Phát triển bệnh viện vệ tinh:Dễ gây thất thoát lãng phí
Bộ Y tế vừa phê duyệt Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2020, với mục tiêu sẽ xây dựng 45 BV tại các địa phương làm vệ tinh cho 14 BV đầu ngành, nhằm giảm tải cho BV tuyến trên. Nhiều chuyên gia cho rằng phát triển BV vệ tinh là cần thiết nhưng phải đồng bộ, nếu không có thể gây thất thoát lớn.
Bệnh viện tuyến dưới không được chyển bệnh nhân nhẹ lên tuyến trên (ảnh minh họa)
Hiệu quả từ mô hình thí điểm
Điểm nhấn quan trọng tại Đề án BV vệ tinh của Bộ Y tế là quy định yêu cầu các BV hạt nhân phải có nhiệm vụ chuyển tuyến người bệnh ở giai đoạn hồi phục về điều trị tại BV vệ tinh và ngược lại, BV vệ tinh không chuyển bệnh nhân nhẹ lên tuyến trên, trừ trường hợp ngoài khả năng điều trị của mình. Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho rằng, quy định này là hợp lý bởi thực tế tại các BV tuyến trung ương luôn có khoảng 30-40% ca bệnh là chuyển tuyến không hợp lý. Chẳng hạn như tại BV Việt Đức, thường xuyên phải tiếp nhận khoảng 30% bệnh nhân gặp những tai nạn gãy tay, gãy chân, mổ ruột thừa, sỏi mật…, đây là những ca bệnh hoàn toàn có thể điều trị được ở tuyến tỉnh. Theo ông Quyết, những năm gần đây, BV đã chủ động thực hiện biện pháp “chuyển ngược” bệnh nhân nhẹ hoặc BV đã ổn định sau phẫu thuật về tuyến dưới chăm sóc.
Từ cuối năm 2004, đến nay BV Việt Đức đã phát triển được hơn 10 BV vệ tinh – là BV đa khoa ở các tỉnh, thành phố lân cận như BV Xanh Pôn (Hà Nội), BV Đa khoa Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, BV Ninh Bình… Tại những địa phương có BV vệ tinh của BV này, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh ngoại khoa vượt tuyến hay phải chuyển tuyến lên BV Việt Đức giảm rõ rệt, chẳng hạn như ở BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, năm 2004 bệnh nhân chuyển lên tuyến trung ương là 22%, năm 2011 giảm xuống chỉ còn 3%. Chất lượng dịch vụ y tế giữa tuyến trung ương với địa phương cũng đã có sự giảm chênh lệch đáng kể.
Tương tự, BV Bạch Mai hiện cũng đã triển khai mô hình BV vệ tinh với sự tham gia của 8 BV đa khoa là Hà Đông (Hà Nội), Bắc Ninh, BV Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên), Nam Định, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An… với 20 lĩnh vực chuyên môn. Qua hơn 2 năm thực hiện, Đề án này của BV Bạch Mai đã giúp hàng nghìn cán bộ y tế ở các BV vệ tinh được nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý qua các khóa đào tạo, góp phần giảm bệnh nhân vượt tuyến.
Khuyến khích chứ khó cấm
Đề án BV vệ tinh mà Bộ Y tế vừa phê duyệt, nhiều BV bày tỏ lo ngại, nếu không được triển khai một cách đồng bộ có thể gây thất thoát, lãng phí. Vấn đề lo ngại nhất là thiếu kinh phí. Bộ Y tế dự toán mức kinh phí 20 tỷ đồng cho một BV vệ tinh. Song, theo của một số BV hạt nhân, dự kiến tổng kinh phí để họ phát triển được các BV vệ tinh phải lên đến hàng trăm tỷ đồng trở lên. Bộ Y tế cho biết sẽ ưu tiên phát triển trước BV vệ tinh tại những địa phương có cả quyết tâm và tiềm lực, đã sẵn sàng về nhân sự và có cơ sở tốt để đề án có được đầu ra hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu không khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá một cách toàn diện thì khó tránh khỏi tình trạng các kỹ thuật do BV hạt nhân chuyển giao xuống nhưng BV vệ tinh không tiếp nhận hết được, nhất là khả năng thực hiện tốt và duy trì bền vững những kỹ thuật.
Về chuyên môn, Đề án BV vệ tinh đặt mục tiêu sẽ giảm tối thiểu 15% tỷ lệ chuyển tuyến từ BV vệ tinh lên BV hạt nhân so với trước khi thực hiện đề án (năm 2012), đặc biệt là 100% BV hạt nhân phải thực hiện việc chuyển bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục về BV vệ tinh. Với mục tiêu thứ nhất có vẻ khả thi khi trên thực tế, đa số BV dù đã được chuyển giao kỹ thuật hay chưa cũng không muốn chuyển bệnh nhân của mình. Nhưng nếu bệnh nhân cố ý vượt tuyến thì BV cũng không thể ngăn cản được bởi lựa chọn nơi điều trị, khám chữa là quyền của người bệnh. Còn với mục tiêu thứ 2 thì càng khó khả thi. Ông Nguyễn Tiến Quyết phân tích, việc chuyển ngược theo đề án là khá nhạy cảm, phải căn cứ theo từng trường hợp bệnh cụ thể vì một số ca bệnh có thể có những diễn biến phức tạp, nếu tuyến dưới không đủ trình độ để xử lý hoặc xử lý sai thì việc chuyển bệnh nhân xuống sẽ gây nguy hiểm.