Phát triển đặc sản nông nghiệp đi đôi giữ gìn văn hóa bản địa
Đó là quan điểm và chia sẻ của các đại biểu trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Thường trực T.Ư Hội NDVN, lãnh đạo Tập đoàn nông nghiệp Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư và phát triển Sunny World với lãnh đạo tỉnh Sơn La về việc đầu tư phát triển nông nghiệp tại địa phương này.
Tạo lợi ích cho người dân
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La và các ban, ngành của địa phương này ngày 25.3, đồng chí Thào Xuân Sùng – Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, trưởng đoàn công tác nghiên cứu, khảo sát nông nghiệp các tỉnh Tây Bắc, cho hay: Là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao khoảng 28%, hiện việc canh tác ở các tỉnh Tây Bắc vẫn còn rất lạc hậu, nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Vì thế, trong chuyến công tác dài ngày lần này, đoàn rất muốn trải nghiệm thực tế và thăm những vùng sản xuất nông sản đặc sản của các địa phương vùng Tây Bắc mong tìm ra cho mình hướng đầu tư hiệu quả nhất có thể nhằm tiến tới giúp thay đổi toàn diện bộ mặt sản xuất, nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Đoàn công tác thăm quan khu sản xuất chè Shan tuyết cổ thụ ở một công ty chè ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: Trần Quang
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Sơn La, lãnh đạo của Tập đoàn nông nghiệp Vạn Thịnh Phát cho hay: “Trong chuyến công tác đồng hành với Hội NDVN lần này tại các tỉnh Tây Bắc, chúng tôi mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao nhằm gắn kết lợi ích của doanh nghiệp với địa phương và bà con. Qua đó, chúng tôi mong muốn hỗ trợ bà con cải thiện đời sống và an tâm sản xuất”. Cùng quan điểm, ông Lê Anh Hào – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Sunny World cho biết: “Trong các dự án đầu tư của mình, chúng tôi luôn ưu tiên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương”.
Ông Lê Anh Hào cho biết thêm, hiện nay, đơn vị của ông đã xây dựng được gian hàng quảng bá sản phẩm đặc trưng của Việt Nam tại Trung tâm Hàng hóa Greenland ở Thượng Hải, Trung Quốc (Vietnam Hub) và được các cơ quan, bộ, ngành của Việt Nam đến thăm đánh giá rất cao cách làm này.
“Trong thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh việc này cùng với việc xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá thêm các sản phẩm đặc trưng của nước ta nhằm tìm kiếm các nhà tiêu thụ tiềm năng phục vụ việc xuất khẩu sản phẩm nông sản trong nước”- ông Lê Anh Hào nhấn mạnh.
Trước mong muốn của các doanh nghiệp, đồng chí Thào Xuân Sùng mong muốn tỉnh Sơn La và các vùng Tây Bắc tạo mọi điều kiện, nhất là về chính sách, quỹ đất… để các doanh nghiệp sớm đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu yếu thế của các vùng ở đây là chế biến, bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản đặc sản.
Hỗ trợ hết mức để thu hút đầu tư
Video đang HOT
Theo Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất, Sơn La luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, hướng đến doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu, triển khai các dự án trên các lĩnh vực nhằm tận dụng các lợi thế sẵn có của địa phương.
“Đến nay tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với 4 sản phẩm chính là chanh leo, xoài, nhãn, chè…”- ông Hoàng Văn Chất nói.
Thống kê toàn tỉnh, Sơn La hiện có 360.000ha đất nông nghiệp canh tác các loại rau, quả nhiệt đới, cận ôn đới, đặc biệt là các loại rau, củ, quả trái mùa. Hiện nay, tỉnh có trên 50.000ha cây ăn quả gồm nhãn, xoài, chanh leo, bơ, na, chuối, hồng giòn, cam, bưởi, mận, sơn tra… Năm 2018, ước tổng sản lượng đạt 250.000 tấn quả. Dự kiến, đến năm 2020, tỉnh có 100.000ha cây ăn quả, sản lượng trên 1,1 triệu tấn.
“Nhờ làm tốt công tác xây dựng thương hiệu, sản xuất theo tiêu chuẩn và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, trong thời gian vừa qua, sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La đã xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Australia, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Đức, Trung Quốc…”- ông Hoàng Văn Chất khẳng định.
Gợi ý hướng đầu tư cho các doanh nghiệp, ông Chất cho hay: Hiện nay, tỉnh đang rất cần các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào phát triển sản xuất ở tỉnh, trong đó, có 3 sản phẩm của địa phương còn “bỏ ngỏ” cần hỗ trợ gồm ong mật, cây ăn quả, dược liệu và chế biến thủy sản.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vào đầu tư ở tỉnh, ông Hoàng Văn Chất cho hay: Cùng với các chính sách ưu tiên đã có, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thủ tục chính, tăng cường thêm các chính sách để hỗ trợ hết mức thu hút nhà đầu tư.
“Tỉnh đang cho thành lập 3 tổ công tác đặc biệt do các phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để giúp các doanh nghiệp trong mọi công việc từ tìm quỹ đất, giải phóng mặt bằng, tuyên truyền, vận động nông dân, đặc biệt là công tác xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm”- ông Hoàng Văn Chất nhấn mạnh.
Theo Danviet
Đang đêm chen chân soi đèn leo cây hái chè "nghìn đô" ở cổng trời
Dù đến vùng chè thuộc xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) khá muộn (khoảng gần 19h tối ngày 25.2) nhưng các lãnh đạo của Tập đoàn nông nghiệp Vạn Thịnh Phát và Công ty CP đầu tư và phát triển Sunny World vẫn quyết định soi đèn trèo lên các cây chè cổ thụ ở đây để khám phá và trải nghiệm công việc thu hái loại đặc sản này.
CLIP: Các cán bộ của đoàn công tác trải nghiệm việc hái chè cổ thụ đặc sản ở Tà Xùa vào tối ngày 25.2.
Xã Tà Xùa (Bắc Yên), nằm trên độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, thời tiết sương mù quanh năm (hay còn được ví như cổng trời), với độ ẩm không khí cao, tạo ra hương vị đặc trưng của chè shan tuyết Tà Xùa vị ngọt thanh, ít chát. Theo ông Phạm Vũ Khánh - Người sáng lập Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc, hiện nay đơn vị này đang sở hữu khoảng 178ha chè Shan tuyết, trong đó có khoảng 95ha đang cho thu hoạch. Đặc biệt trong số đó có hàng nghìn cây chè cổ, có nhiều cây có tuổi đời lên đến hàng trăm năm.
Ngày 25.2, đoàn công tác gồm lãnh đạo Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) và lãnh đạo Tập đoàn Nông nghiệp Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Đầu tư và phát triển Sunny World, do đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN làm trưởng đoàn đã đi khảo sát, nghiên cứu mô hình sản xuất rượu Hang Chú (một loại rượu đặc sản ở xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La).
"Cùng với khí hậu đặc trưng, chúng tôi đã biết tận dụng được thế mạnh của mình để làm ra loại chè ngon thượng hạng và đến nay đã có thương hiệu (Shanam - chè Shan tuyết cổ thụ hàng đầu Việt Nam), có loại chè đặc biệt có giá lên đến 25 tiệu đồng/kg", ông Khánh tiết lộ.
Ông Khánh cho bết, dù mới đi vào sản xuất nhưng đến nay công ty đã đạt được nhiều thành công nhất định. Riêng năm 2018 vừa qua, công ty chè đặc sản Tây Bắc đã xuất bán ra thị trường trên dưới 5 tấn chè khô thu về khoảng 6 tỷ đồng. "Dù tiềm năng phát triển còn rất lớn nhưng hiện chúng tôi còn gặp khó khăn về mặt bằng xây dựng nhà máy, rất mong được địa phương hỗ trợ", ông Khánh đề nghị.
Nghề nấu rượu ở Hang Chú đã có lịch sử lâu đời và đã đem lại thu nhập khá cho người dân ở đây.
Vừa chia sẻ thông tin, ông Khánh vừa pha chè đặc sản mời các cán bộ của đoàn công tác thưởng thức. "Dù giá trị rất cao nhưng hiện nay đơn vị của chúng tôi sản xuất ra vẫn không đủ cung cấp cho thị trường, nhiều người muốn mua chè ngon còn phải đặt hàng cả năm mới có", ông Khánh chia sẻ.
Sau khi được thưởng thức chè đặc sản, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam trưởng đoàn công tác đánh giá rất cao sự nỗ lực của công ty trong việc phát triển và xây dựng thương hiệu cho loại chè đặc sản này ở Tây Bắc.
"Qua thưởng thức chúng tôi thấy rằng chè ở đây không chỉ rất ngon mà còn có hương vị rất đặc trưng, lạ miệng, điều này cho thấy công ty đã rất thành công trong việc sản xuất và xây dựng thiệu hiệu cho riêng mình", đồng chí Thào Xuân Sùng khẳng định.
Đoàn công tác thăm quan khu sản xuất chè Shan tuyết cổ thụ ở một công ty chè ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La).
Để nâng tầm thương hiệu cho loại đặc sản này, đồng chí Thào Xuân Sùng gợi ý công ty Tây Bắc cần tiếp tục cải thiện mẫu mã, nhãn mác sản phẩm. "Bên cạnh đó, công ty cũng cần đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với sản xuất chè. Qua đó có thể vừa nhằm quảng bá sản phẩm, vừa nâng cao giá trị của sản phẩm", người đứng đầu T.Ư Hội NDVN nhấn mạnh.
Nghề sản xuất, kinh doanh chè đặc sản đang mang lại thu nhập cao cho người dân ở "cổng trời" Tà Xùa.
Bên cạnh việc thưởng thức chè đặc sản tại nhà máy sản xuất, các cán bộ của đoàn công tác cùng với các lãnh đạo của Tập đoàn nông nghiệp Vạn Thịnh Phát và Công ty CP đầu tư và phát triển Sunsy World còn đi khảo sát và trải nghiệm tại vùng chè Shan tuyết cổ thụ ở Tà Xùa. "Lần đầu đến Tà Xùa, được thưởng thức và trải nghiệm công việc hái chè cổ, chúng tôi cảm thấy rất tuyệt vời", một vị lãnh đạo của Tập đoàn nông nghiệp Vạn Thịnh Phát chia sẻ.
Các cán bộ của đoàn công tác trải nghiệm việc hái chè cổ thụ đặc sản ở Tà Xùa vào tối ngày 25.2.
Theo Danviet
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động Tết trồng cây Sáng nay (ngày 10.2, tức mùng 6 tháng Giêng), tại thôn 6 xã Việt Cường, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái), Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tham dự lễ phát động Tết trồng cây "đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Kỷ Hợi 2019 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với tỉnh...