Phát huy vai trò chuyển tải tiếng nói của người dân đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Tại hội nghị tổng kết năm 2018 của Ban Tiếp công dân Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Năm 2018 là năm Ban Tiếp công dân Trung ương đã hoàn thành tốt nhiều mặt công tác trong điều kiện khó khăn.
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái và Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh trong một dịp đến thăm và làm việc với Ban Tiếp công dân Trung ương. Ảnh: TH
Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao
Quả thực như vậy. Đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương mới biết được những khó khăn vất vả của cán bộ tiếp công dân. Môi trường làm việc thường xuyên bị áp lực do tiếp xúc với công dân khiếu kiện bức xúc, manh động, quá khích, thái độ gay gắt, đôi khi có lời lẽ xúc phạm công chức thực hiện nhiệm vụ. Tuy vậy, trong năm qua, tập thể cán bộ, công chức Ban Tiếp công dân Trung ương đã cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại (KN), tố cáo (TC), phản ánh, kiến nghị của công dân tại Trụ sở, nhất là trong thời gian diễn ra các kỳ họp của Trung ương Đảng khóa XII và Quốc hội khóa XIV được đảm bảo.
Mặt khác, Ban cũng chủ động báo cáo, tham mưu giúp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ hướng xử lý tình huống phức tạp về an ninh, trật tự tại Trụ sở. “Qua đó ổn định tình hình, góp phần động viên cán bộ, công chức, người lao động yên tâm công tác; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan đảm bảo an ninh, trật tự, góp một phần vào thành công chung trong các kỳ họp của Trung ương Đảng, Quốc hội, các sự kiện lớn của đất nước. Phát huy được vai trò của Ban, Trụ sở trong việc chuyển tải tiếng nói của người dân đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong công tác giải quyết các vụ việc KN,TC đông người, phức tạp”, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp khẳng định.
Nhìn lại một năm qua, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, quản lý Nhà nước tiếp tục được nâng lên, khẳng định được vai trò, trách nhiệm của Ban Tiếp công dân Trung ương trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư KN,TC, kiến nghị, phản ánh trong phạm vi cả nước.
Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết, trong năm 2018, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã tiếp 17.101 lượt người (Hà Nội 14.925 lượt, chiếm 87,3%; TP Hồ Chí Minh 2.176 lượt, chiếm 12,7%) đến trình bày 4.584 vụ việc; tiếp nhận 13.223 đơn thư các loại. Trong số đơn đã xử lý có 3.924 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 29,9% (KN 3.416 đơn, TC 182 đơn, kiến nghị và phản ánh 326 đơn).
Để hạn chế việc công dân tập trung đông người KN,TC dài ngày tại Hà Nội, Ban đã chủ động phối hợp với UBND một số tỉnh, thành phố vận động công dân trở về và tổ chức tiếp tại địa phương như: Các công dân thuộc quận 2, TP Hồ Chí Minh (liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm); một số công dân tỉnh An Giang; công dân phường Hồng Gai, Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; công dân huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai, quận Hà Đông, quận Bắc Từ Liêm của TP Hà Nội; công dân xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, là môt sô công dân tỉnh Đồng Tháp đang khiêu kiên phưc tap tai Trụ sở ở Hà Nội.
“Đối với các trường hợp công dân khiếu kiện lưu trú dài ngày tại Thủ đô, Trụ sở đã có văn bản đề nghị đia phương cử Tổ Công tác đến Trụ sở để phối hợp tiếp, vận động và bố trí đưa công dân trở về địa phương, tránh để công dân lưu trú dài ngày bị phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo, kích động”, bà Tuyết nói.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Ban Tiếp công dân Trung ương cũng đã chủ động thành lập các Tổ Công tác kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC tại một số tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Dương, Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hà Nội, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu; thành lập các Tổ Công tác nắm tình hình một số vụ việc KN,TC phức tạp như vụ việc của công dân quận Hoàng Mai, TP Hà Nội liên quan đến dự án mở rộng đường Tam Trinh và dự án đường vành đai 2,5; vụ việc của công dân thuộc quận Ngô Quyền liên quan đến việc thu hồi đất của Trường THPT Trần Phú, TP Hải Phòng…
Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của Ban Tiếp công dân Trung ương. Ảnh: TH
Quan tâm hơn nữa đến tinh thần, vật chất cán bộ tiếp dân
Bên cạnh kết quả đã đạt được, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cũng thừa nhận trong quá trình triển khai nhiệm vụ còn một số hạn chế như: Những tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư còn chậm được khắc phục; công tác theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình KN,TC của địa phương con han chê chưa đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo; tham mưu, tổng hợp vẫn còn một số việc chậm, chưa nắm sát tình hình, số liệu báo cáo, thống kê chưa khoa học; một số cán bộ, công chức chưa thực sự chủ động, tập trung nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, tự trau dồi nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp với công dân, thiếu nhiệt tình trong công việc dẫn đến kết quả còn hạn chế…
Ông Điệp cho biết, trong thời gian tới, Ban tiếp tục duy trì thường xuyên và hiệu quả công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; phối hợp với các lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự đảm bảo an toàn tuyệt đối phục vụ cho các kỳ họp của Trung ương Đảng và Quốc hội theo đúng kế hoạch; tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC thuộc thẩm quyền, đặc biệt trong việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND các địa phương.
Tiếp tục phối hợp với các cục, vụ, đơn vị có liên quan để đánh giá và hoàn thiện Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KN,TC.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của Ban, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh chia sẻ với những khó khăn mà cán bộ tiếp công dân phải đối mặt, đồng thời đánh giá cao kết quả đạt được trong một năm qua của Ban Tiếp công dân Trung ương.
Phó Tổng Thanh tra đề nghị tập thể cán bộ lãnh đạo Ban tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác tổ chức cán bộ, gắn đổi mới công tác cán bộ với sắp xếp cán bộ phù hợp để phát huy năng lực, sở trường công tác.
“Đặc biệt, quan tâm hơn nữa đến đời sống, tinh thần, vật chất cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị; đẩy mạnh công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết KN,TC gắn với thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư…”, Phó Tổng Thanh tra đề nghị.
Thái Hải
Theo Thanh tra
Cán bộ Bộ Chính trị quản lý, ai chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản?
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu băn khoăn, nếu giao Thanh tra Chính phủ nhiệm vụ, chức năng là cơ quan kiểm soát tài sản của cán bộ thì vừa "quá tải" công việc vừa khiến Thanh tra Chính phủ gặp khó khi đối tượng phải kiểm soát thậm chí ở nhiều cơ quan cấp cao hơn...
Đây là một vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 11/4. Do tính chất phức tạp, dự thảo luật đã được quyết định kéo dài thời gian xem xét, quyết định với quy trình thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, liên quan đến quy định về quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, Chính phủ chọn phương án Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương.
Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản cán bộ cấp Thứ trưởng trở lên?
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sau lần cho ý kiến đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, sau lần thảo luận vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, mọi trường hợp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến tán thành với quy định Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của một số đối tượng nhất định như dự thảo Luật.
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà áp dụng các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng như đối với cán bộ, công chức nói chung trong hệ thống chính trị.
Liên quan đến thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, Chính phủ chọn phương án Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương, người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Đa số ý kiến tại UB Tư pháp, cơ quan thẩm tra dự án luật chọn phương án hai.
Giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên (tương đương Thứ trưởng - PV) công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương; người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại các cơ quan này thì giao cho thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ nơi không có cơ quan thanh tra của cơ quan, đơn vị đó, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập.
Giao cho TAND tối cao, VKSND tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại ngành hoặc cơ quan, tổ chức này. Giao cho Ban Công tác đại biểu thuộc UB Thường vụ Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Cán bộ, công chức mới không thuộc diện kiểm soát tài sản
Quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận lần đầu tại nghị trường.
Theo đó, nhiều ý kiến tán thành với phương án thu hẹp phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, cần tập trung vào các đối tượng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao. Có ý kiến đề nghị chỉ quy định kê khai đối với trường hợp được bầu, bổ nhiệm mà không quy định đối với tất cả. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến tán thành với phương án mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để phù hợp với quy định của Đảng...
Ông Khái cho biết, sau khi nghiên cứu, Chính phủ vẫn giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý về quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai.
Theo đó, đối tượng có nghĩa vụ kê khai bao gồm: các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, cán bộ, công chức, một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Riêng đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức khi lần đầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, thì việc kê khai chỉ nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý cán bộ như đang triển khai trên thực tế hiện nay khi kê khai hồ sơ cán bộ, công chức và không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập.
Giải trình lý do giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng, Chính phủ nêu rằng Trung ương Đảng đã 2 lần chỉ đạo về việc tiến tới, từng bước mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Ngoài ra, kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập còn hình thức, chưa thực chất xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc chưa quản lý được dữ liệu bản kê khai, chưa kiểm soát được biến động tài sản, thu nhập, chưa xác minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai theo quy định của pháp luật.
Gợi mở thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu băn khoăn, nếu giao Thanh tra Chính phủ nhiệm vụ, chức năng là cơ quan kiểm soát tài sản của cán bộ thì "quá tải" công việc. Thanh tra Chính phủ cũng sẽ gặp khó khi đối tượng phải kiểm soát không chỉ là cán bộ trong hệ thống của mình mà thậm chí ở nhiều cơ quan cấp cao hơn như Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Trung ương của Đảng... Nếu thành lập cơ quan độc lập, chuyên trách vấn đề này thì lại dẫn tới phình bộ máy, phát sinh biên chế, ngược lại với chủ trương tinh gọn hệ thống các cơ quan nhà nước hiện nay.
P.Thảo
Theo Dantri
Hà Nội: Phát hiện xác nam thanh niên trong phòng trọ khóa trái Người thân ở quê gọi điện lên không thấy nam thanh niên nghe máy, sau đó, họ nhờ người quen đến kiểm tra thì bàng hoàng phát hiện cậu ta đã chết trong phòng trọ. Thông tin ban đầu về vụ việc xảy ra vào lúc 19h ngày 27/12, tại một phòng trọ trên địa bàn phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm,...