Phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm
Ngày 1.11.2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Nghiên cứu khoa học cần gắn với thực tiễn đời sống. Ảnh: Trần Lâm
Lao Động trân trọng trích đăng một số nội dung nghị quyết quan trọng này.
Khoa học công nghệ vẫn chưa xứng tầm
Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, mặc dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ các nhà khoa học, sự cố gắng của các doanh nghiệp và nhân dân, khoa học và công nghệ nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ nhìn chung còn trầm lắng, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội. Việc đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ chậm được đổi mới. Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ chưa gắn với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cơ chế tài chính còn chưa hợp lý. Thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý. Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ còn thiếu định hướng chiến lược, hiệu quả thấp.
Video đang HOT
Tập trung mọi nguồn lực cho khoa học công nghệ
Sau khi phân tích rõ những hạn chế và tìm ra nguyên nhân, nghị quyết đã nhấn mạnh: Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ tổ quốc là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững. Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng và triển khai coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học và công nghệ. Quan tâm đúng mức đến nghiên cứu cơ bản, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Nghị quyết cũng đã chỉ rõ mục tiêu phấn đấu của phát triển khoa học công nghệ: Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới… Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt khoảng 20%/năm giá trị giao dịch của thị trường KHCN tăng trung bình khoảng 15%/năm.
Hình thành đồng bộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao. Số cán bộ khoa học và công nghệ nghiên cứu và phát triển đạt mức 11 người trên một vạn dân.
Hạn chế đầu tư dàn trải
Đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ. Xác định việc phát huy và phát triển khoa học và công nghệ là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền. Điều chỉnh phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng căn cứ vào kết quả, hiệu quả sử dụng kinh phí khoa học và công nghệ của bộ, ngành, địa phương, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm khoa học và công nghệ cuối cùng theo kết quả đầu ra. Xây dựng cơ chế đặc thù trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ. Nâng tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% GDP vào năm 2015, trên 2% GDP vào năm 2020 và khoảng 3% GDP vào năm 2030. Tăng đầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ bảo đảm tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm.
Để nhà khoa học sống được bằng nghề
Khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ cao. Giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả. Tạo điều kiện để các tổ chức khoa học và công nghệ được vay vốn từ các quỹ dành cho khoa học và công nghệ hoặc các tổ chức tín dụng.
Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Chủ động phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ từ các trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Có chính sách tiếp tục sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ trình độ cao đã hết tuổi lao động có tâm huyết và còn sức khoẻ. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học.
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng hỗ trợ hiệu quả cho việc vận hành thị trường khoa học và công nghệ. Có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong giao dịch các sản phẩm KHCN.
Phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật khoa học và công nghệ, chuyển giao, đánh giá và định giá công nghệ. Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng.
Tít bài và các tít phụ do Lao Động đặt
Theo laodong
Không quản chặt, Hà Nội sẽ bùng nổ dân số
Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội về những cơ chế, chính sách có tính đặc thù trong dự thảo Luật Thủ đô, đặc biệt là vấn đề quản lý dân cư.
- PV: Là người trực tiếp tham gia nhiều hội thảo khoa học về dự thảo Luật Thủ đô, ông có thể cho biết những đổi mới trong dự thảo trình Quốc hội lần này?
- Ông Đào Ngọc Nghiêm: Dự thảo Luật Thủ đô đã được nghiên cứu rất khoa học, có sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia đa ngành, các cơ quan quản lý Trung ương và Hà Nội các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Dự luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều đổi mới, làm rõ hơn cơ chế đặc thù cho Thủ đô với vai trò trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, là đô thị đặc biệt có quá trình phát triển lịch sử hàng nghìn năm đã được đề cập đồng bộ trên các lĩnh vực như quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, KH-CN, môi trường, đất đai, kinh tế - tài chính, an ninh - an toàn xã hội. Đây là những vấn đề nhận được sự đồng thuận rất cao, rất cần thiết để Thủ đô có điều kiện phát triển bền vững, có vị thế xứng đáng với cả nước, khu vực và trên thế giới.
- Từng tham gia quản lý và có nhiều nghiên cứu về quản lý đô thị, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô?
- Nhìn lại cả chặng đường phát triển Thủ đô và chỉ xét riêng từ năm 1954 trở lại đây cho thấy, Hà Nội đã đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, tạo được sự chuyển biến căn bản, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước. Có được thành tựu đó là do Hà Nội đã được áp dụng cơ chế đặc thù, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Giai đoạn tới, theo những định hướng trong Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng và nhất là yêu cầu tại Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô cho thấy, Hà Nội rất cần cơ chế đặc thù để tiếp tục phát triển. Ban hành Luật Thủ đô lúc này là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nâng tầm thể chế để Thủ đô phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế mà cả nước mong muốn.
- Vấn đề quản lý dân cư đang có nhiều ý kiến khác nhau, ông nhận định thế nào về các quy định mà dự thảo đưa ra?
- Trong quá trình nghiên cứu hoàn chỉnh dự luật, vấn đề quản lý dân cư đúng là có nhiều ý kiến khác nhau song đến nay đã có sự thống nhất cao. Thực trạng dân số và phân bố dân cư ở Hà Nội là sản phẩm của lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội và đặc biệt là tùy thuộc chính sách quản lý. Giai đoạn 1945-1954, dân số tăng bình quân 4,2% giai đoạn 1954-1975 tăng bình quân 2,8% giai đoạn 1975-1986, dân số được quản lý chặt chẽ nên chỉ tăng bình quân 1,7%. Từ năm 1986 tới nay, dân số tăng trên 2%/năm, đặc biệt, nội thành tăng tới 4,7%, cao hơn cả TP Hồ Chí Minh. Quy hoạch chung Hà Nội được duyệt năm 1998 đã đặt vấn đề phải giảm dân số khu trung tâm từ 96 vạn xuống còn 80 vạn vào 2020. Nhưng do thiếu cơ chế đặc thù nên nội thành không giảm mà tăng lên tới 1,2 triệu người (2009). Đây là nguyên nhân gây ra quá tải cho nhiều lĩnh vực.
Với tốc độ phát triển như hiện nay, đến năm 2030, dân số Hà Nội sẽ đạt tới 12-13 triệu người và nội thành sẽ có từ 1,8-2 triệu người. Trong khi đó, theo quy hoạch, khu trung tâm chỉ chịu tải được 80 vạn và cả Hà Nội chỉ có 9,2 triệu dân. Như vậy, rõ ràng, quản lý dân cư là yêu cầu bức thiết, cần có cơ chế đặc thù để Thủ đô phát triển bền vững. Luật Thủ đô trình Quốc hội lần này đã có những quy định được đa số đồng thuận. Cần lưu ý là quản lý dân cư ở ngoại thành và đô thị vệ tinh được quy định phù hợp với Luật Cư trú. Chỉ riêng khu vực nội thành mới có cơ chế đặc thù. Theo tôi, cần quy định thêm để đăng ký thường trú ở nội thành ngoài việc đã đăng ký tạm trú từ 3 năm trở lên và có nhà ở sở hữu riêng hoặc thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh hợp pháp nên bổ sung quy định bình quân nhà phải đạt từ 5m2 sàn nhà ở/người trở lên.
- Ngoài vấn đề quản lý dân cư, dự luật lần này có vấn đề gì cần quan tâm?
- Về vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa, dự luật đã có đề cập các quan điểm, chủ trương phù hợp, song với Hà Nội mở rộng thì những liệt kê cụ thể mới chỉ nêu các khu đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội mà chưa chỉ ra các khu đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, văn hóa Sơn Nam của Hà Tây (cũ). Vấn đề nhà ở, cần quy định rõ hơn về quan điểm ưu đãi phát triển nhà ở xã hội trong các khu đô thị mới. Liên quan tới quản lý, bảo vệ môi trường, nên bổ sung cơ chế đặc thù nhằm tăng cường năng lực quản lý và vai trò của khoa học - công nghệ. Tổng quan cho thấy, giai đoạn tới, Thủ đô rất cần cơ chế đặc thù để phát triển bền vững. Do đó, ban hành Luật Thủ đô lúc này là hợp lý và cần thiết.
- Xin cảm ơn ông!
Theo ANTD
"Các bạn là biểu tượng của mặt trời đang lên" Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã khẳng định như vậy tại Hà Nội khi vinh dự nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức hôm qua 1-11. GS.TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN đã trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy...