Phát triển du lịch cộng đồng ở Mù Cang Chải
Cách trung tâm thành phố Yên Bái gần 200km, Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái.
Núi non hùng vĩ cùng những phong tục, tập quán độc đáo và sự mộc mạc, chất phác, mến khách của đồng bào dân tộc Mông đã tạo điều kiện để huyện phát triển du lịch cộng đồng.
Đây là hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào mùa lúa chín. Ảnh: TTXVN
Địa bàn huyện Mù Cang Chải hiện có 91 cơ sở lưu trú, trong đó có 26 nhà nghỉ và 65 hộ làm du lịch cộng đồng, với tổng số hơn 900 buồng, giường phục vụ cho trên 2.200 lượt khách/đêm. Thời gian cao điểm còn có trên 40 hộ làm dịch vụ cho thuê theo thời vụ, phục vụ được trên 2.000 lượt khách/đêm.
Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, việc phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được huyện quan tâm đầu tư, từng bước triển khai có hiệu quả. Huyện đã khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Năm 2014, huyện hỗ trợ các gia đình ở bản Thái Kim Nọi (thị trấn) và một số hộ người Mông ở xã La Pán Tẩn vay 20 triệu đồng không lãi suất trong 2 năm để sửa nhà và xây dựng thêm các công trình vệ sinh. Nhờ đó, thu nhập của các hộ dân hàng năm đều tăng. Nhận thấy có hiệu quả, nhiều gia đình ở các xã đã chủ động tự triển khai mô hình.
Ngoài việc hỗ trợ vốn, huyện Mù Cang Chải còn mở thêm các lớp ngoại ngữ cho người dân. Huyện đã mở được ba lớp tiếng Anh. Sở Ngoại vụ phối hợp với huyện mở thêm một lớp tiếp Pháp. Cùng với đó, huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng giao tiếp khi đón khách và biết cách giới thiệu về Mù Cang Chải.
Du lịch cộng đồng ở huyện Mù Cang Chải đang phát triển mạnh với các hình thức đa dạng như du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng…
Xã La Pán Tẩn là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách của huyện Mù Cang Chải với những thửa ruộng bậc thang trải dài uốn quanh đồi mâm xôi hay vẻ đẹp thuần khiết của loài hoa tớ dầy (đào rừng), hoa cải…
Đây là thế mạnh để xã La Pán Tẩn phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, giúp du khách trải nghiệm, khám phá những phong tục tập quán, nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Ông Hảng Sáy Chông, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết, La Pán Tẩn là xã đặc biệt khó khăn với 99% đồng bào Mông sinh sống. Trước năm 2015, xã chưa có mô hình du lịch cộng đồng. Sau đó, khách du lịch đến với xã ngày một đông. Để đáp ứng nhu cầu ăn, ở, trải nghiệm cho du khách, đặc biệt đối với du khách nước ngoài, xã đã đưa một số hộ đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở thị xã Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La). Năm 2016, xã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Sau một thời gian ngắn, loại hình du lịch này từng bước phát triển và mang lại hiệu quả.
So với vùng thấp, du lịch cộng đồng ở xã La Pán Tẩn cho thu nhập chưa cao nhưng đã giúp đồng bào vùng cao xóa đói giảm nghèo. Trước đây, khi chưa làm du lịch, người dân trong xã không biết bán hàng, chỉ ở nhà và lên nương cấy lúa trồng ngô. Giờ đây, gắn với phát triển du lịch, các bà, các mẹ còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để may váy, thêu thổ cẩm cho du khách thuê và bán, tạo thêm thu nhập.
Bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn là một trong những bản được chọn làm điểm để xây dựng du lịch cộng đồng. Người dân xác định mỗi du khách ghé qua bản là một khách hàng tiềm năng.
Bởi vậy, mọi người đến đây đều được người dân chào đón bằng nụ cười thân thiện và mến khách. Chị Vàng Thị Lý, bản La Pán Tẩn chia sẻ, vợ chồng chị bắt đầu làm du lịch cộng đồng vào cuối năm 2017, du khách chủ yếu là người nước ngoài. Để giao tiếp được với du khách, chị đã lên thị xã Sa Pa làm nhân viên chạy bàn để học tiếng Anh.
Trong 5 tháng, chị có thể giao tiếp được với người nước ngoài. Là người Mông, ngay từ lúc làm du lịch cộng đồng, vợ chồng chị đã xác định đưa những giá trị văn hóa của người Mông như làm nương, đám cưới, lễ hội, dệt vải, nhuộm chàm… Trong phòng ngủ của du khách, chị trang trí chăn ga, gối, đệm bằng thổ cẩm của người Mông để du khách cảm nhận rõ nét văn hóa của đồng bào nơi đây.
Video đang HOT
Sau hơn 2 năm làm du lịch cộng đồng, trung bình mỗi tháng, tổng nguồn thu từ du lịch của gia đình chị khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí, vợ chồng chị Lý lãi khoảng 15-20 triệu; vào mùa du lịch cao điểm có tháng thu về gần 90 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi được một nửa. Hiện ngày nào gia đình chị cũng có đoàn khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Tháng 2 vừa qua, vợ chồng chị đã ra mắt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải.
Năm 2019, du lịch huyện Mù Cang Chải có sự tăng trưởng cả số lượng khách tham quan và doanh thu từ du lịch. Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn huyện đạt 250.000 lượt, tăng 160.000 lượt so với năm 2018, trong đó khách quốc tế là 37.200 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 93 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với năm 2018.
Năm 2020, huyện Mù Cang Chải phấn đấu đón và phục vụ 160.000 lượt khách, trong đó có 39.000 lượt khách quốc tế với doanh thu ước đạt 95 tỷ đồng. Nhằm phát triển du lịch, đặc biệt du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, huyện Mù Cang Chải tập trung xây dựng các loại hình du lịch tại nhiều địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt, Khau Phạ…
Cùng với đó, huyện tích cực đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến về du lịch, nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Mù Cang Chải để nhiều người biết và trực tiếp đến tham quan, trải nghiệm. Huyện chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện du lịch trong năm, như: Mùa nước đổ; Trải nghiệm mùa hè cùng em; Tết độc lập; Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang…
Việt Dũng – Đinh Thùy
Theo baotintuc.vn
Mù Cang Chải: Vẻ đẹp say lòng du khách giữa núi rừng Tây Bắc
Được ví như vân tay của trời, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này.
Bức tranh quyến rũ của vùng cao Mù Cang Chải mùa lúa chín. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Cách Hà Nội hơn 300km, Mù Cang Chải giờ đây không còn xa lạ với dân du lịch. Quốc lộ 32 nối liền một dải lên tận miền Lai Châu, cung đường cheo leo nằm uốn mình theo từng sườn núi đưa bạn đi qua nhiều cảnh đẹp của vùng núi Tây Bắc.
Vượt đèo Khế, rồi dốc Bồ Hòn là vào đến Tú Lệ. Tú Lệ thường là điểm dừng chân của hầu hết các đoàn đi qua đây, bởi có nhiều món ăn ngon, nhiều chỗ để đi và chụp ảnh.
Chiều tà trên bản Lìm Mông, mây sà xuống ấp ôm những mái nhà rêu cũ giữa cánh đồng lúa mênh mông. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Xôi nếp Tú Lệ là một ví dụ điển hình, cái thứ gạo chỉ có trồng được tại đây, mà cũng chỉ trồng trên những thửa ruộng bậc thang mỗi năm một vụ mà thôi. Khi đồ hay nấu lên, dẻo và thơm vô cùng, thơm ngào ngạt mùi nếp, lại ngọt như lúa mới trổ đòng, ai ăn một lần cũng muốn ăn thêm lần nữa.
Tú Lệ còn có suối nước nóng, từng chàng trai cô gái cùng ra suối tắm, bỏ qua những gì thuộc về trần tục, chỉ còn lại là tiếng róc rách rất nhỏ và tiếng trò chuyện tâm tình. Từ dòng suối này, bao cô gái đã tìm được chàng trai của cuộc đời mình.
Những kẻ miền xuôi chúng tôi cũng thử bỏ hết mọi ý nghĩ bụi trần mà trầm mình
Tú Lệ cũng là nơi bắt đầu của ngọn đèo Khau Phạ hùng vĩ. Cung đèo được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của đất nước, Khau Phạ có nghĩa là "sừng trời."
Những lớp màu ở Chế Cu Nha. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Người Mông đã dùng từ đó để miêu tả Khau Phạ như chiếc sừng chọc lên trời xanh, cũng nhằm chỉ mức độ hiểm trở. Cả cung đèo dài chừng hơn 20km, thường quanh năm mây mù che phủ, chỉ những ngày nắng đẹp thì đứng trên đèo mới nhìn rõ được hết thung lũng phía dưới.
Ở phía dưới, thung lũng Cao Phạ mùa nước đổ trông như bức họa ai đó đang vẽ dở, từng chấm xanh chấm vàng trông rất lộn xộn. Chấm xanh là nương mạ ai đó đang cấy dở, chấm vàng là thửa ruộng đất khô đang chờ đổ nước.
Cung đèo Khau Phạ dần bị chinh phục, dọc hai bên đường lên thị trấn Mù Cang Chải đều là ruộng, ruộng bậc thang trải dài từ đỉnh núi xuống tận khe suối.
Từng lớp, từng lớp ruộng nối nhau chạy quanh khe núi, chấm phá thêm là những căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa đám mạ xanh non đang cấy dở. Con đường nhỏ vắt mình như sợi ruybăng ai khéo thả xuống giữa trời.
Được ngắm nhìn toàn cảnh những lớp sóng lúa từ đèo Khau Phạ luôn mang đến cảm xúc tuyệt vời cho các phi công dù lượn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
La Pán Tẩn như một điểm cao giữa bốn bề là ruộng, vì thế đứng từ đấy dõi mắt ra bốn phía đều thấy ruộng, xa hơn nữa là những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại.
Được ví như vân tay của trời, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này.
Những thửa ruộng trải dài như những cung đàn, nốt nhạc, đan khắp các sườn núi. Thời điểm ngắm ruộng bậc thang lý tưởng nhất là từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 là khi mùa lúa chín.
Lúc này trên các sườn núi, triền đồi, các ruộng lúa xanh bắt đầu ngả vàng. Những bông lúa trĩu hạt, uốn câu và những thửa ruộng bậc thang được nhuộm vàng, từng bậc ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống như bất tận, tạo nên một bức tranh vô cùng ấn tượng.
Đây cũng chính là một trong những khoảnh khắc tuyệt đẹp nhất để du khách đến với Mù Cang Chải.
Thửa ruộng chín sớm với những hạt lúa trĩu bông ở La Pán Tẩn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Lẫn giữa màu vàng của lúa là màu của váy áo, cô gái người Mông váy sặc sỡ đang khom mình gặt lúa, cô gái Thái với tà áo trắng tinh khôi đang đập lúa cùng những chàng trai.
Bức tranh mùa gặt của miền núi luôn đầy màu sắc như thế. Từ xa xưa cho tới tận bây giờ, dường như vẫn không có gì thay đổi.
Hầu hết mọi người đều đến xứ Mù vào mùa lúa chín (tháng 10), từng thửa ruộng bậc thang vàng rộm làm cho cả vùng núi bừng lên màu của no ấm. Kiệt tác của bà con dân tộc ở đây cứ đến dịp ấy là lại phơi bày hết khiến những người lữ khách đi qua phải giật mình thảng thốt.
Nhưng ít ai biết rằng còn một khoảng thời gian khác nữa - tháng Tư và tháng Năm, mùa của những con nước đổ ải...
Lúa vùng này mỗi năm chỉ có một vụ, thường thu hoạch vào tháng 10, thu hoạch xong thì để mặc ruộng với trời đất.
Ngay cạnh đó, ruộng bên cạnh mới trổ đòng xanh mướt với những bông lúa trắng muốt. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Đến chừng tháng Hai, khi có những cơn mưa xuân trút xuống cũng là lúc bắt đầu có nước. Hình thái ruộng bậc thang giúp cho việc hứng và giữ nước được tối đa nhất.
Từng nguồn nước ít ỏi được chảy từ ruộng cao nhất, tràn qua bờ xuống vùng trũng hơn, cứ thế cho đến thửa ruộng thấp nhất giáp với lòng suối.
Cả 3 tháng ròng từ tầm tháng Hai đến tháng Năm là lúc ruộng chờ nước, nước vào thì bắt đầu cày bừa rồi gieo mạ và cấy. Chính vì thế, tháng 4-5 cũng là khoảng thời gian cấy chính cho vụ lúa chín tháng 10.
Có lúc cả mặt ruộng như mặt gương soi bóng bầu trời xanh ngắt, cũng có lúc cả đám mạ non xanh mơn mởn giữa vùng đất vàng nâu, dăm ba cô gái Mông váy áo sặc sỡ đang khom người xuống cấy, những chàng trai Mông đang cày, đang bừa.
Lũ trẻ con cũng tung tăng theo bố mẹ, đứa ngồi trên bờ trông em, đứa lớn thì vận chuyển mạ, đứa lại đang vắt vẻo trên cây gạo giữa thung lũng hái những bông hoa rực đỏ cuối mùa báo hiệu thời tiết dần hết lạnh.
Màu vàng của đất chưa cấy, màu trắng loang loáng của nước đã đổ, màu xanh của nương mạ, màu đỏ của hoa gạo, màu bàng bạc của dòng suối chảy vắt qua giữa thung lũng cùng vô số màu sắc từ những chiếc váy áo, từ cuộc sống lao động hăng say đã làm nên những mùa xuân miền núi.
Huyện Mù Cang Chải có khoảng trên 61.000 dân, trong đó 91% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác.
Sự đa dạng về dân tộc cũng tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.
Bằng sự sáng tạo thông minh, đôi bàn tay cần cù, chăm chỉ, cùng sức mạnh tập thể, những người dân vùng Tây Bắc đã tạo nên hệ thống ruộng bậc thang độc đáo và kỳ vĩ.
Mùa lúa chín là thời điểm Mù Cang Chải rất được du khách ưa chuộng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Không chỉ giúp nhân dân có cuộc sống ổn định, đẩy lui đói nghèo mà sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang cùng nét văn hóa bản địa độc đáo còn giúp Mù Cang Chải trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha - thiên đường ruộng bậc thang Việt Nam - đã được Nhà nước công nhận Danh thắng quốc gia.
Không chỉ vậy, Mù Cang Chải còn được bầu chọn vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới./.
Theo vietnamplus.vn
Mù Cang Chải - Mùa vàng nơi lưng trời Tây Bắc Từ tháng 9 đến tháng 10, Mù Cang Chải đẹp tới nao lòng với những dải lúa vàng óng như những tấm thảm vàng trải dài bất tận trên lưng núi điệp trùng. Mù Cang Chải là một huyện miền tây tỉnh Yên Bái, nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước...