Phạt nhẹ, bỏ trốn khi đâm người là “đương nhiên”!?
Việc một số người khi có hành vi vi phạm giao thông, đâm người rồi bỏ trốn mà không dừng lại đưa nạn nhân đi cấp cứu phần lớn nguyên nhân là do chế tài xử phạt không đủ mạnh.
Lý do vì sao khi xảy ra tình huống đâm xe trên đường, nhiều lái xe lại chọn cách bỏ trốn? Trong nhiều trường hơp, chính việc bỏ mặc nạn nhân không đưa đi cấp cứu mà hình phạt cho những lái xe này bị tăng nặng lên rất nhiều. Xung quanh vấn đề này, VnMedia đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe.
PV: Thời gian gần đây có rất nhiều vụ việc người điều khiển giao thông đâm chết người rồi bỏ trốn. Theo ông, vì sao hiện tượng này đang ngày càng phổ biến hơn?
Tiến sĩ- Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe.
- Luật sư Vũ Thái Hà: Để trả lời câu hỏi này, cần phải hiểu vì sao người điều khiển giao thông khi đâm chết người lại bỏ trốn. Phần lớn các trường hợp đều là do quá sợ hãi và nếu ở lại hiện trường thì rất có thể sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung hoặc có hành động quá khích. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp bỏ trốn là do một số lái xe có thái độ coi thường pháp luật, thiếu trách nhiệm với hành vi của mình, hoặc bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm. Bên cạnh đó, theo tôi, cũng có thể do những chế tài xử phạt cho hành vi này đối với các lái xe còn chưa đủ sức răn đe, nên việc “đâm người rồi bỏ trốn” đang trở thành hiện tượng phổ biến đối với các lái xe đã gây tai nạn giao thông.
Vậy theo quy định của pháp luật, trong tình huống người điều khiển giao thông đường bộ gây tai nạn và cố tình bỏ trốn sẽ bị xử lí như thế nào?
- Tuỳ từng trường hợp, lái xe gây tai nạn rồi cố tình bỏ trốn, có thể xử lý theo luật hình sự hoặc xử phạt hành chính.
Video đang HOT
Theo quy định tại Điều 202 BLHS thì “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác” thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù với mức phạt thấp nhất là sáu tháng, cao nhất là mười lăm năm.
Nếu người gây tai nạn giao thông bỏ trốn khỏi hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, không giữ đúng hiện trường là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 202 BLHS. Theo đó, người có hành vi “Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự khi người gây tai nạn giao thông nhưng bỏ trốn khỏi hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, không giữ đúng hiện trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm d khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo quy định này thì người điều khiển xe có hành vi “Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn” bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ông có nhận xét gì về việc Cảnh sát Giao thông đu bám lên đầu xe khi chặn xe vi phạm? Nếu lái xe vẫn cố tình đi ngay cả khi có biện pháp ngăn chặn của CSGT, và gây thương tích hoặc làm cán bộ đó tử vong thì lái xe đó sẽ bị xử lý như thế nào trước pháp luật?
- Để thực thi nhiệm vụ, cảnh sát giao thông đã được đào tạo để dùng biện pháp ngăn chặn phù hợp. Việc cảnh sát giao thông phải đu bám lên đầu xe để chặn xe vi phạm có thể là trường hợp bất đắc dĩ. Song tôi nghĩ, mỗi chiến sĩ giao thông cần phải biết cách ứng xử sao cho linh hoạt, thông minh để hoàn thành nhiệm vụ mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của mình.
Việc lái xe vẫn cố tình đi ngay cả khi có biện pháp ngăn chặn của cảnh sát giao thông, gây thương tích hoặc làm cán bộ đó tử vong, thì lái xe đó có thể bị phạt từ từ hai năm đển bày năm theo điểm d, khoản 2 Điều 257 Bộ luật Hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ với tình tiết tăng nặng là “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc tuỳ theo các tình tiết của vụ việc, lái xe có thể bị xem xét và truy tố về Tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự
Theo ông, có biện pháp gì để ngăn chặn hiện tượng này hay không?
Theo tôi, muốn hiện tượng này không gia tăng, trước hết cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời, cần phải hoàn thiện các chế tài, cơ chế xử phạt về an toàn giao thông đường bộ. Trong thời điểm hiện tại, khi mà ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, cần phải có hình thức xử phạt thật nghiêm đối với những người có hành vi này để răn đe và giáo dục.
Xin cảm ơn ông!
Theo VNMEdia
Thảm án của Luyện vẫn còn những điểm "mờ" gây xôn xao
Nhiều người vẫn đoán non đoán già về các tình tiết trong vụ án còn đang bị coi là điểm "mờ".
Vụ cướp tiệm vàng mà Luyện là thủ phạm dù đã trôi qua hơn 2 tuần nhưng vẫn giữ vị trí "nóng" trong các vụ án hình sự được dư luận quan tâm. Lý do khiến "nhiệt độ bàn tán" về vụ án này chưa hạ xuống một phần vì thủ đoạn tàn độc, man rợ của hung thủ, phần khác vì các tình tiết trong vụ án còn nhiều điểm "mờ" khiến người ta phải đoán non đoán già xem sự thể thực chất ra sao.
Điểm "mờ" thứ nhất: Có mấy kẻ giết người?
Tính đến thời điểm này, đã có 5 người thân của Lê Văn Luyện bị tên này kéo vào vòng lao lý vì các hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm. Ngoài ra, còn một vài người thân khác của Luyện vẫn đang trọng diện bị công an theo dõi để điều tra thêm về vai trò trợ giúp cho Luyện sau khi "sát thủ" này gây án tại tiệm vàng Ngọc Bích. Tuy vậy, chừng đó "tội phạm" vẫn là chưa đủ để thuyết phục dư luận tin vào lời khai của Luyện rằng đối với hành vi giết người - cướp của, hắn là thủ phạm duy nhất.
Cơ quan công an nhận định tên Luyện một mình gây án nhưng không loại trừ khả năng còn những người khác tham gia vụ án ngoài Luyện.
Về việc Luyện ra tay một mình hay có đồng phạm trợ giúp, cơ quan công an đã trả lời nhiều phương tiện truyền thông.
Chiều 5/9, Thượng tá Lê Văn Dũng - Phó phòng Công tác chính trị và Quan hệ quần chúng (Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết: Kết quả giám định mới nhất của Cơ quan Kỹ thuật Hình sự Bộ Công an đã xác định ngoài mẫu máu của các nạn nhân tại hiện trường, lực lượng chức năng mới chỉ phát hiện mẫu máu "lạ" duy nhất - được xác định là mẫu máu của Lê Văn Luyện.
Ngoài mẫu máu này, Thượng tá Dũng khẳng định dấu chân "lạ" tại hiện trường cũng là của Luyện (trước đó, Luyện khai đi dép khi đột nhập tiệm vàng nhưng sau đó bỏ dép đi chân đất lúc gây án). Tuy nhận định Luyện một mình gây án nhưng cũng theo Thượng tá Dũng, Ban chuyên án không loại trừ khả năng còn những người khác tham gia vụ án ngoài Luyện.
Như vậy, có thể thấy rằng những thông tin mà ngành công an cung cấp cho báo chí đều chỉ dừng ở mức "nhận định" (chứ chưa kết luận) rằng Luyện gây án một mình. Cùng với đó, cơ quan công an cho biết "công tác xác định có nghi phạm khác hay không vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ".
Thời điểm này, khi cơ quan công an đang củng cố chứng cứ để có thể đưa ra kết luận chính thức về nghi vấn "Luyện có đồng phạm giết người", dư luận và cả công luận ngày càng có nhiều ý kiến nhận định, thậm chí khẳng định rằng "Luyện không thể là thủ phạm duy nhất cướp tiệm vàng".
Người ta hướng tới giả thuyết nêu trên, trước hết vì nhân chứng duy nhất và cũng là nạn nhân duy nhất còn sống trong vụ án này - cháu Trịnh Ngọc Bích từng khẳng định với người thân rằng: Lúc gặp nạn, cháu nhìn thấy có 2-3 người.
Ngoài căn cứ trên, trong dư luận, không ít người còn băn khoăn về hai tình tiết đối lập của vụ án này. Chi tiết thứ nhất là việc Luyện khai sau khi cướp vàng, hắn dùng điện thoại gọi cho anh họ đến đón mình. Chi tiết này cho thấy dấu hiệu của việc Luyện không có đồng phạm, vì nếu có thì Luyện đã trốn theo đồng bọn hoặc được đồng bọn đưa đi chứ việc gì phải gọi người đến đón? Chi tiết thứ hai là một chi tiết chưa sáng tỏ, nhưng chính sự mập mờ ấy đã khiến dư luận hồ nghi về việc Luyện được kẻ khác giúp sức trong hành trình cướp tiệm vàng. Đó là việc Luyện đã đến tiệm vàng theo cách thức nào (Đi một mình hay đi với ai? Đi bằng phương tiện nào? Đi từ lúc mấy giờ? Đi từ nhà, từ quán game hay đi từ đâu?).
Còn trong công luận, một số chuyên gia pháp lý đã đăng đàn báo chí để phân tích những mâu thuẫn trong lời khai của Lê Văn Luyện rằng hắn gây án một mình. Thạc sĩ luật học Phạm Thanh Bình, người có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc tại tòa hình sự TAND Tối cao phân tích: Vào mùa hè, lúc 5h30 (thời điểm Luyện bắt đầu ra tay thảm sát - PV) trời đã sáng nên nhiều gia đình hàng xóm có thể đã thức dậy, một mình Luyện giết hại dã man 3 thành viên của gia đình anh Ngọc; chặt đứt bàn tay bé Bích (con gái lớn nạn nhân) mà hàng xóm không "phát hiện hoặc nghe thấy tiếng động gì từ ngôi nhà này là điều vô lý".
Ông Bình cho rằng phải có thêm người tham gia gây án cùng Luyện thì mới có thể sát hại tới 4 người, ung dung cậy mặt kính tủ trưng bày trang sức, cướp hết vàng ta rồi tẩu thoát. Ngoài ra, ông gọi việc một thanh niên nông thôn mới học hết cấp 2, đi làm thợ hồ như Luyện mà có thể đột nhập vào nhà bằng cạy cửa ở lan can tầng 3, thông thạo vị trí bên trong, lại biết các chỗ để ngắt điện camera cùng hệ thống báo động "là điều rất phi lý" (về nhận định này, có người phản bác: Luyện hay đi làm công trình xây dựng nên không loại trừ khả năng hắn có kiến thức thực tế về sơ đồ điện, hệ thống báo động)...
Điểm "mờ" thứ hai: Chiếc két sắt bí hiểm
Từ khi vụ án xảy ra đến nay, chỉ có hai luồng tin về chiếc két sắt trong tiệm vàng Ngọc Bích được đưa ra trên một vài tờ báo. Đáng tiếc rằng, đó đều là những thông tin rất sơ sài và có phần mâu thuẫn với nhau. Luồng tin thứ nhất khẳng định "két sắt bị khoắng sạch" (tin do "một điều tra viên tham gia khám nghiệm hiện trường" cung cấp), hoặc "két sắt bị lục lọi". Luồng tin thứ hai lại khẳng định: "Tủ vàng tây và két bạc vẫn còn nguyên vẹn".
Chiếc két sắt bí hiểm trong tiệm vàng Ngọc Bích.
Bởi vậy, sự thật về chiếc két sắt nêu trên vẫn là một điều bí hiểm. Két nguyên xi hay đã bị lục lọi? Két được mở hay bị phá? Trong két có những tài sản gì? Số tiền mặt trị giá bao nhiêu? Có giấy tờ, sổ sách ghi nợ hay không? Những vật chứng quan trọng này (nếu có) thì có bị kẻ gian "khoắng" hay không? Nếu Luyện đã "khoắng" tiền trong két thì Luyện đã cất giấu hay đã đưa cho ai để đến nỗi trên đường trốn chạy, hắn phải bán cả chiếc điện thoại lấy 400.000 đồng?. Cơ quan điều tra đã thu hồi được những vật có trong két sắt (nếu đã bị lấy trộm) cùng chiếc điện thoại đó chưa?... Đó đều là những câu hỏi mà dư luận đang mong ngóng cơ quan công an đưa ra câu trả lời.
Điểm "mờ" thứ ba: Động cơ phạm tội của Lê Văn Luyện
Cứ cho là Lê Văn Luyện một mình đột nhập vào tiệm vàng Ngọc Bích thì dư luận cũng có nhiều người hồ nghi về động cơ gây án của hắn ta: Ban đầu, Luyện đột nhập tiệm vàng với mưu đồ chính là trộm cắp tài sản hay nhằm mưu sát gia đình chủ tiệm vàng?
Các thành viên của thế giới ảo đang tranh luận gay gắt về hai giả thuyết: 1. Luyện sát hại gia đình nạn nhân nhằm rảnh tay cướp vàng (như lời khai ban đầu của hắn); 2. Luyện chủ tâm giết người, sau đó mới nảy sinh ý đồ cướp tài sản.
Trên một diễn đàn, chủ nick "maumathat..." phản bác giả thuyết thứ nhất: "Nếu Luyện chỉ nhằm mục đích trộm, cướp thì không thể phục đến 3 tiếng đồng hồ trong tiệm vàng. Tại sao không xuống tầng 1 lấy vàng và tiền và trốn đi? Trời mưa lớn vào lúc nào? Tại sao đợi đến 5h sáng mới hành động? Lúc đó trời sáng và mọi nguời xung quanh đã bắt đầu cho ngày mới, lúc này rất dễ bị lộ...".
"Nếu chỉ có ý định ăn trộm, cướp thì sau khi đột nhập nhân lúc vợ chồng gia chủ đang ngủ, hắn (tức Lê Văn Luyện - PV) phải nhanh tay cuỗm vàng rồi tẩu thoát nhanh chóng. Nhưng ở đây, Luyện khai hắn nấp ở trong nhà hẳn 3 tiếng chờ vợ chồng chủ tiệm thức giấc để sát hại họ rồi mới cuỗm vàng?" - Thạc sĩ Phạm Thanh Bình nói trên VnExpress.
Theo ông Bình, tâm lý thông thường của kẻ trộm là ít khi dùng vũ lực với chủ nhà mà chỉ ra tay khi hành tung bị phát hiện, ngăn chặn. "Đằng này anh ta chờ giết người, sau đó mới thực hiện việc cướp của. Nếu như diễn biến sự việc theo đúng lời khai thì không phù hợp với diễn biến tâm lý của kẻ ăn trộm cướp" - ông nhìn nhận.
Lời giải về các điểm "mờ" nêu trên sẽ được chuyển tới bạn đọc khi cơ quan công an có kết luận điều tra.
Công tác điều tra sẽ sớm kết thúc
Liên quan đến vụ án này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, trong đó phóng viên có nêu câu hỏi: "Sau khi đối tượng Lê Văn Luyện bị bắt, dư luận hồ nghi về lời khai một mình giết 3 mạng người của hung thủ, Trung tướng có thể cho biết nhận định của Cơ quan điều tra về số lượng hung thủ gây ra vụ án này?". Đáp lại, Trung tướng Ngọ cho biết: "Chúng tôi nhận định Lê Văn Luyện là chủ mưu gây ra vụ án, còn những thông tin khác chúng tôi sẽ cung cấp khi có đủ chứng cứ". Cũng theo Trung tướng, hiện cơ quan công an vẫn đang tập trung điều tra khai thác, củng cố chứng cứ căn cứ vào hiện trường để lại, đấu tranh làm rõ và điều tra mở rộng vụ án để sớm kết thúc và đưa ra xử lý trước pháp luật.
Theo ANTD
'Không có ai giật dây, tham gia cướp tiệm vàng với Luyện' Chiều 8/9, Công an tỉnh Bắc Giang tái khẳng định, đủ chứng cứ xác định duy nhất Lê Văn Luyện gây án tại tiệm vàng Bắc Giang. Nạn nhân Bích có thể do hoang mang nên nhận diện nhầm "có hai người đầu xanh, đầu đỏ". Trước phân tích của một số luật sư rằng "Luyện không thể là thủ phạm duy nhất",...