Phát triển du lịch sinh thái tại di tích quốc gia làng cổ Lộc Yên
Với những giá trị văn hóa đặc sắc, làng cổ Lộc Yên được chọn là vùng lõi để làm điểm triển khai đề án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Tiên Phước.
Ngõ đá tại làng cổ Lộc Yên. (Nguồn: baoquangnam.vn)
Cách thành phố Tam Kỳ khoảng 30km về phía Tây, làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích cảm giác yên bình, muốn hít thở bầu không khí trong lành và thả hồn mình vào không gian làng quê thoáng đãng.
Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi
Là nơi lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 150 năm, những ngõ đá, bờ đá rêu phong độc đáo cùng cảnh sắc hữu tình, làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) vừa được chính thức xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đây là một trong bốn làng cổ của cả nước được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Theo tư liệu, làng cổ Lộc Yên gắn với cuộc khai hoang, lập làng vào thế kỷ XV-XVI. Đến thời Tây Sơn (1771-1802) làng Lộc Yên mới chính thức được khai sinh, với tên gọi ban đầu là Lộc An và sau này là làng Lộc Yên. Làng hiện có tổng diện tích tự nhiên 279ha, gồm 4 tổ đoàn kết với 191 hộ, 896 khẩu.
Hiện nay, làng Lộc Yên còn khoảng 50 ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi. Những ngôi nhà cột gỗ, tường đá ba gian, hai chái với mái ngói âm dương ẩn mình trong những vườn cây xanh mướt… như giữ nguyên lối kiến trúc thuần Việt, đậm bản sắc vùng miền của người Quảng xưa.
Sân gạch rộng rãi, thoáng đãng, những hàng cau cao vút ôm lấy những lối đi bằng đá sâu hun hút đẹp mắt chính là đặc trưng dễ nhận thấy ở những ngôi nhà cổ nơi đây.
Những ngôi nhà được xây dựng kết hợp giữa những ngõ đã, những hàng chè tàu được cắt tỉa cẩn thận tạo nên nét đặc trưng của làng quê Lộc Yên.
Sự kết hợp hài hòa giữa nhà cổ, ngõ đá, vườn cây, đồng ruộng cùng những lối đi quanh co tạo nên cảm giác thân thuộc, hiền hòa cho những ai lần đầu bước chân đến nơi đây. Sự khéo léo và tinh tế trong cách bố trí quần thể những ngôi nhà cổ khiến Lộc Yên đẹp nên thơ như một bức tranh hữu tình.
Trải qua nhiều thế hệ, chủ nhân của những ngôi nhà cổ nơi đây vẫn giữ được nếp sinh hoạt bình dị như bao thế hệ ông cha. Điều đó cũng chính là nhân tố góp phần tạo dựng nên một làng Lộc Yên trầm mặc, nguyên sơ, chạm tới đáy tâm hồn của những du khách muốn tìm về không gian văn hóa làng quê của người Việt bao đời.
Một nét riêng độc đáo ở Lộc Yên chính là các ngõ đá, bờ đá, giếng đá cổ. Xưa người dân xếp đá thành bờ kè, ngõ đá để giữ bờ đất khỏi bị mưa lũ làm xói mòn, rửa trôi đất đai, hoặc phân chia ranh giới những khu vườn nối liền với nhau.
Trước đây còn có nhiều ngôi nhà dân gian được trát vách bằng đất sét, đất bùn trộn rơm theo phương pháp truyền thống của người Việt xưa, nhưng những bức vách được trát rất phẳng như tường vôi.
Video đang HOT
Điểm độc đáo ở những hàng rào, ngõ đá này chính là nghệ thuật xếp đá làm nên những bức vách phẳng phiu, không cần đến vôi vữa, ximăng nhưng vẫn liên kết chắc chắn, làm tường đá bảo vệ ngôi nhà.
Những tảng đá được xếp gài xen kẻ, tạo sự liên kết bằng góc cạnh và trọng lực, do vậy khá vững chắc. Thời gian làm cỏ hoa, cây lá sinh sôi ở những khe hở của đá, vươn ra, bám sâu vào đất đá càng khiến những ngôi nhà cổ, đường làng, đồng ruộng thật nên thơ.
Phát triển du lịch sinh thái
Theo ông Phùng Văn Huy – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Phước, năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho huyện Tiên Phước thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017-2025.”
Nhà cổ Lộc Yên uy nghiêm, trầm mặc với thời gian.
Làng cổ Lộc Yên được chọn là vùng lõi để làm điểm triển khai đề án này để phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện. Huyện Tiên Phước đã đưa Làng cổ Lộc Yên vào danh sách những địa chỉ đặc biệt cần được bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo.
Thời gian qua, địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư giúp người dân chống xuống cấp ở các ngôi nhà cổ, tu bổ và cải tạo không gian làng cổ. Đồng thời hỗ trợ thêm người dân về nghiệp vụ, kiến thức để bắt đầu với mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, gìn giữ và phát huy giá trị của làng cổ này.
Tại hội thảo khởi nghiệp sáng tạo “Tạo lập và phát triển hệ sinh thái du lịch từ Làng cổ Lộc Yên” ngày 7/2/2020, các đại biểu thảo luận, bàn cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Làng cổ Lộc Yên nói riêng và huyện Tiên Phước nói chung có thể phát triển hệ sinh thái du lịch cộng đồng trong thời gian tới.
Những năm gần đây, lượng khách du lịch tại huyện Tiên Phước tăng lên đáng kể, trong đó khách quốc tế có gần 500 lượt, khách nội địa ước gần 15.000 lượt.
Tuy nhiên, việc phát triển hệ sinh thái du lịch nơi đây vẫn còn một số khó khăn như nguồn lực đầu tư còn quá hạn chế, quy hoạch du lịch chưa bài bản, cụ thể; chưa nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, hạ tầng du lịch vẫn còn nghèo, nhất là hệ thống lưu trú khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí; việc liên kết tour, khai thác, kết nối phát triển du lịch còn rất hạn chế; nhiều vùng lõi du lịch, trong đó có Làng cổ Lộc Yên và các hộ dân ở làng Lộc Yên có điều kiện, muốn làm du lịch chưa có môi trường thuận lợi để phát triển lớn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho biết để phát triển du lịch bền vững, huyện Tiên Phước cần lấy phát triển du lịch quốc tế là hướng chiến lược; tăng cường liên kết với các vùng khác trong tỉnh và quốc tế; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành các sản phẩm, tour du lịch; đồng thời bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương. Từ đó, không gian du lịch đã không ngừng được phát triển, mở rộng, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
“Làng cổ Lộc Yên phù hợp với mô hình Farmstay, du lịch trang trại nông nghiệp kết hợp lưu trú, có hợp tác xã trang trại nông nghiệp rau sạch hữu cơ, kết hợp xây dựng kiến trúc nhà gỗ thiết kế đẹp, độc, lạ, vật liệu xây dựng gần gũi thiên nhiên môi trường, tránh tình trạng bêtông hóa trong xây dựng.
Đồng thời, Lộc Yên thu hút du khách không chỉ bằng vẻ đẹp vốn có mà ngay cả trong những món ăn thường ngày, những món ăn đơn sơ, giản dị nhưng đậm đà hương vị quê hương, giá cả hợp lý. Đây cũng là thế mạnh cần được phát huy hơn nữa để Tiên Phước nói chung hay Lộc Yên nói riêng vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa phát triển du dịch theo hướng sinh thái cộng đồng” – ông Lê Ngọc Thuận, Chủ tịch hội Homestay Quảng Nam chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh, huyện Tiên Phước, cần có một bộ quy chuẩn riêng để quản lý, phát triển làng cổ Lộc Yên. Cùng với đó, chính quyền huyện Tiên Phước cần có những đề án nhằm xây dựng ý thức cộng đồng cho nhân dân trong việc chung tay bảo vệ và phát triển làng cổ.
Ngoài ra, huyện Tiên Phước cần xác định phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn, lấy không gian Làng cổ Lộc Yên làm điểm nhấn và kết hợp với phát triển các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách như ẩm thực đặc trưng Tiên Phước, các đặc sản của vùng trung du Tiên Phước như lòn bon, tiêu, quế, chè, dó trầm, chuối, mít…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Phước Hường Văn Minh ghi nhận và đánh giá cao những góp ý của các đại biểu, qua đó mong muốn huyện Tiên Phước sẽ đề ra những phương hướng phù hợp trong việc phát triển hoạt động du lịch tại địa phương, sớm đưa Làng cổ Lộc Yên trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Tại buổi lễ, Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Phước đã ký kết với Tập đoàn Thiên Minh biên bản ghi nhớ, cam kết hỗ trợ và kết nối phát triển du lịch tại địa phương./.
Theo vietnamplus.vn
Lòng hồ Ông Thoại - Dấu ấn một điểm đến
Vốn là trung tâm hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng của tỉnh An Giang, với năm khu di tích văn hóa, lịch sử
14 khu di tích tín ngưỡng truyền thống và 44 cơ sở tôn giáo; nơi đây còn lưu giữ Bia đá "Thoại Sơn" - một báu vật vô giá của quốc gia, đã được UNESCO bình chọn "top 100" điểm đến ấn tượng của Việt Nam; sở hữu một di chỉ, di tích văn hóa Óc Eo rực rỡ với nhiều hiện vật quý báu thuộc vương quốc Phù Nam cổ kính, cùng những câu truyện dân gian huyền bí về cụm núi Ba Thê, về danh thần nhà Nguyễn - Thoại Ngọc Hầu, người đã khai kênh, mở làng cho vùng đất phương Nam này,...
Toàn cảnh lòng hồ Ông Thoại.
Từ những tiềm năng và thế mạnh hiện có, hiện nay, huyện Thoại Sơn (An Giang) đang tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp, cụ thể đã quy hoạch thành ba không gian du lịch, gồm: "Óc Eo huyền bí", "Thị trấn bên hồ" và "Thư giãn cuối tuần", tất cả với mong muốn khai thác, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm với mục tiêu đón 750.000 lượt khách, ước đạt 4,3 tỷ đồng vào năm 2020, và ước đạt 1,5 triệu lượt khách vào năm 2025.
Trong không gian phát triển du lịch tổng thể của huyện, không thể không nhắc đến tầm quan trọng, cũng như tiềm năng phát triển du lịch của hồ Ông Thoại. Bởi, ngoài là vị trí trung tâm thị tứ đắc địa, với khu vui chơi giải trí, mua sắm, là đầu mối liên kết các tour tuyến, các khu du lịch khác trong toàn huyện, nơi đây còn là điểm đến thật hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tìm về.
Tuy là công trình nhân tạo, tức chỉ tận dụng những vách núi, hố sâu sau khi khai thác đá để dẫn nước làm hồ, thế nhưng vô tình tạo thành một "bức tranh thủy mặc" non nước hữu tình, vừa nên thơ vừa huyền diệu, nhưng cũng chân thật từng màu sắc do vẻ xanh trong của mặt hồ. Nói đến hồ Ông Thoại, nhiều du khách còn ngỡ ngàng cho rằng, đây không chỉ là đặc trưng riêng biệt của vùng đất đồng bằng ôm núi này, mà nó còn là một tuyệt tác, được kết tạo từ sự khéo léo, hài hòa giữa đất, núi và chính con người của vùng đất Thoại Sơn này.
Cổng vào lòng hồ Ông Thoại.
Hồ Ông Thoại còn có tên khác là hồ Thoại Sơn, hồ nằm trong quần thể của Khu lòng hồ Núi Sập rộng khoảng chín ha, chia thành ba hồ, trong đó, hồ Ông Thoại là hồ lớn nhất với diện tích 120.000 m2. Với thiết kế vòng nguyệt, quanh hồ là lối đi mòn, được ôm ấp dưới những tán cây xanh mát rượi; trong lòng hồ có vài ốc đảo đá, được kết nối bởi những chiếc cầu mang nhiều ý nghĩa như: cầu Mai An Tiêm, cầu Khoa Bảng, cầu Vọng Nguyệt; và ở một góc nhỏ, thuộc phía nam lòng hồ, có xây dựng mô hình chùa Một Cột với lối kiến trúc cổ kính, theo đó đã tô điểm thêm nét trầm mặc, thơ mộng và bình yên cho không gian du lịch "Thị trấn bên hồ".
Chùa Một Cột - trong lòng hồ.
Chúng ta lại càng ấn tượng hơn với điểm nhấn của lòng hồ, đó là việc xây dựng bức tường của danh tướng nhà Nguyễn - Thoại Ngọc Hầu, cao hơn 10 m, được đặt ở giữa hồ. Với thế đứng trang trọng, hiên ngang, lưng tựa núi, tay chỉ về phía kênh Thoại Hà, cùng một bản dịch Bia Thoại Sơn - vốn được xem là áng văn chương sắc sảo, có giá trị muôn đời,...
Qua đây, giúp chúng ta cảm nhận rằng, tất cả quang cảnh nơi này không chỉ dừng lại ở không gian văn hóa cảnh vật, mà còn là một công trình đầy ý nghĩa, mang tính giáo dục cao, nhằm nhắc nhớ chúng ta ghi lòng tạc dạ đối với công lao, cùng những hy sinh, mất mát của các bậc tiền nhân trong quá trình khai hoang mở đất.
Chưa dừng lại ở đó, khi đến đây, du khách có thể hòa mình cùng không gian sông nước, có thể đạp vịt, hay bơi xuồng để cùng hít thở không khí thiên nhiên trong lành, cũng như ngắm khung cảnh thanh bình, mộng mơ của lòng hồ. Hoặc du khách có thể len lỏi vào các ngóc ngách của hang động, xuyên qua những hang đá, đường hầm để trải nghiệm nét huyền bí, hoang sơ, cũng như được lắng nghe hơi thở của mẹ thiên nhiên vang lên từ lòng núi.
Và tại đây, du khách còn có thể tham quan, chụp ảnh cùng những bức tượng độc đáo của nền văn hóa Óc Eo cổ xưa, vốn từng tồn tại cách đây hàng nghìn năm trên lãnh thổ Việt Nam như: tượng thần Siva, tháp Ponagar, biểu trưng của linga và yoni,... Ngoài ra, tiến về phía nhà lục giác, chúng ta còn được thưởng lãm bức thư pháp độc đáo với 108 chữ "tâm" đạt kỷ lục Việt Nam, cũng như được chiêm ngưỡng bản di chúc Bác Hồ bằng lá thốt nốt lớn nhất, đạt kỷ lục Việt Nam do nghệ nhân Võ Văn Tạng thực hiện.
Bên cạnh, với việc tận dụng địa hình cùng mặt nước xanh trong, phẳng lặng của lòng hồ, hằng năm, vào các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống của huyện, Ban quản lý khu di tích lòng hồ đều tổ chức bắn pháo hoa, tổ chức các cuộc thi mang tính giải trí cao như: chạy xe đạp quanh núi, đi bộ lên đỉnh núi, thi bơi lội, đua thuyền rồng, các trò chơi dân gian dưới nước, hát đờn ca tài tử, thử làm ca sĩ,... qua đó thu hút đông đảo du khách thích thú, cùng tham gia và trải nghiệm.
Du khách tham quan lòng hồ.
Tuy nhiên, so sánh giữa những gì đạt được với thế mạnh và tiềm năng hiện có, cho thấy lòng hồ Ông Thoại vẫn chưa phát huy tốt nhất. Do vậy, để tập trung đẩy mạnh, phát triển bền vững hơn, nhằm thu hút đông đảo du khách tìm về với lòng hồ Ông Thoại, cũng như du lịch Thoại Sơn nói chung, hiện nay huyện đang tập trung công tác tuyên truyền quảng bá, kêu gọi đầu tư; sớm hoàn thiện Bộ nhận dạng thương hiệu du lịch; lập bản đồ du lịch và cẩm nang du lịch Thoại Sơn; tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nguồn lực làm du lịch,... Tổ chức thêm các tour tuyến du lịch khép kín giữa ba không gian du lịch; tạo các chương trình mới như: tuần lễ mua sắm, biểu diễn nghệ thuật dân gian, cộng đồng hóa điệu múa Óc Eo cổ,... Riêng tại lòng hồ Ông Thoại, đã tiến hành khảo sát toàn diện, các hệ thống cơ sở vật chất, đang cải tạo, nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục; đầu tư, mở thêm khu vui chơi, tạo cảnh quan như trồng hoa, cỏ xanh, cải tạo nguồn nước,...
Đặc biệt, hiện nay khu du lịch đang tích cực kêu gọi đầu tư để sớm xây dựng nhà hàng đạt chuẩn để phục vụ khách du lịch; xây dựng các tiểu cảnh theo hướng công viên sinh thái; phân khu tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch để giúp du khách tham quan, mua sắm. Với những nỗ lực và những giải pháp đưa ra, hứa hẹn, trong tương lai không xa, ngành du lịch huyện Thoại Sơn sẽ đạt được kỳ vọng là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy, phát triển nền kinh tế, xã hội của huyện cũng như của tỉnh An Giang.
MỸ HẠNH
Theo nhandan.com.vn
Phố bên đồi: Lãng du vào miền nghệ thuật trên xứ sở sương mù Trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật cộng đồng đa hình thái "Phố bên đồi 2019 - Vào miền nghệ thuật", vẻ đẹp của Dốc Nhà Làng ở Đà Lạt trở nên xanh sạch giúp đánh thức một không gian nghệ thuật vốn tiềm ẩn ở con dốc cổ kính này. Một góc không gian Phố bên đồi tại Dốc Nhà Làng Phố...