Phép màu 90 giây giúp 379 người trên máy bay Nhật thoát nạn trong gang tấc
Việc 379 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay Nhật Bản thoát hiểm an toàn khi gặp sự cố được xem là kỳ tích may mắn.
Máy bay bốc cháy tại Nhật Bản hôm 2/1 (Ảnh: AP).
Chiều 2/1, máy bay JAL516 của hãng hàng không Japan Airlines khởi hành từ Hokkaido và hạ cánh xuống sân bay Haneda ở Tokyo, chở theo 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.
Một sự cố hy hữu đã xảy ra ngay khi JAL516 hạ cánh, máy bay đã va chạm với một máy bay cỡ nhỏ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản trên đường băng. Hai máy bay bốc cháy ngùn ngụt ngay sau đó, nhưng toàn bộ gần 400 người trên JAL516 đã sơ tán an toàn sau khoảng 20 phút.
Graham Braithwaite, chuyên gia về an toàn bay tại Đại học Cranfield ở Anh, nói với Business Insider rằng thiết kế của máy bay, chương trình đào tạo bài bản cùng trình độ cao của nhân viên hãng hàng không có thể là chìa khóa để ngăn chặn thảm họa.
90 giây để thoát hiểm
Những video quay lại từ bên trong máy bay cho thấy máy bay tràn ngập khói khi hành khách sơ tán, trong khi hành khách trượt xuống cầu trượt bơm hơi và chạy khỏi máy bay khi ngọn lửa nhấn chìm động cơ.
Ngay sau đó, máy bay đã bị lửa thiêu rụi bất chấp nỗ lực của lực lượng cứu hỏa.
Chuyên gia Braithwaite cho biết, theo các quy tắc an toàn, các nhà thiết kế máy bay phải chứng minh rằng một máy bay có thể được sơ tán chỉ trong 90 giây và có 50% lối thoát hiểm nếu xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, ông Braithwaite nói rằng, nguyên tắc này khó có thể đảm bảo trong bối cảnh sự hoảng loạn bao trùm máy bay sau sự cố như vụ tai nạn hôm 2/1, và những hành khách dễ bị tổn thương, như trẻ em và người già, cần thêm thời gian để đến nơi an toàn.
“Hãy nhớ rằng những bài kiểm tra như vậy không diễn ra trong môi trường căng thẳng cao độ (như vụ tai nạn hôm 2/1)”, ông Braithwaite nói.
Trong hoàn cảnh đó, nỗ lực của phi hành đoàn trên máy bay JAL516 trong việc sơ tán hành khách thực sự rất ấn tượng. Không có trường hợp tử vong nào trên máy bay và chỉ có 17 hành khách bị thương nhẹ.
Bên trong máy bay chở gần 400 người ở Nhật Bản gặp nạn
Chuyên gia an ninh hàng không Jeffrey Price gọi việc mọi người trên chuyến bay của hãng hàng không Japan Airlines đều được sơ tán an toàn là một “phép màu”.
“Điều này không chỉ cho thấy hành động phi thường của phi hành đoàn, mà còn của chính hành khách khi có thể đưa nhiều người ra khỏi máy bay một cách nhanh chóng trước khi máy bay hoàn toàn chìm trong biển lửa”, chuyên gia Price, giáo sư về hàng không tại Đại học Denver, nhận định.
Theo ông Price, “điều kỳ diệu hơn nữa là các hành khách trên máy bay vẫn giữ được bình tĩnh và không hoảng sợ”. Nếu họ mất bình tĩnh và hoảng sợ, điều đó càng dẫn đến sự hỗn loạn và khiến nhiều người thiệt mạng hơn.
Ông Price cho biết mặc dù có các đơn vị cứu hộ và chữa cháy máy bay tại các sân bay, nhưng phải mất ít nhất 3 phút trước khi lực lượng ứng cứu khẩn cấp có mặt tại hiện trường.
“Mất khoảng 90 giây để ngọn lửa cháy xuyên qua thân máy bay. Dựa trên những con số đó, hành khách và phi hành đoàn gần như phải tự mình xử lý trong khoảng 1-2 phút đầu trong trường hợp khẩn cấp trước khi có sự trợ giúp”, chuyên gia Price nói thêm.
Ông cho biết cuộc sơ tán diễn ra thành công “cũng nói lên độ bền của máy bay hiện đại và cho thấy chúng được thiết kế tốt như thế nào”.
“Các quy trình đã được cải tiến vì máy bay ngày càng lớn hơn nên tất cả hành khách có thể được sơ tán trong 90 giây. Tiếp viên hàng không trên một số hãng hàng không giờ đây cũng có thể khởi động cuộc sơ tán nếu có thảm họa, giúp tiết kiệm những giây phút quan trọng bằng cách không đợi cơ trưởng khởi động (quá trình sơ tán)”, một phi công châu Âu nhận định.
Thiết kế máy bay
Các máy bay của hãng hàng không Japan Airlines (Ảnh: Getty).
Hỏa hoạn trên máy bay từ lâu đã được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự an toàn của máy bay, vì máy bay chạy bằng nhiên liệu rất dễ bắt lửa và có rất nhiều vật liệu dễ cháy trên máy bay.
Chuyên gia Braithwaite giải thích rằng các cabin máy bay, chẳng hạn cabin của chiếc Airbus A350 mới gặp nạn hôm 2/1 ở Nhật Bản, được thiết kế bằng vật liệu đặc biệt để ngăn lửa lan nhanh và tạo ra khói độc.
Máy bay hiện đại được thiết kế sao cho có thể dễ dàng tiếp cận lối thoát hiểm ở bất cứ nơi nào hành khách ngồi, trong khi hệ thống đèn sẽ cho biết vị trí của các lối thoát hiểm trong điều kiện tầm nhìn kém, chẳng hạn khi khói lan rộng.
Tuy vậy, yếu tố may mắn cũng góp một phần vào việc ngăn chặn thảm họa hàng không.
Chuyên gia Braithwaite cho biết, các yếu tố như thân máy bay có bị hư hại trong vụ tai nạn hay vai trò của lính cứu hỏa trong nỗ lực dập lửa có thể giúp hành khách có thêm những phút giây quý giá để thoát hiểm.
Một nghiên cứu vào năm 2002 cho thấy các phi công có khoảng 17 phút để hạ cánh máy bay an toàn nếu phát hiện có hỏa hoạn trên máy bay. Vì vậy, việc máy bay chở khách đã may mắn hạ cánh khi vụ tai nạn xảy ra ở Nhật Bản là một yếu tố quan trọng, giúp hành khách có thời gian thoát ra ngoài.
Theo ông Braithwaite, hãng hàng không Japan Airlines từ lâu đã có cách tiếp cận “tuyệt vời” về an toàn của hành khách.
“Sự cống hiến của họ trong nỗ lực cải thiện sự an toàn đã ăn sâu vào tổ chức và họ có văn hóa rất mạnh mẽ trong việc tuân thủ các quy trình vận hành tiêu chuẩn”, ông nói thêm.
Ông cho biết tất cả nhân viên của hãng hàng không đều được huấn luyện ở một trung tâm an toàn hàng không đặc biệt tại trụ sở chính của hãng, nơi họ được đào tạo về những hậu quả tiềm ẩn nếu xảy ra sự cố và cần bao nhiêu công sức để đảm bảo an toàn cho hành khách.
“Tôi nghĩ rằng văn hóa của Japan Airlines sẽ tạo ra sự khác biệt to lớn đối với kết quả của sự kiện bi thảm này”, chuyên gia Braithwaite nhấn mạnh.
“Họ có văn hóa rất nghiêm ngặt về các quy trình vận hành tiêu chuẩn và thực hiện mọi việc đúng cách. Đó là một trong những lý do trong trường hợp này, tôi nghĩ phi hành đoàn dường như đã thể hiện rất tốt”, ông nói.
Một phi công của một hãng hàng không lớn ở châu Âu nói với CNN rằng ông “đặc biệt ấn tượng với các phi công, phi hành đoàn và hành khách vì những điều giống như là một cuộc sơ tán trong sách giáo khoa trong điều kiện khắc nghiệt nhất”.
Chùm ảnh: Máy bay bốc cháy dữ dội, 379 người thoát nạn trong gang tấc
Máy bay của Hãng Japan Airlines va chạm với máy bay của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản tại sân bay Haneda và bốc cháy dữ dội.
Toàn bộ 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay của Hãng Japan Airlines đã thoát khỏi đám cháy kinh hoàng bùng lên sau khi máy bay va chạm với một máy bay của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản tại Sân bay Haneda ở Tokyo vào ngày 2.1. Ảnh AFP
Hình ảnh tại hiện trường cho thấy chiếc Airbus A350 của Japan Airlines bốc cháy và trượt trên đường băng sau khi hạ cánh. Ảnh REUTERS
Video cho thấy máy bay chở khách của hãng Japan Airlines cháy rực sau khi va chạm một máy bay khác tại sân bay ở Tokyo hôm 2.1
Lực lượng cứu hỏa tại sân bay nhanh chóng chữa cháy, nhưng ngọn lửa bùng lên rất mạnh. Ảnh REUTERS
May mắn là mọi người thoát nạn trong gang tấc, trong khi một trong 6 người trên máy bay tuần duyên thoát nạn, nhưng chưa rõ số phận 5 người còn lại. Ảnh REUTERS
Sự việc xảy ra khi máy bay của Lực lượng Tuần duyên dự định chở hàng cứu trợ cho các nạn nhân động đất ở Nhật. Ảnh REUTERS
Máy bay bốc cháy nhìn từ xa. Ảnh REUTERS
Nhiều người theo dõi sự việc tại sân bay Haneda. Ảnh REUTERS
Người phát ngôn của Japan Airlines cho biết máy bay đã khởi hành từ sân bay Shin-Chitose trên đảo Hokkaido phía bắc. Ảnh REUTERS
Sân bay Haneda tạm đóng cửa tất cả các đường băng sau sự việc. Ảnh REUTERS
Lực lượng cứu hỏa chữa cháy tại hiện trường. Ảnh REUTERS
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp nhanh chóng đánh giá thiệt hại và cung cấp thông tin công khai. Ảnh REUTERS
Tiêm kích F-35 của Mỹ bị rơi, chưa tìm thấy xác máy bay Một tiêm kích F-35B Lightning II của Mỹ gặp sự cố khiến phi công phải phóng ghế thoát hiểm, và xác máy bay hiện chưa được tìm thấy. Theo hãng tin RT, tiêm kích tàng hình F-35B của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Căn cứ không quân Beaufort thuộc bang Nam Carolina đã gặp sự cố vào khoảng 14h (giờ...