Phát huy kỳ tích đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới
Đường Hồ Chí Minh là một công trình to lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, là một công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Góp phần làm nên những “kỳ tích” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Đường Hồ Chí Minh nằm ở phía Tây đất nước, có vị trí quốc phòng và an ninh quan trọng, có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên đất, rừng và các khu bảo tồn thiên nhiên, khoáng sản.
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết cần có một tuyến đường hoàn chỉnh, thống nhất, xuyên suốt nhằm đáp ứng cho hoạt động phát triển kinh tế, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ năm 1996, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy hoạch tuyến đường để hình thành trục dọc đường bộ thứ hai ở phía Tây đất nước với tên gọi ban đầu là Xa lộ Bắc Nam (nay là đường Hồ Chí Minh).
Ngày 24-9-1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 789/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Xa lộ Bắc Nam với điểm đầu tại Hoà Lạc (Hà Tây, nay là Hà Nội), điểm cuối tại ngã tư Bình Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), tổng chiều dài xấp xỉ 1.800km, cơ bản bám theo hướng tuyến của các quốc lộ 21A, 15A, 15B, 14 và 13.
Đồng thời, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu nhánh phía Tây từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Thạnh Mỹ (Quảng Nam).
Trong quá trình nghiên cứu lập dự án, có nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cán bộ lão thành cách mạng bày tỏ nguyện vọng đặt tên cho con đường là “đường Hồ Chí Minh” để xứng đáng với vai trò và tầm vóc của tuyến đường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đường Hồ Chí Minh từ lâu đã là tên gọi rất quen thuộc không những được nhân dân cả nước mà các nước trên thế giới biết đến. Việc lấy tên công trình là “đường Hồ Chí Minh” còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ngày 3-12-2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km); điểm đầu là Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).
Ngày 5-4-2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng; đến ngày 21-3-2008, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng đã tiến hành nghiệm thu công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (đoạn từ Thạch Quảng tới Ngọc Hồi).
Không phải đến khi nghiệm thu cấp Nhà nước đường Hồ Chí Minh mới được đưa vào khai thác, mà ngay từ năm 2003, rất nhiều tuyến trên đường Hồ Chí Minh sau khi nghiệm thu cơ sở đã phát huy hiệu quả, tạo ra diện mạo mới cho nhiều vùng quê từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn và từ Bắc chí Nam.
Đối với các tỉnh Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đường Hồ Chí Minh trở thành trục giao thông chính, nối thông phía Bắc Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung và liên thông sang nước bạn Lào và Campuchia.
Đường Hồ Chí Minh là một công trình to lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, là một công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đến nay, mặc dù chưa hoàn thành 100%, nhưng đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả thực tế.
Video đang HOT
Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.
Di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh
Ngày 30-7-2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 123/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh – Đông Trường Sơn.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh đoàn 12 triển khai các Dự án thành phần, gồm: Hoàn thiện hệ thống bia di tích Đường Hồ Chí Minh; Các di tích trọng điểm trên đất Quảng Bình; Khu quản lý, điều hành, phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình. Binh đoàn 12 – đơn vị chủ đầu tư và Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam làm phương án xây dựng tổng thể, đồng bộ từ đơn vị chủ quản đến các thành viên trong hệ thống di tích Trường Sơn trên cơ sở của các biên bản, bản đồ quy hoạch khu vực bảo vệ di tích…
Theo đó, UBND các tỉnh có di tích thuộc Đường Trường Sơn, đóng vai trò nòng cốt để khôi phục, tôn tạo và phát huy giá trị cũng như tiềm năng của di tích một cách bền vững.
Bên cạnh đó, là việc xây dựng bản đồ du lịch, xuất bản sách về di tích mạng lưới Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh,… để quảng bá cũng như giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu lịch sử Trường Sơn đối với khách tham quan và các thế hệ mai sau.
Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Bình Phước) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2013).
Theo CAND
Tướng Đồng Sỹ Nguyên sống giản dị, đậm chất "người lính cụ Hồ"
Mấy tháng trước chúng tôi có qua nhà thăm tướng Đồng Sỹ Nguyên, bác còn hứa kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn này sẽ thu xếp đến dự và thăm bảo tàng.
Vậy mà giờ chưa kịp đến ngày bác đã ra đi...", bà Hoàng Oanh, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ với Dân Việt.
Chiều qua (4.4), chúng tôi tìm về Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, lúc này có hàng trăm học sinh của Trường TH Trung Liệt đang đến tham quan. Tiếp chúng tôi, bà Hoàng Oanh - Phó Giám đốc Bảo tàng không giấu được nỗi buồn khi nhận được tin Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vừa trút hơi thở cuối cùng.
"Khi nãy chúng tôi đang tập văn nghệ để chuẩn bị biểu diễn chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn thì nhận được tin bác (Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - PV) mất. Nghe tin này mọi người đều lặng đi... ", bà Oanh mở đầu câu chuyện.
Cán bộ Bảo tàng đường Hồ Chí Minh Nguyễn Hải Bình giới thiệu và kể những câu chuyện về tướng Đồng Sỹ Nguyên ở Trường Sơn. Ảnh. T.An
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, sinh năm 1923, nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, đã từ trần vào hồi 11 giờ 42 phút ngày 4.4.2019. Năm 2015, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gửi đơn đến UBND tỉnh Quảng Trị mong muốn sau khi từ trần được an nghỉ ở khu đồi Văn Bia, nghĩa trang Trường Sơn cùng với những đồng đội của mình và UBND tỉnh này đã đồng ý.
Là người gắn bó với Bảo tàng đường Hồ Chí Minh ngay từ khi được thành lập (1995), bà Hoàng Oanh đã nhiều lần chứng kiến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đến thăm và tham quan bảo tàng. Cách đây khoảng 4 tháng, bà vinh dự cùng nhiều người khác có dịp đến thăm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại ngôi nhà riêng trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội.
Với bà Oanh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đúng là vị tướng của Trường Sơn, luôn chân tình, mộc mạc và chủ động làm mọi thứ. Đặc biệt, bản chất người lính cụ Hồ với lối sống chuẩn mực; tinh thần quyết chiến quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy; luôn gan dạ dũng cảm kiên cường mưu trí và sáng tạo; tính kỷ luật tự giác nghiêm minh... đã ngấm sâu vào trong con người của vị tướng Trường Sơn năm xưa.
"Mấy tháng trước chúng tôi có qua thăm bác, mọi người trò chuyện rất vui vẻ, lúc về bác còn tặng chiếc la bàn và ống nhòm gắn liền với năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn của bác cho Bảo tàng. Bác còn hứa kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn này sẽ thu xếp đến dự và thăm bảo tàng. Vậy mà giờ chưa kịp đến bác đã ra đi...", bà Oanh xúc động.
Chiếc ống nhòm của tướng Đồng Sỹ Nguyên sử dụng trong những ngày chiến tranh gian khổ ở Trường Sơn được chính Trung tướng tặng bảo tàng đường Hồ Chí Minh gần đây. Ảnh: T.An
Dẫn chúng tôi đi tham quan bảo tàng, cán bộ Bảo tàng đường Hồ Chí Minh Nguyễn Hải Bình giới thiệu, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh được thành lập ngày 13.7.1995 trên cơ sở của Bảo tàng Trường Sơn trong những năm chiến tranh.
Đây được coi là đường Trường Sơn thu nhỏ. Và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người hiểu rõ, sâu sắc nhất về Trường Sơn - về những năm tháng gian khổ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Tại bảo tàng, mọi người sẽ chứng kiến những khoảnh khắc của tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, một trong những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những mấu chốt thành bại trong chiến tranh.
Nữ cán bộ bảo tàng kể, đến giờ mọi người vẫn truyền tai nhau những câu chuyện về tướng Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn. Ví như, khi mới vào nhận nhiệm vụ tại Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên nghe cán bộ, chiến sỹ kể lại việc vận chuyển rất khó khăn, máy bay địch thường xuyên ném bom làm hỏng đường, hỏng xe, mỗi lúc thấy máy bay địch ném bom mọi người lại phải chạy tìm nơi ẩn nấp.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và mở rộng đường Trường Sơn - nay là đường Hồ Chí Minh.
Lúc này tướng Đồng Sỹ Nguyên chỉ đạo toàn bộ lực lượng chỉ huy đang đóng ở sâu trong rừng, ở những địa điểm an toàn phải ra những trọng điểm - nơi địch thường xuyên ném bom ác liệt nhất để trực chốt trực tiếp thấy được những khó khăn để tìm cách khắc phục chỉ đạo anh em chiến sỹ làm nhiệm vụ tốt nhất.
Hay như, khi nhìn thấy anh em chiến sỹ dùng cành cây để hạn chế trơn trượt khi trời mưa nhưng cách này khiến lốp xe bị hỏng nhanh, tướng Đồng Sỹ Nguyễn đã đề nghị phải "làm con đường bằng đá" để anh em lái xe đi an tâm hơn.
"Có thể nói tướng Đồng Sỹ Nguyên là linh hồn của Trường Sơn. Chính từ những đóng góp thiết thực, chính xác của tướng Đồng Sỹ Nguyên mà đường Trường Sơn được mở rộng, trở thành tuyến đường huyết mạch, an toàn chi viện cho toàn miền Nam đến khi giải phóng, thống nhất đất nước", bà Bình nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tư liệu về nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên khi còn ở cương vị Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - chịu trách nhiệm vận hành đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng đầu bàn) cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh miền và tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (đứng, cầm cây chỉ bản đồ) bàn kế hoạch tác chiến chuẩn bị chiến dịch đường 9 Nam Lào, tháng 9-1970.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101 thuộc Tiểu đoàn 3 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ vải) nghe báo cáo về kế hoạch triển khai tuyến xăng dầu khu vực 471.
Binh Đoàn Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm thì tướng Đồng Sỹ Nguyên có hơn 8 năm trên cương vị là tư lệnh.
Trong thời gian tướng Đồng Sỹ Nguyên làm tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559), đường Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ trở thành một tuyến giao thông vận tải chiến lược với cả hệ thống đường được mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Con đường này lúc cao điểm có hơn 12 vạn binh sĩ, trong đó có hơn một vạn là lực lượng thanh niên xung phong, phiên chế thành tám sư đoàn và một sư đoàn cao xạ tên lửa phối thuộc.
Con "đường mòn" vĩ đại ấy cuối cùng có tới 14 tuyến với 20.000 km đường bộ, 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa, 1.500 km đường ống xăng dầu, 1.350 km cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên, 500 km đường sông.
Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Ông hiểu hơn ai hết nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ chí cho người đã khuất.
Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã được ông vạch ra. Ông chỉ thị cho các cơ quan chuyên môn dành thời gian để thiết kế, xây dựng nghĩa trang. Và tháng 3.1975, ông là người đầu tiên động thổ xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, điểm đến thường xuyên đối với thân nhân và đồng đội tri ân các liệt sĩ.
Theo Danviet
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Cửa hẹp cho nhà đầu tư trong nước Với việc áp dụng đấu thầu quốc tế đối với các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam, cửa tham gia thầu của doanh nghiệp trong nước hẹp lại do năng lực tài chính hạn chế Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu các Ban Quản lý dự án (QLDA): 2, 6,...