Phát hiện ong bắp cày sát thủ ở bang Washington
Con ong bắp cày sát thủ còn sống được phát hiện ở vị trí cách hơn 3 km từ nơi tìm thấy tổ của chúng ở Washington, Mỹ năm ngoái. Các nhà khoa học đang đặt bẫy để tìm ra tổ mới.
Cơ quan Nông nghiệp bang Washington ( WSDA), Mỹ xác nhận báo cáo về con ong bắp cày châu Á khổng lồ còn sống đầu tiên được ghi nhận ở bang này trong năm nay, Guardian đưa tin.
Con ong được một cư dân quận Whatcom báo cáo hôm 11/8, cách nơi WSDA từng tiêu diệt tổ ong bắp cày châu Á đầu tiên ở Mỹ vào tháng 10/2020 khoảng hơn 3 km.
Hai tháng trước, các nhà khoa học tìm thấy một con ong chết do bị tấn công ở phía bắc Seattle, đánh dấu xác ong bắp cày sát thủ đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ trong năm nay.
WSDA cho biết họ sẽ đặt bẫy trong khu vực để cố gắng bắt sống con ong bắp cày châu Á nói trên, gắn định vị để tìm ra tổ của chúng.
“Loài ong bắp cày này thể hiện hành vi giống như chúng ta đã thấy vào năm ngoái. Nó tấn công các tổ ong bắp cày giấy”, Sven Spichiger, nhà côn trùng học, quản lý WSDA nói.
Video đang HOT
So sánh kích thước ong bắp cày châu Á khổng lồ và ong bắp cày giấy bản địa ở Mỹ. Ảnh: AFP.
“Nếu bạn nhìn thấy tổ ong bắp cày giấy ở khu vực mình sinh sống, hãy theo dõi chúng và báo cáo bất kỳ loại ong bắp cày châu Á khổng lồ nào mà bạn nhìn thấy. Bạn cũng cần lưu ý hướng mà chúng bay tới”, ông Spichiger nói thêm.
Ong bắp cày giấy nhỏ hơn nhiều so với loài ong bắp cày châu Á khổng lồ. Chúng làm tổ bằng cách thu thập các sợi từ gỗ chết và thân cây, sau đó trộn chung với nước bọt của chúng để xây tổ.
Kẻ thù của chúng là loài ong bắp cày châu Á khổng lồ, dài 5 cm, lần đầu tiên được nhìn thấy gần biên giới Mỹ – Canada vào tháng 12/2019.
Có nguồn gốc từ châu Á, ong bắp cày khổng lồ là mối đe dọa đối với ong mật và các loài ong bắp cày bản địa. Nếu không được kiểm soát, ong bắp cày châu Á có thể tiêu diệt tổ ong mật chỉ trong vài giờ, bằng cách ăn ấu trùng và cắn đứt đầu những con ong trưởng thành.
Dù không đặc biệt hung dữ với con người, nhưng vết đốt của chúng rất đau đớn, có thể dẫn đến suy thận, thậm chí tử vong.
Phát hiện con ong bắp cày 'sát thủ' đầu tiên trong năm ở Mỹ
Xác con ong bắp cày khổng lồ đầu tiên được phát hiện trong năm 2021 tại Mỹ, do một người dân bang Washington tìm thấy ở gần Seattle vào đầu tháng 6.
Được tìm thấy ở Marysville, con ong bắp cày có biệt danh "sát thủ" đã chết khô. Sự xuất hiện này được cho là sớm hơn bình thường, theo CNN. Vì vậy nó có thể là "một con ong bắp cày già từ mùa trước và tới bây giờ mới được phát hiện", Sven Spichiger, nhà quản lý côn trùng học của cơ quan Nông nghiệp bang Washington, cho biết tại cuộc họp báo.
Một con ong bắp cày khổng lồ châu Á ở Washington. Ảnh: AP.
Ong bắp cày khổng lồ - loài côn trùng xâm lấn, tấn công và phá hủy các tổ ong khác để lấy protein - được phát hiện lần đầu tại Mỹ vào năm 2019. Chúng chỉ tấn công người hoặc vật nuôi khi bị đe dọa, ngòi của chúng dài hơn và độc hơn ong mật nên có thể để lại sẹo.
Màu sắc của con ong đã chết mới được phát hiện khác với những con ong bắp cày trước đây từng thấy ở Washington. Điều đó cho thấy nó có thể không liên quan đến những cá thể khác đã được xác định trong những năm qua.
"Tôi muốn làm rõ rằng một mẫu vật chết đơn lẻ không thuộc một quần thể cụ thể và vì từ đó, chúng tôi sẽ thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bổ sung và đặt bẫy trong khu vực. Tại thời điểm này, cũng không có đủ bằng chứng để chứng minh rằng có một quần thể ong bắp cày tồn tại ở hạt Snohomish", ông Spichiger nói.
Quan chức này tin rằng con ong bắp cày đã chết ở một khu vực được bảo vệ và có thể đã rơi ra ở bãi cỏ đó.
Cơ quan Giao thông Vận tải bang Washington thông báo họ sẽ đặt 1.200 cái bẫy ong bắp cày khổng lồ trên khắp tiểu bang.
Website của Cơ quan Nông nghiệp cho biết: "Nếu phát triển rộng rãi, loại ong bắp cày sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường, nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng của bang Washington".
Một nhân viên của cơ quan Nông nghiệp Washington trong chiến dịch tiêu diệt tổ ong bắp cày khổng lồ châu Á vào tháng 10/2020. Ảnh: AP.
Vào năm 2020, giới chức trách đã xử lý thành công một tổ ong bắp cày khổng lồ ở Washington. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng vẫn còn nhiều tổ ong khác.
"Ong bắp cày sát thủ" trở thành chủ đề gây chú ý ở Mỹ vào năm 2020 vì những cảnh báo nguy cơ loài này có thể triệt hạ ong mật địa phương. Nhiều người Mỹ đã đưa chúng vào danh sách những điều tồi tệ xảy ra trong năm, cùng với đại dịch Covid-19.
Cuộc sống vất vả của ong bắp cày chúa Ong bắp cày chúa không có cuộc sống nhàn hạ. Sau khi sống sót qua mùa đông, chúng phải tự mình tìm nơi thích hợp để gây dựng thuộc địa mới.