Phát hiện sớm và điều trị bệnh lao cho người dân vùng cao Lai Châu
Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm, đẩy mạnh triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao cho người dân trên địa bàn, nhằm tăng tỷ lệ phat hien sớm va điều tri bệnh lao kịp thời.
Mỗi năm, Lai Châu phát hiện khoảng 100 bệnh nhân lao mới và tỷ lệ bệnh nhân lao chung của tỉnh 35/100.000 người. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền
Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, với hơn 84% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Do đó, người dân không thường xuyên được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, mức độ hiểu biết về các loại bệnh, đặc biệt là bệnh lao còn hạn chế. Nhiều trường hợp khi phát hiện mắc bệnh lao thì mang nặng tâm lý e ngại, sợ kỳ thị và không dám đến các cơ sở y tế để điều trị.
Bệnh lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của con người. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Lai Châu là địa phương xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ lệ người mắc bệnh lao. Mỗi năm, Lai Châu phát hiện khoảng 100 bệnh nhân lao mới, tỷ lệ bệnh nhân lao của tỉnh là 35/100.000 người.
Bác sỹ chuyên khoa I, Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Lai Châu cho biết: Để góp phần đạt được mục tiêu năm 2030 Việt Nam không còn người bệnh lao, thời gian qua, Bệnh viện chủ động phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến những chính sách của Nhà nước về bệnh lao, các biện pháp phòng, chống để người dân có thêm hiểu biết, không mặc cảm, kỳ thị với bệnh nhân lao và chủ động tiếp cận, sử dụng dịch vụ khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh.
Năm 2020, Lai Châu đã tổ chức khám cho hơn 3.660 bệnh nhân nghi lao, tiến hành lấy gần 7.450 lam đờm để xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN
Video đang HOT
Đồng thời, Bệnh viện tăng cường tuyên truyền phòng, chống lao trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, khu vực biên giới. Ngoài ra, công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh lao được kết hợp lồng ghép với phòng, chống Hen-COPD, phòng chống HIV/AIDS, các chương trình phòng, chống các bệnh không lây nhiễm khác tại cộng đồng.
Theo Bác sỹ chuyên khoa I, Nguyễn Văn Lương, Phó Trưởng khoa Lao phổi, Bệnh viện Phổi Lai Châu: Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm trong vòng 3 tuần (sau khi có các triệu chứng đầu tiên như ho khản kéo dài hơn 2 tuần, sụt cân, gây khó thở…) và được điều trị đúng phương pháp, đủ thời gian. Bệnh lao là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, việc xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là việc làm rất quan trọng trong việc quản lý và điều trị cho bệnh nhân.
Vì vậy, trong thời gian bệnh nhân điều trị tại khoa, đội ngũ y, bác sỹ trong khoa thường xuyên thăm hỏi tình hình sức khỏe, tận tình chăm sóc bệnh nhân, nhằm tạo niềm tin đối với đội ngũ y tế. Cùng đó, khoa đẩy mạnh tuyên truyền bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi có các biểu hiện, triệu chứng ho kéo dài ba tuần hoặc lâu hơn, sụt cân, sốt… thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng khó chữa gây ảnh hưởng đến kinh tế, tính mạng của người dân.
Bà Lù Thị L (53 tuổi, dân tộc Dao ở bản Tả Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu) nằm điều trị tại bệnh viện được hơn 2 tháng. Khi vào viện với triệu chứng ho, khó thở liên tục, không ăn uống và đi lại được, sau khi xét nghiệm kết quả cho thấy bệnh nhân mắc bệnh lao dương tính ở thể nặng. Sau nửa tháng điều trị, bà L đã ăn uống, đi lại bình thường và tự thở được.
Bà L tâm sự: Do chủ quan nghĩ là ho bình thường nên không đi khám sớm tại bệnh viện, dẫn tới bệnh ngày một nặng. Bà L mong rằng từ sự việc của bà, những người dân khác khi có biểu hiện giống bà nên đi khám bệnh để điều trị kịp thời.
Không ngừng nâng cao chất lượng
Bệnh viện Phổi Lai Châu hoạt động với quy mô 80 giường bệnh, với 13 khoa, phòng. Năm 2020, bệnh viện ước khám gần 3.200 lượt người, điều trị nội trú cho trên 1.400 bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh đạt gần 50%. Sở dĩ năm nay lượt khám chữa bệnh và công suất sử dụng giường bệnh giảm là do ảnh hưởng dịch COVID-19, có 3 tháng bệnh viện không thu dung bệnh nhân, dành giường bệnh để cách ly y tế.
Bác sỹ Bệnh viện Phổi Lai Châu thăm khám cho bệnh nhân nằm điều trị. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN
Bác sỹ chuyên khoa I, Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Lai Châu cho hay: Xác định phòng chống lao góp phần vào sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao sức khỏe cho người dân trong tỉnh, hàng năm bệnh viện quan tâm đầu tư các thiết bị, máy móc kỹ thuật hiện đại như máy chụp X quang kỹ thuật số, sử dụng kỹ thuật mới xét nghiệm Gene Xpert cho kết quả khoảng 100 phút, máy siêu âm 4D, nuôi cấy ngoài lao… nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh của người dân được thuận lợi.
Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh như xây dựng hoàn thiện hệ thống mạng, máy tính… cho các khoa, phòng; thực hiện quản lý bệnh nhân lao tại các tuyến thông qua hệ thống phần mền VITIMES; ánh xạ đầy đủ, cập nhật liên tục các danh mục dược, dịch vụ và y cụ và triển khai ánh xạ danh sách nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề lên cổng giám định…
Bên cạnh đó, bệnh viện duy trì thường xuyên công tác phòng chống lao tại 100% huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, tổ chức 2 đợt giám sát quản lý bệnh nhân ngoại trú tại cơ sở. Cùng với đó, triển khai thành công dịch vụ gửi tin nhắn SMS miễn phí để thông báo cho bệnh nhân lao về thời gian uống thuốc, lấy thuốc nhằm phòng chống lao tại cộng đồng. Dịch vụ này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Chính sách hỗ trợ tiền ăn san sẻ gánh nặng về kinh tế gia đình với đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN
Nhờ vậy, năm 2020, các cơ sở y tế tỉnh Lai Châu đã tổ chức khám cho hơn 3.660 bệnh nhân nghi lao, tiến hành lấy gần 7.450 lam đờm để xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Qua đó, phát hiện 99 bệnh nhân mắc bệnh lao AFB ( ) và 42 bệnh nhân lao các thể khác; tỷ lệ bệnh nhân lao mới của tỉnh 24/100.000 người (năm 2018 là 26/100.000 người). Năm 2019, số bệnh nhân được điều trị khỏi là 100/112 bệnh nhân, chiếm 89,2%, cao hơn chương trình phòng chống lao Quốc gia đề ra.
Tăng khả năng phát hiện lao tiềm ẩn tại cộng đồng
Đầu năm 2020, bà Trần Thị Kim Loan (52 tuổi, ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) xuất hiện triệu chứng ho, sốt kéo dài, thậm chí có lúc ho ra máu.
Chăm sóc bệnh nhân lao phổi. Ảnh: TTXVN
Chồng bà Loan trước đó cũng được xác định mắc lao kháng thuốc nhưng vì gia cảnh nghèo khó nên bà cứ nấn ná mãi. Hơn 1 tháng sau, được sự động viên của cán bộ y tế, bà Loan đi khám tại Trung tâm y tế huyện Thoại Sơn, An Giang.
Tại đây, bà được các bác sĩ thăm khám, chụp X-quang, xét nghiệm Xpert và phát hiện mắc lao kháng thuốc.
Bà được chuyển lên Bệnh viện Phổi Cần Thơ điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc rồi chuyển về tuyến huyện để điều trị trong vòng 9 tháng. Hai vợ chồng bà luôn tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ... nên bệnh tình dần ổn định.
An Giang là một trong 7 tỉnh được Chương trình chống lao quốc gia và Dự án USAID SHIFT chọn triển khai thí điểm Chiến lược 2X (X-quang, Xpert) nhằm chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-Quang ngực và xét nghiệm GeneXpert để phát hiện vi khuẩn lao.
Người tham gia được chụp X-quang, nếu có tổn thương bất thường nghi lao sẽ được làm xét nghiệm Gene Expert. Việc thực hiện chụp X -quang, xét nghiệm Xpert cho người bệnh đã mang lại hiệu quả cao, khẳng định chính xác người xét nghiệm có mắc lao phổi hay không, góp phần phát hiện sớm các ca bệnh lao, trường hợp mắc lao tiềm ẩn trong cộng đồng, hạn chế lây lan.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang, trước năm 2020, tại An Giang chưa thực hiện Chiến lược 2X, việc phát hiện người mắc lao chủ yếu là thụ động, bệnh nhân có triệu chứng đến khám và chụp X-quang phổi, soi đờm trực tiếp. Việc triển khai Chiến lược 2X đã giúp An Giang chủ động phát hiện các ca bệnh lao, lao tiềm ẩn... góp phần tăng khả năng phát hiện lao tại cộng đồng.
Tính đến 30/11/2020, thông qua dự án, số lượt người có nguy cơ được sàng lọc tại cơ sở y tế đã lên tới trên 35.000 người. Trong đó, số người được sàng lọc X-quang phổi là trên 4.400 người, số X-quang phổi tổn thương nghi lao là gần 1.200 người, chiếm 27%. Số xét nghiệm Xpert là 1.020 người, số người mắc lao trong xét nghiệm Xpert là 413 người, chiếm 40%.
Tại cộng đồng, đã có gần 15.000 người khám sàng lọc, trong đó 97,7% được chụp X-quang phổi và xét nghiệm Xpert...
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang Phạm Minh Tâm cho biết, hàng năm, tỉnh phát hiện và thu nhận khoảng 4.000 trường hợp lao các thể để điều trị, trong đó có khoảng 3.000 trường hợp là lao có vi khuẩn. Năm 2020, số bệnh nhân lao thu nhận có giảm do dịch COVID -19, người dân thực hiện giãn cách xã hội, chỉ trường hợp bệnh nặng mới đi khám, bên cạnh đó, công tác giám sát cũng phần nào hạn chế.
Tuy nhiên, tỉnh An Giang vẫn chú trọng kiểm soát lao tiềm ẩn, nhờ đó, số người được phát hiện mắc lao tiềm ẩn đã tăng đáng kể. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh chỉ phát hiện được 14 trường hợp lao tiềm ẩn thì trong năm 2019 là 250 và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, con số này đã là 200 trường hợp.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang cho rằng, nếu tầm soát tốt, đặc biệt là điều trị tốt lao tiềm ẩn thì tình hình dịch sẽ không xảy ra. Dự kiến sang năm 2021, tỉnh An Giang sẽ hoàn thiện tầm soát lao tiềm ẩn và đến năm 2025-2027, An Giang sẽ kiểm soát tốt hơn tình hình bệnh lao trên địa bàn.
Nỗ lực giảm gánh nặng bệnh lao Trên hành trình thực hiện cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Việt Nam còn đối diện với rất nhiều nỗi lo trong đó có lao đa kháng thuốc và việc tăng nhanh tỉ lệ lao ở trẻ em. Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế...