp và thống nhất để có thể cùng chiến đấu chống đại dịch COVID-19.
Chỉ trước đó một ngày, Chính phủ liên bang và các bang ở Đức đã nhất trí cùng triển khai các biện pháp quyết liệt để chống dịch. Đây cũng là lần hiếm hoi, chính quyền trung ương và 16 bang ở Đức cùng nhất trí về các biện pháp chống dịch, khi mà con số lây nhiễm mới hằng ngày tăng mạnh và luôn ghi nhận mức đỉnh mới, trong khi hầu hết các cơ sở y tế ở Đức đang phải căng mình và nhiều nơi quá tải trong việc truy vết tiếp xúc. Theo Thủ tướng Merkel, đại dịch hiện nay như một phép thử đối với châu Âu về tính hợp pháp và hiệu quả của hệ thống kinh tế- xã hội trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, song điều yên tâm là châu Âu đã có chuẩn bị tốt hơn so với khi bắt đầu đại dịch.
Chuyên gia nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 trong phòng thí nghiệm tại Burgess Hill, Anh, ngày 15/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Một thực tế là châu Âu có rất nhiều ưu việt trong một liên minh với nhiều chính sách chung, song dường như lại có rất ít tiếng nói chung trong chính sách y tế. Đơn cử như việc thảo luận để thống nhất quy tắc “đèn giao thông” để đánh giá các điểm nóng COVID-19 cũng phải mất rất nhiều thời gian. Một mặt cam kết hợp tác, song các nước EU lại không muốn mất sự tự do riêng và đó thực sự là rào cản đối với mục tiêu đạt được một hướng đi chung. Chủ tịch EC Michel trước đó cũng tuyên bố sự hợp tác khẩn cấp giữa các nước EU cho đến nay mới chỉ ở mức cầm chừng, chưa có tác dụng để ngăn ngừa đợt đại dịch thứ hai.
Từ sau Hội nghị thượng đỉnh EU cách đây hai tuần, các nhà lãnh đạo châu Âu dù đã nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống COVID-19, song kể từ đó, số lượng ca nhiễm mới lại tăng lên đáng kể ở khắp nơi. Việc các nước tự do hành động, với EU, thực sự là mối đe dọa hiện hữu. Nhà ngoại giao kỳ cựu người Italy Stefano Stefanini cho rằng, khi các nước chỉ hành động vì lợi ích riêng, tinh thần đoàn kết ở châu lục sẽ bị lung lay và người dân châu Âu sẽ hoài nghi về sự hiện diện của liên minh này.
Như đánh giá của Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, châu Âu đang ở giữa làn sóng lây nhiễm thứ hai, đây sẽ là một “mùa Thu và mùa Đông khó khăn” và sẽ chỉ có thể thấy “ánh sáng cuối đường hầm” vào mùa Hè năm tới. Tất nhiên, mỗi nước châu Âu, với điều kiện và hoàn cảnh riêng, sẽ có những giải pháp khác nhau trong cuộc chiến chống COVID-19, song về tổng thể, EU cần có khuôn khổ và cách tiếp cận chung để có thể đảm bảo sự ổn định của Dự án châu Âu. Có như vậy, châu Âu mới có thể vượt qua bài thử nghiệm khó khăn hiện nay và hoàn thiện hơn trong việc gắn kết, hội nhập châu lục.
Dịch COVID-19: Chuyên gia Mỹ hối thúc chính phủ siết chặt các biện pháp phòng dịch
Ngày 29/10, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng tại khu vực Trung Tây và miền Tây nước này, đồng thời hối thúc chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh hơn để kiểm soát dịch.
Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ra nhà xác dã chiến tại một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 8/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Khu vực trên bao gồm cả những bang chiến địa sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 3/11 tới. Trả lời phỏng vấn, ông Fauci cho rằng chính sách phòng dịch hiện nay đang đi sai hướng, khi số ca nhiễm tăng lên tại 47 bang và các bệnh viện trên cả nước đều đang quá tải. Ông cảnh báo nếu tình hình kéo dài, thì số ca nhiễm, nhập viện và tử vong sẽ tăng mạnh.
Theo hãng tin Reuters, có 13 bang, chủ yếu tại vùng Trung Tây và miền Tây, đã ghi nhân số ca nhập viện kỷ lục trong ngày 28/10. Wisconsin là 1 trong 36 bang có tỷ lệ nhập viện tăng ít nhất 10% so với tuần trước, trong khi bang Michigan có số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày là 3.500 ca.
Theo trang thống kê worldometers.info, Mỹ hiện có tổng cộng hơn 9 triệu ca nhiễm và hơn 233.000 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Âu, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đang phải tự cách ly sau khi thư ký của ông dương tính với virus SARS-CoV-2. Văn phòng Tổng thống Bulgaria cho biết ông Radev sẽ tiếp tục làm việc từ xa.
Trước đó, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov và Thống đốc Ngân hàng trung ương Dimitar Radev cũng đã tự cách ly vì lý do tương tự. Bulgaria hiện có tổng cộng 45.461 ca nhiễm và 1.197 ca tử vong do COVID-19.
Cùng ngày, vùng Catalonia của Tây Ban Nha đã thông báo cấm ra vào khu vực này trong 15 ngày. Đây là biện pháp mới nhất trong loạt biện pháp hạn chế của các chính quyền địa phương nhằm khống chế dịch.
Catalonia là một trong những điểm nóng dịch bệnh của Tây Ban Nha. Trước đó, khu vực này cũng đã áp dụng một số biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất. Trong thông báo mới nhất, chính quyền vùng Catalonia cũng tuyên bố sẽ gia hạn việc đóng cửa các quán bar và nhà hàng thêm 15 ngày.
Tại Pháp, công viên giải trí Disneyland ở thủ đô Paris sẽ đóng cửa trở lại sau khi giới chức Pháp áp lệnh phong tỏa để chống làn sóng lây nhiễm thứ hai. Trước đó, công viên Disneyland ở Paris đã đóng cửa vào tháng 3 để chống dịch và mở lại vào tháng 7. Theo kế hoạch, công viên sẽ đóng cửa vào cuối ngày 29/10.
Những công viên khác của Walt Disney ở Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và Florida (Mỹ) vẫn đang mở cửa nhưng hạn chế số du khách, đồng thời áp dụng các biện pháp an toàn để hạn chế dịch lây lan.
Theo số liệu cơ quan y tế Thụy Điển công bố ngày 29/10, nước này đã ghi nhận thêm 2.820 ca nhiễm mới trong ngày 28/10, mức cao nhất kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát tại đây, nâng tổng số ca nhiễm lên 121.167 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 7 ca lên 5.934 ca. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng bổ sung khuyến cáo y tế đối với 3 khu vực mới, trong đó có thành phố Stockholm và Gothenburg.
Australia sẽ bước vào giai đoạn bình thường mới với Covid-19 vào dịp Giáng sinh Hôm 23/10, Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố kế hoạch đưa nước này bước vào giai đoạn bình thường mới vào dịp Giáng sinh năm nay. Trong kế hoạch này, Australia cũng dự định mở cửa biên giới với một số quốc gia có nguy cơ thấp về dịch Coivid-19. Phát biểu sau cuộc họp nội các liên bang diễn ra vào...