Phe nổi dậy Syria tuyệt vọng cố thủ ở Homs
Lực lượng chiến binh nổi dậy ngày một suy yếu của Syria đang tuyệt vọng cố thủ ở Homs khi quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad phát động chiến dịch tấn công ác liệt nhất nhằm đánh bật họ ra khỏi trung tâm thành phố Homs. Đây từng là thủ phủ của phong trào nổi dậy.
Một khu vực chiến trường đổ nát ở Syria
Một số trong số hàng trăm chiến binh nổi dậy đang cố thủ ở trong thành phố đã bắt đầu nói đến chuyện đầu hàng, các nhà hoạt động đối lập có mặt tại Homs cho biết. Một số khác đang đáp trả vòng vây thắt chặt của quân đội Syria bằng những vũ đánh bom tự sát nhằm vào các quận nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ. Một số chiến binh quay sang chống lại những “đồng đội” mà họ nghi ngờ là muốn “đào ngũ”, đẩy những người này ra làn lửa đạn đối phó với quân chính phủ.
“Chúng tôi nghĩ rằng, Homs sắp thất thủ”, một nhà hoạt động tự xưng là Thaer Khalidiya cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP. Theo ông này, “trong vài ngày tới, Homs có thể sẽ hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của chính quyền Syria”.
Cuộc chiến ở Homs đã cho thấy quyết tâm của Tổng thống Assad trong việc đánh cho phe nổi dậy thua tan tác trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 3/6 tới. Mục tiêu của ông Assad là dồn cho phe nổi dậy phải lùi hẳn xa hơn nữa về phía những nơi tiếp viện cho họ ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài Homs, quân đội trung thành với Tổng thống Assad đang liên tiếp giành chiến thắng trên một loạt mặt trận khác. Quân chính phủ gần như đã quét sạch các chiến binh nổi dậy ra khỏi một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía nam của Homs, giữa thủ đô Damascus và biên giới Li-băng, đồng thời phá vỡ rất nhiều tuyến đường tiếp viện cho phe nổi dậy ở khu vực này. Phe nổi dậy cũng đầu hàng ở một loạt thành phố xung quanh thủ đô Damascus do không chịu nổi với tình trạng đói khổ gây ra từ chiến dịch bao vây, thắt chặt thòng lọng xung quanh các khu vực ngoại ô thủ đô của quân chính phủ.
Homs – thành phố lớn thứ ba của Syria, là một mục tiêu quan trọng. Nằm ở trung tâm của đất nước, cách thủ đô Damascus về phía bắc khoảng 130km, Homs nối giữa thủ đô với thành phố Aleppo ở phía bắc. Aleppo là thành phố lớn nhất Syria và là một chiến trường ác liệt hàng đầu. Tuy nhiên, phe nổi dậy vẫn còn kiểm soát được nhiều vùng nông thôn rộng lớn ở phía bắc và phía nam Aleppo. Lực lượng nổi dậy cũng đã củng cố chỗ đứng vững chắc ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
“Thất thủ toàn diện ở Homs sẽ là một tổn thất nghiêm trọng đối với phe nổi dậy”, ông Charles Lister – một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Doha Brookings, cho biết.
“Quân đội từ lâu đã tập trung rất lớn vào Homs chính xác vì sự quan trọng của thành phố này”, ông Lister nhận định.
Trong hơn một năm qua, quân chính phủ đã bao vây phe nổi dậy ở một loạt quận mà họ chiếm được ở Homs. Chỉ cách đây một tuần, quân đội trung thành với ông Assad đã tăng cường chiến dịch tấn công vào các quận do phe nổi dậy kiểm soát, tấn công họ bằng xe tăng, súng cối và những cuộc không kích. Quân chính phủ hiện tại đã tiến được vào hai quận Wadi al-Sayih và Bab Houd.
Những đoạn băng hình được tung lên mạng cho thấy các vụ nổ nổ lớn xảy ra khi đạn được bắn vào các toà nhà, tạo ra những cột khói trắng. Người ta nghe thấy những chiến binh nổi giận hét lên về việc họ bị bỏ rơi và hát rằng chỉ có Thánh Alah mới có thể giúp được họ.
Video đang HOT
Bên trong thành phố Homs, phe nổi dậy đã bị suy yếu nghiêm trọng do phải đối mặt với nhiều tháng trời bị quân chính quyền bao vây, phong toả đồng thời mất đi các tuyến đường tiếp viện từ Li-băng.
Hàng trăm các chiến binh đã đầu hàng trong một loạt đợi ngừng bắn do Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian bắt đầu từ hồi tháng 11 năm ngoái.
Các nhà hoạt động nhận định, đây là đợt tấn công mạnh mẽ nhất của quân chính quyền vào Homs kể từ mùa hè năm ngoái khi quân của ông Assad chiếm lại được khu vực Khalidiya.
Số người thiệt mạng trong chiến dịch tấn công vừa qua chưa được biết đến bởi vì cả hai bên đầu không thông báo về tổn thất của bên mình.
Chiếm được Homs, quân Assad sẽ thắng lớn
Nếu quân của Tổng thống Assad chiếm lại được Homs, đây sẽ là thắng lợi lớn, là cú huých lớn cho ông này khi ông chuẩn bị tái tranh cử nhiệm kỳ mới trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Rõ ràng, chiến thắng ở Homs sẽ làm tăng thêm niềm tin cho rằng, chính phủ của ông Assas cuối cùng cũng sẽ giành chiến thắng trong cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn 3 năm qua. Cuộc chiến ở Syria đã bước sang năm thứ 4 với hơn 150.000 người thiệt mạng và 1/3 dân số Syria đang rơi vào cảnh sống không nhà không cửa.
Tổng thống Assad được cho là sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 3/6 tới và sẽ tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ kéo dài 7 năm nữa.
Việc chính quyền của Tổng thống Assad tự tin tổ chức cuộc bầu cử vào tháng 6 đã vấp phải phản ứng dữ dội của phương Tây. Mỹ cùng với các đồng minh đã không tiếc lời chỉ trích ông Assad.
Vân Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Dân Syria tỉnh giấc mộng, rơi xuống "địa ngục"?
Thành phố phía đông Raqqa từng vỡ oà trong niềm phấn khích sau khi người dân thức dậy vào một buổi sáng tháng 3 và thấy đợt quân trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad cuối cùng rời đi. Tin rằng một thời kỳ tự do mới đã đến, họ tự hứa sẽ biến Raqqa - thành phố đầu tiên và duy nhất rơi vào quyền kiểm soát hoàn toàn của phe nổi dậy, trở thành một điển hình của thời kỳ hậu Assad.
Ảnh minh hoạ
"Vào thời điểm đó, tất cả chúng tôi đều hạnh phúc với cuộc giải phóng này và việc ai có mặt ở thành phố của chúng tôi lúc đó không quan trọng. Raqqa là cho tất cả người dân Syria và tất cả những ai đã giúp chúng tôi giải phóng nó", một người dân ở thành phố Raqqa cho biết. Tuy nhiên, sự vui mừng, phấn khích đó kéo dài không lâu.
Trong những tuần sau đó, các nhà tù lần lượt xuất hiện tại những toà nhà công cộng, nguồn điện bị cắt đứt và các cửa hàng bị cấm bán thuốc lá vì hành động này bị những kẻ cực đoan coi là chống lại đạo Hồi. Thành phố Raqqa bắt đầu bị tuần tra bởi các chiến binh Hồi giáo cực đoan che mặt.
"Họ cũng bắt đầu đóng cửa các trường đại học, nói rằng vì học sinh nữ cũng đang theo học ở đây nên trường cần phải đóng cửa", một người dân có con trai là một nhà hoạt động truyền thông và hiện đang bị các chiến binh Hồi giáo truy nã cho biết.
Diễn biến trên đang diễn ra trên khắp khu vực phía bắc Syria sau khi Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) có liên quan đến Al-Qaeda ngày càng mạnh lên và ngày càng thắt chặt quyền kiểm soát của họ đối với nhiều khu vực.
"Khi thành phố Raqqa được giải phóng, chúng tôi cứ ngỡ rằng, từ bây giờ chính quyền đã bị trục xuất ra khỏi đây và thời kỳ tự do bắt đầu. Mọi người bắt đầu dọn dẹp đường phố. Chúng tôi ngỡ như mình đang sống trong một giấc mơ. Đó là một giấc mơ và họ đã giết chết giấc mơ đó", một người dân khác, giống như hầu hết những người khác ở Raqqa muốn giấu tên vì sợ bị trả thù, cho biết.
Lực lượng chiến binh Hồi giáo đã chiếm các toà nhà chính phủ, biến chúng thành trụ sở và các nhà tù. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết, một nhà thờ của người Armenia ở Raqqa đã bị biến thành một văn phòng và một nhà thờ khác biến thành toà nhà quản lý hành chính.
Các chiến binh Hồi giáo cực đoan tiến hành những vụ xử tử công khai ở một quảng trường chính, làm dấy lên nỗi sợ hãi trong khắp người dân và bóp nghẹt bất kỳ hành động phản kháng nào. Trong ngày, chỉ có một vài cửa hàng mở cửa, bán những loại lương thực, thực phẩm thiết yếu. Vào buổi đem, đường phố tịnh không bóng người, người dân ở Raqqa cho hay.
"Mạng lưới điện toàn thành phố bị cắt, chỉ những toà nhà của lực lượng chiến binh là có điện. Cả thành phố chìm trong bóng tối trong khi họ có ánh sáng", một nhà hoạt động trốn khỏi Raqqa cách đây vài tuần cho biết.
Một nhà hoạt động di chuyển từ Raqqa đến tỉnh tây bắc Idlib đã đổ lỗi cho Quân đội Syria Tự do về việc đã cho phép các chiến binh Hồi giáo tiếp quản thành phố Raqqa.
"Tất cả những gì mà các chiến binh của Quân đội Syria Tự do quan tâm chỉ là cướp bóc và tích trữ tiền của. Ngay từ ngày đầu giải phóng Raqqa, họ đã để thành phố này lại cho nhóm ISIL", nhà hoạt động trên cho biết.
Người dân địa phương cho hay, họ chẳng biết gì nhiều về các chiến binh. Lực lượng này bao gồm cả người Iraq, người Ả-rập ở vùng Vịnh, nguời Libya và họ thường giấu danh tính đằng sau những chiếc mũ che kín mặt và tránh trò chuyện.
"Ban đầu, những tay súng che kín mặt tỏ ra rất tốt với mọi người. Họ giúp mọi người ở đây", một người dân tầm 40 tuổi kể lại. Tuy nhiên, sau đó, vấn đề bắt đầu nảy sinh, đặc biệt là sau khi ISIL bắt đầu tiến hành các vụ hành quyết công khai những người từng ủng hộ cuộc nổi dậy và thậm chí cả những chiến binh nổi dậy giúp họ tiếp quản thành phố.
"Họ bắt đầu ám sát các thủ lĩnh của Quân đội Syria Tự do. Họ đốt phá các nhà thờ, phá huỷ các bức tượng trong công viên và cướp bóc các viện bảo tàng, nói rằng tượng hay hình ảnh đều là chống lại đạo Hồi", cha của nhà hoạt động bị truy nã cho biết thêm.
Nỗi kinh hoàng mang tên chiến binh Al-Qaeda
Những chiến binh nổi dậy có liên quan đến tổ chức Al-Qaeda như thành viên của ISIL đang trở thành nổi kinh hoàng cho người dân Syria . Lực lượng này từng tiến hành nhiều vụ hành quyết gây ớn lạnh như chặt đầu và bêu đầu ở những khu vực công cộng đông người qua lại.
Khi được hỏi về mục tiêu của nhóm ISIL, một thủ lĩnh của nhóm này cho biết, họ vẫn đang chiến đấu nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad nhưng cũng tìm cách thiết lập luật Hồi giáo ở đất nước Syria.
Từ cách đây nhiều tháng, đã có không ít các chuyên gia, nhà phân tích lên tiếng cảnh báo về viễn cảnh ớn lạnh nhất khi lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan và khủng bố lên ngôi thống trị ở đất nước Syria đang bị giày xéo bởi chiến tranh. Ác mộng này dường như ngày càng đến gần hơn khi mà dòng chiến binh nước ngoài có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda ồ ạt đổ vào Syria, tạo thành một lực lượng có sức mạnh ngày càng gia tăng và ngày càng giành thế áp đảo trong phe nổi dậy.
Khi mới chân ướt, chân ráo nhập cuộc vào cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria, lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan còn tỏ ra đoàn kết, thống nhất với các phe nhóm nổi dậy chính thống, ôn hòa. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad. Vì thế, trong một thời gian đầu, phe nổi dậy với sức mạnh đang lên đã liên tiếp giáng những đòn mạnh mẽ vào quân chính phủ, khiến chính quyền của ông Assad nhiều lần chao đảo.
Tuy nhiên, càng về sau này, khi đã quen với chiến trường ở Syria, các thành phần Hồi giáo cực đoan và khủng bố bắt đầu bộc lộ những mưu đồ riêng, tách hẳn với mục đích ban đầu của cuộc nổi dậy. Lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan và khủng bố muốn xây dựng một đất nước Syria dưới sự quản lý của đạo Hồi - đây là điều mà người dân Syria và bản thân phe nổi dậy chính thống không hề mong muốn, nếu không nói là rất sợ hãi nếu nó thực sự xảy ra. Có thể nói, nhiều người dân Syria dường như vừa choàng tỉnh giấc mộ và đang lo sợ về viễn cảnh khủng khiếp trước mắt.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Phe nổi dậy Syria ngắc ngoải, tự cắn xé Một quan chức chính phủ Syria vừa cho hay, quân đội hôm nay 8/7 đã chiếm lại được một quận thuộc thành phố chiến lược Homs từ tay phe nổi dậy sau 10 ngày giao tranh ác liệt ở đây. Tuy nhiên, hai nhà hoạt động có mặt trong thành phố lại bác bỏ thông tin trên, nói rằng phe nổi dậy dù...