Phát triển các công trình ngầm TP.HCM: Bị vướng bởi văn bản “mật”?
TP.HCM đang hướng đến việc quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị, tuy nhiên, điều này gặp không ít trở ngại do tình trạng cát cứ thông tin các công trình ngầm dưới lòng đất.
Tại hội thảo quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị ngày 12.4, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM rất “kêu” về tình trạng hệ thống công trình ngầm tại thành phố đang trì trệ. Theo quy hoạch, công trình ngầm quy mô lớn bậc nhất là hệ thống đường sắt đô thị gồm 73km đi ngầm, 72 nhà ga ngầm. Trong đó, ga trung tâm Bến Thành là một tổ hợp không gian ngầm lớn giao thoa giữa 4 tuyến đường sắt đô thị và khu trung tâm thương mại ngầm. Tuy nhiên, đến nay chỉ có các công trình ngầm của tuyến đường sắt đô thị số 1 đang được xây dựng, chưa đưa vào sử dụng.
Tại khu vực trung tâm hiện hữu rộng 930ha có nhiều cao ốc, tòa nhà cao tầng và cũng là khu vực có giá trị sử dụng đất cao với tổng diện tích xây dựng hầm hơn 11ha. Hầu hết làm bãi giữ xe, chỉ có số ít tầng hầm sử dụng cho mục đích thương mại. Tại đây cũng có 4 dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm (tại công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá công viên Tao Đàn) nhưng các dự án này đều đang triển khai rất chậm do vướng nhiều thủ tục pháp lý và nhiều vấn đề phát sinh.
Phối cảnh dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám.
Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc đánh giá, việc quản lý công trình ngầm còn chồng chéo, chưa chặt chẽ thống nhất, thiếu thông tin về cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở để quản lý, cấp phép xây dựng công trình ngầm. Nếu không có quy hoạch quy chế quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị, thì việc xây dựng công trình ngầm sẽ dẫn đến tùy tiện, thiếu kiểm soát, gây ra nhiều bất cập.
TS. Lưu Đình Hiệp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin Địa lý – Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng, hiện nay dưới lòng đường thành phố có nhiều công trình hạ tầng từ cáp viễn thông, điện, nước… do nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau quản lý. Vì vậy, việc lấy các dữ liệu, thông tin về các công trình ngầm rất khó. Tình trạng này đã kéo dài hàng chục năm nhưng không giải quyết được. Thậm chí khi đơn vị của ông đến liên hệ xin thông tin thì nhận được văn bản đóng dấu “mật” nên đơn vị quản lý từ chối cung cấp.
Kỹ sư Hà Ngọc Trường (Hội Cầu Đường Cảng TP.HCM) chia sẻ, năm 2012, lúc nhận nghiên cứu về “hố tử thần”, nhóm nghiên cứu của ông khảo sát thấy có 15 đơn vị quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Việc đi lấy thông tin về làm cơ sở nghiên cứu mất nhiều thời gian bởi có đơn vị không cung cấp. Ông dẫn chứng, có công trình nghiên cứu về địa chất của một tiến sĩ phải mất đến 9 tháng mới thu thập được thông tin. Rồi sau đó thông tin về các công trình ngầm lại không được cập nhật, dẫn đến việc khi đào xuống thì lại phát hiện công trình khác.
Tương tự, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Nguyễn Văn Hiệp dẫn chứng, trước đây, thành phố cũng đồng ý cho việc xây dựng đường hầm ngầm kết nối hai tòa nhà ở Q.1 nhưng rồi không làm được bởi vướng đường ống nước ngầm. Nếu có thông tin về công trình ngầm thì sẽ dễ triển khai hơn.
Ga ngầm metro trong tương lai .
Nhiều ý kiến lo ngại, nếu không có cách quản lý, xây dựng dữ liệu chung về các công trình ngầm chung thì việc xây dựng các công trình sẽ phức tạp, khó khăn hơn. TS. Phan Hữu Duy Quốc (Tập đoàn xây dựng Shimizu – Nhật Bản) nói: “Không biết bên dưới lòng đất có công trình gì, nhiều lúc đào lên không biết công trình này của ai quản lý. Do đó, đây cũng là một trở ngại đối với các nhà đầu tư”.
Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Hoàng Tùng cho biết, dự kiến đến năm 2019, Sở này sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian ngầm thành phố, với ưu tiên tập trung phát triển không gian ngầm khu trung tâm thành phố (vùng lõi 930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Không gian ngầm khu trung tâm sẽ tập trung phát triển chạy dọc theo các tuyến metro đang được xây dựng. “Việc lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm giúp mở thêm không gian cho phương tiện giao thông, các loại hình dịch vụ, thương mại nằm dưới lòng đất nhằm giảm áp lực kẹt xe, đồng thời đáp ứng tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng như hiện nay”, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc nêu thêm.
Theo Danviet
Metro số 1 vẫn 'đói vốn', TP.HCM tiếp tục xin dự án metro 2,2 tỷ USD
UBND TP.HCM tiếp tục đề xuất dự án metro số 3a Bến Thành - Tân Kiên với tổng đầu tư lên tới 2,2 tỷ USD trong điều kiện metro số 1 "đói vốn" và metro số 2 phải hoãn đến 2020.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a Bến Thành - Tân Kiên.
Tổng mức đầu tư của metro số 3a Bến Thành - Tân Kiên khoảng 2,2 tỷ USD với chiều dài 19,8 km. Suất vốn đầu tư của tuyến này là 110,23 triệu USD/km, cao hơn tuyến metro số 1 (97 triệu USD/km). Tuyến metro Bến Thành - Tân Kiên có tổng chiều dài 19,8 km, trong đó 9,7 km đi ngầm, 10,1 km đi trên cao.
Mô hình tàu điện ngầm được phác thảo, trưng bày tại depot metro số 1 (quận 9, TP.HCM) vào năm 2015. Ảnh: Lê Quân
Theo UBND TP.HCM, suất vốn đầu tư của metro số 3a được tính toán phù hợp với suất đầu tư của các dự án đang triển khai trong nước và khu vực. Tổng mức đầu tư cũng đã được tính đầy đủ cơ cấu thành phần các chi phí của dự án và các khoản mục chi phí theo quy định của pháp luật, bao gồm các chi phí xây dựng, lắp đặt và mua sắm thiết bị; chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn; chi phí dự phòng; lãi suất trong thời gian thi công.
UBND TP.HCM khẳng định việc xây dựng tuyến metro số 3a kết nối với tuyến metro số 1 sẽ hình thành đường sắt đô thị xuyên tâm nối bến xe Miền Đông mới - Trung tâm Thành phố (Bến Thành) - bến xe Miền Tây, tạo sự thuận tiện cho hành khách và nâng cao hiệu quả đầu tư cho tuyến metro số 1.
Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ phần hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện nghiên cứu, rà soát báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án xây dựng tuyến metro số 3a. Báo cáo này đã hoàn tất vào tháng 3.
Metro số 1 đã xong một số hạng mục nhưng đang gặp khó khăn về vốn. Ảnh: Lê Quân
Ngày 26.7 vừa qua, JICA đã có thư gửi Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình, tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến metro số 3a. Trong đó, JICA quan ngại về tiến độ triển khai dự án và mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ thông qua đề xuất dự án.
Trong khi đó, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang trong tình trạng đói vốn do Trung ương mới chỉ giải ngân 36% nhu cầu vốn. Theo số liệu của Ban quản lý đường sắt đô thị, trong năm 2017, metro số 1 cần hơn 5.400 tỷ đồng; tuy nhiên, Trung ương mới chỉ giải ngân được hơn 2.100 tỷ đồng. Tính đến nay, TP.HCM đã phải ứng hơn 2.200 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để trả nợ cho nhà thầu.
Về tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, hồi tháng 9, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng xin gia hạn thời gian thực hiện dự án đến năm 2020. Như vậy, trong trường hợp kiến nghị được chấp thuận, tuyến metro số 2 sẽ chậm hơn 7 năm so với dự kiến ban đầu. Hiện nay, dự án này đã đội vốn từ 1,3 tỷ USD lên tới 2,19 tỷ USD.
Video 'đi thử' tuyến Metro số 1 Sài Gòn
Từ ga Thủ Đức, hành khách mua vé hoặc dùng thẻ để lên tàu. Tàu sẽ di chuyển nhiều đoạn trên cao ở xa lộ Hà Nội, rồi vào ga trung tâm thành phố.
Theo Hà Hương (Zing)
Robot trăm tấn sắp khoan ngầm dưới lòng đất TP.HCM Ngày 26.5, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM sẽ thi công hạng mục ga ngầm của tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1). Việc thi công công trình được thực hiện hoàn toàn bằng robot, phương pháp lần đầu được ứng dụng tại công trình giao thông ngầm ở nước ta....