Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao theo hướng “mở”
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025″.
Ảnh minh họa
Đề án định hướng phát triển trường cao đẳng (không bao gồm trường cao đẳng sư phạm) chất lượng cao đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; phát triển trường cao đẳng chất lượng cao trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về đào tạo nghề của thế giới; bảo đảm tính hệ thống, dài hạn, có lộ trình, bước đi phù hợp, các giải pháp đồng bộ, khả thi.
Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao theo hướng “mở”. Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn để đạt tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao; đồng thời khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa để những trường cao đẳng khác được đánh giá, công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao.
Mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao và đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.
Đến năm 2020, thí điểm đào tạo 34 ngành, nghề theo các chương trình đào tạo được chuyển giao từ nước ngoài theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ cho những trường được lựa chọn có năng lực đào tạo tốt để đến năm 2020 có khoảng 40 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.
Giai đoạn 2021 – 2025, từng bước mở rộng đào tạo các ngành, nghề đã thí điểm, có học sinh, sinh viên tốt nghiệp được các tổ chức giáo dục đào tạo quốc tế có uy tín đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng và ban hành các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao về: quy mô đào tạo; trình độ nhà giáo; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo; quản trị nhà trường; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo. Trường được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao.
Video đang HOT
Đồng thời lựa chọn một số trường cao đẳng có năng lực đào tạo tốt, gần đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao để có kế hoạch, lộ trình hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo và được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao theo mục tiêu của Đề án.
Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, đổi mới công tác quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới đối với các trường cao đẳng được lựa chọn.
Xây dựng và áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng ở các trường cao đẳng được lựa chọn; triển khai số hóa các hoạt động quản lý đào tạo, quản lý chất lượng, quản lý cán bộ, nhà giáo; mô phỏng hóa các chương trình đào tạo, trước hết là cho các ngành, nghề trọng điểm.
Về cơ chế, chính sách phát triển trường cao đẳng chất lượng cao, có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các trường cao đẳng (công lập và tư thục) tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực đào tạo theo tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao; khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp trực tiếp cùng với nhà trường tổ chức đào tạo một số ngành, nghề trọng điểm gắn với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các trường được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao được Nhà nước ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ ngân sách nhà nước.
Minh Hiển
Theo baochinhphu
Nhiều học sinh không còn áp lực phải vào đại học bằng mọi giá
Nhiều học sinh thế hệ 10X không còn xem đại học là con đường duy nhất. Các em được định hướng chọn trường cao đẳng, trung cấp nghề phù hợp năng lực bản thân từ khá sớm.
Có thể nhận thấy điều thay đổi rõ nhất trong kỳ thi THPT quốc gia gần đây là tỷ lệ xét tuyển vào đại học giảm.
Năm 2019, cả nước có 74% thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tỷ lệ này là 74,3% năm 2018 và 75% đối với 2017.
So với trước thời điểm năm 2015, số học sinh đăng ký thi đại học giảm nhiều. Nhiều bạn trẻ từ chối vào đại học để theo các con đường khác, trong đó có học nghề. Bộ GD&ĐT đánh giá đây là xu hướng tích cực, cho thấy hiệu quả của công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông.
Xu hướng hiện tại nhiều học sinh học nghề. Ảnh: VOV.
Còn nhiều khó khăn
Theo số liệu từ "Bản tin thị trường lao động" cho thấy tỷ lệ học sinh học nghề tăng cao. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ 3 tháng trở lên quý I năm 2019 là 12,36 triệu người, tăng gần 442 nghìn người so với cùng quý năm 2018.
Dù nhận thức của nhiều phụ huynh và học sinh đã thay đổi, không còn xem đại học là con đường "sống chết" duy nhất, thực tế cho thấy việc phân luồng hướng nghiệp sau THPT, đặc biệt là sau THCS, còn nhiều hạn chế.
Năm 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2020, 30% học sinh tốt nghiệp THCS học tập tại các trường trung cấp nghề hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, vừa đào tạo chương trình trung cấp nghề, vừa học văn hóa cấp THPT.
Ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các trường cao đẳng nghề. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý nhận định khó đạt được con số này.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ GD&ĐT, mỗi năm, từ 90-95% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT.
Việt Nam thực hiện phổ cập giáo dục THCS. Sau cấp học này, hệ thống giáo dục quốc dân chia thành giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh hệ thống giáo dục chính quy, hệ thống giáo dục thường xuyên cũng tồn tại.
Như vậy, sau khi tốt nghiệp giáo dục THCS, học sinh có thể đi vào 4 luồng sau: Học tiếp lên THPT; học bổ túc THPT; học nghề hoặc trung cấp; tham gia vào thị trường lao động.
Các trường THCS cần định hướng cho học sinh, nếu cảm thấy lực học không vào được lớp 10 công lập, các em nên đăng ký học trung cấp chuyên nghiệp (hệ vừa học vừa làm). Khi ra trường, các em có cả bằng THPT và bằng nghề, có thể đi làm ngay. Như vậy, việc phân luồng sau THCS tạo cho người học tiếp cận năng lực phù hợp với cá nhân và nhu cầu của xã hội.
Cần thay đổi nhận thức phụ huynh về bằng cấp
Theo PGS.TS Phan Văn Kha - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - trong những năm qua, phân luồng học sinh sau THCS đã có những kết quả bước đầu nhưng còn không ít khó khăn, thách thức.
Nguyên nhân của tình trạng hạn chế việc phân luồng học sinh sau THCS do tâm lý nhiều người còn chạy theo bằng cấp nặng nề, văn hóa "khoa bảng". Phụ huynh thường muốn con có bằng đại học nên từ chối mô hình giáo dục nghề nghiệp. Văn hóa đó không dễ thay đổi ngay lập tức.
Bên cạnh đó, những năm qua, cơ hội học sinh vào đại học nhiều hơn khi xét tuyển bằng học bạ, không sử dụng điểm sàn. Điều này gây hệ lụy khi luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp thấp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó khăn trong tuyển sinh.
Phần lớn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, những năm gần đây, chưa tuyển sinh hết chỉ tiêu được giao. Trong khi đó, quy mô đào tạo cao đẳng, đại học của nước ta lại tăng nhanh (10-15% mỗi năm).
PGS Phan Văn Kha cho rằng để thực hiện thành công và hiệu quả phân luồng hướng nghiệp sau THCS cần thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội, người dân và chính học sinh, đồng thời, cần kết hợp các giải pháp chính sách, can thiệp và điều tiết của Nhà nước với các giải pháp của cơ sở giáo dục.
Theo Zing
Sắp xếp các trường ĐH,CĐ: Cần thận trọng và có lộ trình bài bản Giải pháp sáp nhập, hợp nhất, giải thể của Bộ GD-ĐT đưa ra liệu có khả thi? Nhiều trường đại học, cao đẳng kém về chất lượng đào tạo, khiến cho chất lượng nguồn nhân lực thấp, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Giải pháp sáp nhập, hợp nhất, giải thể của Bộ GD-ĐT đưa ra liệu có khả thi?...