Phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững trong giai đoạn mới
Xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu hợp lý, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và đẩy mạnh chế biến sâu là những nội dung chính trong định hướng phát triển ngành hồ tiêu những năm tới do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đề ra tại Đại hội nhiệm kỳ VII (2021-2023), tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 18/12.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhiệm kỳ VI báo cáo tổng kết nhiệm kỳ tại đại hội.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhiệm kỳ VI cho biết, trước những diễn biến liên tục của thị trường, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo nông dân không việc mở rộng diện tích trồng tiêu mới, đặc biệt trên vùng có thổ nhưỡng không phù hợp. Đồng thời, chuyển đổi, trồng xen canh các loại cây khác nhằm hạn chế rủi ro khi giá tiêu xuống thấp.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, mặc dù Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững vị trí số một ngành hồ tiêu toàn cầu với 40% về sản lượng và trên 60% về lượng xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới nhưng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn từ chất lượng đến biến động bất ngờ của thị trường. Do đó, trong thời gian tới, ngành hồ tiêu phải đẩy mạnh xây dựng vùng trồng tiêu hữu cơ bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất hồ tiêu GlobalGAP, VietGAP… trong sản xuất, chế biến tiêu.
Đặc biệt, nông dân, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải liên kết giải quyết cơ bản vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất trong hồ tiêu mà các nước tiêu dùng đang cấm để nâng cao chất lượng hồ tiêu xuất khẩu.
Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu chế biến chất lượng cao như tinh dầu tiêu, tiêu trắng từ tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu xay bột, các sản phẩm gia vị từ tiêu, tiêu sạch đóng gói xuất thẳng vào hệ thống bán lẻ toàn cầu, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ hồ tiêu chất lượng cao như châu Âu, Mỹ…
Bên cạnh đó, liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các nhà sản xuất, chế biến bảo quản; quy hoạch quản lý chất lượng hồ tiêu bằng truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, để đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá cả ổn định.
Đánh giá chung về ngành hồ tiêu Việt Nam giai đoạn 2017-2021, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, diện tích hồ tiêu đã tăng vượt gấp 3 lần so với quy hoạch. Năm 2017 cả nước có tới 152.000 ha trồng tiêu, khiến sản lượng tăng mạnh và đạt đỉnh năm 2019.
Video đang HOT
Khi cung vượt cầu ở mức cao đã đẩy ngành hồ tiêu rơi vào khủng hoảng giá và chạm đáy vào tháng 4/2020 với mức giá khoảng 35.000 đồng/kg. Đời sống người nông dân trồng tiêu gặp nhiều khó khăn. Hầu hết nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với quy mô trung bình 1-2 ha/hộ và buôn bán qua nhiều khâu trung gian gây khó khăn rất lớn cho quản lý chất lượng hồ tiêu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hồ tiêu xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Từ tháng 3/2021, giá hồ tiêu thế giới đã bắt đầu phục hồi do lượng cung giảm mạnh. Hiện nay, giá hồ tiêu trong nước dao động ở mức trên dưới 82.000 đồng/kg. Niên vụ hồ tiêu năm 2021 sản lượng ước giảm mạnh do sự đầu tư của người nông dân giảm và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mặc dù xu hướng giá có tăng nhưng các yếu tố đầu vào và giá cước vận chuyển cũng tăng mạnh, đặc biệt tuyến đi châu Mỹ và châu Âu cũng là thách thức lớn với ngành hồ tiêu thời gian tới.
Đại hội Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhiệm kỳ VII.
Đại hội Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhiệm kỳ VII (2021-2023) đã bầu ra Ban chấp hành mới với 19 thành viên; trong đó, bà Hoàng Thị Liên, nguyên Giám đốc điều hành Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch.
Phát biểu nhận nhiệm vụ tại đại hội, bà Hoàng Thị Liên cho biết, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường hồ tiêu thế giới. Vì vậy, việc tổ chức sản xuất dựa trên cân đối cung cầu rất quan trọng. Trong nhiệm kỳ mới, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam sẽ tập trung vào việc phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết với nông dân sản xuất hồ tiêu thông qua các tổ chức của nông dân để quản lý, kiểm soát quy trình sản xuất từ khâu canh tác tới thu hoạch, xử lý, chế biến, bảo quản…
Đẩy mạnh hoạt động thông tin, nghiên cứu thị trường, thị hiếu để đưa ra thông tin tốt giúp nông dân có định hướng đúng trong phát triển sản xuất hồ tiêu; hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có được chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả, giúp gia tăng giá trị, giảm thiểu rủi ro cho ngành công nghiệp Hồ tiêu Việt Nam.
Song song đó, Hiệp hội cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương để kịp thời xử lý những vấn đề từ sản xuất tới thương mại, xuất khẩu hồ tiêu. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thúc xúc tiến thương mại xuất khẩu cũng như thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Nông nghiệp Thủ đô: Chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kết nối thị trường, giải bài toán tiêu thụ
Dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhưng ngành nông nghiệp Hà Nội quý III/2021 vẫn ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc.
Để duy trì đà tăng trưởng trong những tháng tiếp theo, ngành nông nghiệp Thủ đô đã và đang chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kết nối thị trường, giải bài toán tiêu thụ sản phẩm.
Linh hoạt thích ứng, chủ động sản xuất
Do tác động của dịch Covid-19, giá thịt lợn xuống thấp, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Đan Phượng 9 tháng năm 2021 vẫn đạt 796 tỷ đồng (đạt 78,58% kế hoạch, tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước). Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng- Nguyễn Hữu Hoàng, đạt được mức tăng trưởng này do huyện đã chủ động các phương án sản xuất cũng như tổ chức kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản cho nông dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội...
Tương tự, 9 tháng năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Đông Anh đạt hơn 1.778 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: Đông Anh đã chủ động điều chỉnh sản xuất, tập trung phát triển chăn nuôi để khắc phục những hạn chế do lưu thông, bảo quản nông sản...
Ở góc độ của nhà sản xuất, Giám đốc Công ty Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ: Chủ động chọn con giống chất lượng cao là các loại gà bản địa nổi tiếng, chăn nuôi theo phương thức bảo tồn gen và bán con giống nên trong bối cảnh dịch Covid-19, công ty vẫn duy trì sản xuất, bảo đảm cung ứng ra thị trường mỗi năm trung bình 45 vạn con, doanh thu 4,5 tỷ đồng...
Sản xuất theo hướng "thuận thiên" tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ). Ảnh: M.H
"Sở NNPTNT sẽ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội rà soát nhu cầu thị trường Hà Nội và các địa phương, tổ chức các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành phố với Hà Nội trong thời gian sắp tới, đặc biệt là khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề".
Ông Chu Phú Mỹ
Nói về sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thủ đô từ đầu năm đến nay, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - Chu Phú Mỹ nhận định, nguyên nhân là do các phương án từ sản xuất đến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đều được điều chỉnh liên tục, bám sát thị trường và diễn biến của dịch bệnh. Cùng với đó là sự vào cuộc sát sao của thành phố, các địa phương; sự chủ động từ doanh nghiệp, người dân...
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Những tháng cuối năm là thời điểm thị trường tiêu thụ nông sản của Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, ông Chu Phú Mỹ cũng cho biết, các địa phương cần có phương án sản xuất phù hợp; đồng thời, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng những kịch bản kết nối, tiêu thụ sản phẩm...
Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai -Bùi Văn Sáng, ngay sau khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh, huyện đã kết nối các hợp tác xã, doanh nghiệp và các chủ thể sản xuất mở gian hàng trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề...; đồng thời tạo kênh bán hàng di động để giúp nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Còn Chủ tịch Nguyễn Hữu Hoàng thông tin: Dịp cuối năm, Đan Phượng sẽ tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; an toàn thực phẩm; duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm.
Chủ động các phương án sản xuất, kinh doanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Thị Huyền cho biết: Cùng với việc liên kết với các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội, hợp tác xã đã chủ động kết nối trực tuyến với các khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố để tiêu thụ rau an toàn, bưởi Diễn...
Để đẩy mạnh tăng trưởng trong những tháng cuối năm, ông Chu Phú Mỹ cho hay: Từ việc phân tích nhu cầu của thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng trong vụ đông, bảo đảm tăng nguồn cung vào dịp cuối năm. Cùng với đó là tăng cường các giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản...
Nông thôn mới Thạch Thất: Nâng cao chất lượng các tiêu chí Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, năm 2020, huyện Thạch Thất đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Từ những kết quả đạt được, huyện Thạch Thất đã đề ra kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí từ nay đến năm 2025 với nhiệm vụ cụ thể....