Phát lộ ngôi mộ táng của người tiền sử
Khai quật hang Con Moong (Thanh Hóa), các nhà khảo cổ phát hiện hàng tấn vỏ ốc, rất nhiều công cụ lao động. Giá trị nhất là tìm thấy di cốt của người tiền sử được chôn cất trong ngôi mộ táng niên đại cả chục nghìn năm.
Nằm trong vùng đệm rừng quốc gia Cúc Phương, hang Con Moong (thuộc bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) nhiều năm nay được biết đến như một di chỉ khảo cổ học độc nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á bởi tính chất đặc biệt của nó.
Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ đã chứng minh được hang Con Moong là đại diện cho sự diễn tiến văn hóa gắn với nhiều giai đoạn phát triển của người Việt cổ tồn tại trong hơn 10 nghìn năm (từ 18.000 đến 7.000 TCN). Điểm nổi bật của hang là các địa tầng đều có dấu vết quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử, từ thời đồ đá cũ đến đồ đá mới, từ săn bắn, hái lượm đến trồng trọt, từ trước Sơn Vi sang Sơn Vi, đến văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn và Đa Bút.
Cửa hang Con Moong nằm cheo leo trên đỉnh núi, từ chân núi lên đến miệng hang có độ cao hơn 100 m. Theo tiếng địa phương, Con Moong có nghĩa là con thú. Đồng bào ở bản Mọ lý giải, nơi này xưa kia có rất nhiều muông thú tụ về sinh sống trú ngụ nên nhiều đời không mấy ai dám bén mảng đến cửa hang vì sợ thú dữ như hổ, báo… và hơn hết là “tránh để hồn ma người xưa theo về bản hại dân làng”.
Vòm hang Con Moong cao và rộng hình bán nguyệt, dài khoảng 40 m thông hai đầu. Trần hang có chỗ cao hơn 10 m. Ở giữa hang vách phẳng hơi cong, đôi chỗ có nhũ nhỏ xuống. Cửa hướng đông nam có một tảng đá tạo hình con hổ quỳ.
Tiến sĩ Phạm Văn Đấu, Hội sử học Thanh Hóa (một trong những cán bộ tham gia đợt khai quật hang Con Moong lần đầu tiên năm 1976) cho biết, lần theo chỉ dẫn của các cụ cao niên trong bản Mọ, năm 1974 một số cán bộ rừng Quốc gia Cúc Phương đã phát hiện ra hang Con Moong.
Năm 1976, Viện Khảo cổ học phối hợp với Ty Văn hóa tỉnh Thanh Hóa (nay là Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch) và Vườn Quốc gia Cúc Phương khai quật lần thứ nhất. Những năm gần đây, Viện khảo cổ học phối hợp với các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học Nga tiếp tục khai quật lần 2, lần 3, lần 4 tại hang Con Moong, đồng thời phát hiện và khai quật một số hang khác cũng trên địa bàn xã Thành Yên, như hang Lai, Lý Chùn, Mang Chiêng, Diêm…
Video đang HOT
Qua nhiều lần khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện di cốt và mộ táng của người Việt cổ trong hang. Ảnh: Lê Hoàng.
Cuối tháng 11 vừa qua, Sở Văn hóa Thanh Hóa phối hợp Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị công bố kết quả sơ bộ về khai quật khảo cổ học hang Con Moong và hang Mang Chiêng đợt 3 năm 2012. Kết quả thu được từ việc khai quật di chỉ hang Con Moong tiếp tục củng cố cơ sở khoa học rằng nơi đây có dấu vết quần cư liên tục của người Việt cổ, phát triển qua ba tầng văn hóa là Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn. Những yếu tố chủ đạo của ba nền văn hóa tiền sử tiêu biểu nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á đều hội tụ về đây.
Đặc biệt, các nhà khoa học đã phát hiện một số ngôi mộ có di cốt người. Đây là di tích mộ táng của cư dân thời đại đồ đá. Di tích có địa tầng dày nguyên vẹn minh chứng cho sự tiến triển về cổ khí hậu từ khô lạnh giai đoạn cuối băng hà (Late Pleistocene) sang nóng ẩm (Early Holocene); từ văn hóa thời đại đồ đá cũ sang đồ đá mới; từ kỹ nghệ chế tác công cụ mảnh sang kỹ nghệ cuội ghè; từ kỹ thuật ghè đẽo đến mài lưỡi công cụ; từ săn bắt, hái lượm sang trồng trọt sơ khai…
Sức hấp dẫn của hang Con Moong thể hiện ở chỗ đây được coi là nơi duy nhất ở Đông Nam Á có thời gian tồn tại của con người dài nhất và liên tục nhất. Đồng thời nơi đây cũng cho thấy những hình ảnh rõ ràng nhất về văn hoá vật thể và văn hoá tinh thần của cư dân cổ. Các di chỉ thu được tại Con Moong gồm rìu mài lưỡi kiểu Bắc Sơn, nạo hình đĩa, rìu ngắn, công cụ mũi nhọn bằng xương và công cụ ghè đẽo thô sơ tạo rìa ở dọc viên cuội, rìu ngang cùng một số mảnh đá được sử dụng làm dao cắt.
Người nguyên thủy ở đây cũng để lại một tầng văn hóa gồm có ốc suối, ốc núi cùng xương răng động vật, công cụ lao động… Nguồn sống chính của người nguyên thủy nơi đây là hái lượm, trái cây, rễ cây rừng hoang dại, bắt các loài nhuyễn thể như ốc núi, ốc suối làm thức ăn chính. Họ cũng biết dùng đá cuội, đá ba dan, riôlít, poócphinrít… để chế tạo ra chiếc rìu đá dùng để chặt cây, phá rừng, sáng tạo ra những chiếc nạo mỏng lưỡi để nạo vỏ cây, da thú. Họ còn nhặt trong lòng suối những viên cuội lớn để làm cối, những viên cuội tròn để làm chày nghiền hạt… Điều đó chỉ rõ cuộc sống định cư lâu dài của người nguyên thủy ở đây.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn thu được mẫu xương răng các loại động vật như vượn, khỉ, gấu, lợn rừng, hươu nai và một số loại gặm nhấm, do người nguyên thủy săn bắt được đem về hang, ăn và vứt bỏ lại. Điều này chứng tỏ săn bắt giữ một vị trí quan trọng như một phương thức sinh tồn quan trọng.
Bấy giờ, người nguyên thủy chưa biết làm nhà mà sinh sống quần tụ trong các hang đá. Hang Con Moong chính là “ngôi nhà lớn” của người Việt cổ. Nhưng đây không chỉ là nơi cư trú, mà còn là khu mộ táng. Khi đào đến độ sâu 3,6 m, các nhà khảo cổ phát hiện di cốt của bốn cá thể, thuộc nhiều mộ, ở độ sâu dưới 3,2 m, thuộc hậu kỳ đá cũ. Trong số đó, có một mộ khá nguyên vẹn, chôn theo tư thế nằm co, bó gối, có đồ tuỳ táng là công cụ lao động bằng đá.
Các chuyên gia khảo cổ nhận định, có thể đây là tục trói người chết trước khi đem chôn, vì sợ hãi “con ma” trở về làm hại người sống. Ba ngôi mộ có cấu trúc độc đáo, xung quanh xếp đá hộc, đáy rải đá răm, lại được quàn gần bếp lửa, phản ánh tâm lý muốn người chết luôn luôn gần gũi với mình, có mộ còn được rắc thổ hoàng để trang trí. Điều này cho thấy người xưa đã có ý niệm về thế giới bên kia nên đã chôn theo người chết một số công cụ sinh hoạt bằng đá và một số đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể.
Theo nhận định của các nhà khoa học, hang Con Moong cùng với động Người Xưa, hang Đắng, mái đá Mộc Long và hang Lai tạo thành một quần thể di tích cho thấy một cộng đồng dân cư cư trú trong một thung lũng rộng lớn, có sự thay đổi về dân số, vị trí cư trú và phương thức sản xuất và cộng đồng này góp phần tạo nên văn hóa Đa Bút.
Cũng theo tiến sĩ Đấu, người Hòa Bình đã đẩy nhanh kỹ thuật ghè đẽo công cụ từ kém định hình sang định hình, đặc biệt sáng tạo ra cây rìu mài lưỡi niên đại trên một vạn năm. Bên cạnh kinh tế săn bắt và hái lượm, người Hòa Bình bắt đầu biết đến thuần dưỡng thực vật, khởi dựng nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trong các thung lũng karst (đá vôi) nhiệt đới Đông Nam Á, tiến hành nghi thức chôn cất người chết tại nơi cư trú, chôn theo công cụ và trang sức, đặt thi hài theo tư thế nằm co bó gối…
Dẫn lời PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Khảo cổ học Việt Nam, tiến sĩ Đấu nhận định, vào khoảng sau 7000 năm TCN, cư dân nơi đây đã làm một cuộc di cư vĩ đại, vươn ra chiếm lĩnh đồng bằng châu thổ huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) và Nho Quan, Tam Điệp (Ninh Bình), tạo dựng nên bộ mặt văn hóa mới, văn hóa Đa Bút – văn hóa Trung kỳ Đá mới Việt Nam. Có thể nói đây là công cuộc di cư khai phá châu thổ sông Hồng và sông Mã đầu tiên trong lịch sử.
Từ khi được phát hiện đến nay, mỗi năm hang Con Moong đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Không chỉ là di tích lịch sử quốc gia, hang Con Moong còn là tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng. Ngoài cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, ở đây còn có những món ăn ngon mà thiên nhiên ban tặng như ốc đá tròn, ốc suối dài, con chấu chôm, cá niếc (loài cá làm tổ dưới đất sâu, mùa mưa mới chui ra khỏi tổ)…
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa Thanh Hóa cho biết, hiện sở tiến hành các bước lập đề án đề nghị nhà nước công nhận hang Con Moong là di tích quốc gia đặc biệt trong năm 2013. Những năm tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với di sản này.
Theo VNE
Bí mật hài cốt 12.000 năm
Cách khâm liệm độc đáo, đặt ốc biển vào hốc mắt người chết, được các nhà khảo cổ Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện tại hang Phia Vài (Na Hang, Tuyên Quang) đã hé lộ bí mật về cách thức mai táng của người nguyên thủy.
PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, hang Phia Vài thuộc thôn Cốc Ngận, xã Xuân Tân (Na Hang) được phát hiện qua truyền thuyết "ma núi" Phia Vài. Người dân bản địa cho rằng, đó là cái hang thiêng có ma. Đã có nhiều người dân địa phương lạc vào hang rồi để lại di chứng như tâm thần.
Cũng chính vì thế mà người dân nơi đây coi hang Phia Vài như một nơi thiêng liêng bất khả xâm phạm. Ngay cả trâu bò cũng được người dân trông giữ cẩn thận, không để đi lạc vào khu vực cấm. Điều này khiến cho hang Phia Vài còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
PGS.TS Trình Năng Chung (phải) phát hiện nhiều di vật cổ tại hang Phia Vài.
Phải mất một thời gian dài thuyết phục cùng sự giúp đỡ của chính quyền sở tại, ông Chung và đồng nghiệp mới vào được hang. Đoàn khảo cổ đã mua xôi, gà, đồ lễ vật và mời thầy Mo về cúng bái để an lòng dân. Đoàn cũng phải rất vất vả để thuê được các công nhân địa phương, phục vụ việc đào bới di chỉ khảo cổ.
Khi đào được hơn 50 cm, ông Chung thấy ló ra vài ba đốt đen đen, gần giống xương gà, lợn. Biết là sắp phát lộ bộ hài cốt như lời đồn đại, ông bèn cho nhân công phủ bạt lên để người dân đỡ sợ và nói đùa rằng đó chỉ là xương động vật chết trong hang.
Theo PGS.TS Trình Năng Chung và GS. Nguyễn Lân Cường, Phia Vài có cửa hang rộng 35 m, sâu 11 m và trần hang cao 4 m. Tiếc rằng các tảng đá vôi lớn đã bị sập xuống từ trần hang, làm mất đi một diện tích lớn không thể khai quật.
Ở phần còn lại, các nhà khảo cổ đã đào hai hố lớn với diện tích 40 m2 và phát hiện được hàng trăm hiện vật, chủ yếu là công cụ ghè, đẽo thô sơ. Khi bộ hài cốt người phát lộ, các nhà khảo cổ rất mừng, nhưng gặp trở ngại là cột nhũ đá đâm sâu xuống đất chạm vào bộ hài cốt. Sau hàng tuần lễ nghiên cứu, các chuyên gia quyết định cho cưa bỏ phần quách thạch ở phía trên để lấy bộ hài cốt ra. Chỉ cần dựa vào cột nhũ đá ăn sâu xuống đất, các nhà khảo cổ cũng đã đoán được niên đại hài cốt trên 10.000 năm tuổi.
Quách thạch được mở ra cho thấy bộ hài cốt người nguyên thủy được đặt ở tư thế nằm nghiêng, đầu gối lên đá, chân duỗi thẳng. Căn cứ vào lớp trầm tích đá vôi cứng và công cụ ghè đẽo thô sơ được chôn theo người chết, ông Chung nhận định di tích Phia Vài mang đặc trưng của văn hóa Hòa Bình giai đoạn sớm niên đại 12.000 năm. Đặc biệt, xung quanh di cốt còn phát hiện dấu tích bếp lửa hình tròn và những tảng đá rất to, có lẽ đã được người nguyên thủy dùng làm ghế ngồi trong các sinh hoạt cộng đồng.
Để giúp bộ hài cốt được nguyên vẹn, các nhà khảo cổ đã quyết định để họa sĩ Nguyễn Đình Hiển dùng thủ thuật bó thạch cao ngôi mộ để đưa ra nghiên cứu. Dựa vào độ mòn của răng, độ gắn liền của đường khớp sọ, góc của xương cánh chậu, xương hàm dưới..., các nhà khảo cổ kết luận đây là di cốt của một người đàn bà có địa vị trong cộng đồng người nguyên thủy, khoảng 45-50 tuổi. Vì xương cánh tay trái còn tương đối nguyên vẹn nên đoàn khảo cổ cũng tính được chiều cao của người này là 1,56 m. Đặc biệt, hộp sọ gối lên một thềm đá và có độ hóa thạch khá cao. Ở hàm trên răng cối nhỏ, cối lớn và răng nanh còn nguyên vẹn, chỉ thiếu bộ răng cửa.
Hai con ốc đặt trong hốc mắt người chết.
Theo PGS.TS Trình Năng Chung, hài cốt Phia Vài có hộp sọ còn khá nguyên vẹn nhưng do bị cột đá nén ép nên bị bẹp ở phần xương đỉnh và chấm bên phải làm cho hai mỏm chũm và má bên phải bị lệch. Khi các nhà khảo cổ dùng thủ thuật nghề nghiệp để khám phá đã làm lộ dần hai con ốc nằm gọn trong hốc mắt của người đàn bà này.
Theo GS. Nguyễn Lân Cường, đây là loại ốc biển có tên khoa học Cyprea arabica. Con ốc nằm ngửa trong hốc mắt bên trái dài 27,23 mm, rộng 16 mm. Con ốc trong hốc mắt bên phải dài 21,61mm, rộng 13,13mm. Theo ông Cường, thời người phụ nữ này còn sống, người ta dùng loại ốc biển này để trao đổi hàng hóa giống như một loại tiền tệ. Trong lúc mai táng, người ta đã đặt lên mỗi mắt một con ốc để khi phần da thịt tiêu đi, con ốc sẽ tụt xuống hốc mắt như thay cho con ngươi.
Dựa vào vị trí của xương tay, xương sườn và chậu hông, GS. Nguyễn Lân Cường cho rằng, đây là di cốt chôn nguyên dạng, chưa qua cải táng. Di cốt thuộc nền văn hóa Hòa Bình, chưa từng được phát hiện. Những hộp sọ có niên đại tương tự phát hiện ở Đông Nam Á cũng không thấy cách khâm liệm đặt ốc vào hốc mắt như ở Phia Vài.
"Di chỉ hài cốt người nguyên thủy ở hang Phia Vài có giá trị rất lớn đối với ngành khảo cổ. Đó là một phát hiện lớn, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, bảo tồn di cốt xương người không đơn giản nên phải có sự vào cuộc của các cấp ngành", PGS.TS Trình Năng Chung cho biết.
Theo VNE
Rừng thiêng bản Cậy Dân làng thờ thần rừng, chủ rừng trong những ngôi đền thiêng giữa rừng. Đền thiêng lẳng lặng nằm dưới tán rừng già, sẵn sàng trừng phạt kẻ nào thiếu lễ nghĩa với rừng, với luật tục của làng. Rừng thiêng là nỗi sợ hãi của người Nùng bản Cậy. Thần rừng trừng phạt Thầy cúng Vương Hữu Chương nhìn chúng tôi cất...