Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt “ Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035″.
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Hưng Việt, Mỹ Hào, Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Mục tiêu tổng quát nhằm phát triển ngành Dệt may và Da giày là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giày hàng đầu thế giới.
Đến năm 2035, ngành Dệt may và Da giày Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.
Phấn đấu năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày đạt 108 tỷ USD
Phấn đấu giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày cả nước bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 6,8 – 7%/năm, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 đạt 7,2 – 7,7%/năm. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày cả nước năm 2025 đạt 77 – 80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106 – 108 tỷ USD.
Đến năm 2025, thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp ngành Dệt may và Da giày đạt trên 90% mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước và phấn đấu giảm dần khoảng cách với mức bình quân chung cả nước.
Đến năm 2030, phấn đấu thu nhập của lao động ngành Dệt may và Da giày đạt tương đương mức thu nhập của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần khoảng cách với mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước.
Phấn đấu giai đoạn 2031 – 2035, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, da giày đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững; thời trang Việt Nam được ghi danh trên bản đồ thời trang thế giới với các sự kiện về thời trang thu hút được sự quan tâm và tham gia của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới.
Ngành Dệt may, Da giày phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa
Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Video đang HOT
Theo định hướng chung, ngành Dệt may và Da giày phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may và da giày Việt Nam.
Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.
Thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành dệt may và da giày, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (năng lực nghiên cứu, thiết kế, kỹ thuật, công nghệ, quản lý) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Định hướng phát triển thời trang dệt may và da giày là thúc đẩy, tạo gắn kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất, thiết kế phát triển sản phẩm và kinh doanh để định hướng, tạo ra các xu hướng thời trang cho thị trường trong nước; phát triển xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu quốc gia.
Phát triển Trung tâm thời trang tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh phát triển thời trang dệt may và da giày kết hợp chặt chẽ với chiến lược tiếp thị và chiến lược truyền thông; hướng sản phẩm thời trang dệt may, da giày phục vụ nhu cầu trong nước, ngoài nước và khách du lịch, gắn với xu thế thế giới về các sản phẩm xanh, sản phẩm tiện lợi.
Về ngành dệt (bao gồm xơ sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải), phát triển sản xuất các loại xơ sợi tổng hợp, xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chỉ số cao, chất lượng cao… đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu; đầu tư phát triển mạnh các mặt hàng vải dệt kim, vải dệt thoi, vải kỹ thuật.
Xây dựng một số khu công nghiệp tập trung chuyên ngành, tổ hợp chuyên ngành dệt may và da giày lớn (bao gồm chuỗi xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải; thuộc da); ưu tiên dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường.
Ngành May lựa chọn phát triển những mặt hàng chiến lược có uy tín trên thị trường, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao; dịch chuyển sản xuất về các huyện, thị xã và các khu vực có nguồn lao động và hệ thống hạ tầng thuận lợi.
Phát triển ngành Da giày, chuyển dịch từ sản xuất sản phẩm truyền thống sang sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, các loại giày da, túi xách thông dụng và thời trang. Đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu nội địa, tập trung mạnh hơn vào phát triển mẫu mốt thời trang, nghiên cứu ứng dụng nguyên liệu mới, quan tâm tới nghiên cứu nhu cầu thị trường.
Phát triển một số tổ hợp chuyên ngành tại ba miền Bắc, Trung, Nam (kết hợp với ngành Dệt may) và cụm công nghiệp chuyên ngành có vị trí thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp thành mạng lưới chuỗi cung ứng từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất nguyên, phụ liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Về công nghiệp hỗ trợ, hướng các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may, da giày tại một số địa phương phía Bắc (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh,…), khu vực miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,…) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Long An,…), để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm…
Gỡ khó cho doanh nhân
Các doanh nghiệp đang nỗ lực bước vào mùa sản xuất cuối năm, nhưng dưới tác động của tình hình thế giới và những biến động thị trường, dự báo tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn đòi hỏi sự sáng tạo, nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân và sự quyết liệt từ cơ quan quản lý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nhân tiêu biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và tuyên dương doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Nỗ lực vượt khó
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu quần áo thể thao sang các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... vào thời điểm này hàng năm, Công ty Cổ phần thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thuỷ, Nam Định (Pro Sports) đã kín đơn hàng hết quý 1, thậm chí cho quý 2 năm sau, nhưng thời điểm này năm nay, doanh nghiệp vẫn chật vật tìm đơn hàng.
Bà Trần Thị Hà, Giám đốc Chi nhánh Pro Sports cho hay, doanh nghiệp đã rất nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, thậm chí chấp nhận lấy giá cạnh tranh để có được đơn hàng lấp đầy các dây chuyền sản xuất.
Chung tình cảnh, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 8, nhiều doanh nghiệp còn đơn hàng tồn để xuất khẩu, nhưng sang tháng 9, tháng 10, lượng đơn hàng giảm rất nhiều.
Còn theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), trong cuộc khảo sát hai tuần vừa qua, có 33 trong số 45 doanh nghiệp xuất khẩu thừa nhận mức doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.
Tương tự, các doanh nghiệp thủy sản cũng đối diện với tình hình xuất khẩu có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3.
Trước bài toán khó thị trường xuất khẩu giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã không thụ động, mà tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất.
Ngành dệt may nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra. Ảnh: TTXVN.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, mặc dù đối diện nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích ứng nhanh với những thách thức của thị trường. Nếu trước đây ngành dệt may Việt Nam chỉ tập trung vào 5 thị trường truyền thống gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, thì bây giờ đã bắt đầu chuyển dịch sang một số thị trường mới như Canada, Hồng Kông (Trung Quốc)...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cũng đã thích ứng trong bối cảnh nhiều đơn hàng có tính chuyên môn hóa cao như sản phẩm đồ jean, kaki, thun... đều bị thiếu đơn hàng, có doanh nghiệp thiếu đến 35%, thì đến nay đã chuyển từ mặt hàng dệt kim sang dệt thoi một cách nhanh chóng. Đồng thời, tập trung đầu tư vào công nghệ và tự động hóa để thích ứng với chuyển dịch cơ cấu mặt hàng. "Các doanh nghiệp Việt đã mạnh dạn mở rộng thị trường, tiến tới mô hình đa quốc gia và chúng ta đã tập trung phát triển được 26/27 quốc gia trong khối EU", ông Giang cho hay.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đang tích cực hoàn thiện các khâu sản xuất, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu (sợi, vải), bảo đảm khép kín chuỗi cung ứng. Vinatex liên tục cập nhật biến động nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp thành viên; nhập khẩu một lượng bông dự trữ với giá tốt, tránh những rủi ro về tăng giá, sẵn sàng cho các đơn hàng nửa cuối năm
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Nói về sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan với cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho rằng, đó là sự đồng hành khăng khít, kề vai sát cánh của Chính phủ, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và đặc biệt lắng nghe các doanh nghiệp với các quyết sách lớn: Chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ Zero-COVID sang thích ứng, linh hoạt và chúng ta ứng phó với dịch, sống cùng với dịch. Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu COVID-19. Đó là những chính sách giúp doanh nghiệp bảo toàn lực lượng, không bị đứt gãy sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sớm, chiếm được vị trí mới trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Theo ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thời gian qua, các doanh nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần dân tộc cao, đặc biệt là bản sắc của doanh nhân Việt Nam rất sáng tạo, năng động, đã đồng hành với Chính phủ, chia sẻ khó khăn, đóng góp các nguồn lực lớn cho hoạt động phòng chống dịch COVID-19, giữ vững được nền sản xuất.
Với sự quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ vượt mục tiêu, cao nhất trong khu vực.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang (ảnh tư liệu). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.
Ở góc độ quản lý, để ứng phó, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thông qua chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Bộ Công Thương chỉ đạo các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương, phát triển sản xuất và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để bảo đảm sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng số hóa, thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm...
Doanh nghiệp 'xoay' thưởng Tết bằng 1 tháng lương Theo công đoàn cơ sở, một số doanh nghiệp đã công bố thưởng Tết và khẳng định sẽ duy trì tháng lương thứ 13 để giữ chân người lao động. Dù vậy, với một số doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực dệt may, da giày, gỗ đang gặp khó khăn do đơn hàng giảm sút, thậm chí không đảm bảo được việc trả...