Phát triển nhà ở giá thấp và trung bình: Cần “xanh hóa” và giảm năng lượng
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, tại các đô thị Việt Nam, các tòa nhà cao tầng, khu văn phòng, công sở, đặc biệt các chung cư cao tầng… chính là những hộ tiêu thụ năng lượng lớn nhất.
Tuy nhiên, khái niệm công trình xanh mới bắt đầu được quan tâm ở phân khúc cao cấp. Nhà ở giá thấp và trung bình chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong khi đây lại chính là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất.
Thông tin trên được Thứ trưởng Đỗ Dức Duy nêu ra tại hội thảo quốc tế “Công trình xanh cho phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình” diễn ra ngày 27/4 tại Hà Nội do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thủ đô ( Capital House) tổ chức.
Khu nhà ở xã hội Ecohome 1 ở Hà Nội. Ảnh internet
Phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu, cần thiết
Video đang HOT
Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, chính sách nhà ở của Việt Nam đang đối diện với áp lực tăng trưởng dân số lớn, đặc biệt tốc độ phát triển dân số đô thị cao và quy mô hộ gia đình ngày càng có xu hướng giảm số người trên một hộ dân. Dự báo đến năm 2020, dân số thành thị sẽ lên đến 46 triệu, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Ước tính trong vòng 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình.
“Thời gian gần đây một số chủ đầu tư bắt đầu thay đổi nhận thức và hành động để xây dựng những công trình xanh và đạt được thành công đáng khích lệ như EcoPark, EcoLife Capitol, khu đô thị Phú Mỹ Hưng… Bộ Xây dựng cũng đang định hướng phát triển công trình xanh với phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình tại Việt Nam” – ông Duy cho biết thêm
Trong khi đó trên thế giới, kiến trúc xanh ngày càng trở nên phổ biến và là xu thế tất yếu hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên.
Theo bà Vũ Thị Kim Thoa – Trưởng tư vấn Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam, công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư). Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng…
Tại hội thảo, ông Đặng Thành Long – Hội đồng công trình xanh Việt Nam cho biết, các tiêu chí công trình xanh được biết nhiều nhất là bộ Lutus. Bộ chỉ số này được phát triển dựa trên các điều kiện riêng biệt của Việt Nam, nhất là về khí hậu, tự nhiên; điển hình là các công trình thích ứng với ngập lụt, phù hợp với trình độ phát triển của lĩnh vực xây dựng. Về lợi ích của công trình xanh, chủ đầu tư sẽ là người cảm nhận rõ nhất.
Chia sẻ kinh nghiệm, các chuyên gia đến từ Đan Mạch cho biết công trình xanh là quy định bắt buộc tại quốc gia này và được áp dụng từ những năm 1960 với tỷ lệ tiết kiệm được khoảng 50% lượng năng lượng tiêu thụ. Năm 2020, Đan Mạch phấn đấu giảm mức tiêu thụ năng lượng trong các công trình xây dựng xuống mức 0%.
Việt Nam là nước đứng thứ 7 toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu. Vì vậy, thay đổi nhận thức của nhà quản lý, doanh nghiệp phát triển dự án và cộng đồng dân cư về phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và sử dụng tái tạo là cần thiết.
Đại diện doanh nghiệp, ông Trần Như Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) nêu ra một trường hợp điển hình của công trình xanh phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình được Capital House áp dụng tại dự án EcoHome. Theo đó, dự án EcoHome 1, hệ thống pin mặt trời làm tăng 3,7 tỷ đồng đầu tư, tăng chi phí so với thông thường 3,98 triệu đồng/ hộ; dự án EcoHome 2 phụ trội 8,37 triệu đồng/hộ khi đầu tư pin năng lượng mặt trời trong tổng mức tăng 8,2 tỷ đồng. Người dân không phải trả thêm tiền vì việc tăng chi phí, nhưng họ được hưởng lợi giảm tiền điện chiếu sáng khu vực công cộng trong quá trình vận hành tòa nhà.
Cần “bàn tay” Nhà nước hỗ trợ, chỉ đạo
Tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng ở phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, kiến trúc xanh và tiết kiệm năng lượng chưa thực sự được quan tâm do mục tiêu giảm giá thành lấn át. Cùng đó, yếu tố nhận thức và trách nhiệm xã hội của các đơn vị phát triển dự án cũng là rào cản khi lựa chọn ứng dụng các giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Quang – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: Việt Nam đang phát triển các công trình xanh chậm hơn các nước trong khu vực 15 năm. Hiện các chủ đầu tư, các nhà tư vấn, và cả người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến công trình xanh. Nhà nước mong muốn song mới chỉ dừng lại chính sách ban đầu. Trong thời gian tới nhà nước cần ban hành bổ sung các quy định về tiêu chí công trình xanh, gắn các tiêu chí công trình xanh với các tiêu chí phân hạng và công nhận nhà chung cư.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng để thúc đẩy phát triển những công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, Nhà nước cần kiến thiết những chương trình hỗ trợ ít nhất 20 năm với các nội dung cụ thể từ tín dụng, từ quỹ đất, từ ưu đãi cho nhà phát triển… Về dài hạn, cần thành lập Ủy ban hoặc Hội đồng nhà ở theo mô hình công ty với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội, đại diện các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và vận hành theo quy luật của thị trường. Bên cạnh đó, cần có đánh giá, chứng nhận ghi nhận để doanh nghiệp hướng đến phát triển các công trình xanh. Lan Hương
Theo_Hà Nội Mới
Hà Nội sử dụng đèn led chiếu sáng đô thị
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 2162/UBND-XDGT gửi các cấp, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm trong hệ thống chiếu sáng công cộng TP.
Chiếu sáng công cộng bằng đèn led sẽ vừa đảm bảo ánh sáng vừa tiết kiệm năng lượng
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng bằng đèn led đối với các dự án lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn như hạng mục chiếu sáng công cộng nằm trong dự án xây dựng, cải tạo đường giao thông, khu đô thị được duyệt năm 2015 và 2016. Với các dự án chưa triển khai thi công, UBND TP yêu cầu các Sở, các Ban quản lý, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, nếu trong thiết kế vẫn sử dụng nguồn sáng truyền thốngthì phải chuyển sang sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng bằng đèn led...
UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và UBND các quận, huyện, thị xã ưu tiên sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng bằng đèn led để thay thế tại các tuyến phố, khu dân cư, khu vực có hệ thống chiếu sáng đã xuống cấp. Tuyệt đối không sử dụng bóng đèn sợi đốt và halogen trong hệ thống chiếu sáng công cộng.
UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, hướng dẫn các chủ đầu tư lắp đặt sử dụng các loại đèn led đảm bảo chất lượng, kinh phí hợp lý, bảo đảm hiệu quả trong công tác chiếu sáng trên địa bàn TP.
Theo_An ninh thủ đô
Phát triển đặc sản Việt: Nhà nước phải chủ trì Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền nhưng chưa được phát triển nên giá trị kinh tế mang lại còn khiêm tốn, rất cần nhà nước chủ trì phát triển đặc sản. Việt Nam lâu nay vẫn tự hào có nhiều đặc sản, như: Bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Năm Roi (Hậu Giang), nhãn lồng Hưng Yên, vải Thanh Hà (Hải Dương),...