Phẫu thuật thẩm mỹ: “phòng bệnh” và “mắc bệnh”
Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm – Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, BV Vạn Hạnh cho biết, quan niệm mới trong ngành thẩm mỹ hiện được chia làm hai lĩnh vực theo xu hướng “phòng bệnh” và “mắc bệnh”.
Khuynh hướng không phẫu thuật dành cho việc “phòng bệnh” có khả năng làm đẹp tất cả các vùng cơ thể, phục hồi những đường cong thon thả không phải dùng đến dao kéo. Ưu điểm của phương pháp này là mất ít thời gian điều trị và ít để lại hậu quả. Có nhiều sự lựa chọn, nhưng lựa chọn ưu tiên là sử dụng mỹ phẩm. Mỹ phẩm có nhiều công dụng như làm căng da mặt, làm da mặt mịn màng, hồng hào, làm săn chắc da, trị nám, mụn… Tuy nhiên, cách sử dụng không đơn giản là cứ mua về tự dùng. Những trang thiết bị soi da, phân tích da đã trở thành công cụ hỗ trợ cho việc chọn mỹ phẩm đúng với làn da. Sau khi đã có một phác đồ dùng mỹ phẩm, bác sĩ sẽ chụp hình để “làm bằng chứng”. Khoảng hai đến ba tuần sau sử dụng, bác sĩ tiếp tục tái khám để chụp hình lần nữa, nhằm xem mức độ tác dụng của mỹ phẩm.
Hạn chế ở đây là mỹ phẩm có thể làm hài lòng người này, nhưng lại cải thiện tình hình quá chậm so với mong muốn đối với người khác, vì thế việc làm đẹp bằng các thiết bị như công nghệ IPL, tầng sóng RF, laser… sẽ cho hiệu quả nhanh hơn. Tuy nhiên, phải hiểu rõ ưu điểm và hạn chế của từng công nghệ làm đẹp để không bị “sốc” khi có những hiệu quả không như mong muốn. Chẳng hạn, chích botox có tác dụng giảm nếp nhăn, làm căng da mặt, nhưng lại có tác động làm liệt cơ tạm thời, khiến khuôn mặt có thể mất đi những biểu hiện của cảm xúc cho đến khi thuốc hết tác dụng. Hay như các chất làm đầy da, căng da, chỉ tác động lên bề mặt da và lưu giữ trong một thời gian nhất định, phải chịu khó tốn kém thực hiện lại trong thời gian sáu tháng hoặc một năm.
Ảnh mang tính minh họa
Một khi đã sử dụng đến phẫu thuật là bước sang giai đoạn “mắc bệnh”. Các phẫu thuật có thể can thiệp vào hầu hết những bộ phận trên cơ thể, từ cắt, đắp, nâng, hạ tùy theo bộ phận như hút mỡ, cắt bỏ những phần dư thừa trên da, gọt cằm, nâng mũi, cắt mí mắt… Nhược điểm lớn nhất của việc phẫu thuật là người “bệnh” phải chấp nhận những cơn đau do bị mổ xẻ, chấp nhận cả những rủi ro không lường trước nếu tay nghề bác sĩ yếu, thiết bị hành nghề không đủ, thậm chí cả những biến chứng như bị nhiễm trùng vết thương, để lại sẹo to…
Độ tuổi để tham gia vào liệu pháp làm đẹp cũng đang dần được rút ngắn, nhất là liệu pháp làm trẻ hóa da. Về cơ bản, làn da bắt đầu bước vào lộ trình lão hóa từ tuổi 24, dù biểu hiện bên ngoài vẫn trẻ trung, mềm mại. Đến giai đoạn lão hóa thật sự, da mới lộ ra những nếp nhăn rõ rệt. Vì thế, quan niệm mới là không đợi đến khi có nếp nhăn mới bắt đầu làm đẹp, mà phải ngăn ngừa bằng cách làm chậm quá trình lão hóa ngay khi còn trẻ. Vấn đề là chọn lựa phương pháp, sử dụng liều lượng thế nào để phát huy hết tác dụng của các biện pháp can thiệp.
Ở các nước, việc quảng cáo trong ngành thẩm mỹ rất rõ ràng, chỉ nơi nào đáp ứng được điều kiện nào mới được phép thực hiện những phẫu thuật cụ thể nào. Nhưng ở ta, bác sĩ Xuân Khiêm thẳng thắn chia sẻ, đang có sự lạm dụng trong từ ngữ quảng cáo thẩm mỹ. Chẳng hạn khi dùng cụm từ thẩm mỹ không phẫu thuật đồng nghĩa với việc trong quá trình làm đẹp, bác sĩ không đụng đến dao kéo, cơ thể không có vết rạch, xước; trong khi đó, lại có nhiều quảng cáo đặt túi ngực không phẫu thuật là không đúng mà phải gọi một cách chính xác là phương pháp đặt túi ngực nội soi. Đã là nội soi thì đương nhiên phải… mổ, dù chỉ là một vết rạch nhỏ, để đưa máy dò, đưa túi ngực đặt vào bên trong. Chưa kể, người đi làm đẹp phải được gây mê trong thời gian nhất định… Ở đây, thiết bị nội soi hỗ trợ trong quá trình mổ, nhằm hạn chế những san chấn đối với những cơ quan lân cận, tránh va chạm đáng tiếc gây chảy máu… Và, khả năng suy hô hấp, gây sốc choáng là có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.
Lâu nay, chúng ta thường có quan niệm sai lầm đối với phẫu thuật hút mỡ bụng. Trường hợp phổ biến là phụ nữ sau khi sinh nở, vòng bụng bị nhão, thế là kéo nhau đi hút mỡ mà không biết thành bụng được cấu tạo bởi cơ và mỡ. Khi có thai, phần cơ giãn ra theo sự giãn nở của bụng. Vì thế, đôi khi không cần phải đi hút mỡ mà chỉ cần phục hồi phần cơ cho săn chắc trở lại bằng chế độ luyện tập thể thao.
Một ví dụ khác, phương pháp nâng mũi bằng chính sụn của cơ thể dù được cho là an toàn, nhưng bạn có biết, để nâng được chiếc mũi cho cao lên, những phần khác của cơ thể phải chịu bị mổ xẻ ít nhất từ hai đến ba lần, như vùng thái dương, hay vùng xương chậu.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người, nhưng không có một công thức chung cho việc làm đẹp mà phải căn cứ vào gương mặt, vóc dáng, điều kiện gia đình, tâm lý để chọn phương pháp thích hợp và hiệu quả. Một lời khuyên chân thành của bác sĩ Khiêm: phẫu thuật chỉ để trẻ hơn, mới lạ hơn chứ chưa chắc là đã đẹp hơn.
Theo Phụ nữ HCM