Phát lộ ‘hố thiêng’ tháp Chăm thế kỷ thứ X
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện khu đền có niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV sau ba tháng khai quật di tích Chăm tại khu vực Cấm Mít (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Ngày 11/12, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Bảo tàng Chăm Đà Nẵng công bố kết quả khai quật khu đất rộng hơn 500 m2. Tại một gò đất cao tại tổ 3, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, ở độ sâu 2,5 m khu đền tháp Chăm được phát lộ với nền móng, kiến trúc của hệ thống tường bao, tháp thờ chính, tháp Cổng, nhà đài và đường đi…
Mặt bằng tổng thể hiện trạng và hố khai quật di tích Cấm Mít.
Các nhà khảo cổ đã lưu giữ gần 630 hiện vật là các loại gạch, đất nung, đồ gốm… để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá. Trong đó có nhiều loại di vật đá được đưa về lưu giữ tại các đình làng như bộ Linga – Yoni cùng bệ thờ ở đình làng Dương Lân, hai đài thờ ở đình làng Bồ Cản và Cẩm Toại.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Ngọc Chất, Phòng Nghiên cứu – sưu tầm bảo quản (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), đền tháp này có niên đại từ thế kỷ thứ X đến XIV. Một số kiến trúc có bố cục trung tâm là tháp giữa, hai bên có tháp bắc và nam, phía đông có tháp cổng và nhà dài. Toàn bộ hệ thống kiến trúc đều hướng về phía đông, trong đó tháp giữa được xây dựng sớm và có quy mô lớn nhất. Nền móng tháp đều có bình đồ gần vuông, cửa chính mở về phía đông, cửa giả về phía tây, hai bên có thành bậc xây nhô ra hình vòng cung, mỗi thành bậc rộng 0,8 m.
Đặc biệt, trong lần khai quật này các nhà khảo cổ phát hiện các hố thiêng với kiến trúc mặt cắt dọc hình thang cân ngược, cao trên một mét. Thành hố xây vát taluy bằng gạch vỡ, đất laterite, đất sét trộn nhựa thực vật được xây ở trung tâm cả ba nền móng đền tháp chính. Lớp trên lòng hố được lát bằng gạch, dưới lót cát sông và rải một lớp đá cuội. Phần đáy hố được dầm chặt bởi lớp đất sét pha cát.
Sát đáy hố thiêng có 8 lỗ hình chữ nhật, chia khoảng cách đều và mỗi lỗ đặt một viên gạch hình chữ nhật, phía dưới có một hòn cuội cùng 2 mảnh nhỏ kim loại mỏng phủ lớp cát biển ở phía sát đáy. Cửa hốc hố thiêng tháp nam còn đặt 1-2 viên thạch anh màu trắng.
Việc khai quật di tích tháp Chăm ở Đà Nẵng được thực hiện liên tục trong thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Đông
“Các hố thiêng đều có 4 yếu tố sông (di vật cát sông), biển (cát biển), đất (gạch), núi (hòn cuội). Tuy chưa có câu trả lời cụ thể, nhưng bước đầu cho thấy sự chú trọng đến lễ nghi và nghệ thuật phong thủy trong việc trấn yểm của chủ nhân”, ông Chất nói.
Cũng theo chuyên gia này, việc xuất hiện của vò gốm men (khả năng là vò mộ), đồ tùy táng (đồ gốm, sứ, thủy tinh, thạch anh…) cho thấy ngoài chức năng là đền tháp thờ các vị thần còn có tính chất như một ngôi tháp mộ, lưu trữ tro cốt và thờ tự tổ tiên hoặc của chính chủ nhân xây tháp. Theo kiến trúc và hiện vật thu được thì chủ nhân của đền tháp khi sống có địa vị cao nhất vùng nên khi chết đi cũng được xem như thần linh để thờ trong tháp.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia cho biết thêm, phần mi cửa trước ở tháp bắc lần đầu tiên được trang trí hình ảnh chim thần Garuda. “Từ trước đến nay cửa trước thường chỉ được trang chí bằng hình ảnh các vị thần, hoặc các họa tiết hoa văn, điều này tượng trưng cho việc thờ cả á thần tại ngôi đền tháp. Sự phát hiện này góp phần bổ sung tư liệu cho những khoảng trống cần nghiên cứu về kiến trúc, văn hóa, tôn giáo người Chăm”, ông Cường nói.
Cùng với các hố thiêng, nhiều hiện vật được tìm thấy đã phục vụ cho công tác nghiên cứu chuyên sâu về các di tích này. Ảnh: Nguyễn Đông
Di tích Cấm Mít nằm trên vùng đất bồi đắp tự nhiên của vùng hợp lưu hai sông Túy Loan và Yên, đổ vào sông Cẩm Lệ. Nơi đây từng xảy ra nhiều đợt “tàn phá di tích” như việc người dân khai thác gạch về xây đền miếu năm 1950 và chịu tàn phá nặng nề của chiến tranh những năm 1970. Hiện khu vực này là vườn hoa màu của người dân địa phương.
Trước đó ngày 28/8, đoàn khảo cổ đã công bố kết quả sau gần 2 năm khai quật tại tháp Chăm Phong Lệ (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Kết quả cho thấy lộ rõ toàn bộ quy mô và cấu trúc chân móng của một tòa tháp Chăm khoảng 1.000 năm tuổi với hố sâu được dự đoán là hố thiêng phục vụ tín ngưỡng của người Chăm xưa
Theo VNE
Lo ngại đới đứt gãy
Ngày 10.12, tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo đánh giá tác động của sóng thần xung quanh khu vực Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến lo ngại về độ an toàn khi trên biển Đông xuất hiện đới đứt gãy kinh tuyến 109 - 110, cách vị trí dự kiến xây dựng NMĐHN Ninh Thuận khoảng 80 - 100 km. PGS-TS Cao Đình Triều, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý Việt Nam, cho biết hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu đánh giá lại tác động của đới đứt gãy này để đảm bảo mức an toàn cao nhất cho NMĐHN Ninh Thuận. Theo PGS-TS Cao Đình Triều, đới đứt gãy kinh tuyến 109 - 110 là đới đứt gãy trượt nên khả năng gây ra sóng thần rất nhỏ; nếu có hoạt động tạo ra sóng thần thì chỉ dưới 4 m. "Trước đây, NMĐHN Ninh Thuận được thiết kế với độ cao 5 m so với mực nước biển, nhưng từ sau sự cố ở NMĐHN Fukushima (Nhật Bản) thì đã nâng mức cao trình lên 15 m", PGS-TS Cao Đình Triều cho biết.
Theo TNO
Tín ngưỡng thờ vua Hùng trở thành Di sản nhân loại Ngày 6/12, UNESCO thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chiều 6/12, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paris, Pháp, Chủ tịch kỳ họp,...