Phát hiện trực thăng Trung Quốc hạ cánh xuống giàn khoan
Chiều 17-6, Cục Kiểm ngư cho biết, trong ngày hôm qua, Trung Quốc duy trì lực lượng khoảng 136 tàu các loại hoạt động trong khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Trong đó có 37 – 39 tàu Hải cảnh, 12 – 14 tàu vận tải, 18 – 20 tàu kéo, 50 – 58 tàu cá, 5 tàu quân sự và 1 máy bay trực thăng hạ xuống giàn khoan lúc 9h35.
Tại hiện trường, tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc được sự hỗ trợ của tàu Hải cảnh mang số hiệu 46102 tiến hành dàn hàng ngang, ngăn chặn tàu cá của ngư dân Việt Nam ở khoảng cách 30 hải lý so với giàn khoan. Các tàu Hải cảnh, Hải giám, tàu kéo của Trung Quốc tiếp tục vây ép, chặn hướng các tàu Kiểm ngư (khoảng cách gần nhất 30 – 50m) và tăng tốc độ, sẵn sàng đâm va các tàu của Việt Nam.
Đại diện Cục Kiểm ngư khẳng định, trước sự hung hăng cản trở của các tàu Trung Quốc, các tàu Kiểm ngư vẫn kiên trì bám trụ hiện trường, tổ chức tiếp cận giàn khoan để tuyên truyền, đấu tranh thực thi pháp luật cách giàn khoan 9 – 10 hải lý, phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các tàu cá của Việt Nam tổ chức thành từng nhóm, bám sát ngư trường đánh bắt thủy sản và tham gia bảo vệ chủ quyền ở khu vực cách giàn khoan 30 – 35 hải lý.
Video đang HOT
Theo thông tin ghi nhận trên màn hình radar của một đơn vị tàu thuộc lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngày 17-6, giàn khoan Hải Dương 981 có dấu hiệu dịch chuyển ở biên độ 0,7 hải lý so với vị trí ban đầu. Tuy nhiên, thông tin này chưa được khẳng định, bởi các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp quan sát khác và theo ý kiến chuyên môn, cũng có thể là sai số kỹ thuật cho phép.
Đáng chú ý, qua tăng cường quan sát, biên đội Kiểm ngư Việt Nam phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 đã hạ thấp hai cẩu, đây là dấu hiệu giống với công tác chuẩn bị cho việc di chuyển. Trước thông tin trên, biên đội Kiểm ngư Việt Nam đã tăng cường quan sát khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đã ghi nhận những biến đổi khác thường.
Khác với thường lệ, diễn biến hôm nay ghi nhận nhiều thay đổi liên tiếp trong triển khai đội hình của các tàu hộ tống Trung Quốc: Hải cảnh, Hải giám, ngư chính, tàu dịch vụ dầu khí tiến ra ngăn cản theo hướng không cố định tác chiến mà có lúc co cụm sát khu vực giàn khoan, có lúc phân tán ra xa thay vì các hoạt động tuần lưu thường nhật. Thay vì việc chốt vị trí, các tàu Trung Quốc chủ động ngăn chặn từ xa, không để các tàu của lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp cận khu vực giàn khoan.
Theo ANTD
Nhất tâm cầu nguyện cho nhân sinh an lạc cho hòa bình Biển Đông
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Lễ cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông và động thổ xây dựng chùa Xã Tắc nằm trong quần thể di tích đền Xã Tắc và cột mốc biên giới 1368 giữa Việt Nam và Trung Quốc, bên dòng sông Ka Long (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) hiền hòa.
Với tinh thần từ bi, yêu chuộng hòa bình và đối thoại, các đại biểu cùng hàng trăm tăng ni, Phật tử và nhân dân có mặt tại buổi Lễ cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông và động thổ xây dựng chùa Xã Tắc được tổ chức sáng 17-6, tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã cùng nhất tâm cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc, biển đảo bình yên.
Thả chim bồ câu thể hiện ước vọng hòa bình cho Biển Đông
Chùa Xã Tắc được xây dựng trong quần thể Di tích đền Xã Tắc và cột mốc giới 1368 cạnh bờ sông Ka Long - biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc xây dựng Chùa Xã Tắc có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nguyện vọng tâm linh của nhân dân, đồng thời hoàn thiện thiết chế văn hóa đền - chùa truyền thống của người Việt. Việc xây dựng chùa - đền Xã Tắc sẽ khẳng định cột mốc chủ quyền về tâm linh, văn hóa của dân tộc và đóng góp vào việc tạo lập hòa bình giữa hai dân tộc Việt - Trung. Chùa Xã Tắc sẽ được xây dựng bằng chất liệu gỗ lim, kiến trúc điêu khắc truyền thống của người Việt hài hòa với cảnh quan đền Xã Tắc và cột mốc biên giới 1368 tạo nên không gian văn hóa, tâm linh thiêng liêng. Chùa dựa lưng vào Tổ quốc Việt Nam vững chắc, mặt hướng về bờ sông Ka Long và Biển Đông hùng vĩ với kiến trúc tổng thể bao gồm: Tam Bảo thờ Phật, nhà Tổ thờ Trúc Lâm Tam Tổ và bảo tháp thờ Phật với tư thế vững chãi "Phật tọa dân an".
Tại buổi lễ, đông đảo chức sắc Phật giáo, tăng ni, Phật tử và đại diện các ban, ngành, địa phương đã cùng cầu nguyện cho trời yên, biển lặng, Biển Đông được bình yên và biên giới Việt - Trung luôn luôn hòa bình - hữu nghị - hợp tác và phát triển; cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc. Trong thông điệp về hòa bình cho Biển Đông của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nêu rõ: Trong khi những người con Phật đang thảo luận về việc xây dựng và kiến tạo hòa bình, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 và nhiều tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Hành động này cũng đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN. Từ thực tế trên Biển Đông do Trung Quốc tạo nên, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ bị đe dọa bởi sự bành trướng của nước lớn. Trên tinh thần từ bi và yêu chuộng hòa bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi chư vị tôn túc lãnh đạo, tăng ni phật tử Phật giáo trên thế giới, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc cùng lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, yêu cầu chính phủ Trung Quốc thực hiện các cam kết theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế; thực hiện trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia lân bang trong đó có Việt Nam.
Theo ANTD
Lãnh đạo ngoại giao cấp cao Việt Nam- Trung Quốc họp sáng nay (18-6) Cuộc họp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc diễn ra vào sáng nay 18-6 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (bên phải) và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì trước khi bước vào cuộc họp sáng nay...