Phát hiện tác dụng bất ngờ từ nọc của loài nhện siêu độc
Các nhà khoa học ở Australia đạt được bước đột phá đáng kể khi sử dụng nọc độc của nhện làm thuốc giảm đau mà không gây tác dụng phụ,
Theo RT, Tiến sỹ Christina Schroeder cùng các cộng sự tới từ Đại học Queensland đã tạo ra một loại mini protein mới bằng cách sử dụng nọc độc của một con nhện chim Trung Quốc. Nhện chim Trung Quốc từ lâu được biết đến là một trong những loài nhện hung dữ và có nọc độc mạnh nhất thế giới.
Nọc độc nhện có thể chế thành thuốc giảm đau. (Ảnh: Global Look Press)
Loài mini protein này có tên là Huwentoxin-IV, có khả năng liên kết với các thụ thể đau trong cơ thể.
Loại thuốc giảm đau mới được thử nghiệm chứng minh hiệu quả cao trong các thí nghiệm trên chuột. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể sử dụng nó thay thế các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid như fentanyl, oxycodone vốn đang khan hiếm ở nhiều quốc gia trên thế giới.
“Mặc dù opioids có hiệu quả trong việc giảm đau, nhưng chúng có các tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, táo bón và nguy cơ gây nghiện, gây gánh nặng lớn cho xã hội”, tiến sĩ Schroeder nói.
Bà Schroeder cho biết thêm rằng loại protein mới này có tác dụng mạnh và chỉ cần một liều nhỏ để tạo ra tác dụng giảm đau.
Hiện có khoảng 45.000 loài nhện trên thế giới. Đây là nguồn cung cấp hơn 9 triệu acid amin, nhưng chỉ có khoảng 0,01% được các nhà bào chế thuốc sử dụng.
Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng nọc độc từ loài nhện khổng lồ Phoneutria nigriventer ở Brazil có thể giúp chữa được chứng bệnh bất lực ở đàn ông.
Kinh ngạc phát hiện dấu chân khủng long trên nóc hang động
Các nhà khoa học thích thú khi phát hiện dấu chân của loài khủng long thời tiền sử trên nóc hang động ở Pháp.
Số dấu chân này được tìm thấy trong chuyến thám hiểm quanh hang Castelbouc của các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Burgundy-Franche-Comté.
Theo nhóm nghiên cứu, các dấu chân được tạo ra từ cách đây 166-168 triệu năm, dài khoảng 1,25m khi 3 con khủng long đi bộ trên bờ biển.
Dấu chân khủng long tìm thấy trong hang động ở Pháp. (Ảnh: J. Vertebr. Paleontol)
Kích thước của dấu chân cho thấy loài khủng long trên có thể thuộc nhánh titanizard, loài khủng long ăn thực vật cổ dài, nặng tới 70 tấn và là loài động vật lớn nhất từng có mặt trên Trái Đất.
Lý giải về việc các dấu chân xuất hiện trên nóc hang, các nhà khoa học cho biết vào thời điểm những con khủng long này sinh sống, khu vực hang động này từng nằm trên bề mặt của Trái Đất. Nhưng các quá trình địa chất đã chôn vùi các trầm tích trong suốt hàng triệu năm. Qua nhiều thế kỷ, lớp trầm tích bị trôi đi để lộ ra các dấu chân của khủng long vốn bị cứng lại.
Nhóm nghiên cứu cho biết việc tiếp cận hang động này không hề dễ dàng và bản thân các dấu chân được tìm thấy cách mặt đất tới 500m. Tuy nhiên, họ hết sức thích thú với những gì mình khám phá và cho biết việc tìm thấy dấu vết của khủng long trong môi trường này là cực kỳ hiếm.
Hồi tháng 2, các nhà nghiên cứu ở Đại học Queensland cũng công bố phát hiện tương tự với các dấu chân khủng long được tìm thấy trên nóc hang Morgan ở Australia.
SONG HY
Nhà khoa học trẻ nhất thế giới mới chỉ... 6 tuổi Nhiều trẻ nhỏ thích khám phá thiên nhiên và có đầu óc tò mò có thể tạo nên những nhà khoa học giỏi nhất sau này. Cô bé Grace Fulton được cho là nhà khoa học trẻ nhất thế giới. Rất ít người có được tên của họ trên một bài báo khi còn bé. Tuy nhiên, có lẽ cô bé Grace Fulton...