Phạt học sinh vi phạm: Cẩn trọng để tránh tác dụng ngược
Phạt học sinh vi phạm kỷ luật trong nhà trường như thế nào cho đúng tiếp tục được dư luận xã hội đặt ra.
Những ngày qua, vụ việc Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đăng tải trên mạng xã hội toàn bộ video học sinh N.H.M.Q. đọc bản kiểm điểm trước toàn trường vì xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS đã gây tranh cãi trong dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Từ câu chuyện này, vấn đề phạt học sinh vi phạm kỷ luật trong nhà trường như thế nào cho đúng tiếp tục được dư luận xã hội đặt ra.
Hình phạt mang tính “bạo hành” tinh thần?
Đầu tháng 11-2019, nam sinh N.H.M.Q., học sinh lớp 8, Trường THCS Ngô Quyền đã lập một fanpage có tên “ Anti BTS in VietNam”, sau đó đăng một loạt thông tin với những lời lẽ, hình ảnh được cho là thô tục, xúc phạm, lăng mạ nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, cộng đồng fan của nhóm BTS (ARMY). Ngay sau đó, hàng loạt tin nhắn của một số người xưng là fan của nhóm BTS đã gửi tới fanpage của Trường THSCS Ngô Quyền gây sức ép, yêu cầu nam sinh Q. phải xin lỗi, thậm chí đe dọa cả phụ huynh em Q.
Cần tăng cường sự tham gia của học sinh trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường. Ảnh minh họa.
Trước áp lực đến từ các fan cứng của nhóm nhạc BTS, Ban giám hiệu Trường THCS Ngô Quyền đã mời em Q. lên làm việc và thông báo hình thức kỷ luật là bị cảnh cáo toàn trường, đình chỉ học tập 4 buổi và hạ hạnh kiểm xuống loại trung bình.
Đặc biệt, ngày 5-11, trước học sinh và giáo viên toàn trường, nam sinh N.H.M.Q. đã phải đọc bản kiểm điểm và toàn bộ clip xin lỗi này đã được đăng tải trên fanpage của nhà trường.
Ngay sau khi clip xử phạt học sinh của Trường THCS Ngô Quyền được phát tán tràn lan trên mạng xã hội, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự không đồng tình với hình thức xử phạt của nhà trường cho rằng, việc nam sinh bị quay clip xin lỗi, đăng lên Facebook là không phù hợp. Đây có thể xem là một dạng “bạo hành” tinh thần khi hình ảnh của học sinh bị bêu xấu trước cộng đồng mạng.
Nói cách khác, với cách xử lý kỷ luật có phần nóng vội, thiếu nhân văn của nhà trường đã vô tình biến MQ trở thành học sinh cá biệt trong mắt bạn bè. Bên cạnh đó, việc để lộ danh tính, gương mặt em cũng có thể dẫn tới nguy hiểm nếu người xem video là những đối tượng quá khích.
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Việc nhà trường kỷ luật học sinh bằng hình thức như vậy là không phù hợp. Theo ông Linh, việc kỷ luật phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng, vì sự tiến bộ của học sinh. Nhà trường cần vận động, thuyết phục các em là chính, không làm tổn hại đến danh dự, tinh thần và sức khỏe của học sinh.
“Trong sự việc này, cần phê bình học sinh đăng tải nội dung có tính chất kích động, không phù hợp lứa tuổi, thuần phong, mỹ tục. Hành vi này đã vi phạm bộ quy định ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục. Hội đồng kỷ luật nhà trường xem xét và đề nghị hiệu trưởng quyết định hình thức phù hợp. Hình thức kỷ luật phải phù hợp lỗi vi phạm của học sinh, đảm bảo tính giáo dục” – ông Linh nhấn mạnh.
Video đang HOT
Cũng theo ông Bùi Văn Linh, Thông tư 08 về việc hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh ở trường phổ thông chưa quy định về lỗi vi phạm loại này nên nhà trường không thể dựa hoàn toàn vào đó để kỷ luật học sinh. Hội đồng kỷ luật nhà trường cần tiến hành thu thập đủ thông tin, từ đó phân tích mức độ ảnh hưởng, vi phạm của hành vi lệch chuẩn, tránh việc kết luận chủ quan hoặc định kiến.
“Hiện Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Phòng GD&ĐT quận Tân Bình yêu cầu lãnh đạo Trường THCS Ngô Quyền báo cáo toàn bộ minh chứng, quy trình các bước tiến hành kỷ luật của hội đồng kỷ luật nhà trường. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đang hoàn thiện thông tư mới để thay thế Thông tư 08″ – ông Linh nói.
Đánh thức tính tự giác ở trẻ bằng kỷ luật tích cực
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên việc nhà trường đưa ra hình phạt đối với học sinh vi phạm kỷ luật bị dư luận phản ứng. Trước đó, việc một cô giáo chủ nhiệm ở Trường THCS xã Duy Ninh (Quảng Bình) cho các học sinh tát liên tục vào mặt một bạn cùng lớp đến sưng tấy cả hai má, phải nhập viện đã khiến dư luận sững sờ, bức xúc.
Vụ cô giáo ở Trường Tiểu học thuộc huyện An Dương (Hải Phòng) phạt học sinh lớp 3 bằng cách cho uống nước giẻ lau bảng đã khiến cả xã hội phẫn nộ. Mới đây nhất là việc một cô giáo THCS tại Hà Nội phạt học sinh lớp 9 bằng cách bắt ngồi quỳ trước lớp cũng đã tạo ra những tranh luận trái chiều về việc sử dụng hình thức kỷ luật đối với học sinh…
Theo các chuyên gia giáo dục, trong xã hội hiện nay, việc giáo viên sử dụng các hình phạt mang tính bạo lực đối với học sinh đã không còn phù hợp.
Thay vào đó, giáo dục kỷ luật tích cực với cách tiếp cận mang tính giáo dục, giúp xây dựng sự tự tin, lòng tự trọng và tính trách nhiệm cao ở trẻ hiện đang dần trở thành xu hướng chủ đạo.
Phương pháp này giáo dục học sinh tự kiểm soát và tự tin để biết cách thực hiện hành vi mong đợi; không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của trẻ; dạy và rèn luyện cho các em tính tự giác tuân theo các quy định và quy tắc đạo đức ở thời điểm trước mắt cũng như về lâu dài.
Chẳng hạn, đối với quy định sử dụng điện thoại di động trong nhà trường, trước khi ban hành quy định, nhà trường sẽ cho học sinh thảo luận về mặt tích cực, tiêu cực của việc sử dụng điện thoại di động trong nhà trường, sau đó nhà trường sẽ bổ sung, hoàn thiện thành văn bản. Điều này cho thấy, kỷ luật tích cực không đặt mục tiêu là sự trừng phạt mà xuất phát từ sự tôn trọng, hướng đến sự tôn trọng và đánh thức sự tự giác tuân thủ các quy định ở trẻ.
PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam cho rằng: Từ trước đến nay, thầy cô trong nhà trường thường gắn liền với hình ảnh quyền uy. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc truyền thụ kiến thức, thưởng, phạt trong nhà trường có chiều hướng áp đặt theo nhận thức chủ quan của người thầy.
Tuy nhiên, suy nghĩ, quan điểm này là không còn phù hợp với môi trường hiện nay. Thực tế cho thấy, cái uy của người thầy thời nay chính là sự tôn trọng của học sinh đối với thầy. Muốn thế, thầy cũng phải tôn trọng, lắng nghe học sinh.
“Trong điều lệ nhà trường phổ thông có những quy định cụ thể về những điều học sinh được làm và không được làm. Tuy nhiên, hiệu quả của những quy định này phụ thuộc vào cách triển khai của nhà trường, của giáo viên; trên cơ sở phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh. Việc thưởng hay phạt nếu không được sử dụng cẩn trọng, phù hợp có thể sẽ gây ra hiệu ứng ngược và những hệ lụy không đáng có”- PGS Đặng Quốc Bảo nêu quan điểm.
Huyền Thanh
Theo CAND
Kỷ luật học sinh: Đừng bắt trò phải xin lỗi công khai
Việc bắt học sinh phải xin lỗi công khai là hành vi phản giáo dục. Nó không làm cho trẻ tốt hơn, ngược lại khiến trẻ bị một cú sốc về mặt tâm lý.
Do xúc phạm nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc, một nam sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, TP.HCM đã phải nhận lỗi về hành vi của mình trước hơn 1.000 học sinh (HS) của trường. Điều đáng nói, clip nhận lỗi của em đang được phát tán trên mạng xã hội với nhiều bình luận trái chiều.
Cú giáng mạnh vào tâm lý học sinh
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT, cho biết xảy ra việc để học trò nhận lỗi công khai là do nhà trường đang thực hiện theo thông lệ đã có từ lâu. Họ đi theo lối mòn nên cho rằng mình đúng. Thế nhưng hiện nay sự tiến bộ của xã hội đã chứng minh hành vi trên là sai trái. "Bởi một đứa trẻ khi bị bêu riếu trước đám đông sẽ phản tác dụng trong giáo dục. Nó sẽ là cú sốc gây ảnh hưởng đến tâm lý khiến trẻ xấu hổ, từ đó nảy sinh thái độ sống tự ti, mặc cảm, bất mãn với cuộc đời" - bà Quyên nhấn mạnh.
Đề cập đến sự việc trên, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho hay nam sinh đã sai khi lập riêng một trang mạng để xúc phạm nhân phẩm của người khác. Việc làm của em đáng bị kỷ luật. Tuy nhiên, việc bắt HS đọc bản kiểm điểm công khai là phản sư phạm.
Ông Phú nói thêm: "Nếu là tôi, trong trường hợp này tôi sẽ mời gia đình và HS lên làm việc. Sau khi được nghe phân tích đúng sai, em sẽ làm bản tường trình và tháo gỡ thông tin đã đăng trên trang mạng. Đồng thời em sẽ phải viết một bản kiểm điểm kèm theo một lời xin lỗi đăng trên chính trang của mình. Tôi rất sốc khi xem clip đã quay em. Nó là một cú giáng rất mạnh vào tâm lý của em. Nếu thần kinh yếu, em có thể bỏ học và gặp nhiều vấn đề khác. Nhà trường đang chạy theo dư luận để trừng phạt trẻ thay vì giáo dục, uốn nắn để trẻ nhận thức đúng sai".
Bên cạnh đó, cũng theo ông Phú, lứa tuổi của nam sinh này còn thiếu chín chắn. Cho nên khi sự việc xảy ra, nhà trường cần phải tìm hiểu xem động cơ của em, cần có sự tư vấn tâm lý, từ đó có nhiều chiều tác động để đưa ra một hình thức xử lý vi phạm phù hợp nhất.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, khẳng định: "Phương pháp của Trường THCS Ngô Quyền không mang tính giáo dục. Lẽ ra HS sai ở đâu thì phải sửa ở đó. HS xúc phạm người khác trên mạng xã hội thì phải để em đính chính, xin lỗi trên diễn đàn, sao lại bắt em phải xin lỗi công khai? Khi bắt đứa trẻ làm một việc không đúng sẽ khiến trẻ không phân biệt được đâu là phải là trái. Nhà trường là môi trường giáo dục giúp HS nhận thấy phải trái, đúng sai. Nhà trường hành xử không đúng nghĩa là trường không giáo dục được HS. Đó là thất bại lớn nhất của nhà trường".
Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 08 "già cỗi"
Hiện nay các trường đang dựa vào quy định điều lệ trường và Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật HS để xem xét kỷ luật HS. Tuy nhiên, các nhà quản lý giáo dục cho rằng cần phải sửa đổi thông tư cho phù hợp với thực tế.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên cho hay Thông tư 08 đã ra đời từ năm 1988. Nhiều trường học đã dựa vào thông tư này để xử phạt HS. Trong đó có những hình thức kỷ luật không còn phù hợp như đuổi học HS. Vì xét cho cùng, nhà trường là môi trường giáo dục để hoàn thiện nhân cách, phát triển về năng lực và kỹ năng của một đứa trẻ. Nếu đứa trẻ bị đuổi học thì trong thời gian em ở bên ngoài sẽ không ai thực thi nhiệm vụ giáo dục. Như vậy trẻ sẽ dễ dàng trở nên vô giáo dục. Và hầu như những đứa trẻ bị đuổi học khi quay trở lại đều không tiến bộ hơn. Thậm chí khi đuổi học, nhà trường đang từ chối nhiệm vụ, sứ mệnh, trách nhiệm của nhà trường, đó là trách nhiệm của giáo dục.
Cũng theo bà Diễm Quyên, trước khi sửa đổi thông tư phải làm thế nào để giáo viên có nhiều giải pháp nhằm xử lý HS vi phạm.
Cùng quan điểm, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du nói rằng: "Thông tư 08 phải thay đổi. Bởi trong thông tư có những hình thức kỷ luật như khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của trẻ. Nghiêm trọng hơn, nó trái với Luật Trẻ em 2016. Do đó, Thông tư 08 phải được sửa đổi một cách sâu sắc để thích ứng với thời đại phát triển của xã hội" - ông Phú nói.
Hãy xử lý vi phạm của các em chứ đừng trừng phạt
Tôi không nói xử phạt mà là xử lý HS vi phạm. Vì những xử lý đó phải khoa học để tạo động lực, tạo tính hiệu quả chứ không phải là một sự trừng phạt. Chúng ta xử lý những HS vi phạm giúp các em có hành vi đúng, thái độ đúng.
Bà TÔ THỤY DIỄM QUYÊN, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT
Đang hoàn thiện thông tư mới thay thế Thông tư 08
Hiện nay việc xem xét kỷ luật HS phổ thông đang được quy định tại các thông tư quy định điều lệ nhà trường và các quy định liên quan khác... Trong đó, Thông tư 08 chỉ là một trong các quy định đó.
Đến nay Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện thông tư mới để thay thế Thông tư 08. Trong đó, việc kỷ luật HS phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng, vì sự tiến bộ của HS; lấy vận động, thuyết phục là chính, đặc biệt không làm tổn hại đến danh dự, tinh thần, sức khỏe của HS; chú trọng thực hiện các biện pháp kỷ luật tích cực, giúp HS nhận thức được khuyết điểm, khắc phục hậu quả (nếu có).
Ông BÙI VĂN LINH, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT
AN HIỀN ghi
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Phạt học sinh rồi quay clip để xoa dịu sự tức giận của fan BTS: Cách giáo dục ấu trĩ Bắt học sinh kiểm điểm trước trường, quay clip và đưa ra lý do phạt vì sức ép fan BTS của phó hiệu trưởng được cho là phương pháp giáo dục ấu trĩ. Sự việc trường THCS Ngô Quyền (Tân Bình, TP.HCM) bắt học sinh lớp 8 - người xúc phạm nhóm nhạc BTS Hàn Quốc trên mạng - đứng trước toàn trường...