Phát huy giá trị danh thắng Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa
Xã đảo Tam Hải (Núi Thành) có nhiều danh lam thắng cảnh hoang sơ, kỳ vĩ với điểm nhấn là Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa, hứa hẹn trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.
Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa. Ảnh: Đ.Q
Ngày 29/2, UBND huyện Núi Thành tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa.
Danh thắng này nằm phía đông bắc Tam Hải, có niên đại đến nay khoảng 400 triệu năm. Hình dạng, màu sắc các bậc đá nơi đây là biểu hiện của quá trình tiến hóa vỏ Trái Đất, liên quan tới sự hình thành và tách giãn Biển Đông.
Đồng thời mang lại giá trị lớn đối với việc nghiên cứu và làm sáng tỏ các giai đoạn phát triển địa chất của vỏ Trái Đất.
Theo các nhà khoa học, Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa là danh thắng địa chất độc nhất vô nhị không chỉ của Quảng Nam mà còn của cả nước. Bàn Than là khối núi nhô ra phía biển, hình dạng bằng phẳng.
Hòn Mang, Hòn Dứa là 2 đảo tách rời, nằm giữa biển, cách Bàn Than chỉ vài trăm mét về phía đông nam. Hòn Mang có diện tích khoảng 2ha, còn Hòn Dứa thì rộng hơn 11ha.
Đáng chú ý, toàn bộ khu vực này có những dải đá đen óng, xếp chồng lên nhau, nhô lên giữa biển với nhiều vết hằn do sóng, gió nơi biển khơi để lại.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ – Bí thư Chi bộ thôn Thuận An (xã Tam Hải) cho hay, bao bọc quanh danh thắng Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa là hệ san hô rộng hơn 90ha với khoảng 100 loài. Đây chính là nơi trú ngụ, sản sinh của 41 loài rong biển và 168 loài cá, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao.
“Danh thắng Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa vừa là niềm tự hào vừa là sinh kế của người dân xã đảo. Người dân địa phương thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh bãi biển, bãi đá.
Hoạt động khai thác hải sản, rong biển gắn với công tác bảo tồn hệ sinh thái môi trường, san hô. Do đó danh thắng luôn giữ nguyên vẻ hoang sơ, phục vụ tốt cho các công tác nghiên cứu địa chất và phát triển du lịch địa phương” – ông Thọ nói.
Nhiều trở lực
Ông Đỗ Kim Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, chủ trương phát triển kinh tế theo hướng khai thác du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có đã từng được đưa ra bàn bạc, thảo luận trong các cuộc họp của địa phương, cũng như kiến nghị lên các cơ quan thẩm quyền, song đến nay vẫn chưa triển khai được nhiều.
Chính quyền huyện, xã đã một vài lần tổ chức cho các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành đi tham quan, khảo sát nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch nhưng chưa thấy tín hiệu khả quan.
Đáng chú ý, điều khiến các đơn vị du lịch “lắc đầu” là giao thông nối liền xã đảo với đất liền. Muốn đến xã đảo chỉ có thể đi bằng phà, có 2 hệ thống phà khách Tam Quang – Tam Hải và Tam Hòa – Tam Hải phục vụ các hoạt động dân sinh thuần túy, chưa đủ điều kiện để khai thác phục vụ du lịch.
Chính sự bất tiện về giao thông và những chính sách, quy hoạch phát triển du lịch tại xã đảo chưa được quyết liệt là nguyên nhân chính cho sự phát triển tự phát của du lịch Tam Hải ngày nay.
“Đặc biệt, bài toán nan giải về tình trạng rác bủa vây một số bãi biển, khu danh thắng khiến khách du lịch ít quay trở lại hòn đảo này” – ông Hùng nói.
Video đang HOT
Hiện nay, du lịch ở Tam Hải phát triển nhỏ lẻ, tự phát, chưa có một hoạt động xúc tiến, quy hoạch bài bản. Bà Huỳnh Thị Thi – người dân địa phương chia sẻ, trước đây bà chỉ làm nghề buôn bán tạp hóa. Từ khi du khách đến với Tam Hải nhiều hơn, bà tận dụng thửa đất phía sau nhà giáp với Bãi Nồm có rặng dừa xanh mát mở quán ăn.
“Do chưa phát triển nên chủ yếu là khách được giới thiệu qua bạn bè của người dân Tam Hải và các homestay ở đây đặt bữa ăn. Thời gian tới, rất cần chính quyền hỗ trợ về kiến thức làm du lịch như ở Cù Lao Chàm, Lý Sơn… để chúng tôi làm du lịch cộng đồng hiệu quả” – bà Thi đề xuất.
Hướng đến du lịch cộng đồng
Ông Đỗ Kim Hùng nhìn nhận, để thúc đẩy du lịch địa phương đi đúng theo quy hoạch, yếu tố hạ tầng được xác định ưu tiên trên hết. UBND huyện đã có chủ trương đầu tư 20 tỷ đồng để đóng 2 phà tải trọng 30 tấn đáp ứng vận chuyển người, phương tiện. Đã sẵn vốn để khi nhân dân đồng thuận hiến đất thì mở rộng tuyến ĐH7 dẫn ra danh thắng Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa…
Sự kỳ vĩ và hoang sơ là sự thu hút du khách đến với Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa. Ảnh: Đ.Q
“Tuy nhiên, xã đảo vẫn mong sớm có được cầu tàu, khu neo đậu tàu thuyền cho du lịch, xây dựng được tuyến đường thủy nội địa. Đồng thời, xác định và xây dựng được tuyến tour, hỗ trợ nhân dân về kiến thức làm du lịch cộng đồng… thì chắc chắn Tam Hải sẽ trở thành điểm đến hút khách” – ông Hùng kiến nghị.
Theo UBND huyện Núi Thành, xã đảo Tam Hải được Núi Thành xác định là địa điểm chủ lực phát triển du lịch trong giai đoạn 2021 – 2025 với định hướng phát triển du lịch cộng đồng, bền vững.
Theo đó, UBND huyện đã thực hiện dự án cải tạo cảnh quan danh thắng Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa với tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng.
UBND huyện đã trình HĐND huyện đưa vào danh mục đầu tư công Dự án du lịch xã đảo Tam Hải với các hạng mục: cầu tàu, bãi đỗ xe, khu vệ sinh, bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến thực hiện năm 2025 với tổng kinh phí 6,7 tỷ đồng…
UBND huyện cũng phối hợp với Sở VH-TT&DL khảo sát và đưa xã đảo Tam Hải vào dự thảo Đề án các điểm định hướng phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh. Đồng thời, chú trọng thực hiện công tác truyền thông du lịch để quảng bá điểm đến rộng rãi hơn.
Ngoài ra, Núi Thành chỉ đạo xã Tam Hải làm việc với công ty vệ sinh môi trường tiến hành tiến hành thu gom rác thường xuyên trên địa bàn xã. Đầu tư phục hồi hệ sinh thái rừng đước với diện tích đến nay đạt 15ha.
Bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các nghề thủ công truyền thống phục vụ phát triển du lịch… Phòng VH-TT huyện cũng xúc tiến xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch; trong đó dự kiến hình thành các tour chính trong huyện là tour “Dấu ấn Núi Thành” (tham quan Di tích Chiến thắng Núi Thành – Rừng dừa nước Tịch Tây – Biển Rạng – xã đảo Tam Hải), tour “Lên rừng xuống biển” (vườn trái cây xã Tam Mỹ Tây – Hố Giang Thơm – Biển Rạng – xã đảo Tam Hải), tour trải nghiệm “Một ngày làm ngư dân xã đảo”.
“Ngoài ra trong kế hoạch liên kết phát triển du lịch với TP.Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, huyện cũng đã đề xuất đưa điểm Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa xã Tam Hải với cùng với các địa điểm khác như Biển Rạng, chợ cá Tam Tiến… để cùng hình thành các tour tuyến chung của 3 địa phương.
Từ đó định hướng du lịch cộng đồng sẽ đi đúng hướng và người dân hưởng lợi từ sự đầu tư của Nhà nước dựa trên việc khai thác các tài nguyên du lịch sẵn có ở xã đảo” – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Chí Dân nói.
Hoang sơ danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa
Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Thuận An, xã Tam Hải (Núi Thành) thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa cùng hệ động thực vật quanh đảo phong phú, đa dạng.
Đây là lợi thế để chính quyền và người dân xã đảo phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có.
Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa nằm phía đông bắc xã đảo Tam Hải. Ảnh: Q.Đ
Tháng Giêng, chúng tôi có dịp ghé thăm danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Bậc đá đen óng phủ lớp lớp rêu xanh, sóng vỗ chân đá trắng xóa... càng thêm hấp dẫn những đôi chân mê khám phá.
Men theo vách đá quanh eo núi Bàn Than về phía những mỏm đá đen nhô cao lên giữa biển (người dân địa phương gọi là Ông Đụn - Bà Che), cảm giác như đang hòa với thiên nhiên, đất trời. Đá ở đây là nghệ thuật sắp đặt, hòa với sóng gió, biển cả và nắng vàng tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ.
Mỏm đá đen nhô cao giữa biển được người dân địa phương gọi là Ông Đụn - Bà Che. Ảnh: Q.Đ
Từ phía Ông Đụn - Bà Che, chừng như mọi "đặc sản" nơi đây có thể thu vào tầm mắt. Đó là những mỏm đá trùng điệp sóng vỗ, Hòn Mang - Hòn Dứa xanh mát phía xa, rạn san hô nhiều màu sắc kéo dài quanh đảo, hay hình ảnh lao động nhộn nhịp trên biển của người dân xã đảo...
Những bãi đá xanh rêu. Ảnh: Q.Đ
Bàn Than là thềm biển cổ, nằm phía đông bắc xã Tam Hải. Hòn Mang rộng khoảng 2ha, chỉ cách Bàn Than khoảng 400m; còn Hòn Dứa rộng hơn 11ha, cách Bàn Than 700m.
Bao quanh danh thắng này là hơn 90ha rạn san hô với khoảng 100 loài. Đây là khu vực có nhiều loài rong biển và hải sản có giá trị kinh tế cao.
Cảnh sắc yên bình ở xã đảo. Ảnh: Q.Đ
Người dân khai thác rong mứt trên bãi đá. Ảnh: Đ.T
Ông Nguyễn Ngọc Thọ - Bí thư Chi bộ thôn Thuận An cho biết: "Để gìn giữ cảnh sắc thiên nhiên ở Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa, người dân địa phương thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải bờ biển, bãi đá.
Đồng thời xây dựng thói quen đánh bắt gắn với bảo vệ sinh thái, không tận diệt, không phá hoại san hô... Nhờ đó, danh thắng này vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, thu hút du khách tham quan ngày càng nhiều hơn".
Du khách chụp hình lưu niệm tại eo núi. Ảnh: Q.Đ
Ông Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói, việc danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa trở thành di tích quốc gia sẽ là cú hích hơn trong định hướng phát triển du lịch của huyện.
Tương lai gần sẽ có những tour tuyến được hình thành, kết nối nhiều địa danh, thắng cảnh ở Núi Thành với hạt nhân là Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Kỳ vọng đây là sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Toàn cảnh danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Ảnh: Q.Đ
Hòn Dứa cách Bàn Than khoảng 700m về phía đông nam. Ảnh: Q.Đ
Rong biển ở Bàn Than bám trên đá quanh năm. Công việc cạo rong giúp người dân có thêm thu nhập. Ảnh: Đ.T
Danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: Q.Đ
Sóng xô chân đá. Ảnh: Q.Đ
Đi thuyền một vòng quanh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa là trải nghiệm hấp dẫn. Ảnh: Q.Đ
Trải nghiệm lặn biển ngắm san hô. Ảnh: Đ.T
Về chiều, những lớp muối kết tủa trên đá mang màu sắc mới cho Bàn Than. Ảnh: Q.Đ
Những ghềnh đá đen huyền ảo ở Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa (xã đảo Tam Hải, Quảng Nam), dự kiến tổ chức vào ngày 28/2. Danh thắng Bàn Than về chiều. UBND huyện Núi Thành sẽ triển khai nhiều hoạt động chào mừng sự kiện này, như các hoạt động thể thao dưới nước: lắc...