Phát hiện thú vị về suối cá thần thứ 3 thiêng nhất xứ Thanh
Sự xuất hiện của suối cá thứ ba này, cùng với hai suối cá thần khá nổi tiếng thuộc huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã tạo nên những điểm du lịch “gây sốt” cho du khách.
Đó là suối cá nằm trên địa bàn thôn Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Nhiều người cho rằng, suối cá Chiềng Ban đã từng được phát lộ đầu tiên, và xung quanh nó là rất nhiều câu chuyện bí ẩn và thú vị.
Tận mắt suối cá thiêng
Lời đồn về một suối cá còn thiêng hơn cả hai “suối cá thần” phát hiện ở huyện Cẩm Thủy đã thôi thúc chúng tôi vượt qua gần 200 km theo đường mòn Hồ Chí Minh để tới xã Văn Nho, Bá Thước (Thanh Hóa).
Theo quốc lộ 217, qua UBND xã Văn Nho chừng 7 km, chúng tôi đã đến được với “khu cấm địa” của hang “cá thần”. Nói là khu cấm địa, bởi lẽ địa hình tại đây khá trắc trở, ngoài tuyến đường đã được bêtông hóa, thì hầu hết các con đường đều chung cảnh lầy lội, trơ trọi.
Đông đảo du khách đến xem suối cá.
Từ đường lớn đi vào hang cá chỉ cách chừng gần một cây số nhưng đường quá nhỏ hẹp nên chúng tôi phải gửi lại xe để cuốc bộ. Hang cá thần nằm dưới chân một ngọn núi đá vôi, bên trên, cây cối um tùm hoang sơ, tịch mịch. Bên dưới, một con suối ngầm chảy từ trong lòng núi ra, được người dân xây đập ngăn lại lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng và đây cũng chính là suối cá của xã Văn Nho.
“Về đây (huyện Bá Thước) mà không tìm tới suối cá thì tiếc lắm, nhất là với những người mong cầu may, vì suối cá rất thiêng”, ông Hà Văn Tần, người dân tộc Mường, sống tại thôn Quyết Thắng (xã Thiết Ống, huyện Bá Thước) cho chúng tôi hay khi được hỏi đường về suối cá.
May mắn là trong chuyến đi hôm ấy, chúng tôi đã gặp ông Hà Văn Thân, người dân tộc Mường, sống tại thôn Chiềng Ban. Ông cũng chính là người được cử trông coi suối cá và ban thờ trên núi.
Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, khi trông xuống dòng nước, ông Thân như hiểu ý. “Các cậu muốn thấy cá, thì phải làm thế này này”. Nói rồi, ông vỗ nhẹ hai bàn tay và rắc xuống mặt nước một ít bột, giống như cám ngô. Bất ngờ, một đàn cá lớn, lưng đen lao đến, vây kín mặt nước trước sự sững sờ của chúng tôi.
Toàn cảnh ngọn núi, dưới chân là suối cá thần.
Video đang HOT
Từ trong hang, từng đàn cá lớn nhỏ cũng nối nhau bơi ra, trước những tiếng động nhẹ phát ra từ đôi bàn tay của ông lão. Lấy làm lạ, chúng tôi ghé sát mặt nước và vỗ nhẹ, tức thì, đàn cá vây đến mỗi lúc một đông. Trong số đó, có không ít con cá với kích thước lớn, dễ chừng nặng đến chục cân. “Nhằm nhò gì đâu, hôm rồi trời mưa, nước ngập tràn bờ, tôi còn bắt được một con cá mắc cạn nặng tới 12kg”, ông Thân nói thêm.
Theo ông Thân, đàn cá này đã có từ rất lâu, từ bé, ông đã được nghe ông nội và bố của ông kể là từ khi còn nhỏ đã thấy ở đây có cá nhiều như vậy… Ông Thân cho hay, bình thường thì cá không hay ra khỏi hang như suối cá ở huyện Cẩm Thủy; cá ở đây chủ yếu là cá rộc, các loại khác cũng có nhưng ít hơn…
Theo ông Thân, nhiều người cho rằng, suối cá Văn Nho là suối cá thứ ba tại Thanh Hóa và mới được phát hiện, tuy nhiên, ông lại cho rằng, suối cá xã Văn Nho đã được phát hiện từ trước đó rất lâu, thậm chí là trước cả hai suối cá kia.
“Tiếc là không còn văn bản nào ghi lại về sự xuất hiện của suối cá này, chứ nếu không nó đã được ghi nhận từ lâu rồi”, ông Thân nói giọng tiếc nuối. Rồi, như để làm rõ hơn những gì vừa nói, ông Thân dẫn chúng tôi đến nhà ông Lục Văn Trút, người ở xã Thiết Kế, cựu chiến binh từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, biết khá rõ về suối cá.
Theo ông Trút, bản thân ông từng tận mắt chứng kiến ngọn nguồn của suối cá. “Đây là một con suối ngầm chảy qua núi, bắt đầu từ cây số 8 ở đường 217 về đến Chiềng Ban”, ông Trút cho biết.
Suối cá Chiềng Ban có thể được xuất hiện trước hai suối cá ở Cẩm Thủy, và còn vang tiếng sang một số nước trong khu vực. Phía sâu trong núi còn có một cái hang rộng khoảng 50 m2 với trần hang khá cao chính là nơi đàn cá tập trung với số lượng đông nhất. Bình thường đàn cá ở trong đó hết, chỉ khi có người tới thả thức ăn xuống đập cá mới ra nhiều. “Muốn vào được hang phải lặn qua một cửa hang ngầm dài chừng 25 m, có gặp đàn cá, thì cứ lẳng lặng mà bởi, đừng làm gì cả”, ông Trút nói thêm.
Trước thông tin cho rằng, một số cá ở suối giống với cá tại hai suối cá ở Cẩm Thủy, liệu các suối cá này có thông với nhau? Ông Trút cũng cho hay, hồi còn chiến đấu bảo vệ địa bàn, ông đã có quá trình tìm hiểu khá rõ về địa hình khu vực. Theo đó, khả năng 3 suối cá thông với nhau là ít xảy ra. “Tuy nhiên, cũng không loại trừ do địa hình biến đổi theo thời gian nên các rãnh, suối có sự thông nhau, muốn rõ được phải có cuộc khảo sát lại”, ông Trút cũng nói thêm.
Lối lên am thờ.
Những chuyện ly kỳ về hang cá thiêng nhất xứ Thanh
Trở lại với hành trình tìm về suối cá, sau khi rảo một vòng quanh khu vực suối, chúng tôi đã men theo một đường dẫn lên lưng chừng núi. Thấy lạ vì trên núi không có người, song lại có chiếc am thờ với tượng ngựa gỗ mà hương khói vẫn thoang thoảng, chúng tôi được ông Thân lý giải rằng, chiếc am thờ chính là minh chứng cho tính thiêng tại suối cá.
Theo ông Thân, khi thực dân Pháp đô hộ và đóng quân gần suối cá, không biết vì lý do gì mà họ lại không đánh bắt cá ở suối cá này, ngược lại còn lập bàn thờ trong một hang động nằm phía trên suối cá khoảng 10 m để thờ chúng.
Thời gian này, trong vùng có hai ông là Hà Văn Nho và Hà Công Bộ là thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương, hai người này lãnh đạo quân dân địa phương chống lại thực dân Pháp và bị Pháp bắt, bị chém đầu tại động thờ “cá thần”.
Sau khi cách mạng thành công, người dân cũng không phá đền và lấy nơi đây làm nơi thờ tự hai thủ lĩnh địa phương từng bị giặc Pháp giết hại, cùng với thần cá. Hằng ngày người dân thay phiên nhau mang thức ăn ra suối cho cá. Còn theo Chủ tịch UBND xã Văn Nho Phạm Minh Xuân, tên gọi xã Văn Nho hiện nay chính là được lấy từ tên của một trong hai thủ lĩnh địa phương đã ngã xuống.
Theo một số cụ cao niên tại xã Văn Nho, nơi đây còn lưu truyền một truyền thuyết khá nổi tiếng. Đó là truyền thuyết về con thuồng luồng lấy cô gái dệt vải làm vợ, dù câu chuyện mang sắc thái truyền thuyết, song theo ông Thân, người dân trong, ngoài vùng đều rất tôn sùng.
Vào mùa mưa, có những năm nước lụt tràn ngập lên cả mặt đập nhưng lạ là đàn cá vẫn không hề ra khỏi đập. Xung quanh suối cá hiện vẫn còn nhiều câu chuyện khó lý giải, đan xen vào đó là những câu chuyện lịch sử có thực.
“Việc bắt cá ở đây cũng từng xảy ra những chuyện không hay. Đã có trường hợp, có người bắt cá ở đây mang về ăn thì gặp chuyện chẳng lành. Có trường hợp thì bị điên, có trường hợp thì mất mạng, đây là những trùng hợp lạ lùng không rõ ràng, tạo nên sự linh thiêng, kỳ bí…”, ông Thân nói với vẻ mặt nghiêm nghị.
Trước kia, khi còn thời Pháp thuộc, có tên chánh tổng tham lam, do ăn cá ở hang này sau đó bị chết thảm. Khoảng năm 1982, có người tên Tháp từ Cẩm Thủy lên, khi ngang qua suối cá đã đánh mìn để bắt cá ở đây về ăn thì bị sét đánh… Từ đó, nhiều người dân thấy vậy càng tỏ ra kính trọng thần cá. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp người dân do sơ ý hay không biết chuyện, nên vẫn đánh bắt cá tại suối. Kết quả là phải đón nhận những kết cục không hay.
Ông Thân bảo, những lời đồn có thể vô căn cứ, song chính nó đã giúp cho việc gìn giữ được đàn cá, tạo nên sức hút của suối cá Chiềng Ban, tạo nên được một điểm du lịch hoang sơ, lý tưởng cho tương lai.
Chủ tịch UBND xã Văn Nho Phạm Minh Xuân khẳng định, xã đang thực hiện khảo sát và sẽ sớm có văn bản đề nghị cơ quan chức năng xây dựng “suối cá thần” Chiềng Ban là một điểm đến du lịch của vùng.
Theo Lao động
Chôn thuốc trừ sâu: Dân quyết bám hiện trường
Vụ việc nhiều người dân chặn xe tải nghi chở hóa chất độc hại của Cty CP Nicotex Thanh Thái (trụ sở tại xã Cẩm Vân, Cẩm Thủy, Thanh Hóa), nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng đến nay đã hơn một tuần. Bức xúc của dân chưa hề giảm. Họ vẫn bám hiện trường dõi theo cơ quan chức năng xử lý.
Cty CP Nicotex Thanh Thái trước đây thuộc một đơn vị quân đội sản xuất thuốc nổ. Khoảng năm 1998, sau khi đơn vị trên tách ra và chuyển đi, Cty CP Nicotex Thanh Thái sử dụng địa điểm này để làm trụ sở cho công ty và xưởng sang chiết thuốc trừ sâu.
Văn phòng làm việc và xưởng của công ty này cách nhau vài trăm mét, nằm trên đồi, gần khu vực hệ thống hang núi Quynh trên địa bàn xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Trong phạm vi vài trăm mét baoquanh phía dưới xưởng thuốc trừ sâu này là cư dân ở các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy) và Yên Lâm (huyện Yên Định).
Từ năm 2003 đến trước khi xảy ra sự việc này, nhiều người dân địa phương sinh sống ở gần khu vực của Cty CP Nicotex Thanh Thái đã phản ánh nhiều lần vấn đề ô nhiễm môi trường do công ty gây ra cho cơ quan chức năng, đặc biệt qua các lần các đại biểu về địa phương tiếp xúc cử tri.
Quá bức xúc vì mùi hóa chất độc hại, nghi ngờ hóa chất độc hại được chôn dưới lòng đất ở xưởng của Cty đã thẩm thấu vào nguồn nước sinh hoạt ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, sức khỏe của người dân, nên nhiều người đã gửi đơn phản ánh đến cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Người dân dựng lều bảo vệ hiện trường. Ảnh: Hoàng Lam
Trước đơn thư phản ánh của người dân, cơ quan chức năng (Phòng Tài nguyên Môi trường, Công an huyện Cẩm Thủy) đã có thông báo, hẹn ngày 28/8/2013 sẽ về địa phương giải quyết đơn thư của dân. Tuy nhiên, ngày 24/8, nhiều người đã phát hiện một đoạn tường rào của xưởng sang chiết thuốc trừ sâu bị đổ, có dấu hiệu đào bới.
Nghi ngờ người của Cty CP Nicotex Thanh Thái đào bới các thùng hóa chất đã chôn dưới đất để mang đi tiêu hủy, nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng nên sáng 25/8, nhiều người dân các xã Yên Lâm, Cẩm Vân, Cẩm Tâm đã dựng lều, chặn giữ một xe tải (có chứa 15 thùng chứa hóa chất không nhãn mác, nguồn gốc). Đồng thời, báo cho chính quyền, cơ quan công an đến hiện trường điều tra, làm rõ.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 3/9, ông Phạm Quốc Bảo - Chánh văn phòng UBND huyện Cẩm Thủy xác nhận: "Đã có nhiều ý kiến cử tri phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, nước sinh hoạt do Cty CP Nicotex Thanh Thái gây ra. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo đơn vị chức năng xác định làm rõ. Nhưng không rõ là việc xác định mẫu như thế nào mà tôi thấy báo cáo của ngành chức năng là các mẫu xét nghiệm đều đạt tiêu chuẩn".
Trong khi đó, ông Lưu Trọng Quang - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết, các báo cáo phân tích mẫu đất, nước và không khí do Viện Kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ của Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an kiểm tra đều cho kết quả đạt chỉ tiêu.
Một số kết quả kiểm tra chỉ tiêu về nước, đất vượt ngưỡng cho phép và các vi phạm như: chưa xây dựng phòng tắm giặt riêng cho công nhân; chưa xây dựng hoàn chỉnh mương thoát nước trong nhà xưởng và hệ thống xử lý nước thải tập trung; chưa sửa chữa hệ thống thu gom hơi dung môi trong nhà xưởng; chưa có biện pháp xử lý chất thải nguy hại (dẻ lau dính hóa chất, cặn bùn, vỏ thùng phuy, baobì...) theo đúng quy định. Những vi phạm này đều được ngành chức năng xử lý hành chính cùng với các biện pháp khắc phục.
Đeo khẩu trang quyết chờ làm rõ
Mặc dù Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Thanh Hóa) và cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường, nhưng lo sợ các tang vật có thể bị tẩu tán, nên từ ngày 25/8 đến 3/9, nhiều người dân (có cả người già, trẻ nhỏ) ở các xã trên vẫn hằng ngày đeo khẩu trang đến ngồi trong và ngoài xưởng của Cty CP Thanh Thái để bảo vệ hiện trường, quan sát cơ quan chức năng làm việc.
Liên tiếp từ ngày 28/8, nhiều người đã chủ động dùng cuốc, xẻng, xà beng đào bới nhiều điểm nghi ngờ chôn hóa chất trong khuôn viên của xưởng này trước sự giám sát của cơ quan chức năng. Phần lớn, các điểm đào bới đều phát hiện có mùi hóa chất hoặc các thùng phuy chứa hóa chất. Có một số điểm chôn được lát bằng bê tông thép ở bề mặt phía trên, có dấu vết lát nhựa đường phía dưới... Có một số điểm, phát hiện thùng chứa hóa chất được chôn cách mặt đất bằng một lớp đất mỏng chừng 40 cm.
Ngày 30/8, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động của công ty này 30 ngày để phục vụ công tác điều tra. Chiều 3/9, có mặt tại xưởng sang chiết thuốc trừ sâu của Cty CP Nicotex Thanh Thái, dễ thấy các hố mà dân phát hiện có chôn hóa chất đã được cơ quan công an giăng dây, cắm biển báo, khoanh vùng. Ở đây mùi thuốc trừ sâu nồng nặc, nhưng vẫn có tới hàng trăm người dân đứng ngồi ở phía trước và phía trái khuôn viên của xưởng sang chiết, chờ cơ quan chức năng giải quyết làm rõ.
Ông L.V.B ở thôn Cao Khanh, xã Yên Lâm cho biết, xưởng sang chiết này nằm ở sườn núi, trong thung có tên gọi là thung Nhà Mạc, phía dưới thung này là dân cư của xã Yên Lâm, Cẩm Vân, Cẩm Tâm sinh sống. Có rất nhiều lao động ở các xã trên làm việc tại xưởng này. Tuy nhiên, không ai trong số họ được trực tiếp chôn hóa chất xuống lòng đất.
"Tôi nghe nói, từ nhiều năm trước, phía công ty có thuê các máy xúc ở các xưởng đá trên địa bàn xã Yên Lâm đến khu vực xưởng đào, bới nhiều hố. Đến ngày hôm sau, các hố này đã được lấp mà không thợ máy nào biết là họ chôn gì và thuê ai đến chôn lấp", ông B nói. Dư luận địa phương cũng bức xúc, nghi ngờ vì lý do này nên nhiều người dân ở đây nhiễm nhiều loại bệnh như ung thư, khó sinh đẻ...
Chiều 4/9, ông Phạm Văn Tiến- Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết: Liên tục từ ngày 25/8 đến nay, huyện Cẩm Thủy đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn, động viên nhân dân tháo dỡ lều bạt, di dời về nhà để chờ kết quả xử lý của cơ quan công an. Tuy nhiên, đến ngày 4/9, nhiều người dân ở các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm, Yên Lâm vẫn còn đang canh trực tại xưởng sang chiết, đóng gói thuốc trừ sâu của Cty CP Nicotex Thanh Thái. Lý do người dân canh trực ở đây vì lo các tang vật tại hiện trường bị tẩu tán. Ngày 3/9, sau khi phía công ty có văn bản gửi đến Huyện ủy, UBND huyện Cẩm Thủy xin lỗi huyện và nhân dân các địa phương vì để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã chuyển tải lời xin lỗi này đến nhân dân.
Theo Hoàng Lam (Tiền Phong)
Ông già Mường và cỗ quan tài nghìn năm treo vách đá Trên vách núi làng Cùng (Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) có một cỗ quan tài dài 2,3 m, tương truyền đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn với những câu chuyện linh thiêng, không ai dám mạo phạm. Thôn Cùng (trước kia có tên làng Liên Sơn) nghĩa là đường cùng, chỉ có một lối duy nhất đi vào làng, hai mặt...