Phe nổi dậy kêu gọi ném bom Syria
Thủ lĩnh nhóm quân nhân Syria đào ngũ kêu gọi các lực lượng nước ngoài đánh bom vào “những mục tiêu chiến lược” ở nước này nhằm hỗ trợ họ lật đổ chính phủ hiện tại.
Những người biểu tình Syria hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ tại thủ đô Damascus. Ảnh: AP
“Chúng tôi không muốn quân đội nước ngoài đặt chân lên đất nước này như từng xảy ra ở Iraq, nhưng chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế ủng hộ về mặt hậu cần”, đại tá Riyadh al-Asaad, người đứng đầu nhóm quân nhân Syria từ bỏ chính phủ, nói với phóng viên AFP qua điện thoại. Ông này đang trú tại một địa điểm gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và đã thành lập một tổ chức mang tên Quân đội Syria tự do (FSA).
“Chúng tôi cũng muốn được sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế, thiết lập một vùng cấm bay, vùng đệm, và tấn công các mục tiêu chiến lược có tầm quan trọng đối với chế độ hiện nay”, ông này nói.
Tuy nhiên người đứng đầu phe đối lập của Syria đang sống lưu vong cho biết, sau các cuộc hội đàm ở Paris, tổ chức này không muốn thấy các phần tử nổi dậy mở những cuộc tấn công quân sự vào lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad.
Video đang HOT
Lo ngại rằng những cuộc biểu tình đẫm máu chống chính phủ Syria, vốn diễn ra từ tháng ba đến nay, có thể biến thành nội chiến, ông Burhan Ghaliun của Hội đồng Quốc gia Syria phát biểu rằng FSA cần tránh đối đầu trực tiếp với quân chính phủ.
Riêng hôm nay, có 17 người chết trong các cuộc giao tranh ở tỉnh Hom của Syria, trong số này có 11 người thuộc lực lượng của chính phủ, số còn lại là thường dân. Hôm thứ ba, giao tranh cũng khiến 34 người thiệt mạng trên toàn quốc, theo thống kê của các nhà hoạt động xã hội.
Hiện sức ép từ bên ngoài đối với chính phủ của ông Assad ngày càng tăng. Hôm nay phó thủ tướng Israel phát biểu rằng những ngày Assad là lãnh đạo Syria không còn nhiều. Trong khi đó Liên đoàn Arab cho hay họ ra thời hạn đến thứ sáu để Syria đưa ra lời chấp nhận mở cửa đón các thanh sát viên quốc tế vào thị sát tình hình.
Trước đó Liên đoàn đã tước tư cách thành viên của Syria nhằm bày tỏ sự phẫn nộ đối với tình trạng bạo lực khiến nhiều người chết ở Syria.
Các ngoại trưởng Arab sau cuộc họp ở Ai Cập hôm qua đã nhất trí yêu cầu Liên hợp quốc hỗ trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, nơi ước tính 3.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Trước đó các báo của Jordan và Kuwait cũng đề cập đến vùng cấm bay và cho rằng Mỹ có thể hậu thuẫn cho những nỗ lực thiết lập một khu vực như thế.
Vùng cấm bay từng được NATO thiết lập tại Libya sau khi Liên hợp quốc ra nghị quyết cho phép làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ thường dân, khi người Libya biểu tình đòi lật đổ đại tá Gadhafi. Chiến dịch lập vùng cấm bay đã mở màn cho toàn bộ sự can dự của NATO và là nhân tố quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ 42 năm của Gadhafi tại Libya.
Theo VNExpress
Phe đối lập Syria thành lập hội đồng quân sự lâm thời nhằm lật đổ chính phủ
Ngày 16/11, nhóm vũ trang quân đội Syria tự do thuộc lực lượng nổi dậy nước này đã tuyên bố thành lập một hội đồng quân sự tạm thời nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh sức ép quốc tế đang không ngừng gia tăng đối với chính quyền của Tổng thống al-Assad.
Trong một tuyên bố, Quân đội Syria Tự do khẳng định hội đồng quân sự lâm thời được thành lập nhằm lật đổ chế độ hiện nay, giúp người dân tránh các cuộc đàn áp của chính quyền, bảo vệ tài sản công và tư, ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trong nước. Đại tá Ryad al-Assad - người đã đào ngũ khỏi quân đội Chính phủ Syria để thành lập Quân đội Syria Tự do hồi tháng 7, sẽ là chủ tịch hội đồng quân sự lâm thời. Tham gia ban lãnh đạo hội đồng còn có bốn đại tá và ba thiếu tá.
Trước đó, sáng 16/11, các tay súng của Quân đội Syria Tự do đã tấn công một căn cứ tình báo quân đội ở ngoại ô thủ đô Damacus. Đây là một trong những vụ tấn công táo bạo nhất kể từ khi làn sóng bạo động chống chính phủ bùng phát tại Syria trong 8 tháng qua.
Tình hình Syria đang hết sức căng thẳng
Cùng ngày, ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arab (AL) đã nhóm họp tại Rabad, Morocco, nhằm tìm cách gia tăng sức ép đối với chính quyền đang ngày càng bị cô lập của Syria. Chiếc ghế của Syria cũng đã bị bỏ trống tại cuộc họp sau khi Damacus tuyên bố tẩy chay hội nghị vì AL quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria, gây sức ép buộc nước này thực hiện sáng kiến hòa bình Arab. Ngoại trưởng Morocco Taieb Fassi Fihri cho biết, tại cuộc họp, AL tiếp tục yêu cầu Damacus chấm dứt ngay các hành động chống lại người dân, và tiếp tục đình chỉ tư cách thành viên của Syria. Để có thể huỷ bỏ quyết định này, AL muốn nhận được một câu trả lời rõ ràng và một thoả thuận từ phía Damacus theo đó sẽ chấm dứt bạo lực và chấp nhận kế hoạch của liên đoàn.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết nước này đã triệu hồi Đại sứ tại Syria sau khi bạo lực leo thang và đang hợp tác với AL soạn thảo một dự thảo nghị quyết mới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 16/11 hàng nghìn người đã tổ chức biểu tình tại thủ đô Damacus và nhiều nơi ở Syria nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống al-Assad. Những người biểu tình đã ném đá và rác vào Đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất nhằm lên án quyết định của AL đình chỉ tư cách thành viên của Xyri.
Theo PLXH