Phát hiện thêm cửa hầm địa đạo trong Thung lũng Tình Yêu
Ngày 25.5, Ban quản lý rừng Lâm Viên (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết, vừa phát hiện thêm một cửa hầm địa đạo khai thác thiếc trái phép ngay trong khu du lịch Thung lũng Tình Yêu.
Cụ thể, ngày 24.5 khi lực lượng công binh cưa khóa cửa sắt thâm nhập địa đạo để khảo sát chuẩn bị đặt mìn đánh sập thì phát hiện các vật dụng như xe rùa, máy móc đã “không cánh mà bay”, mặc dù từ đêm 17.5 khu vực này đã bị lực lượng liên ngành phong tỏa.
Đi sâu vào khoảng 200 mét, địa đạo đã bị bít kín bằng hàng chục bao đất.
Chuyển hướng khảo sát, cơ quan chức năng phát hiện một miệng hầm tròn đường kính khoảng 0,8 m ngay trong khuôn viên khu du lịch Thung lũng Tình Yêu, chỉ cách chòi bảo vệ khoảng 30 m, gần đó có 3 lỗ thông hơi tròn xuyên xuống địa đạo.
Cửa xuống địa đạo mới được phát hiện
Đây là bãi khai thác thiếc trái phép đã bị TP.Đà Lạt giải tỏa hơn 3 năm trước. Lực lượng công binh đã chui xuống cửa hầm sâu hơn 10 m như một giếng cạn để tiếp cận địa đạo bên dưới. Trong địa đạo có nhiều ngả rẽ, có một giếng sâu trong lòng địa đạo; phát hiện một số máy nổ, máy thổi khí, 8 xe rùa, nhiều dụng cụ để khai thác quặng thiếc và một bao bánh mì ngọt, bia, nước tăng lực… chứng tỏ việc khai thác quặng thiếc mới diễn ra.
Video đang HOT
Hiện nay luôn có từ 10 – 12 người thuộc lực lượng liên ngành canh gác khu vực cửa địa đạo. Việc nổ mìn đánh sập địa đạo cần từ 300 – 500 kg thuốc nổ đang được cơ quan chức năng chuẩn bị thực hiện trong vài ngày tới.
Liên quan đến vụ này, trưa 25.5, Công an TP.Đà Lạt triệu tập ông Hồ Đình Tâm, làm vườn gần cửa địa đạo khai thác thiếc trái phép, để làm rõ một số vụ việc liên quan đến địa đạo.
Trong quá trình tuần tra, cơ quan chức năng phát hiện sau nhà ông Tâm có 5 cây sắt V7 (mỗi cây dài 5 m) mà cơ quan chức năng dùng để bít cửa địa đạo khai thác thiếc trái phép vài tháng trước đây. Đội liên ngành đã thu lại 5 cây sắt trên.
Sau khi báo chí phản ánh địa đạo khai thác thiếc dưới Thung lũng Tình Yêu, công an kiểm tra tạm trú tạm vắng nhằm ngăn chặn “thiếc tặc” trú ẩn trong nhà ông Tâm và một số hộ khác, thì mới đây cạnh nhà ông Tâm lại dựng một lán trại để “thiếc tặc” nghỉ ngơi.
Theo Thanh Niên
Cuộc sống về đêm bên dưới địa đạo của 'thiếc tặc'
"Hiện quanh thung lũng Tình yêu có ít nhất 3 hầm thiếc được đào xuyên núi. Nếu trúng thiếc thì sẽ rất đậm, nhưng chi phí đầu tư nặng nên chỉ người có vốn hay nhiều người hùn hạp mới làm được", Phan, một cựu "thiếc tặc" nói.
Phan là một trong những người tham gia khai thác thiếc trái phép ở thung lũng Tình yêu (Đà Lạt, Lâm Đồng) từ nhiều năm qua. Theo người đàn ông này, năm 2008 rộ lên kiểu đào thiếc thủ công hầm đứng, có thời điểm mỗi đêm trên trăm người tại điểm đào. Bãi thiếc gần thung lũng Tình yêu rộng chỉ vài ba sào đất nhưng hầm thiếc dày đặc, ban đêm đi không cẩn thận sẽ bị rơi xuống hầm. Ban ngày nơi đây được ngụy trang rất kỹ, những đống đất lổn nhổn xung quanh tạo cảm giác nhìn quang cảnh như bãi thiếc đã bị giải tỏa, đoàn kiểm tra rất khó phát hiện.
Phan cho biết, bãi thiếc hoạt động chủ yếu vào ban đêm, mỗi đêm có trên trăm người. Đầu giờ tối, những người đào thiếc thuê taxi chở tới bìa rừng, sau đó tản vào các triền đồi tranh thủ ngủ ở bụi cây. Sau 21h, nghe hiệu lệnh bằng tiếng súng, mọi người dồn về phía đỉnh núi nơi các "hội" làm thiếc bỏ dụng cụ tập trung, để lấy cuốc xẻng đi làm.
Xuống tới bãi thì phần của ai nấy làm không đụng chạm tới nhau. Chỉ sau 15 phút, bãi thiếc sáng rực ánh đèn phát ra từ những bình ắc quy cỡ lớn. Các nhóm tháo dỡ vật ngụy trang để bắt đầu một đêm làm việc cật lực. Kết thúc buổi làm, các nhóm đồng loạt ngụy trang bằng các cây gỗ gác ngang miệng hầm, sau đó trải một tấm bạt lên và xúc đất phủ lên bạt. "Bằng cách này, đoàn kiểm tra của chính quyền có đi trên miệng hầm cũng khó mà phát hiện", Phan cho biết.
Bên trong một đường hầm địa đào do những người khai thác thiếc trái phép xây dựng. Ảnh: Quốc Dũng.
Đức được coi như chủ bãi thiếc, các nhóm muốn đào phải gặp người này mới có thể làm được. Nhóm làm thiếc của Phan quen biết với Đức mới khui được hầm, song ông ta vẫn thỏa thuận sòng phẳng là muốn khui hầm phải đưa 5 triệu đồng. Nếu đào trúng thiếc thì tính ăn chia tiếp. Chi phí này theo Đức là vì đã bỏ tiền ra chung chi rất nhiều.
Ngoài kiểu mua hầm như thế thì còn hình thức khác là những đầu nậu như Đức bỏ toàn bộ chi phí ra mua dụng cụ, nuôi ăn uống đi lại cho những người đào thiếc. Nếu khai thác được, đầu nậu tính ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận với những người làm. Trường hợp xui xẻo gặp hầm không có thiếc thì đầu nậu chịu toàn bộ chi phí, người đào chấp nhận mất công sức.
Phan nói rằng không có công việc nào vất vả và nguy hiểm như đào thiếc lậu. Ban ngày ngủ, ban đêm làm việc dưới lòng đất, khoảng nửa đêm về sáng trời rất lạnh nhưng vẫn cố làm vì gặp thiếc thì thu nhập khá. Đồ ăn thức uống mỗi đêm chuẩn bị rất đàng hoàng, các loại nước tăng lực uống liên tục nhưng nhìn mặt mũi dân đào thiếc lúc nào cũng xanh mét như nghiện.
Bãi thiếc hầm đứng đào dạng thủ công thì từ trên mặt đất khui những cái hầm tựa như giếng nước, làm tới đâu đóng khung gỗ tới đó để tránh sạt lở. Khi đến độ sâu có thiếc thì bắt đầu âm ngang dạng hầm ếch, có những hầm ếch sâu tới 7-8 mét. Theo Phan, có hầm từng trúng kỷ lục được 44 tấn quặng thiếc, giá hiện nay 300.000 đồng một kg.
Lực lượng chức năng kiểm tra bên trong một đường hầm đào thiếc. Ảnh: Quốc Dũng.
Những người khai thác cho biết, nếu gặp thiếc đậm thì họ gần như xúc lấy hết. Lý do là vì tỷ lệ lẫn đất không nhiều nên việc đãi tách đất cũng mất ít thời gian. Quặng thiếc rất nặng, một bao như bao gạo loại 50 kg là đã có gần 150 kg thiếc. Có lần một "thiếc tặc" bị truy đuổi khi đang vận chuyển hàng đi tiêu thụ, đã vứt bao thiếc từ xe máy xuống trước một nhà dân để thoát thân. Bắt người bất thành, lực lượng chức năng quay lại thu tang vật thì không thấy bao thiếc đâu nữa. Khi hết nguy hiểm, "thiếc tặc" kia quay lại tìm, lần theo vệt dấu bao tải kéo trên mặt đất ra sau nhà dân. Hóa ra có người định lấy cắp bao thiếc, nhưng vì quá nặng không thể vác mà phải kéo rê trên đất để mang đi giấu.
Một "thiếc tặc" cho biết, khai thác thiếc dạng đào địa đạo xuyên núi như bây giờ phải bỏ vốn rất nhiều; máy bơm, điện được cung cấp bằng máy phát và dụng cụ đào cũng phải hiện đại với các loại máy khoan... Những đường hầm kiểu này phải làm hàng tháng, thậm chí cả năm trời, nhưng cũng có thể là vừa đào vừa lấy thiếc. Gặp đúng mạch thiếc rồi thì coi như được khai thác dài hạn.
Để đãi thiếc trong đường hầm, những người khai thác dẫn nước vào, ở vị trí đãi tách thiếc với đất tạo thành một độ dốc và trải bạt nylon lên đó. Thao tác rất đơn giản: đổ đất có thiếc lên bạt nylon, sau đó một người dùng vòi nước xịt vào với áp lực vừa phải. Người phía dưới dùng một cái cuốc để cào gạn, thiếc nặng sẽ đọng lại còn đất theo nước trôi ra ngoài.
Phan khẳng định: "Với những hoạt động náo nhiệt như thế này, chắc chắn chính quyền phải biết. Hoặc chí ít là những người trực tiếp canh rừng, quản lý rừng hàng ngày, hàng tuần đều phải đi kiểm tra rừng, thì chỉ cần một dấu hiệu khác thường là những người này phải biết ngay".
Theo VNExpress
"Thiếc tặc" đào đường hầm dưới Thung lũng Tình yêu: Thêm một đường hầm kiên cố Sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh "thiếc tặc" đào đường hầm bên dưới khu du lịch thung lũng Tình Yêu, người dân Đà Lạt cho biết có tới ba cửa hầm dẫn vào hai đường hầm để khai thác quặng thiếc trái phép. PV Tuổi Trẻ đã đến hiện trường. Miệng đường hầm mới phát hiện cách đường hầm cũ 400m theo...