Phát triển nhãn xuồng theo hướng chuyên canh
Là vùng đất trái ngọt cây lành, xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) đang từng bước khai thác thế mạnh kinh tế vườn nhằm nâng cao đời sống của người nông dân.
Trong đó, cây nhãn xuồng từ lâu là đặc sản của xứ cù lao và đang được đầu tư phát triển theo hướng chuyên canh.
Nhãn xuồng cơm vàng đang được phát triển theo hướng chuyên canh tại xã Khánh Hòa (Châu Phú)
Vốn được xem là “cái nôi” của nhãn, vùng đất Khánh Hòa từ xưa đã xuất hiện những vườn nhãn tiếp nối nhau tỏa hương thơm ngát qua nhiều thế hệ. Bắt đầu từ giống nhãn Mỹ Đức có tuổi đời hàng trăm năm rồi đến nhãn xuồng cơm vàng đã bén rễ xanh cây ở vùng đất này. Hiện nay, không khó để bắt gặp những vườn nhãn rộng từ vài công đến cả mẫu của nông dân Khánh Hòa. Đơn giản vì loại cây trồng này giá trị kinh tế cao, với mức lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Với người tiêu dùng, nhãn xuồng Khánh Hòa là món ngon khó bỏ qua mỗi khi nhà vườn bày bán từng rổ trái ven các tuyến đường. Tuy nhiên, nếu chỉ trồng để “bán chợ” thì cây nhãn xuồng không phát huy hết thế mạnh của mình. Do đó, Đảng ủy, UBND xã Khánh Hòa cùng Hội Nông dân xã đã tìm phương pháp phát triển cây nhãn xuồng theo hướng chuyên canh.
Với sự hỗ trợ của UBND huyện Châu Phú, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Hội Nông dân, xã Khánh Hòa đã từng bước vận động nông dân tham gia vào vùng chuyên canh nhãn xuồng cơm vàng, với quy mô 200ha tại ấp Khánh Mỹ và Khánh An.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hòa Lê Văn Dũng, hiện nay vùng chuyên canh nhãn xuồng của địa phương đã hình thành với sự tham gia tích cực của nông dân. Trong đó, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa với 23 thành viên. Đây là lực lượng nòng cốt, có đam mê và trình độ kỹ thuật để phát triển cây nhãn xuồng đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, đây còn là lực lượng có thể kết nối những nông dân khác trong vùng chuyên canh cùng làm ăn tập thể, nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho loại trái đặc sản này.
Hiện nay, Phòng NN&PTNT cùng Hội Nông dân huyện Châu Phú đang kết nối để đưa trái nhãn xuồng vào hệ thống siêu thị và nhiều nơi khác để “cố định” đầu ra cho nông dân. Thực tế, nông dân Khánh Hòa đang canh tác diện tích nhãn xuồng lớn hơn nhiều so với diện tích 200ha được quy hoạch, nếu không có bài toán đầu ra ổn định sẽ dẫn tới hệ lụy cung vượt cầu về sau.
Do đó, địa phương đã đăng ký logo và truy xuất nguồn gốc cho cây nhãn xuồng cơm vàng, cũng như tạo điều kiện để 23 thành viên trong tổ hợp tác học tập kiến thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là bước đi quan trọng để “nâng tầm” cho cây nhãn xuồng trong bối cảnh nhu cầu của thị trường ngày càng khắt khe.
Video đang HOT
Thời gian qua, UBND huyện Châu Phú đã hỗ trợ nông dân trong vùng chuyên canh 2 triệu đồng/hộ để tăng nguồn vốn sản xuất nhãn xuồng. Ngoài ra, nông dân còn được tiếp cận các kỹ thuật canh tác để phát huy tốt phẩm chất, năng suất của cây nhãn xuồng.
Với mức giá 70.000 – 80.000 đồng/kg thời điểm đầu vụ và mức 45.000 – 50.000 đồng/kg khi chính vụ, nhãn xuồng đang là loại cây “ăn nên làm ra” cho nông dân xã Khánh Hòa với mức lãi khoảng 25 triệu đồng/công/năm. Do đó, việc địa phương và ngành chuyên môn quan tâm, phát triển loại cây trồng này sẽ giúp nông dân hiện thực hóa mục tiêu vươn lên khá giàu từ chính mảnh đất quê mình.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Phú, nhãn xuồng cơm vàng đang được đưa vào chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyên canh hóa, tăng uy tín cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, nông dân trong vùng chuyên canh nhãn xuồng cơm vàng có thể đáp ứng nhu cầu về phẩm chất, nên khi có thương hiệu cùng truy xuất nguồn gốc thì loại trái này đã đủ sức vươn đến những thị trường “khó tính”, chứ không chỉ bán cho thương lái mang đi tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh hay Campuchia như trước đây.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao đáp ứng được sức mua của đối tác với sản lượng vài tấn đến hàng chục tấn mỗi ngày. Hiện nay, Phòng NN&PTNT, Hội Nông dân huyện Châu Phú cùng xã Khánh Hòa đang liên hệ với nông dân để nắm rõ khả năng đáp ứng về sản lượng.
Trên cơ sở đó, sẽ tính toán cụ thể thời điểm thu hoạch của các hộ trong vùng chuyên canh để chủ động sản lượng cung cấp cho phía thu mua. Đặc biệt, cần phát triển Tổ hợp tác trồng nhãn xuồng cơm vàng xã Khánh Hòa lên hợp tác xã để tạo sự thuận lợi trong việc mua bán, trao đổi với các đối tác và hỗ trợ nông dân tìm đầu ra sản phẩm hiệu quả hơn.
Với lợi thế vốn có, nhãn xuồng cơm vàng đang trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Muốn thực hiện mục tiêu đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, ngành, sự đồng lòng của nông dân để mỗi khi nói về Khánh Hòa, người dân xứ cù lao có quyền tự hào về loại trái cây đặc sản quê mình.
Tát đìa bắt cá đồng ăn Tết, nướng trui thơm lừng khắp xóm
Khi con nước lũ theo chín nhánh sông trôi về biển cả cũng là lúc các loài cá hùa nhau tìm chỗ trú ở các đìa nước giữa đồng. Người dân quê khi ấy cũng chuẩn bị bước vào mùa tát đìa nhưng hào hứng nhất là những ngày cuối năm khi những con cá đủ lớn, đủ ngon để trở thành "nỗi nhớ" của quê hương.
Ký ức tát đìa
Nói về tát đìa, bất cứ ai lớn lên ở làng quê đều ít nhất một lần được thấy trong đời. Bởi, nó gắn chặt với cuộc sống người dân châu thổ như cái hẹn muôn đời và cũng là "đặc ân" từ mùa nước nổi.
Niềm vui với chiến lợi phẩm...
Tuy nhiên, mùa tát đìa chỉ thực sự tồn tại cách đây vài chục năm, khi con nước lũ còn "tung hoành" khắp các cánh đồng. Lúc ấy, người ta xem mùa tát đìa là niềm vui cuối năm bởi dù khó nghèo đến đâu thì họ cũng có ít món bày cúng tổ tiên trong ngày Tết.
Năm nay đã ngoài cái tuổi tám mươi, ông Trịnh Hòa Nam (ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) vẫn còn nhớ như in ký ức tát đìa thuở trước. Với ông, tát đìa là "ngày hội" của những xóm nghèo vài chục năm trước.
Ông Nam kể rằng, hồi người ta còn trồng lúa mùa, cá nhiều nên tát đìa mê lắm! Vì đời sống còn nghèo nên tát đìa được coi như cứu cánh để dân quê kiếm cái ăn trong năm mới. Đời sống hồi ấy vốn bình dị nên tát đìa cũng là chuyện được người lớn, trẻ nhỏ quan tâm, nhất là vào lúc cuối năm.
Từng con cá lóc, cá trê, cá rô... dần lộ diện dưới lớp nước sình khiến cho đám trẻ trên bờ cứ chực nhảy xuống. Cá nằm xếp lớp như củi khiến cho người bắt cũng hoa cả mắt.
Người ta bỏ cá bắt được vào cần xé mang lên bờ. Sau đó, họ lựa ra từng loại, chủ yếu là phân biệt cá "đen", cá "trắng". Với cá "đen" như cá lóc, cá trê cỡ lớn được ưu tiên rộng lại dành ăn Tết. Cá "trắng" thì đem biếu chòm xóm, họ hàng ăn lấy thảo hoặc đổ vô lu ủ mắm.
Chủ đìa bắt tới, bắt lui vài lượt thì nghỉ, nhường lại cho dân "bắt hôi". Có lẽ, tát đìa vui nhất là đoạn này bởi sự chọc phá, giành giật nhau của đám con nít. Vì cá trong đìa khá nhiều nên dân "bắt hôi" đôi khi trúng mánh vớ được cá to vì chúng ủi sâu trong sình quá lâu đến lúc ngộp phải trồi lên là bị bắt. Với đám con nít, việc bắt được cá to là niềm vui không tả nổi bởi đó là thành quả của quá trình "chân lắm tay bùn".
Cứ như thế, hết đìa nọ tới đìa kia được tát khô để bắt cá. Dân nghèo cũng nhờ thế mà có được những bữa cơm tươm tất hơn. Vì người ta tranh thủ tát đìa rộ trong mấy ngày nên ai cũng quen gọi là "mùa" với hàm ý nói hoạt động này đã trở thành nếp sống của người dân quê khi tiết trời bước sang xuân.
Chuyện tát đìa ngày nay
Theo thời gian, các đìa nước dần biến mất và mùa tát đìa cũng lui vào dĩ vãng. Giờ đây, chuyện tát đìa chỉ còn tồn tại ở những cánh đồng giáp biên và người ta cũng không tát rộ mà tranh thủ lúc nào thuận lợi nhất mà thôi.
Tuy nhiên, thói quen chờ đến cuối năm mới kiếm cá ăn Tết đã đi vào nếp nghĩ của dân quê nên phải cuối tháng Chạp họ mới tát đìa bắt cá. Theo họ, con cá đồng khi ấy đã đủ lớn, đủ ngon để chế biến thành món khoái khẩu trong mấy ngày xuân.
Thưởng thức thành quả cá lóc nướng trui.
Khác với cha ông xưa, dân quê ngày nay tát đìa thuận lợi hơn rất nhiều. Họ không tát gàu mà chủ yếu chạy máy dầu, máy xăng. Những đìa nước cạn thì mất vài giờ, đìa nước sâu thì chừng một buổi sẽ phơi đáy. Bởi thế, chuyện tát đìa cũng ít người để tâm, chủ yếu chỉ là nhóm dăm bảy thành viên cùng đi kiếm cá đồng.
Các đìa nước giờ đây cũng không nhiều cá như xưa nên những chủ đìa tham gia là để vui và tiện thể dọn dẹp đìa nước của mình cho sạch đáy. Nhiều chủ đìa cho biết, muốn bắt cá họ sẽ kéo lưới hoặc dùng cách khác chứ không cần phải chạy máy cho khô nước, vừa mất công lại vừa tốn chi phí.
Tuy nhiên, tát đìa quả có niềm vui riêng. Khi tiếng máy lạch tạch ngưng hẳn cũng là lúc đìa trơ đáy và lũ cá bắt đầu chạy tán loạn. Những thanh niên tham gia tát đìa thì luôn tay chụp bên này, bắt bên kia. Lắm lúc thấy cá to thì họ gọi nhau inh ỏi để hỗ trợ. Mỗi con cá bắt được đều là thành quả, là niềm vui của tinh thần làm việc tập thể.
Những lớp sịnh non nhão nhoẹt lún tới lưng quần, những con cá "vụt" liên tục dưới lớp nước cạn, những gương mặt lấm lem bùn đất nhưng rất hào hứng là hình ảnh quen thuộc của chuyện tát đìa đã trải dài qua nhiều thế hệ dân quê, mang đến niềm vui cho những ai chứng kiến hoạt động này.
Đôi khi, cả đìa nước chưa đến chục con cá nên những người tham gia tát đìa không mang về nhà mà cùng tận hưởng thành quả lao động của mình. Họ đốt lửa, nướng cá thưởng thức ngay trên bờ đìa hệt như lớp cha anh ngày trước. Có lẽ, cuộc sống đổi thay nhưng tiềm thức người dân quê vẫn lưu giữ thói quen giản dị, chân phương đã lưu truyền nhiều thế hệ.
Rồi đây, cuộc sống ngày càng hiện đại hơn và những đìa nước giữa đồng cũng không còn nữa. Khi ấy, mùa tát đìa bắt cá chỉ còn trong ký ức nhưng nó vẫn luôn là một phần của cuộc sống thôn quê, nhắc nhở mỗi người về thói quen của cha ông xưa trong những ngày cuối năm, khi cái lạnh của những cơn bấc đi qua nhường chỗ cho mấy bông mai hé nhụy trên cành!
Theo Thanh Tiến (Báo An Giang)
Ninh Bình: Trồng khoai môn bán ngó non mà bỏ túi gần 30 triệu/tháng Người mà Báo điện tử DANVIET.VN giới thiệu là anh Phạm Văn Thắng, xóm Thượng 2, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình). Có tiệm chụp ảnh, cho thuê váy cưới ở phố nhưng vẫn từ bỏ tất cả để về trồng khoai môn. Sau 3 năm trồng khoai môn lấy ngó anh đã có thu nhập mỗi tháng gần 30...