Phe nổi dậy Syria đang như “rắn mất đầu”?
Phe nổi dậy Syria được phương Tây hậu thuẫn đang rơi vào tình trạng rối loạn, như rắn mất đầu, sau khi thủ lĩnh của lực lượng này được cho là chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ trong khi hai đồng minh thân nhất là Washington và London thẳng tay cắt viện trợ.
Các chiến binh thuộc Quân đội Syria Tự do
Hôm 11/12, Mỹ và Anh bất ngờ đồng loạt tuyên bố ngừng viện trợ cho phe nổi dậy ở phía bắc Syria sau khi các chiến binh Hồi giáo chiếm kho vũ khí của lực lượng ôn hòa được hai cường quốc trên hậu thuẫn. Quyết định của Washington và London cho thấy, phương Tây đặc biệt lo ngại về viễn cảnh những thứ mà họ cung cấp cho phe nổi dậy Syria, đặc biệt là vũ khí, rơi vào tay những thành phần cực đoan.
Đương nhiên phe nổi dậy Syria không khỏi ngỡ ngàng và sốc nặng khi phải hứng chịu cú giáng chí tử không phải từ kẻ thù mà từ chính những nước từng hậu thuẫn mạnh mẽ cho họ trong cuộc chiến nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Mất sự trợ giúp của Mỹ và Anh, phe nổi dậy chính thống theo đường lối ôn hoà của Syria không chỉ mất đi nguồn tiếp tế vô cùng cần thiết cho họ trong lúc này mà còn khiến uy tín, hình ảnh và vị thế của họ thêm tổn thất.
Sự “xuống dốc” của Quân đội Syria Tự do – lực lượng nổi dậy ôn hoà được phương Tây hậu thuẫn, diễn ra đúng thời điểm trước thềm hội nghị hoà bình Geneva II dự kiến diễn ra vào tháng 1. Phe nổi dậy ôn hoà đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Assad tại hội nghị này nhưng lực lượng chiến binh Hồi giáo đang lên lại nhất quyết tẩy chay các cuộc đàm phán hoà bình. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng, dù phe đối lập và chính quyền Syria có ký với nhau được một thoả thuận thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì bởi nó sẽ khó lòng được thực hiện khi mà những nhóm có ảnh hưởng như lực lượng chiến binh Hồi giáo không chịu thừa nhận.
Hội nghị Geneva 2 diễn ra sau hội nghị Geneva 1 hồi năm ngoái. Hội nghị lần này sẽ được tổ chức ở thành phố Montreux của Thuỵ Sỹ với số nước được mời ước tính lên tới 30 quốc gia, trong đó có những “người chơi” chính trong khu vực như Iran – ủng hộ cho chính quyền, và Ả-rập Xê-út – hậu thuẫn mạnh mẽ hco phe nổi dậy Syria.
Hội nghị được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 22/1 nhằm mục đích tìm một giải pháp chấm dứt cho cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua và cướp đi sinh mạng của khoảng 126.000 người. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria còn đẩy hàng triệu người vào cảnh không nhà không cửa, bao gồm cả hàng nghìn người đang sống tạm bợ ở những lều trại dựng tạm với tuyết bao phủ.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, không có phe nhóm nổi dậy có vũ trang nào khẳng định họ sẽ tham gia vào cuộc đàm phán hoà bình sắp tới. Trong khi đó, các nhóm Hồi giáo thậm chí còn cảnh báo, bất kỳ ai trong nội bộ phe nổi dậy đến hội nghị đó đều được coi là “những kẻ phản bội”.
Video đang HOT
Mặt trận Hồi giáo đè bẹp Quân đội Syria Tự do?
Mặt trận Hồi giáo – một liên minh vừa mới được thành lập hồi tháng trước, hiện tại đang là lực lượng lớn nhất và mạnh nhất của phe nổi dậy với số lượng chiến binh lên tới hàng chục nghìn. Liên minh này không bao gồm những nhóm Hồi giáo cực đoan có liên quan đến tổ chức khủng bố Al-Qaeda như Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) hay Mặt trận Al-Nusra.
Tuy nhiên, hồi tuần trước, Mặt trận Hồi giáo đã tuyên bố rút ra khỏi Hội đồng Quân sự Tối cao của Quân đội Syria Tự do do Tướng Selim Idriss dẫn đầu. Và trong tuần qua, Mặt trận Hồi giáo đã khiến các nước phương Tây sốc khi chiếm Bab al-Hawa ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và kho vũ khí ở đây từ chính tay của Hội đồng Quân sự Tối cao Syria.
Diễn biến trên đã ngay lập tức vấp phải phản ứng từ Anh, Mỹ. Hai cường quốc này đồng loạt lên tiếng tuyên bố cắt viện trợ cho Quân đội Syria Tự do, giáng một đòn mạnh vào lực lượng đang ở thế bị mắc kẹt giữa quân chính phủ và những chiến binh Hồi giáo.
“Trong khi có một thực tế đang diễn ra rõ ràng là các chiến binh Hồi giáo đang ngày càng mạnh lên thì Hội đồng Quân sự Tối cao Syria (SMC) cũng ngày càng suy yếu và mất dần ảnh hưởng”, ông Aron Lund – một chuyên gia về cuộc nổi dậy Syria, nhận định.
Tình hình của Quân đội Syria Tự do càng thêm bi đát khi có thông tin cho rằng thủ lĩnh của lực lượng này – Tướng Salem Idriss đã chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp đó là Qatar sau khi xảy ra vụ Mặt trận Hồi giáo chiếm Bab al-Hawa. Nếu thông tin này là chính xác thì phe nổi dậy ôn hoà thực sự đang ở trong tình thế như rắn mất đầu, hoang mang, lo lắng. Thiếu người dẫn dắt, mất nguồn tiếp viện chính, việc phe nổi dậy Syria rơi vào rối loạn là điều không tránh khỏi.
Trong thời gian qua, nhiều chiến binh của Quân đội Syria Tự do đã đào ngũ sang các lực lượng mạnh hơn, có ảnh hưởng hơn trong phe nổi dậy. Làn sóng này được cho là sẽ mạnh lên sau những diễn biến mới nhất nói trên.
Nhận định về tình hình này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm qua (12/12) cho biết, sự thụt lùi, suy yếu của phe nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn đang là “một vấn đề rất lớn” và Mỹ đang đánh giá tổn thất.
Tuy nhiên, ông chủ Lầu Năm Góc vẫn khẳng định sẽ tiếp tục ngừng cung cấp các mặt hàng viện trợ không gây sát thương cho phe nổi dậy Syria cho đến khi họ có thể biết được chính xác ai đang nắm quyền kiểm soát kho vũ khí ở Bab al-Hawa.
Bộ trưởng Hagel cho biết, có “những nhân tố rất nguy hiểm” trong phe đối lập đang “gây rắc rối cho sự ủng hộ của chúng tôi dành cho phe nổi dậy Syria”.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Mỹ đã mất đồng minh Syria như thế nào?
Khi Mỹ thúc đẩy một cuộc họp thượng đỉnh với hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria thì chính quyền của Tổng thống Barack Obama mới chợt nhận ra rằng, họ đang bị xa lánh bởi phe nổi dậy chính thống, ôn hoà mà họ đã cố gắng hậu thuẫn trong suốt hơn 2 năm qua.
Ảnh minh hoạ
Chính quyền Obama giờ đây lại thấy mình đang phải chìa tay ra với những thành phần nổi dậy mà họ từng gạt sang bên lề. Đó là các phe nhóm đang ấp ủ một chương trình nghị sự Hồi giáo.
Các cuộc đàm phán hoà bình được dự kiến diễn ra vào tháng tới ở Geneva sẽ có sự tham gia của Mỹ, Nga, Liên Hợp Quốc cùng với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, nhiều phe nhóm khác nhau trong nội bộ chia rẽ của phe nổi dậy Syria và có thể thậm chí là có cả Iran. Tuy nhiên, để những cuộc đàm phán này có thể diễn ra, tất cả các bên sẽ phải nhất trí với một lệnh ngừng bắn.
Trong hội nghị hoà bình Geneva hồi tháng 6 năm 2012, Mỹ có có ảnh hưởng với phe đối lập Syria và đã thuyết phục được giới lãnh đạo ôn hoà của phe nổi dậy để họ chấp nhận một thứ được biết đến là Tuyên bố Geneva. Đây là một thoả thuận nhằm đặt nền tảng cho quá trình chuyển tiếp đến một chính phủ thời hậu Assad ở đất nước Syria .
Tuy nhiên, trong 18 tháng sau đó, kể từ hội nghị Geneva lần thứ nhất, mối quan hệ giữa chính quyền của Tổng thống Obama và các lực lượng chính trong phe nổi dậy Syria như Liên minh Đối lập Syria, Quân đội Syria Tự do và Hội đồng Quân sự Tối cao Syria do Tướng Salim Idriss dẫn đầu, ngày một xấu đi cùng với ảnh hưởng ngày càng suy yếu của những nhóm chiến binh được Mỹ hậu thuẫn này.
Khi tất cả các phe nhóm ngồi lại với nhau ở Geneva vào tháng 1 tới, Mỹ chợt nhận ra rằng, họ đang tham gia vào quá trình đàm phán nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria và tạo cơ hội lên cầm quyền cho những thành phần Hồi giáo mà cường quốc số 1 thế giới từng tìm cách "thuần hoá" để kết hợp lực lượng chiến binh theo đường lối ôn hoà.
"Chúng tôi buộc phải bắt tay với lực lượng chiến binh Hồi giáo ở thời điểm này bởi chúng tôi đã không cung cấp sự hậu thuẫn thích hợp và đầy đủ cho những thành phần dân chủ hơn như Liên minh Đối lập Syria và Quân đội Syria Tự do", ông Mouaz Moustafa - Giám đốc điều hành Lực lượng Đặc Nhiệm Khẩn cấp Syria - một tổ chức của Mỹ đang làm việc chặt chẽ với các phe nhóm đối lập Syria. Theo ông Moustafa, "họ đang phải hợp tác có giới hạn với các nhóm Hồi giáo để đưa họ ngồi vào bàn đàm phán ở Geneva II mặc dù những nhóm này từng tuyên bố rõ ràng rằng, họ không công nhận tiến trình Geneva".
Mỹ mất đồng minh vì liên tục phá bỏ cam kết
Phe đối lập theo đường lối ôn hoà cũng đã bị gạt sang bên lề và trở thành thứ yếu đến mức giới quan chức Mỹ hiện giờ gần như đang phải khẩn nài một số trong các nhóm chiến binh Hồi giáo có vũ trang tham dự hội nghị GenevaII, các nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ. Một phần nguyên nhân khiến phe nổi dậy ôn hoà bị suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng như vậy là do chính quyền Obama liên tục thất hứa, không thực hiện hàng loạt cam kết mà họ đưa ra trước đó để ủng hộ cho lực lượng chính thống này.
Đàm phám với các nhóm nổi dậy Hồi giáo đã trở thành điều bắt buộc thực tế đối với chính quyền Obama. Washington đang bị mắc kẹt giữa mong muốn củng cố sức mạnh của những nhóm chia sẻ các giá trị chung với Mỹ và việc phải thừa nhận rằng bất kỳ thoả thuận hoà bình nào cũng phải được ủng hộ bởi những nhóm nổi dậy đang có ảnh hưởng trên chiến trường bên trong đất nước Syria .
Sự nổi lên của các nhóm cực đoan bên trong Syria, đặc biệt là Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và al-Sham (ISIS) có liên quan đến Al-Qaeda - cùng với những chiến thắng mà chính quyền Assad và các đồng minh cực đoan của ông này giành được, đã buộc giới lãnh đạo phương Tây phải đối mặt với thực tế rằng, các nhóm chiến binh Hồi giáo phi dân chủ nhưng không cực đoan đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo những thành phần khủng bố không nắm quyền kiếm soát toàn bộ cuộc nổi dậy ở Syria.
"Nếu Al Qaeda và Hezbollah là những kẻ thù thực sự, các nhóm Hồi giáo là liều thuốc giải độc tốt nhất", ông Moustafa đã nói như vậy.
Hội đồng Quân sự Tối cao Syria - một lực lượng nổi dậy chính được phương Tây hậu thuẫn đang phải hứng chịu những cú thụt lùi đáng kinh ngạc trong những tuần gần đây do thiếu nguồn lực và do sự sắp xếp lại đội ngũ của các nhóm chiến đấu trên chiến trường dưới ngọn cờ của 4 tổ chức Hồi giáo chính gồm Liwa al Tawhid, Ahrar al Sham, Suqqour al Sham và Jaish al Islam. Những nhóm này đã thiết lập một liên minh mới mang tên Mặt trận Hồi giáo hồi tháng trước, sau cái chết của thủ lĩnh phe nổi dậy Abdel Qaddar Saleh. Liên minh mới đã trở thành trung tâm của cuộc nổi dậy vũ trang hiện nay ở Syria .
Trong khi đó, Hội đồng Quân sự Tối cao Syria tiếp tục mất các chiến binh vào tay các nhóm được trang bị tốt hơn, đầy đủ hơn. Tướng Idriss đã phải thừa nhận vị thế ngày một yếu của Hội đồng Quân sự Tối cao Syria trong cuộc trả lời phỏng vấn Washington Post gần đây. Ông này cho biết, Quân đội Syria Tự do đang phải thu hẹp mục tiêu chiến thuật và không còn tập trung vào việc gìn giữ, bảo vệ những khu vực lãnh thổ mà họ từng chiếm được.
Ông Bob Corker - một Thượng nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hoà trong Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết, việc Mỹ không thực hiện những lời cam kết giúp đỡ cho phe nổi dậy theo đường lối ôn hoà ở Syria đã khiến họ bất mãn và từ đó đẩy lực lượng này vào tay các nhóm Hồi giáo.
Vân Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Dân Syria tỉnh giấc mộng, rơi xuống "địa ngục"? Thành phố phía đông Raqqa từng vỡ oà trong niềm phấn khích sau khi người dân thức dậy vào một buổi sáng tháng 3 và thấy đợt quân trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad cuối cùng rời đi. Tin rằng một thời kỳ tự do mới đã đến, họ tự hứa sẽ biến Raqqa - thành phố đầu tiên và duy nhất...