Phát hiện tàu cổ vật thứ 2 cách tàu cũ 100m
Khoảng 1h00 ngày 16/8, người dân thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi tiếp tục phát hiện con tàu cổ thứ 2 nằm cách tàu cổ được phát hiên trước đó khoảng 100m.
Sáng 16/8, Giám đốc Sở VH-TT-DL cùng Công an, Bộ đội biên phòng họp ngay tại vùng biển Bình Châu
Ngay sau khi nhận tin báo, UBND tỉnh Quảng Ngãi kịp thời bố trí lực lượng, bộ đội biên phòng, công an và chính quyền địa phương UBND xã Bình Châu tổ chức ngăn chặn người dân tự khai thác và lên phương án bảo vệ.
Đến 7h30 sáng cùng ngày, nhiều tàu cá của người dân vẫn bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng, ngang nhiên xâm nhập nơi phát hiện tàu cổ chứa cổ vật.
Vị trí tàu cô thứ 2 đang được bảo vê
Lực lượng bộ đội biên phòng, công an kịp thời bảo vệ nơi tàu cổ vừa phát hiện
Hiện các cơ quan chức năng đang bàn phương án bảo vệ và khai quật tàu chứa cổ vật kịp thời.
Video đang HOT
Dân trí tiếp tục thông tin về tàu chứa cổ vật này.
Hồng Long
Theo Dantri
Chuyện chưa kể về cuộc khai quật con tàu đắm 700 năm tuổi
Cuộc khai quật khảo cổ học con tàu đắm 700 năm tuổi ở Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa kết thúc với nhiều "cái nhất" và "lần đầu tiên". Xung quanh con tàu không chỉ có bóng dáng và phát ngôn của những nhà khoa học...
Nhiều cổ vật bị hư hỏng do ngư dân lặn biển tranh giành trước khi khai quật.
Có tội, có công
Trưa 2/7. Bãi biển thôn Châu Thuận Biển bày ra bức tranh lao động thanh bình. Những lò hấp tưng bừng đỏ lửa. Những vỉ cá cơm lấp lóa dưới nắng hè. Những rổ cá nục, cá thu ăm ắp được các bà, các cô khệ nệ chuyền tay xếp lên xe. Cách mép sóng chừng 100m, chiếc cần cẩu sừng sững trên sàlan thi công của Cty TNHH Đoàn Ánh Dương - đơn vị được chọn trục vớt cổ vật - nhọc nhằn nhổ những trụ thép nặng 900kg chất thành đống. Một mảng dài phía bờ bắc, bờ cừ lá sen lực lưỡng gần 300 trụ như thế bao quanh con tàu đã được tháo dỡ. Mặt biển trở lại trạng thái cân bằng.
Khó ai hình dung, chính chỗ này, hồi cuối năm ngoái đã từng điên đảo, quay cuồng cơn sốt săn tìm cổ vật. Hàng trăm, thậm chí có tin nhắc đến con số hàng ngàn người từ Phú Quý, An Hải, Châu Thuận Nông, từ những đẩu những đâu tràn về, theo dấu những lời thì thào đầy cám dỗ. Nhiều nông dân, ngư dân Bình Châu bao đời hiền lành, chất phác, sau một đêm thức dậy, bỗng hóa đám đông hung dữ, xô bồ, khó kiểm soát. Có chiếc thuyền bị cố tình đánh đắm, tạo hiện trường tai nạn giả hòng nhằm phân tán sự tập trung của lực lượng bảo vệ. Có con tàu được kỳ công đóng thành hai lớp đáy, mang ra cho đơn vị thi công thuê chờ "nước đục thả câu".
Giọt nước tràn ly vào ngày 13/10/2012, khi hàng trăm con dân Bình Châu tràn ngập vành đai bảo vệ, thẳng tay đập phá xuồng máy, canô, lật nhào cả xe chuyên dụng của cảnh sát, tấn công gây thương tích gần chục cán bộ, chiến sĩ công an. Sự quá quắt do thói tham lam tăm tối và cả sự thiếu hiểu biết đã phải trả giá khi có tới 10 người bị khởi tố, 8 trường hợp bị giam giữ do hành vi chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản nhà nước. Câu chuyện buồn ấy, bây giờ về Bình Châu, tôi vẫn còn nghe người dân ngậm ngùi kể lại.
Tháo dỡ kè chắn sóng.
Người đàn ông nhẫn nại ngồi ở bờ kè, đợi chúng tôi từ biển quay vào là Nguyễn Văn Thanh. Ông Thanh quả quyết mình là một trong những người đầu tiên tìm thấy vị trí vùi lấp xác con tàu đắm và có dự phần vào cuộc ngụp lặn theo đuổi vận may mỗi đêm, ròng rã suốt 3-4 tháng trời: "Chẳng ra cơm cháo gì. Ngoài chìa khóa, mấy đồng tiền gỉ sét, chúng tôi chỉ thu được những mảnh chén bát sứt mẻ. Ai trúng mánh không biết, chứ hầu hết anh em bấu víu vào con tàu đắm ngay từ đầu như tôi thì thành quả chỉ được bấy nhiêu". Kho chứa của nhà cha con ông lăn lóc hàng chục bao tải đầu thừa đuôi thẹo.
Ông tuồng như chẳng cần giấu giếm: "Bán xô, 10.000 - 20.000 đồng/kg. Người ta mua về trang trí nhà cửa, đắp điếm tiểu cảnh, hòn non bộ". Trò chuyện dông dài hồi lâu, cuối cùng tôi mới hiểu, sở dĩ ông Thanh dễ dàng công khai mớ "tài sản" bèo bọt vốn được chiếm hưởng một cách không chính đáng, là để giãi bày nỗi cám cảnh dành cho mấy trường hợp vướng vòng lao lý: "Đã đành họ có tội, nhưng nghĩ cho cùng cũng chỉ vì nghèo khó, nông nổi mà ra. Một lũ áo rách với nhau".
Manh mối về con tàu cổ phát đi từ phía người dân. Có điều, nguồn cơn trình báo - theo nhận định của cơ quan chức năng - là không hoàn toàn tự giác. Trao đổi với PV Lao Động ngày 2.7, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Vũ cho rằng, đấy thực ra là hành động tố giác lẫn nhau, được thôi thúc bởi nạn giành giật, chèn ép, tâm lý ghen ăn tức ở trong nội bộ đội quân săn tìm cổ vật. Dẫu sao, TS Vũ thông báo, việc xác minh ai là người có công phát hiện di sản để đề xuất khen thưởng vẫn phải làm và còn tiếp tục làm. Người dân không rành Luật Di sản, nhưng đúng là họ cũng nhấp nhổm đợi phiên "lĩnh thưởng". Chỉ khác, cái họ mong chờ không phải "bản chấm công" cho cá nhân hay một nhóm người nào, mà là những tiện ích công cộng, giúp cuộc sống bớt đi phần nào âu lo, bất trắc.
Sự kiện khai quật con tàu đắm thêm một duyên cớ để nhiều vấn đề dân sinh bức xúc lại được gọi tên. Chẳng có gì là quá quắt khi dân Châu Thuận Biển nuôi dưỡng giấc mơ được "chia sẻ", "bù đắp" bằng dải đê chắn sóng an toàn hơn; bằng đoạn đường làng hết mấp mô, bụi bặm; bằng ngôi trường nho nhỏ để lũ học trò tiểu học không phải lặn lội lên tận Châu Me - xa nhà đến 3 - 4km.
Lãi lớn từ cú "đầu tư mạo hiểm"
Sau 5 lần khai quật tàu cổ, phải đến Bình Châu, khảo cổ học dưới nước tại Việt Nam mới không còn chứng kiến cảnh nhà khảo cổ thu lu làm việc... ở trên bờ. Lẽ ra, "hiện tượng chưa từng có" trên (như cách nói hoan hỉ trong báo cáo sơ bộ kết quả cuộc khai quật) đã không được xác lập lần đầu tiên nếu tình hình an ninh trật tự ở Châu Thuận Biển cuối năm 2012 không quá phức tạp, hay như vị trí con tàu nằm sâu (30-70m) cũng giống những trường hợp thông thường.
Ở Bình Châu, Cty TNHH Đoàn Ánh Dương chỉ phải sử dụng loại cọc thép dài 12m, đóng đến độ sâu 8m so với mực nước biển là đã dựng thành công bờ kè lá sen trên phạm vi 300m2. Kè lá sen là lựa chọn về sau. Theo ông Đoàn Sung - cố vấn Cty - giải pháp ban đầu cho Bình Châu vẫn là đưa thợ lặn xuống biển: "Với 20 thợ lặn chuyên nghiệp, chúng tôi dự kiến chỉ 3 ngày là trục vớt xong cổ vật".
Dựng kè lá sen quây kín diện tích 300m2 trên biển trước khi dùng máy bơm hút cạn nước bên trong, là một quyết định khó khăn. Nội bộ doanh nghiệp - ông Sung nhớ lại - chứng kiến những cuộc tranh cãi gay gắt. Kỹ thuật phức tạp khiến ngay các đơn vị tư vấn độc lập cũng từ chối cộng tác. Cty Đoàn Ánh Dương không còn cách nào khác là tự huy động đội ngũ tư vấn của chính mình. Phương án mới yêu cầu phải thăm dò địa chất, xử lý lớp đá dưới đáy biển, vận chuyển cọc thép từ TPHCM ra... Thời tiết bất lợi là một thách thức khác.
Các chuyên gia nghiên cứu cổ vật từ con tàu đắm.
Có thời điểm phải "án binh bất động" suốt 3 ngày liền. Sau 5 tháng chuẩn bị, hoạt động khai quật diễn ra từ ngày 4-23.6, thu được 268 thùng, trong đó có 91 thùng còn tương đối nguyên vẹn với 4.000 hiện vật gồm đồ đồng, đồ gốm men nâu, đồ gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men xanh... Hiện vật có giá trị nhất là thứ không thể đóng thùng: Con tàu. Với niên đại gần 700 năm, tàu đắm Bình Châu là con tàu cổ nhất được tìm thấy cho đến nay trong vùng biển Việt Nam.
Đây là "cái nhất" được nhiều phía trông đợi. Dù phía trước vẫn còn 3 tháng để xử lý lượng cổ vật đang bảo quản ở Bảo tàng Quảng Ngãi- dưới sự giám sát của cơ quan công an và bộ đội biên phòng- vụ đầu tư nhiều rủi ro được ông Sung đánh giá là "lãi lớn": "Sau khi phân chia hiện vật theo thỏa thuận với Quảng Ngãi, chúng tôi chắc chắn sẽ sở hữu những hiện vật giúp gia tăng đáng kể giá trị bộ sưu tập 62.000 món, dự kiến trưng bày thời gian tới theo chủ trương xã hội hóa tại Bảo tàng Quảng Ngãi.
Nói lỗ-lãi, tưởng cũng nên nhắc con số 54 tỉ đồng trong dự toán phương án thăm dò, trục vớt đã được phê duyệt mà ông Sung nói chắc chắn ít hơn chi phí thực tế do nhiều lần phải điều chỉnh, phát sinh. Còn nhớ, cuộc khai quật con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) kéo dài từ năm 2003 đến 2007, Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương tiêu tốn 23 tỉ đồng để trục vớt lên gần 16.000 hiện vật từ thế kỷ XV.
Nếu ở Cù Lao Chàm, lợi ích được phân chia sau khi đấu giá thì tại Quảng Ngãi, hiện vật chia theo tỉ lệ doanh nghiệp 67% - Nhà nước 33%. Theo quy định của Chính phủ, những sản phẩm độc bản sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Chưa từng có ai làm
Tổ chức hội thảo khoa học để quyết định trục vớt hay bảo tồn tại chỗ xác con tàu đắm là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích. Ông Thích yêu cầu, ngoài ý kiến các chuyên gia, cần tranh thủ góp ý từ các bộ, ngành liên quan. Trước đó, theo TS Nguyễn Đăng Vũ, Sở VHTTDL đề xuất 2 phương án: Phương án trục vớt đưa về bảo tàng xả mặn, xử lý. Bảo quản là phương án tốn kém và cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Ở Việt Nam, đây là công việc chưa từng có cơ quan nào làm. Phương án thứ hai gồm để lại tại chỗ lâu dài kết hợp tổ chức, khai thác du lịch hoặc tạm để lại, chờ đến khi có đủ điều kiện trục vớt.
Theo Dantri
Ảnh tuần qua: Cháy, cháy và... cháy! Chiều 3/6, cháy kinh hoàng suốt hơn 4 tiếng tại cây xăng. Sáng 5/6 cháy rụi gần 40 xe máy tại khu tập thể Bộ GD-ĐT. Sáng 7/6 cháy lớn tại khu vui chơi thiếu nhi... Một tuần lễ ám ảnh với "bà hỏa" khi các vụ cháy liên tiếp xảy ra. 1. Nổ lớn, cháy kinh hoàng tại cây xăng gần viện...