“Phát súng” khởi động cuộc chiến mới Mỹ – Trung
Trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của mình, ông Donald Trump sẽ đưa ra quan điểm cứng rắn hơn về Bắc Kinh so với những chính quyền tiền nhiệm
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-12 có bài phát biểu quan trọng công bố chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, được cho là bắt đầu một cuộc chiến mới chống lại “sự gây hấn kinh tế của Trung Quốc”, theo trang Newsweek.
Đối thủ cạnh tranh
Chiến lược an ninh quốc gia vốn là một văn kiện chính thức được mỗi ông chủ Nhà Trắng đưa ra kể từ thời Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan. Theo các nguồn tin chính phủ, trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của mình, với việc cáo buộc Trung Quốc “gây hấn kinh tế”, ông Donald Trump sẽ đưa ra quan điểm cứng rắn hơn về Bắc Kinh so với những chính quyền tiền nhiệm.
Đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa ông chủ Nhà Trắng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tài liệu được đưa ra một tháng sau khi ông Donald Trump gặp ông Tập ở Trung Quốc và 8 tháng sau cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida – Mỹ.
Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc hồi tháng 11-2017 Ảnh: REUTERS
Ông Donald Trump từng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc nhiều lần trong chiến dịch tranh cử nhưng đã dịu giọng hơn từ sau cuộc gặp ở Mar-a-Lago. Nguyên nhân một phần bởi ông cho rằng Bắc Kinh có thể gây sức ép với Bình Nhưỡng để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Kể từ khi nhậm chức, ông cũng không chỉ trích Trung Quốc về vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai nước và không lên án Trung Quốc thao túng tiền tệ. Nhưng vài tháng qua, ông đã hết kiên nhẫn với Bắc Kinh và ngày càng nổi giận vì không đạt được tiến bộ trong việc ngăn chặn thâm hụt thương mại với nền kinh tế số 2 thế giới.
Hãng Reuters dẫn lời hai quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump sẽ xác định rõ Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Ông Michael Allen, một cựu quan chức thời cựu Tổng thống George W. Bush, nhận định: “Chiến lược an ninh quốc gia là phát súng khởi động một loạt biện pháp kinh tế chống lại Trung Quốc”.
Video đang HOT
Bùng nổ chiến tranh thương mại?
Giới phê bình lo ngại nếu Mỹ mạnh tay, một cuộc chiến tranh thương mại có thể bùng phát giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và hậu quả sẽ khiến cả nền kinh tế toàn cầu gánh chịu. Việc cáo buộc Trung Quốc “gây hấn kinh tế” có thể khiến Bắc Kinh trả đũa và hậu quả trước tiên sẽ giáng vào các công ty Mỹ.
Ông Evan Medeiros, cựu cố vấn về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhìn nhận: “Mối lo ngại về chính sách và thực tiễn kinh tế của Trung Quốc là nghiêm trọng và câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết vấn đề này. Các cơ chế thực thi thương mại đơn phương sẽ không làm được điều đó”.
Chính quyền ông Donald Trump hiện cũng đã gây áp lực lên Bắc Kinh để hành động quyết đoán hơn đối với Bình Nhưỡng nhằm thuyết phục lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Chính phủ Mỹ cũng đang xem xét áp đặt lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy tài chính và thương mại của Triều Tiên nhưng đến nay chỉ mới xử phạt một ngân hàng nhỏ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức giấu tên của Mỹ nói với Reuters rằng không nên xem chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump là một nỗ lực để ngăn chặn Trung Quốc mà thay vào đó, chiến lược mới sẽ đưa ra một cái nhìn rõ nét về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra. Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng nói với đài CNBC rằng cụm từ “gây hấn kinh tế” không dùng nhắm cụ thể vào Trung Quốc.
Theo Washington Examiner, trong văn kiện dài 70 trang này, gấp đôi tài liệu chiến lược được công bố dưới thời ông Obama năm 2015, Tổng thống Donald Trump sẽ đặt ra những ưu tiên về chính sách đối ngoại và nhấn mạnh cam kết đối với các chính sách “Nước Mỹ trên hết”, như tăng cường quân đội, đối đầu với các tay súng Hồi giáo cực đoan và tổ chức lại các mối quan hệ thương mại giúp Mỹ có khả năng cạnh tranh hơn.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho biết chính sách của ông Donald Trump sẽ tập trung 4 ưu tiên chính là bảo vệ đất nước, thúc đẩy và bảo vệ sự thịnh vượng Mỹ, duy trì hòa bình thông qua sức mạnh và thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ. Ông McMaster cũng cho rằng việc tái đàm phán các hiệp định thương mại sẽ là một phần chính trong chiến lược này.
Theo Xuân Mai
Người lao động
Mỹ - Trung: Sau tán dương là cứng rắn
Ba yếu tố con người, chính sách và chính trị có thể thúc đẩy Mỹ có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc
Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bắc Kinh là màn thể hiện sự ca tụng lẫn nhau. Trung Quốc trải thảm đỏ và dành cho nhà lãnh đạo Mỹ sự tiếp đón trọng thị chưa từng có. Ông Trump đáp lễ bằng những lời tán dương Chủ tịch Tập Cận Bình và lòng ngưỡng mộ dành cho Trung Quốc.
Tâm trạng của ông chủ Nhà Trắng tương phản mạnh mẽ với giọng điệu cứng rắn trong chiến dịch tranh cử, như "không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc cưỡng bức đất nước chúng ta". Điều này khiến một loạt phân tích trên báo chí phương Tây cho rằng ông Trump đã thay đổi để hướng đến một cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng củng cố thông điệp này, cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh là bước đi tích cực cho mối quan hệ Mỹ - Trung.
Dù vậy, không nên dựa quá nhiều vào những gì ông Trump nói để đưa ra đánh giá. Ba yếu tố trong nước có thể thúc đẩy Mỹ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong những năm tháng sắp tới.
Trước hết là yếu tố con người. Dù chậm nhưng ông Trump đang dần hoàn thiện đội ngũ phụ trách chính sách châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Không phải ngẫu nhiên khi giữa những người được bổ nhiệm này có chung tiếng nói về nhu cầu phát triển một chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân tham quan Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh hôm 8-11 Ảnh: NHÀ TRẮNG
Thứ hai là yếu tố chính sách. Chính quyền ông Trump rốt cuộc cũng đã bắt đầu quá trình hoạch định chính sách an ninh quốc gia. Với 2 văn kiện chiến lược chính thức và quan trọng - Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược An ninh quốc gia - dự kiến được tung ra trong những tháng tới, Trung Quốc nhiều khả năng được mô tả như một đối thủ chiến lược hàng đầu.
Ngoài ra, một khi chính quyền ông Trump tập trung nhiều hơn vào những vấn đề khác ở khu vực bên cạnh điểm nóng Triều Tiên (với Đài Loan và tình hình biển Đông là những cái tên hàng đầu), khả năng xảy ra xích mích với Trung Quốc càng tăng.
Yếu tố thứ ba, cũng là quan trọng nhất, thúc đẩy Mỹ hướng tới một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc là chính trị. Các thành viên Đảng Dân chủ và thậm chí một số nhân vật Đảng Cộng hòa đã tác động để ông Trump có lập trường ôn hòa hơn với Iran.
Tuy nhiên, với Trung Quốc, mọi chuyện sẽ diễn ra ngược lại. Chỉ trích được nói đến nhiều nhất ở Washington là ông Trump chưa mạnh mẽ với Bắc Kinh. Ông Chuck Schumer, thủ lĩnh phe thiểu số của Đảng Dân chủ tại thượng viện, gọi ông Trump chỉ là "con hổ giấy" trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Ông John Cornyn, nhân vật thứ hai của Đảng Cộng hòa tại thượng viện, gần đây đưa ra dự luật tăng cường giám sát đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ. Ông lập luận rằng đã đến lúc thức tỉnh trước mối đe dọa đang tăng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ. Cần nhắc lại rằng phe theo chủ nghĩa dân túy, dân tộc trong Đảng Cộng hòa là những người đầu tiên nêu ra vấn đề này vào năm 2016 khi cáo buộc Trung Quốc là thủ phạm khiến người Mỹ mất việc làm tại các nhà máy.
Trước thềm các cuộc bầu cử năm 2018 và 2020, ông Trump sẽ cảm thấy áp lực từ mọi phía phải thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử, theo đó buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với những tập quán thương mại không công bằng. Vấn đề là liệu Mỹ có đủ khả năng gây sức ép lên Bắc Kinh nếu muốn?
Thực tế ở châu Á là một bức tranh phức tạp hơn rất nhiều. Bất chấp những lo ngại về chính sách của ông Trump, điều quan trọng nhất xảy ra khi nhà lãnh đạo Mỹ ở châu Á là nỗ lực kháng cự sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Về thương mại và đầu tư, 11 quốc gia còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã thành công trong việc thúc đẩy hiệp định này dù không có Mỹ. Sự vắng mặt của Washington là đáng chú ý nhưng quan trọng hơn là khu vực đang chia sẻ mong muốn tránh một trật tự kinh tế do Trung Quốc đi đầu.
Tương tự, lần đầu tiên trong một thập kỷ, các quan chức cấp cao từ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ gặp nhau để đẩy mạnh tăng cường sự hợp tác giữa các nền dân chủ hàng đầu khu vực. Đây được xem là nỗ lực tạo ra các lựa chọn thay thế cho một tương lai xoay quanh Trung Quốc.
Cuối cùng, cần nhớ rằng những nền tảng của quyền lực Mỹ vẫn còn mạnh mẽ. Mỹ vẫn có nền kinh tế lớn và tiên tiến nhất thế giới, với các trường đại học tốt nhất, quân đội có năng lực nhất, nhân khẩu học mạnh mẽ và một xã hội dân sự sôi nổi. Trung Quốc chắc chắn là một thế lực không thể bỏ qua nhưng ông Trump vẫn có những thứ mình cần để cứng rắn trong các vấn đề như thương mại, Đài Loan và biển Đông nếu muốn.
Việc dự đoán chính sách đối ngoại của Mỹ thời ông Trump ẩn chứa không ít rủi ro. Tuy nhiên, tất cả dấu hiệu đang hướng tới một lập trường cứng rắn hơn của Mỹ với Trung Quốc, ngay cả khi ông Trump được đón tiếp trọng thị ở Bắc Kinh hoặc có "mối quan hệ rất tốt" với ông Tập.
Theo Phương Võ
Người lao động
Tổng thống Trump tự trao danh hiệu "Nhân vật của năm"? Sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã từ chối nhận danh hiệu "Nhân vật của năm" do Time bầu chọn, tạp chí này đã lên tiếng phủ nhận thông tin này. Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters) Tổng thống Donald Trump ngày 24/11 đã đăng đàn trên mạng xã hội Twitter để thông báo về việc ông đã từ chối...