Phát hiện xác ướp gấu hang khổng lồ trong băng vĩnh cửu
Các nhà khoa học Nga đã phát hiện xác chết được bảo quản hoàn hảo của hai con gấu hang động khổng lồ, loài vật từng sống ở lục địa Á – Âu từ 300.000 đến 15.000 năm trước đây.
Theo Siberian Times, hai xác ướp bao gồm một con gấu trưởng thành và một con con, được tìm thấy ở hai địa điểm khác nhau.
Các nhà khoa học Nga cho biết đây là một khám phá mang tính bước ngoặt vì từ trước tới nay, tất cả những gì chúng ta biết về loài gấu hang khổng lồ ( Ursus spelaeus) là từ những mẩu xương của chúng.
Lần này, những mô mềm của hai cái xác được bảo quản rất tốt sau hàng nghìn năm nằm dưới lớp băng vĩnh cửu vùng Siberia.
Điều này có nghĩa là các nhà khoa học Nga – những người đang tìm cách hồi sinh loài voi ma mút có lông – cũng rất lạc quan về việc xác định được ADN của gấu hang khổng lồ.
“Đây là lần đầu tiên và duy nhất một xác gấu nguyên vẹn với các mô mềm được tìm thấy”, tiến sĩ Lena Grigorieva từ Đại học Liên bang Đông Bắc (NEFU), cho biết.
Video đang HOT
Xác của con gấu hang khổng lồ được tìm thấy trên đảo Bolshoy Lyakhovsky. Ảnh: NEFU.
“Nó được bảo quản nguyên vẹn, với tất cả cơ quan nội tạng, kể cả mũi. Trước đây, chỉ có hộp sọ và xương của loài này được tìm thấy. Phát hiện này có tầm quan trọng lớn đối với toàn thế giới”, tiến sĩ Grigorieva nhận định.
Xác của con gấu trưởng thành ban đầu được phát hiện bởi những người chăn tuần lộc trên đảo Bolshoy Lyakhovsky, và xác của con gấu con thì được phát hiện ở Yakutia – thành phố lạnh nhất thế giới.
Chúng sẽ được đem đi phân tích bởi các nhà nghiên cứu tại NEFU ở Yakutsk, nơi đi đầu thế giới trong việc nghiên cứu về loài voi ma mút và tê giác có lông đã tuyệt chủng.
Các nhà khoa học nước ngoài cũng sẽ được mời tham gia.
Gấu hang động là loài vật thời tiền sử, sinh sống ở lục địa Á – Âu vào giữa và cuối Thế Pleistocen, chúng đã tuyệt chủng khoảng 15.000 năm trước. Một con trưởng thành được cho là nặng từ 350 đến 600 kg.
Xác của con gấu hang gần như vẫn con hoàn toàn nguyên vẹn, kể cả phần mũi. Ảnh: NEFU.
“Cần phải thực hiện phân tích phóng xạ carbon để xác định tuổi chính xác của con gấu”, ông Maxim Cheprasov từ phòng thí nghiệm Bảo tàng Mammoth ở Yakutsk nhận định.
Việc lớp băng vĩnh cửu (permafrost) ở Siberia tan chảy đang làm lộ ra những dấu vết từ thời tiền sử chưa từng được biết đến trước đây.
Giải mã miệng hố khổng lồ hình thành sau vụ nổ lớn ở Nga
Qua mùa hè nóng bức kỷ lục, miệng hố khổng lồ có chiều sâu hơn 50 m bất ngờ xuất hiện sau một vụ nổ lớn ở cực bắc nước Nga.
Các chuyên gia tin rằng vụ nổ khủng khiếp xảy ra do sự tích tụ khí methane trong lớp băng vĩnh cửu ở khu vực này. Đây là miệng hố lớn thứ 17 được hình thành tại lãnh thổ của Nga ở vùng Bắc Cực trong vòng 6 năm qua. Sự xuất hiện đột ngột của các miệng hố khổng lồ đã gây liên tưởng đến nhiều thuyết âm mưu, từ dấu hiệu của vật thể bay không xác định (UFO) đến các phi vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Điện Kremlin.
Theo các nhà khoa học, lực phá hoại từ tâm chấn của vụ nổ có thể khiến các khối đất và băng văng xa hàng trăm mét. Lớp băng vĩnh cửu tại cực bắc đang tan chảy, tạo điều kiện cho khí methane thoát ra ngoài sau hàng nghìn năm bị đè nén, gây nên những vụ nổ kinh hoàng.
Hố sâu hun hút được một đoàn phim ở Vesti, đảo Yamal tình cờ phát hiện trong lúc làm việc. Nhận được tin tức, một nhóm nghiên cứu khoa học đã đến hiện trường để tìm hiểu về miệng hố sâu ít nhất 50 m này. Tiến sĩ Evgeny Chuvilin, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo, cho biết "hố tử thần" có kích thước đáng kinh ngạc, hình thành từ "nguồn sức mạnh khổng lồ trong tự nhiên".
Theo Giáo sư Vasily Bogoyavlensky thuộc Viện Nghiên cứu Dầu khí Nga ở Moscow, quy trình khai thác khí thiên nhiên ở Yamal để tập trung cung ứng cho thị trường châu Âu có thể là nhân tố dẫn đến sự hình thành miệng hố. Ông cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ thảm họa sinh thái nếu các vụ nổ xảy ra gần đường ống dẫn khí đốt, cơ sở sản xuất hoặc khu dân cư.
Các nhà khoa học gọi núi băng vĩnh cửu được tạo nên từ kết cấu của băng ngầm là pingo. Dưới sức ép của các mạch nước ngầm, núi băng này sẽ trồi lên mặt đất, gặp nhiệt độ lạnh hơn và đóng băng. Tuy nhiên, khi nhiệt độ tăng cao, những ngọn núi này sẽ tan chảy tạo nên miệng hố khổng lồ. Bogoyavlensky cho biết núi băng pingo đang nâng đường ống dẫn khí đốt lên cao. Ở một số nơi, sự xuất hiện của chúng đã bắt đầu bẻ cong các ống dẫn này.
Ai Cập phát hiện 13 xác ướp bí ẩn trong giếng cổ Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập ngày 11-9 cho biết, Ai Cập đã phát hiện một bộ quan tài bí ẩn được cho là bảo quản các xác ướp từ hơn 2.500 năm qua. Theo Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, 13 quan tài chưa được mở nắp, được tìm thấy xếp chồng lên nhau trong một giếng sâu...