Phát hiện sớm triệu chứng bệnh parkinson trước khi quá muộn
Người bệnh parkinson ở giai đoạn nặng có thể gặp nhiều biến chứng như sa sút trí tuệ, sụt cân, suy kiệt, nhiễm trùng phổi, đường tiểu…
Gần đây, Bệnh viện Đại học Y dược (BV ĐHYD) TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân NTKO (39 tuổi, ngụ Đồng Nai). Chị O. được chẩn đoán bị bệnh parkinson từ hai năm trước.
Ban đầu, chị O. bị run tay phải, cử động chậm chạp và mất khả năng ngửi mùi. Khám bệnh tại địa phương, chị được chỉ định điều trị bằng thuốc (levodopa). Sau một năm, chị xuất hiện biến chứng loạn vận động do sử dụng thuốc nên chị đến BV ĐHYD TP.HCM để đánh giá và điều chỉnh lại thuốc điều trị. Tình hình của chị dần ổn định.
TS-BS Trần Ngọc Tài tư vấn bệnh parkinson cho người bệnh. Ảnh: NP
Trường hợp tiếp theo là ông NVM (66 tuổi, ngụ Hà Nội). Sau khi dùng thuốc điều trị bệnh parkinson được bảy năm, ông M. có biến chứng loạn vận động, thường xuyên la hét vô cớ, xuất hiện ảo giác hoang tưởng, ghen tuông. Tại BV, ngoài điều chỉnh thuốc (levodopa), ông M. được thực hiện phẫu thuật kích thích não sâu. Hiện tình trạng bệnh của ông đã ổn định và có thể tự sinh hoạt tốt.
TS-BS Trần Ngọc Tài, Phó Trưởng khoa thần kinh, Trưởng Đơn vị rối loạn vận động BV ĐHYD, cho biết người bệnh parkinson ở giai đoạn nặng có thể gặp phải một số biến chứng như sa sút trí tuệ, sụt cân, suy kiệt, nhiễm trùng phổi, đường tiểu; té ngã gây chấn thương, gãy xương, đặc biệt cổ xương đùi ở người lớn tuổi. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện các biến chứng do điều trị thuốc levodopa như dao động vận động, loạn động, ảnh hưởng chất lượng sống, tương tác xã hội. Biến chứng này thường khó tránh vì hầu hết người bệnh đều cần điều trị bằng levodopa trong một thời gian dài.
TS-BS Tài cho biết thêm, người bệnh parkinson khi biết mình bị bệnh mạn tính, tiến triển và không chữa khỏi hay có cảm giác lo lắng, sợ hãi, bi quan. Tuy nhiên, khi được theo dõi vào điều trị tốt, nhiều người vẫn có triệu chứng rất nhẹ và có thể tiếp tục làm công việc hiện tại trong nhiều năm.
Video đang HOT
Theo TS-BS Tài, có thể nhận biết sớm bệnh parkinson thông qua bốn triệu chứng chính: run khi nghỉ, đơ cứng, cử động chậm, rối loạn dáng đi và mất ổn định tư thế. Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng như chữ viết khó khăn, nhỏ dần, giọng nói thay đổi, thường xuyên bị táo bón, chảy nước dãi, tiểu gấp, giảm ham muốn tình dục, mất ngủ…
Theo nghiên cứu mới nhất năm 2019 đăng trên tạp chí Lancet Neurology, trên thế giới có khoảng 6,1 triệu người mắc bệnh parkinson. Việt Nam hiện có khoảng 85.000 người mắc bệnh này. Tại BV ĐHYD TP.HCM, số liệu từ khoa thần kinh cho thấy số lượng người bệnh parkinson đến khám và điều trị có xung hướng tăng nhanh. Cụ thể là từ tháng 9-2018 đến nay có tới gần 2.700 trường hợp đang được theo dõi và điều trị trên tổng số 8.000 lượt người bệnh đến khám.
Nhằm cung cấp các thông tin về việc chăm sóc và điều trị, chế độ dinh dưỡng cho bệnh parkinson tại Việt Nam hiện nay, BV ĐHYD TP.HCM tổ chức “Chương trình sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh parkinson”. Chương trình diễn ra từ 8 giờ đến 11 giờ ngày 29-9 tại hội trường 3A, lầu 3 của BV. 100 người bệnh parkinson đăng ký sớm nhất qua số điện thoại 028 3952 5449 được tặng phiếu khám bệnh miễn phí tại phòng khám bệnh parkinson và rối loạn vận động.
HOÀNG LAN
Theo PLO
Căn bệnh khiến người phụ nữ đi chợ quên đường về nhà
Mỗi lần đi chợ, người phụ nữ ở Tiền Giang là mất cả nửa ngày mới về nhà. Nguyên nhân là đi chợ xong, lại quên đường về nhà và thường xuyên đi lạc sau khi ra khỏi nhà.
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, gần đây nhiều bệnh nhân có dấu hiệu sa sút trí tuệ để thăm khám và điều trị tại viện.
Gần đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho bà N.T.N, (84 tuổi, ngụ Tiền Giang) nhập viện vì cơ thể suy kiệt. Bà N. rất hay quên, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và thường không dám ra ngoài một mình vì sợ bị ám hại. Bệnh nhân ăn kém dần, không biết cách nhai thức ăn, không cảm giác đói dẫn đến tình trạng suy kiệt và phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ tiến hành điều trị kháng sinh đủ liều, tập các bài tập nhận thức, vận động tại bệnh viện.
Tương tự 1 trường hợp khác, một cụ bà 75 tuổi ở Tiền Giang mỗi lần đi chợ là mất cả nửa ngày mới về nhà. Nguyên nhân là đi chợ xong, lại quên đường về nhà và thường xuyên đi lạc sau khi ra khỏi nhà.
Hai bệnh nhân trên được đưa đến khoa Lão Khoa, BV Đại học Y dược TP.HCM thăm khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ khiến nhiều bệnh nhân ra khỏi nhà là quên mất đường về. Ảnh: Nam Phương
Theo bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể ,Trưởng Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, nguyên nhân gây sa sút trí tuệ (SSTT) bao gồm di truyền, ảnh hưởng từ các bệnh lý như bệnh alzheimer, đột quỵ não, parkinson... và lạm dụng thuốc trong thời gian dài, đặc biệt là nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm...
Bệnh thường xuất hiện ở đối tượng người cao tuổi nhưng thường hay bị bỏ sót, nếu có phát hiện thì thường là khi đã bước vào giai đoạn trung bình - nặng. Theo thống kê có 75 % bệnh diễn tiến âm thầm lâu mới phát hiện.
Sa sút trí tuệ có triệu chứng đa dạng ở từng giai đoạn, giai đoạn nhẹ thì suy giảm trí nhớ ngắn hạn và có một số biểu hiện như tính tình khó tính dễ nóng giận và kích động..
Ở giai đoạn trung bình, người bệnh bắt đầu biểu lộ những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân; mất khả năng tiếp thu những thông tin mới, bị rối loạn định hướng nặng về không gian và thời gian....
Ở giai đoạn nặng, người bệnh mất toàn bộ khả năng độc lập trong sinh hoạt thường ngày, hoàn toàn lệ thuộc vào người chăm sóc. Người bệnh mất trí nhớ, không còn nhận biết được người thân trong gia đình, mất khả năng đi lại. Các biến chứng của giai đoạn cuối là suy kiệt, thiếu dinh dưỡng, viêm phổi hít và loét do tỳ đè.
TS BS. Thân Hà Ngọc Thể khuyến cáo, tình trạng SSTT có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách. Đối với người cao tuổi, nên ăn uống cân bằng, đủ chất, tránh những thực phẩm chứa nhiều mỡ, đường và muối; tăng cường luyện tập thể thao, tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội; luôn sống vui vẻ, lạc quan; chơi các trò chơi trí tuệ cùng con cháu: chơi cờ, chơi game...
Bên cạnh đó, nên hạn chế các chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá... và điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, parkinson, phòng ngừa đột quỵ...
Theo thống kê ở Mỹ, có khoảng 5% người trên 65 tuổi mắc SSTT. Tỉ lệ mắc SSTT tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm. Sau 85 tuổi, tỉ lệ SSTT là 40-50%.
Tại Việt Nam, thống kê của Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức cho thấy, có khoảng 500.000 người cao tuổi mắc SSTT, chiếm khoảng 4,8-5%.
Phan Nhơn
Theo vietnamnet
Nỗi lo sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi Sa sút trí tuệ (SSTT) là một nhóm các rối loạn nhận thức đặc trưng bởi giảm trí nhớ, khó khăn trong việc diễn đạt ngôn ngữ, hoạt động, nhận diện đồ vật và rối loạn chức năng thực hiện, khả năng lập kế hoạch, tổ chức... Bệnh SSTT gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, tạo gánh...