Phát hiện nhiều tài xế dương tính SARS-CoV-2, tổ chức chở người trái phép
Qua xét nghiệm tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều lái xe dương tính với SARS-CoV-2, nhiều trưởng hợp lợi dụng được cấp giấy thông hành để tổ chức chở người trái phép…
Tình hình trên được nêu rõ tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác vận tải giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, chiều nay, 2/8.
Dịch Covid-19 lây lan từ lái xe vận tải
Báo cáo của nhiều địa phương cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là khả năng lây nhiễm rất cao của chủng Delta, để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, nhiều địa phương khi tiến hành kiểm tra đã phát hiện ra nhiều trường hợp lái xe không có giấy xét nghiệm y tế, giấy xét nghiệm hết hạn, đi không đúng lộ trình cho phép, người điều khiển phương tiện không đúng với danh sách lái xe đã được đăng ký.
Cá biệt, qua xét nghiệm tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp lái xe dương tính với SARS-CoV-2. Nhiều lái xe lợi dụng được cấp giấy thông hành tổ chức chở người trái phép như các trường hợp tại Hải Phòng, Sóc Trăng. Các trường hợp lây nhiễm Covid-19 tại Bình Thuận phần lớn là do nguồn lây từ đội ngũ lái xe vận tải.
Dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng trước tình trạng xuất hiện nhiều trường hợp lái xe vi phạm bị phát hiện, các địa phương hết sức quan ngại về tính tự giác và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, chủ phương tiện và lái xe về việc chấp hành các quy định phòng chống dịch.
Test nhanh tại chốt kiểm soát, nhiều tài xế lái xe vận tải dương tính với SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa: An Nhiên).
Ông Vũ Duy Tùng – Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng nhấn mạnh: “Đừng để con sâu làm rầu nồi canh, số ít vi phạm gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và hoạt động vận tải chung của địa phương và cả nước; làm tăng áp lực công tác kiểm soát, phát hiện, xử lý, xét nghiệm tại các chốt kiểm soát dịch bệnh… từ đó gây ra nguy cơ ách tắc giao thông. Tuy nhiên, nếu không tăng cường kiểm soát thì nguy cơ lây lan dịch bệnh từ hoạt động vận tải là rất cao”.
Theo ông Tùng, hiện Thành ủy Hải Phòng đã có chỉ đạo để tổ chức các bãi tập kết hàng hóa, cũng như yêu cầu doanh nghiệp tổ chức quản lý tập trung đội ngũ lái xe, không để lái xe di chuyển, tiếp xúc rộng. Nếu doanh nghiệp không bố trí được thì UBND các quận, huyện nghiên cứu sắp xếp, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả.
Đồng quan điểm, đại diện tỉnh Đồng Tháp, Bình Thuận cũng chung nhận xét “nguồn lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng xuất phát từ các lái xe”.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng các tỉnh, thành phố cần công khai thông tin về các trường hợp vi phạm, đồng thời phải xử lý nghiêm theo quy định. Bởi, trách nhiệm quản lý phương tiện và lái xe của doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt với các doanh nghiệp có phương tiện và lái xe đi và đến từ vùng dịch. Phải có quy định giao trách nhiệm cụ thể, trực tiếp đối với các doanh nghiệp vận tải. Các lực lượng chức năng chỉ tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam dẫn chứng một trường hợp lái xe gây tai nạn tại chốt kiểm soát địa bàn Bình Thuận đêm 31/7 và đề nghị Sở GTVT thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm doanh nghiệp để lái xe điều khiển phương tiện khi giấy xét nghiệm hết hiệu lực.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tính thời điểm này, với sự vào cuộc trách nhiệm của các Sở GTVT, giao thông cả nước đã cơ bản đảm bảo thông suốt, các giải pháp đã được điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, cần phải nâng cao hơn nữa tính chủ động trong vấn đề tham mưu giải pháp để tổ chức giao thông đảm bảo thông suốt, không để bị động dẫn đến ùn tắc.
Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Giám đốc Sở GTVT các tỉnh, thành phố phải kịp thời nắm bắt các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và các quan điểm, biện pháp phòng chống dịch của địa phương để tham mưu phương án tổ chức giao thông, phân luồng giao thông phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch, đặc biệt là tại các khu vực giáp ranh giữa khu vực/tỉnh áp dụng chỉ thị 16 và khu vực/tỉnh áp dụng nguyên tắc chống dịch thấp hơn.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ kéo dài, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khuyến cáo các Sở GTVT căn cứ trên nguyên tắc và hướng dẫn của Bộ để chủ động xây dựng các kịch bản và phương án khác nhau, không cứng nhắc, dập khuôn, xây dựng phương án phải phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương mình.
Lãnh đạo Bộ GTVT dẫn chứng trường hợp của TP Hải Phòng và lưu ý về vấn đề tổ chức giao thông phải phân luồng từ xa, nghiên cứu lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa điểm phù hợp, tổ chức nhiều điểm kiểm tra tại một chốt. Bố trí bãi tập kết hàng hóa, quản lý lái xe tập trung là những giải pháp phù hợp, tối ưu trong phòng chống dịch nhưng tùy tình hình, điều kiện thực tế, các địa phương phải chủ động, tính toán để triển khai đảm bảo hiệu quả.
Quán triệt trách nhiệm của các doanh nghiệp, chủ phương tiện, ông Thọ nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp phải thực sự có trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này. Việc tổ chức quản lý đội ngũ lái xe phải là của doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện. Cơ quan chủ quản phải tuyệt đối chấp hành các quy định về y tế đối với lái xe, người phục vụ theo xe khi tham gia giao thông. Yêu cầu các lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu Cục Y tế – Bộ GTVT phải chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn để tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho đội ngũ lái xe và đề nghị các địa phương cần thực sự quan tâm, ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ lái xe của địa phương mình.
Bộ Y tế ra quy định mới, không phải tiếp xúc F0 là thành F1
Trong tình hình mới, các quy định phân loại F0, F1 của Bộ Y tế khoanh chặt hơn so với trước đây.
Bộ Y tế vừa ban Hành hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19 để áp dụng tại các cơ sở y tế dự phòng và khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Trong đó, hướng dẫn quy định rõ các khái niệm F0, F1, F2.
Trước đây, quy định phân loại F0, F1 được Bộ Y tế nêu trong phác đồ điều trị, tuy nhiên trong hướng dẫn mới nhất ngày 30/7, Bộ Y tế phân rõ hơn, khoanh chặt hơn các điều kiện. Cụ thể:
- Ca bệnh nghi ngờ
Là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau đây: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác. Trường hợp thứ 2 là người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với virus SARS-CoV-2 qua test nhanh.
Trong khi tại phác đồ chẩn đoán và điều trị lần 6 của Bộ Y tế cập nhật vào ngày 14/7 vừa qua, khái niệm ca bệnh nghi ngờ mở rộng hơn. Trong đó quy định người bệnh chỉ cần có sốt kèm (hoặc) viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được nguyên nhân. Hoặc các trường hợp có bất kỳ một triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ, ổ dịch. Người tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ hoặc F0 đã được xác định mắc Covid-19 trong 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
Người dân sống trong khu vực phong tỏa do liên quan ca F0 tại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giám.
- Ca bệnh F0 xác định
Là trường hợp có kết quả xét nghiệm rRT-PCR dương tính tại các cơ sở xét nghiệm khẳng định đã được Bộ Y tế cấp phép. Trước đây, trong phác đồ cập nhật lần 5 ban hành ngày 26/4, Bộ Y tế từng quy định F0 bao gồm cả trường hợp nghi ngờ và trường hợp có xét nghiệm rRT-PCR dương tính. Tuy nhiên, phác đồ lần 6 đã bỏ nội dung đầu.
- Trường hợp F1
Là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 m hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí... hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0. Trường hợp F1 được phân thành 2 cấp bậc gồm:
Nếu tiếp xúc với F0 có triệu chứng: Một người chỉ trở thành F1 khi tiếp xúc trong vòng 3 ngày trước khi F0 khởi phát triệu chứng cho đến khi được cách ly y tế. Tiếp xúc trước đó trên 4 ngày đều không được tính. Thời điểm F0 khởi phát bệnh được tính là ngày bắt đầu có triệu chứng bất thường về sức khoẻ theo các dấu hiệu phía trên.
Nếu tiếp xúc với F0 không triệu chứng, chia thành 2 trường hợp. Nếu F0 đã xác định được nguồn lây, một người chỉ trở thành F1 khi tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây đến khi được cách ly y tế.
Ví dụ: A. có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 và chuyển cách ly ngày 1/8. Qua truy vết, A. tiếp xúc với nguồn lây từ ngày 25/7. Một người được xác định là F1 của A. nếu tiếp xúc với A. trong các ngày từ 25/7-1/8.
F0 được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.
Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây: F1 là người tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.
Một số nhóm người tiếp xúc gần thường gặp gồm:
- Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng.
- Người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định.
- Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.
- Người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ, trên cùng một phương tiện giao thông...
- Trường hợp F2
Là người tiếp xúc gần trong vòng 2 m với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế.
Trong phác đồ lần 6, Bộ Y tế xác định F1 trên phạm vi rộng hơn, bao gồm tất cả người tiếp xúc gần tại các cơ sở y tế, bao gồm:
Trực tiếp chăm sóc người bệnh Covid-19
Làm việc cùng nhân viên y tế mắc Covid-19
Tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người bệnh mắc Covid-19.
Ngoài trường hợp tiếp xúc gần ca F0 xác định, F1 cũng được tính ngay cả khi tiếp gần dưới 2 m với trường hợp nghi nhiễm; sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ; làm việc cùng nhóm hoặc cùng phòng với ca bệnh nghi ngờ.
Theo đánh giá, những quy định mới của Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phân loại ca bệnh nghi ngờ, F1 trong bối cảnh hầu hết khu cách ly đều đang quá tải như hiện nay.
10 khuyến cáo cho F1, F0 thực hiện cách ly tại nhà. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo khi được xác định là người mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc gần, người dân phải có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và cộng đồng.
Thêm 3.000 F0 khỏi bệnh, TP.HCM có 28.320 ca Covid-19 xuất viện Trong ngày 29/7, TP.HCM có thêm 3.131 F0 xuất viện, nâng tổng số ca điều trị khỏi từ khi dịch bắt đầu lên 28.320 người. Sáng 30/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến hết ngày 29/7, TP có 82.548 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó có 82.244 trường hợp nhiễm trong cộng...