Phát triển điện mặt trời ở Tây Nguyên – Bài 3: Nhiều hệ lụy
Cơ chế khuyến khích của Chính phủ đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển điện mặt trời trong một thời gian ngắn, tất cả các dự án đều đi vào hoạt động trước ngày 31/12/2020 để hưởng chính sách giá mua điện ưu đãi.
Cũng trong một thời gian phát triển “ nóng” ở khu vực Tây Nguyên, đến nay nhiều hệ lụy đang bộc lộ, nhất là trong quản lý nhà nước, vận hành, sử dụng nguồn điện mặt trời.
Hệ thống pin năng lượng của Trang trại Điện mặt trời BMT được lắp đặt dọc chân đập Krông Buk Hạ. Ảnh minh họa: Anh Dũng/TTXVN
“Sờ” đâu sai đó
Vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra thực tế và rà soát hồ sơ của 40 hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên các công trình dân dụng, nhà xưởng, trang trại nông nghiệp của 15 huyện, thị xã, thành phố, gồm: 28 trang trại nông nghiệp, 5 công nghiệp, 6 dân dụng và 1 hệ thống hạ tầng.
Kết quả tổng hợp báo cáo ngày 30/6/2021 cho thấy, tồn tại rất nhiều bất cập, thậm chí nhiều công trình chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Đơn cử như việc sử dụng đất trong hoạt động sản xuất trang trại nông nghiệp kết hợp với điện mặt trời mái nhà. Đối với 28 trang trại tại thời điểm kiểm tra, có 13/28 trang trại nông nghiệp xây dựng công trình trang trại trên đất trồng cây lâu năm chưa được chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác.
Việc quản lý sử dụng đất tại địa phương còn chưa chặt chẽ như các huyện Buôn Đôn, Cư MGar, Cư Kuin, Krông Ana, M’Đrắk… Các trang trại này chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chưa thực hiện việc chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác để làm trang trại nhưng đã thực hiện xây dựng trang trại để có mái lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Một số địa phương có văn bản đồng ý cho cá nhân, tổ chức chủ trương xây dựng trang trại, cấp phép xây dựng trang trại trên đất trồng cây lâu năm, chưa đúng mục đích sử dụng đất như trên địa bàn huyện Krông Năng, Ea Kar, Krông Pắc…
Về xây dựng công trình, các hạng mục công trình điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà kho, nhà xưởng thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền thì các đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên ngành để thực hiện thẩm định và xin cấp giấy phép xây dựng. Trong khi đó, UBND các huyện đã cấp giấy phép xây dựng cho các công trình, trang trại không đúng theo quy định và cấp giấy phép xây dựng trang trại trên đất trồng cây lâu năm. Thực tế này xảy ra tại các địa phương như: huyện Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Pắc, Cư M’Gar, Krông Ana, MĐrăk, Ea Kar, Krông Năng.
Về phòng cháy chữa cháy, tại thời điểm kiểm tra có 28/40 hệ thống điện mặt trời chưa thực hiện theo hướng dẫn của Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), như: bố trí tấm thu năng lượng và lối đi trên mái; trang bị và bố trí các bình chữa cháy tại các vị trí inverter, tủ điện, trạm biến áp…
Video đang HOT
Về thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện giữa Công ty Điện lực Đắk Lắk và chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời, tại thời điểm kiểm tra 40 hệ thống điện mặt trời đã được thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, một số hồ sơ thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện hệ thống điện mặt trời chưa chặt chẽ về thời gian và pháp lý. Hồ sơ thiết kế phần đường dây và trạm biến áp đấu nối chưa được chủ đầu tư tổ chức thẩm tra và phê duyệt.
“Khủng hoảng thừa” năng lượng
Chỉ trong một thời gian ngắn với sự “bùng nổ” của điện mặt trời thì cụm từ “khủng hoảng thừa nguồn điện” lại được nhắc đến rất nhiều và thực tế đã diễn ra tại nhiều địa phương. Đây chính là nghịch lý và gây lãng phí nguồn năng lượng được xem là xu thế trong tương lai.
Mùa khô Tây Nguyên là thời điểm nguy cơ thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, mùa khô 2020-2021 trở thành một trong những mùa khô chưa có tiền lệ tại nhiều địa phương khi một số tỉnh phải tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo do nguồn điện mặt trời dư thừa.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Lâm Đồng, đầu năm 2021, tỉnh đã có 1.400 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt khoảng 300 MWp. Việc phát triển nguồn điện mặt trời cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến nguồn điện năng bị dư thừa trong những tháng mùa khô, đặc biệt vào những thời điểm sử dụng điện ít trong ngày. Trước tình trạng này, có những thời điểm, ngành điện Lâm Đồng phải cắt giảm từ 20 – 30% trong tổng công suất lắp đặt trên hệ thống của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết, việc phát triển nóng điện mặt trời như hiện nay khiến hạ tầng lưới điện của ngành điện không đáp ứng được; không tải hết được công suất của điện mặt trời lên lưới điện phân phối nên buộc phải đầu tư thêm hạ tầng lưới điện truyền tải. Đây cũng là khó khăn ngành điện Lâm Đồng đang đối mặt.
Tương tự tại tỉnh Gia Lai, việc ồ ạt phát triển các dự án điện mặt trời trong điều kiện hạ tầng lưới điện không đáp ứng kịp dẫn đến khủng hoảng thừa điện năng. Để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện, Công ty Điện lực Gia Lai bắt buộc phải cắt giảm luân phiên công suất phát của các hệ thống điện mặt trời trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho rằng, việc phát triển quá nhanh nguồn điện mặt trời đã để lại một số hệ lụy nghiêm trọng và dẫn đến việc phải cắt giảm công suất nguồn này trong thời gian vừa qua. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực của xã hội mà còn tạo sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư, dẫn đến tranh chấp giữa nhà đầu tư trước với nhà đầu tư sau. Đặc biệt, làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các nhà đầu tư hoạt động đúng cam kết với các nhà đầu tư lách chính sách để hưởng lợi.
Là một trong những nhà đầu tư điện mặt trời, bà Trần Thị Diễm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Ly, Gia Lai bức xúc cho hay: “Theo chủ trương của Chính phủ, chúng tôi đã đầu tư rất nghiêm túc và bài bản. Chính vì vậy, việc đầu tư của chúng tôi có giá trị lớn hơn so với các đơn vị đầu tư theo mục đích chỉ sản xuất và bán điện; không có phần trang trại bên dưới hoặc là không nghiêm túc trong việc đầu tư trang trại sản xuất. Rất bất công cho doanh nghiệp vì đầu tư một nguồn tài chính lớn và tuân thủ đúng các quy định nhưng hoạt động cắt giảm nguồn điện lại phân bổ đều. Từ đó, dẫn đến việc chậm thu hồi vốn và thiệt hại cho doanh nghiệp”.
Lý giải nguyên nhân của việc cắt giảm bớt công suất nguồn điện mặt trời, ông Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kinh tế phát triển chậm lại. Nhu cầu sử dụng điện giảm thấp dẫn đến một số thời điểm hệ thống thừa công suất và gây quá tải cục bộ một số lưới điện đặc biệt là lưới điện liên kết miền. Do đó, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo khẩn cấp trong trường hợp thừa công suất cần phải tiết giảm hệ thống điện mặt trời.
Bài 4: Hướng tới phát triển bền vững
Phát triển điện mặt trời ở Tây Nguyên - Bài 1: Đánh thức tiềm năng
Với định hướng phát triển năng lượng tái tạo để giảm áp lực cho ngành điện đồng thời xây dựng một nền kinh tế xanh, giảm ô nhiễm..., trong những năm gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành hàng loạt những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà.
Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; trong đó, đưa ra giá mua điện 8,38 UScent/kWh, mức giá cao so với nhiều nước trong khu vực.
Nhà máy điện mặt trời Cư Jút tại tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN
Trước cơ chế khuyến khích của Chính phủ, nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước đã triển khai nhiều công trình, dự án phát triển điện mặt trời. Tây Nguyên là khu vực có nhiều lợi thế, tiềm năng để đầu tư và phát triển nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, quá trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo này đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn trong quản lý, thậm chí xuất hiện tình trạng dư thừa nguồn điện, gây lãng phí nguồn lực.
Phóng viên TTXVN thực hiện 5 bài viết để làm rõ thực trạng, những vấn đề bất cập và giải pháp mang tính lâu dài, bền vững trong việc phát triển và quản lý nguồn năng lượng tái tạo này.
Bài 1: Đánh thức tiềm năng
Tây Nguyên bao gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng là khu vực được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển điện mặt trời, đem lại lợi ích lớn về kinh tế, xã hội. Do đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, chính quyền các địa phương cùng nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh tay đầu tư vào điện mặt trời. Thực tiễn cũng đã chứng minh lợi ích to lớn mà nguồn năng lượng tái tạo này đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ trương đúng
Các tỉnh khu vực Tây Nguyên là nơi có cường độ năng lượng bức xạ tốt, số giờ nắng cao. Theo dữ liệu của PVGIS-CMSAF (Uỷ ban châu Âu), cường độ bức xạ tại khu vực này đạt từ 5,1-5,3 kWh/m2/ngày, với từ 2.000-2.600 giờ nắng trong năm. Đây là một con số mong ước đối với bất kỳ chủ sở hữu hệ thống điện mặt trời nào.
Ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết, tiềm năng về năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh tập trung ở phía Tây gồm các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn và một số khu vực huyện Cư M'Gar, huyện Ea H'Leo...với bức xạ nhiệt trung bình từ 4,7-5 kWh/m2/ngày. Tiềm năng phát triển điện mặt trời tỉnh Đắk Lắk đạt quy mô khoảng 16.000 MWp.
Bên cạnh đó, Tây Nguyên có mật độ dân số thấp nhất cả nước, trong khi diện tích chiếm 16,1%, nhưng tổng dân số chỉ chiếm 6,1% dân số cả nước. Với lợi thế diện tích đất rộng, những ngôi nhà thường được xây dựng ít tầng và trên nền đất rộng, do đó diện tích mái nhà cũng tương đối lớn. Điều này giúp các tấm pin mặt trời mái nhà hoạt động tối đa công suất. Đây là một trong những thuận lợi trong phát triển điện mặt trời trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, từ thực tế cuối năm 2019, với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), mỗi năm sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kWh.
Tính toán của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh, tương ứng 5% nhu cầu. Trong khi nguồn năng lượng sơ cấp như điện than, điện khí triển khai xây dựng và vận hành chậm. Vì vậy, chủ trương và chính sách phát triển điện mặt trời của Chính phủ là đúng đắn và phù hợp với đặc thù khu vực Tây Nguyên.
Nhiều lợi ích kinh tế
Ông Lê Trần Tự, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho rằng, năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới cũng như của nước ta trong hiện tại và tương lai sau này. Việc phát triển các dự án điện mặt trời đã mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế-xã hội hiện nay như: cung cấp nguồn năng lượng sạch bù đắp nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính, đóng góp nguồn ngân sách và tạo công ăn việc làm cho người dân lao động tại địa phương.
Huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là một trong những huyện có điều kiện đất đai, khí hậu khắc nghiệt, khó khăn trong phát triển nông nghiệp. Ngay sau chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư điện mặt trời tại huyện Buôn Đôn và biến "cái bất lợi thành thuận lợi" từ việc phát triển điện mặt trời.
Phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Lê Văn Nuôi cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 56 chủ đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 35 MWp; trong đó, có 9 hộ gia đình và 47 tổ chức. Việc đầu tư, phát triển điện mặt trời trong những năm qua đã góp phần làm khởi sắc kinh tế tại địa phương, giải quyết được bài toán phát triển kinh tế trên những vùng đất canh tác kém hiệu quả. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo Sở Công Thương Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông hiện đã có 2 nhà máy điện mặt trời nối lưới với tổng công suất hơn 106 MWp và hơn 1.500 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất gần 380 MWp. Các hệ thống điện mặt trời góp phần rất lớn trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Từ đó, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, giảm bớt áp lực về đầu tư nguồn điện của ngành điện.
Cùng chung quan điểm trên, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk Hà Văn Chương cho biết, nguồn điện mặt trời trong thời gian qua đã giúp giảm tổn thất điện năng trên đường dây trung áp, hạ áp; hạn chế quá tải trong giờ cao điểm ban ngày, san bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống điện. Đồng thời, giảm sử dụng các nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường như nhiệt điện...
Mặt khác, hệ thống điện mặt trời đã lắp đặt mang lại hiệu quả kinh tế cho hơn 5.300 hộ gia đình, doanh nghiệp như: giảm tiền điện sử dụng hàng tháng, tạo công ăn việc làm cho một số lao động và tăng thu nhập cho hộ gia đình; tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp và tăng phần thuế VAT đóng góp vào ngân sách của địa phương.
Bài 2: "Bát nháo" điện mặt trời mái nhà
Kiến nghị giải pháp về phát triển năng lượng tái tạo tại Nghệ An Với mong muốn phát triển năng lượng tái tạo tại Nghệ An, nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần có cơ chế giá năng lượng tái tạo phù hợp cho từng địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ Nghệ An giới thiệu tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư khai thác năng lượng tái tạo. Đây là nội dung chính tại...