Phát hiện nhiều vỏ điệp trong hố khai quật 3 bộ xương người Việt cổ
Trong hố khai quật 3 bộ xương người Việt cổ niên đại khoảng 5.000 năm, các nhà khảo cổ phát hiện một lượng rất lớn vỏ điệp. Phát hiện này đặt ra giả thuyết, cư dân cổ sử dụng điệp, sò biển làm thức ăn chính?
Trong hố khai quật phát hiện 3 bộ xương người có niên đại khoảng 5.000 năm tuổi mà các chuyên gia đến từ Trường Đại học Quốc gia Úc, Đại học QG Hà Nội, Bảo tàng Hà Tĩnh tại Rú Điệp, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đang thực hiện, bên cạnh nhiều hiện vật bằng đồ gốm, xương cá được phát hiện, là lớp trầm tích bằng vỏ điệp dày lên tới hàng mét. Vỏ điệp ở đây dày, lớp chồng lớp và gần như còn nguyên vẹn.
Lớp trầm tích dày hàng mét bằng vỏ điệp tại hố khai quật.
Theo một chuyên gia khảo cổ học trong đoàn khai quật, lớp vỏ điệp rất dày này được tích tụ qua rất nhiều đời cư dân tộc người cổ cư trú tại đây. Họ khai thác điệp từ biển, đưa về Rú Điệp sử dụng, ăn xong thì vứt vỏ tại chỗ. Số lượng vỏ điệp lớn cũng chứng tỏ hoạt động săn bắt, khai thác thức ăn tự nhiên của tộc người sinh sống tại đây đã rất phát triển và có tổ chức. Vị trí Rú Điệp được phát hiện cũng chứng tỏ hàng ngàn năm trước, tộc người này phải di chuyển đến vài chục cây số xuống biển để khai thác sò, điệp.
Theo các nhà khảo cổ học, để đưa được lượng điệp lớn như thế này về sử dụng, cư dân bản địa cổ phải rất có tổ chức trong quá trình đi biển
Những cứ liệu tại đợt khai quật đã đặt ra giả thuyết, phải chăng cư dân Việt cổ tương đương 3 bộ xương người vừa phát hiện lấy điệp, sò làm thức ăn chính và đây chính là món ăn khoái khẩu hàng ngày? Bộ xương phát hiện nằm lẫn trong lớp vỏ điệp dày đặc có thể là do sự trùng hợp ngẫu nhiên, người đời sau chôn lên khu đất vốn là nơi cư trú của một tộc người trước đó? Hay việc chôn người chết tại nơi cư trú là một tập tục văn hóa?
Hầu hết vỏ điệp ở di chỉ Rú Điệp, xã Thạch Đài còn rất nguyên vẹn
Video đang HOT
Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn, những vấn đề này sẽ được các nhà khảo cổ học giải đáp trong cuộc họp công bố bước đầu kết quả khai quật 2 di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc, xã Thạch Lạc và Rú Điệp, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà trong thời gian sắp tới.
Văn Dũng – Tiến Hiệp
Theo Dantri
Cận cảnh khai quật 3 bộ xương người Việt cổ 5.000 năm tuổi
Các chuyên gia khảo cổ Úc và Việt Nam đang mở rộng hố khai quật tại di chỉ khảo cổ Rú Điệp, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà để đưa 3 bộ xương người Việt cổ được nhận định có niên đại vào khoảng 5.000 năm lên khỏi mặt đất.
Như Dân trí đã thông tin, các chuyên gia khảo cổ đến từ Trường Đại học Quốc gia Úc, Đại học QG Hà Nội, Bảo tàng Hà Tĩnh vừa có một phát hiện hết sức quan trọng và ý nghĩa trong đợt khai quật di chỉ khảo cổ Rú Điệp, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh kéo dài từ ngày 20/3 đến ngày 20/5/2015.
Rú Điệp, nơi các chuyên gia khảo cổ đến từ Trường Đại học Quốc gia Úc, Đại học QG Hà Nội, Bảo tàng Hà Tĩnh tiến hành đợt khai quật
Các chuyên gia đã đào một hố rộng 4m2.
Khi bóc các lớp trầm tích chủ yếu là vỏ điệp ở độ sâu 1,8m các chuyên gia đã bất ngờ phát hiện những mẫu xương.
Ban đầu các chuyên gia nghi ngờ đó là xương thú
Tuy nhiên, cẩn thận tẩy các lớp đất đá, vỏ điệp, các chuyên gia khảo cổ đến từ Trường Đại học Quốc gia Úc, Đại học QG Hà Nội, Bảo tàng Hà Tĩnh đã hết sức sửng sốt khi phát hiện đó là xương người Việt cổ.
Bộ xương người dần phát lộ. Được bảo quản trong lớp trầm tích dày nên hộp sọ, răng, xương tay, chân, xương sườn của cả 3 bộ xương người này còn khá nguyên vẹn. Đáng chú ý cả 3 bộ xương nằm sát nhau, đầu đều hướng về phía Đông tây.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn dẫn lời Tiến sỹ Philip Paper, chuyên gia chịu trách nhiệm về chuyên môn khai quật di chỉ Rú Điệp cho hay, chắc chắn niên đại của 3 bộ xương người này có trước người Việt cổ ở di chỉ Thạch Lạc (cùng huyện Thạch Hà) vốn đã đo được là 4.400 năm.
Một trong 3 bộ xương người Việt cổ nhìn từ miệng hố khai quật.
Do hố khai quật quá chật hẹp, nên hiện các chuyên gia khảo cổ đang mở rộng hố khai quật lên gần gấp đôi. Việc bảo vệ nguyên vẹn 3 bộ xương người Việt cổ này được đặt ra rất nghiêm ngặt. Các chuyên gia đã cẩn thận chèn các tấm ván kiên cố lên các bộ xương tránh tác động gây hư hỏng trong quá trình mở rộng hố khai quật.
Các thông số trong hố khai quật phát hiện 3 bộ xương người đều được Tiến sỹ Philip Paper cùng các cộng sự Việt Nam đánh dấu, chụp ảnh, ghi chép cẩn thận.
Ngoài ra, đoàn khai quật cũng đã tiến hành lập rào chắn, có ý kiến với chính quyền địa phương không cho người dân tiến gần hố khai quật nhằm bảo đảm an toàn cho việc khai quật.
Theo Giám đốc bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn phải mất ít nhất hai tuần lễ nữa các chuyên gia khảo cổ học mới đưa được 3 bộ xương người Việt cổ này lên mặt đất. Ngay sau khi hoàn tất khai quật, các chuyên gia sẽ lấy các mẫu xương để tiến hành đo các bon phóng xạ cũng như một loạt các biện pháp chuyên môn khác nhằm xác định tuyệt đối niên đại, giới tính, độ tuổi và thậm chí là cả nguyên nhân dẫn tới cái chết của từng chủ thể bộ xương. Cũng theo ông Sơn, các nhà khảo cổ cũng như Bảo tàng Hà Tĩnh đang lên kế hoạch sớm công bố phát hiện rất quan trọng này.
Văn Dũng - Tiến Hiệp
Theo Dantri
Ngôi nhà được đắp gần 1 vạn cổ vật gốm và 230kg tiền xu Những bức tường của 3 gian nhà cấp bôn được "lão nông chân đất" kỳ công đắp trong gần 20 năm với gần 1 vạn cổ vật bằng gốm và 230kg tiền xu. Lão nông thích "chơi ngông" Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963 ở thôn Sơn Kiệu, xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), nổi tiếng khắp vùng bởi thú dùng đồ...