Phát hiện trung tâm tổ chức thi ngoại ngữ “chui” ở Đắk Lắk
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã bãi bỏ việc tổ chức học, thi chứng chỉ ngoại ngữ nhưng các trung tâm vẫn tổ chức thi “bao đậu”.
Sáng 16-3, một lãnh đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đang hoàn tất hồ sơ để xử lý 2 trung tâm đào tạo chứng chỉ Ngoại ngữ – Tin học do một số sai phạm.
Lực lượng công an bắt quả tang trung tâm tổ chức thi “chui”
Trước đó, ngày 14-3, một tổ công tác của Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học Tân Việt Mỹ (số 553 đường Lê Duẫn, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Tại đây, lực lượng công an phát hiện trung tâm đang tổ chức cho 16 học viên thi chứng chỉ ngoại ngữ “chui”.
Một học viên cho biết mới đây, chị tới đăng ký thi chứng chỉ ngoại ngữ tại trung tâm với 1,3 triệu đồng và không phải học hành gì cả, được bao đậu.
Video đang HOT
Bước đầu, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk đã làm rõ, cả 16 học viên này đã liên hệ với Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học Khánh Trường (phường Ea Tam), do ông Nguyễn Khánh Trình làm chủ để được học và thi chứng chỉ ngoại ngữ. Sau khi thu mỗi học viên 1,3 triệu đồng, ông Trình móc nối với Trung tâm Tân Việt Mỹ để tổ chức thi “chui”. Mỗi học viên ông Trình được hưởng hoa hồng 300.000 đồng.
Điều đáng nói nữa là trước đó, ngày 6-2, Trung tâm Tân Việt Mỹ đã bị Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, bắt quả tang khi đang tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ “chui” cho 32 người.
Trước đó, ngày 26-11-2019, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 20 bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên. Thông tư số 20 có hiệu lực từ ngày 15-1-2020.
C. Nguyên (nld.com.vn)
Bộ Nội vụ đề xuất cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng, bổ nhiệm
Không quy định cụ thể về trình độ tin học, ngoại ngữ với tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý; tốt nghiệp đại học chuẩn đầu ra thì không phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tham gia tuyển dụng...
Đề xuất cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng, bổ nhiệm
Đây là một trong những điểm mới đang được Bộ Nội vụ đề xuất, xin ý kiến về các Nghị định liên quan đến tuyển dụng và các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Liên quan đến chất lượng đầu vào, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc tuyển dụng công chức trong thời gian qua đã được đổi mới từ thi 4 môn (kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học) thành 2 vòng thi điều kiện và thi chuyên môn nghiệp vụ.
Theo ông Tân, điều này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nội vụ cũng thẳng thắn cho rằng, quy định hiện hành vẫn chưa được đổi mới về tiêu chuẩn, điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng. Mặc dù khi người đăng ký dự tuyển chưa phải nộp chứng chỉ, nhưng khi hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng với thi nâng ngạch công chức vẫn còn quy định điều kiện nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Đây cũng là một trong những vấn đề nhức nhối mà báo Tiền phong đã có loạt bài phản ánh về những bất cập trong việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, làm khó cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tuyển dụng. Tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề này tiếp tục nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu khi cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Sau đó, tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn, Quốc hội đã yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục hạn chế và rà soát, hoàn thiện các quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, thi, xét, nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm. "Việc nghiên cứu để thay đổi quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức là cần thiết", ông Tân nhấn mạnh.
So với Nghị định số 24 và 161 của Chính phủ, dự thảo Nghị định lần này bổ sung quy định, trong kế hoạch tuyển dụng phải xác định rõ số lượng vị trí việc làm cần tuyển theo từng ngạch công chức trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được giao. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc bố trí công việc cho những người đạt kết quả thi, nhưng không trúng tuyển do hết chỉ tiêu tại cơ quan đó, nhưng cơ quan khác lại có chỉ tiêu mà không có người trúng tuyển.
Đặc biệt, Nghị định tới đây sẽ rà soát để quy định cắt giảm các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện nay, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3. Đồng thời, tại các cơ sở giáo dục đại học hiện quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ đối với sinh viên khi tốt nghiệp.
"Chuẩn đầu ra" này phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức tham gia dự tuyển. Tương tự đối với tin học, theo "tư lệnh" ngành nội vụ, do hiện nay yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục cũng như quy định việc tổ chức thi tuyển trên máy tính cũng là bước kiểm tra kiến thức và kỹ năng sử dụng tin học.
"Trong trường hợp người đăng ký dự tuyển có bằng tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, hoặc cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện chương trình đào tạo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học mà tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm đăng ký dự tuyển thì không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học", ông Tân cho hay.
Cùng với Nghị định liên quan đến tuyển dụng, Bộ Nội vụ cũng đang trình xin ý kiến Chính phủ Nghị định quy định về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Tại dự thảo này, Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất không quy định cụ thể về trình độ tin học, ngoại ngữ với các chức danh lãnh đạo.
Cụ thể, Theo Bộ Nội vụ, tại các Quy định của Bộ Chính trị chỉ yêu cầu trình độ tin học và ngoại ngữ cần thiết và phù hợp. Do vậy, để phù hợp với thực tiễn công tác cán bộ hiện nay, Bộ Nội vụ đề xuất không quy định cụ thể yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ tại dự thảo Nghị định này mà sẽ thực hiện theo quy định của từng Bộ, ngành, địa phương cho phù hợp.
LUÂN DŨNG
Theo Tiền phong
Bãi bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên Thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên để đảm bảo thực hiện chế độ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hệ thống thang bảng lương mới sau khi Chính phủ hoàn thành Đề án cải cách chính sách tiền lương (dự kiến năm 2021) Giáo viên đủ tiêu chuẩn sẽ được thăng hạng chức danh nghề nghiệp Chiều 12-2,...