Phát hiện nhiều sai phạm tại mỏ đá đang “băm nát” ngọn Sư Tử
Không chỉ khai thác sai thiết kế, quy trình, mà nhiều động thái “khó tin” mới đây của cả chủ mỏ lẫn Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh đang khiến người dân trên địa bàn lẫn các nhà nghiên cứu văn hóa lo rằng, không những không đóng được mỏ, mà ngọn Sử Tử linh thiêng sẽ còn nối dài thương tích.
Nhiều sai phạm
Trước khi vào cuộc tìm hiểu những vấn đề liên quan đến ngọn Sư Tử linh thiêng, một thắng cảnh đã đi vào thi ca kêu cứu, PV Dân trí đã nhận được rất nhiều phản ánh của giới chuyên môn về hàng loạt sai phạm trong quá trình “xẻ thịt” ngọn núi của chủ mỏ đá này. Các sai phạm mà giới chuyên môn cung cấp, bao gồm: sai quy trình khai thác, khai thác không đúng thiết kế, sai phạm về bảo vệ môi trường và bảo hộ lao động…
Chiều 8/6, PV Dân trí đã vào “vùng lõi” của đại công trường xẻ thịt ngọn Sư Tử để kiểm chứng những phản ánh nêu trên. Thực tế những gì đang xảy ra tại đây có thể khẳng định, những thông tin mà những người có trách nhiệm cung cấp là hoàn toàn chính xác. Câu hỏi đặt ra là cơ quan chức trách ở đâu khi mà sai phạm tại đây kéo dài suốt nhiều năm?
Sai phạm đầu tiên đó là quy trình khai thác không đảm bảo an toàn. Theo tài liệu mà PV Dân trí có được, trong hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác mỏ mà Tổng công ty hợp tác kinh tế QK 4 (TCT QK4) trình cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh, sau đó được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận cấp giấy phép số 1443QĐ/UB-CN ngày 10/7/2001, doanh nghiệp phải cắt tầng để khai thác nhằm tránh sạt trượt, bảo đảm an toàn mỏ.
Sai phạm trong quy trình khai thác, trong đó chủ mỏ không cắt tầng để khai thác khiến tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thế nhưng, quy trình khai thác này đã không được chủ mỏ nghiêm túc thực hiện, thay vào đó là kỹ thuật khai thác thô sơ, đầy hiểm nguy. Sau khi cho bóc phần lớp đất tầng phủ, chủ mỏ cho khoan lỗ và kích hoạt mìn ở bất cứ nơi đâu. Hậu quả là mặt bằng công trường còn nham nhở, có nguy cơ sạt lở, mất an toàn khi có mưa lớn. Sai phạm này của Tổng công ty hợp tác kinh tế QK 4 vừa được Liên đoàn Địa chất Việt Nam phát giác trong một cuộc thanh, kiểm tra mới đây.
Sau khi bị phát giác, chủ mỏ mới gấp rút sửa sai khi huy động máy móc bóc tách tầng phủ để thực hiện cắt tầng chuẩn bị cho công đoạn khai thác tiếp theo.
Tổng công ty hợp tác kinh tế QK 4 hiện đang cho bóc đất tầng phủ, cắt lớp mở rộng khai thác theo yêu cầu của đơn vị chức năng.
Sai phạm tiếp theo của chủ mỏ là khai thác sai thiết kế. Theo hồ sơ thiết kế, mỏ chỉ được cấp phép khai thác ở cốt bằng 0 (bằng mặt ruộng của người dân), thế nhưng hiện chủ mỏ đã cho đào múc cốt thấp hơn sơ đồ mỏ, đạt độ âm trên 3m, với diện tích hàng ngàn m2.
Sai phạm này của chủ đầu tư không chỉ khiến nhà nước thất thoát một lượng lớn tài nguyên, mà còn kéo theo hệ lụy trong tương lại đây sẽ là một hồ nước lớn gây nguy hiểm cho nhân dân.
Vị trí phóng viên Dân trí đứng hiện đã có độ âm so thiết kế trên 3m.
Video đang HOT
Các sai phạm khác của chủ mỏ là bảo họ lao động cho công nhân, phương án bảo vệ môi sinh môi trường quá sơ sài. Thời điểm chúng tôi có mặt nhiều công nhân đang làm việc dưới công trường đầy rẫy hiểm nguy gần như không được trang bị bảo hộ lao động.
Phương án bảo vệ môi trường quá hời hợt khiến chất thải bẩn từ mỏ đá tràn ra gây nhiễm bẩn mặt đất khiến nhiều ruộng đồng bị vùi lấp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất của người dân.
Một công nhân khoan, chẻ đá không được trang bị bảo hộ lao động.
Ngọn Sư Tử sẽ tiếp tục bị bức tử?
Trong khi một danh lam thắng cảnh đang bị xẻ thịt không thương tiếc, bị người dân phản đối, được nhiều đại biểu tại các kỳ họp HĐND huyện, tỉnh kiến nghị đóng cửa, thì một tài liệu mà PV Dân trí vừa tiếp cận được hẳn sẽ khiến dư luận giật mình. Dù còn thời hạn khai thác đến năm 2021, khối lượng chưa khái thác theo giấy phép số 1443QĐ/UB-CN ngày 10/7/2001 là trên 700.000m3, thế nhưng vào năm 2015, TCT QK4 lại có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin thăm dò, mở rộng thêm 1,86ha nằm sát cạnh mỏ đang khai thác.
Đề xuất của TCT HTKT QK4 nhanh chóng được UBND tỉnh chấp thuận, giao cho Sở TN-MT chủ trì triển khai. Đến tháng 4/2016 Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh Võ Tá Đinh có Công văn gửi UBND tỉnh kiến nghị xem xét chấp thuận cho Tổng công ty 4 được mở rộng rộng, không qua đấu giá diện tích 1,86ha (trữ lượng: đá xây dựng 1×2 623.000m3, đất san lấp 138.490m3) với giá xấp xỉ 4,1 tỷ đồng.
Nếu kiến nghị này của Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh được UBND tỉnh này chấp thuận, ngọn Sư Tử linh thiêng tiếp tục bị TCT QK4 “xẻ thịt”.
Tuy nhiên, sau gần một năm kể từ ngày Giám đốc sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh ký kiến nghị, đề xuất nói trên, UBND tỉnh này vẫn chưa đồng ý cấp phép cho TCT QK4 được quyền mở rộng, khai thác số diện tích xin mở rộng. Theo tìm hiểu, lí do khiến UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa chấp thuận cho công ty này được mở rộng khai thác là do vấp phải phản ứng của người dân và các nhà nghiên cứu văn hóa.
Hiện, cũng như chính quyền xã Xuân Hồng, nhiều cán bộ, nhà nghiên cứu văn hóa về núi Hồng hiện rất băn khoăn, lo lắng một khi đề xuất mở rộng thêm diện tích mỏ đá tại ngọn Sư Tử của TCT QK4 được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận.
Một lãnh đạo đã về hưu của ngành lâm nghiệp Hà Tĩnh lo lắng: “Theo tôi tốt nhất là tìm phương án đóng cửa mỏ, còn không là cho hoạt động đến hết phép đã cấp, chứ cho mở rộng ra là kéo dài sai lầm với một danh lam như thế. Tôi chỉ phân tích thế này, hoạt động của những mỏ đá như thế này đã góp phần phá hủy cảnh quan thiên nhiên hoang dã; giảm diện tích rừng, giảm sự tái sinh dẫn đến sự di cư, biến mất của các loài động vật hoang dã còn lại tại núi Hồng”.
Tiến sĩ Võ Hồng Hải, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL, hiện là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng bày tỏ sự băn khoăn trước đề xuất mở rộng quy mô, diện tích khai thác đá của TCT QK4 tại ngọn Sư Tử nói trên. “Ngọn Sư Tử nằm ở vị trí rất đắc địa, có độ “view” bất cứ ai đi qua cũng có thể nhìn thấy, việc chấp thuận cấp phép mỏ tại vị trí như thế đã là không nên.
Về mặt phong thủy, ngẫm những câu thở cổ: “Hồng Lĩnh sơn cao/Song Ngư hải khoát/Nhược ngộ minh thời/Nhân tài tú phát (Hồng Lĩnh chon von/Song Ngư bát ngát/Gặp được thời minh/Nhân tài đua phát), hẳn Núi Hồng còn nguyên giá trị khi bàn về di sản văn hóa của xử sở Hồng Lam. Vì thế chúng ta cần phải ứng xử hài hòa giữa lợi ích kinh tế và văn hóa, chỉ vì phát triển kinh tế mà đánh mất những thứ đã là hồn cốt của một vùng đất, một miền quê là không nên một chút nào” – ông Võ Hồng Hải nói.
Dân trí sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin về vụ việc này.
Văn Dũng – Tiến Hiệp
Theo Dantri
Xót xa ngọn núi Sư Tử linh thiêng bị bức tử không thương tiếc
Trong số 99 đỉnh núi ở dãy Hồng Lĩnh từng được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam khi xưa, ngọn Sư Tử (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được xem là một công trình thiên nhiên hết sức linh thiêng. Thế nhưng, thật xót xa, ngọn núi này đã và đang bị băm nát không thương tiếc!
Băm nát ngọn núi thiêng
Trong nhiều cuốn dư địa chí, nhiều câu chuyện truyền miệng dân gian đều viết, đều nhắc đến ngọn Sư Tử (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh ), ngọn núi linh thiêng trong số 99 đỉnh núi Hồng từng được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam khi xưa và được coi là biểu tượng thiên nhiên của Việt Nam từ đời Minh Mệnh thứ 17.
Ngọn Sư Tử nhìn từ hướng quốc lộ 1A đã bị khoét nát một phần. Ảnh: Tiến Hiệp.
Trong cuốn "An - Tĩnh cổ lục", tác giả Hipplolyte Le Breton (người Pháp) đã nhắc đến ngọn núi này một cách đầy linh thiêng: "Ngọn Sư Tử là một ngọn núi có hình dáng con sư tử trong thần thoại Hán Việt(?). Đặc biệt ai cũng biết đến ngọn núi này vì đó là một công trình của thiên nhiên, là chiếc cầu mà các nàng tiên tắm ở đó" Và ngay tại ngọn núi này hiện còn có một am thờ thần bí được người dân địa phương lưu giữ thờ cúng từ xa xưa.
Quả thật, đứng từ bên kia bờ của dòng Lam phóng mắt nhìn về dãy núi Hồng Lĩnh, người quan sát sẽ hình dung rõ một phần của rặng núi kỳ thú này như đầu con sư tử, hay kéo dài ra là một con rồng uốn lượn, mõm đầu chầu, hướng về TP Vinh, tỉnh Nghệ An, nơi mà vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752-1792) cho xây dựng kinh thành Trung Đô hơn 300 năm trước.
Hình ảnh ngọn núi bị bóc nham nhở. Ảnh: Tiến Hiệp.
Buồn thay, ngọn núi linh thiêng, tuyệt tác thiên nhiên này đã, đang bị băm nát không thương tiếc do tình trạng khai thác đá ồ ạt tại đây. Nhìn từ quốc lộ 1A, đầu của "con sư tử" này đã bị khoét sâu, loang lổ và hoàn toàn biến dạng. Tiến sâu vào bên trong ngọn núi có thể thấy nơi đây đang được bóc phong hóa để mở rộng công trường khai thác đá.
Một số người dân địa phương hết sức đau xót khi núi Sư Tử bị "thương tích", biến dạng. "Dẫu có bồi hoàn đi chăng nữa thì nó không bao giờ trở lại được hình ảnh ngọn núi Sư Tử uy nghi, linh thiêng thuở nào. Thật xót xa!" - anh Cảnh, một người dân trú tại xóm 3, xã Xuân Hồng buồn bã nói.
Một phần đầu của núi sư tử chưa bị khai thác, là do nơi đây còn một am thờ lâu đời được người dân bảo vệ, thờ cúng.
Một phần đầu của núi Sư Tử chưa bị khai thác là do nơi đây còn một am thờ lâu đời của người dân. "Nếu không có am thờ này thì họ đã khoét sâu, ủi bay mất rồi. Người dân chúng tôi xót xa lắm!"- một cụ ông ở xã Xuân Hồng bất bình.
Hiện tình trạng khai thác đá vật liệu xây dựng tại đây vẫn đang tiếp diễn với quy mô rất lớn. Máy móc, xe cộ ra vào "xẻ thịt" ngọn núi này hết sức rầm rộ. Trên đỉnh "đầu sư tử", nhiều máy xúc cỡ lớn vẫn đang bạt núi, bóc phong hóa mở rộng phạm vi khai thác; những tiếng nổ mìn quật đá chát chúa vẫn vang lên...
Vì sao vẫn chưa dừng bức tử ngọn Sư Tử?
Việc khai thác khoáng sản tại ngọn Sư Tử khiến những người làm văn hóa, bảo tồn di tích thắng cảnh hết sức xót xa.
"Ngọn Sư Tử từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng của nền văn hóa Hồng Lam, rất linh thiêng, được các nhà nghiên cứu văn hóa hết sức đề cao. Mất đi ngọn Sư Tử đã thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng cả quần thể 99 đỉnh núi Hồng Lĩnh vốn đã đi vào thi ca của dân tộc"- ông Nguyễn Tùng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Tĩnh nhận định.
Ông Lĩnh nói thêm, thực tế UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quy hoạch về khai mỏ tại địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đã có nhiều đề nghị đóng cửa mỏ, hoàn thổ trả lại phần nào mĩ quan cho ngọn núi thiêng. Tuy nhiên, không hiểu sao ngành Tài nguyên - Môi trường không xem xét, đề xuất đóng cửa mỏ, dừng mọi hoạt động khai thác đá tại đây để cứu ngọn Sư Tử?
Hiện tình trạng khai thác đá vật liệu xây dựng tại đây vẫn đang tiếp diễn với quy mô rất lớn.
Ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi một ngọn núi đẹp, mang ý nghĩa lịch sử như vậy lại đang bị khai thác quá mức, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. "Nếu không dừng lại thì mãi mãi chúng ta sẽ mất đi tuyệt tác này, và ngọn Sư Tử linh thiêng chỉ còn lại trong tiềm thức", ông Hùng băn khoăn.
Trao đổi với PV Dân trí vào chiều ngày 5/6, một cán bộ chuyên trách về lĩnh vực khoáng sản tại Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh xác nhận, đã có nhiều đề xuất từ cơ sở và ngành văn hóa trong việc đóng cửa mỏ đá tại ngọn Sư Tử, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Tuy nhiên, theo vị cán bộ này, việc đóng cửa mỏ tại ngọn núi này không dễ khi vướng giấy phép cấp mỏ.
"Đơn vị được tỉnh Hà Tĩnh cấp quyền khai thác đá tại núi Đầu Rồng là Tổng công ty hợp tác kinh tế QK4. Mỏ được cấp phép từ năm 2001, diện tích cấp phép 5ha, thời hạn khai thác kéo dài đến năm 2021. Việc rút giấy phép, đóng cửa mỏ để bào tồn văn hóa là rất khó khăn, chủ yếu là do vướng đến chuyện đền bù cho doanh nghiệp" - vị này cho biết.
Việc ngăn chặn ngọn núi linh thiêng bị bức tử gặp khó do tỉnh đã "lỡ" cấp phép cho doanh nghiệp? Ảnh: Tiến Hiệp.
Khi được đề cập đến vấn đề, vì sao là một danh thắng có bề dày lịch sử, văn hóa, hiện diện ngay những vị trí gây mất mỹ quan mà ngành Tài nguyên - Môi trường vẫn tham mưu cho tỉnh cấp phép khai thác mỏ tại ngọn Sư Tử, vị cán bộ này trả lời: Đó là vấn đề lịch sử để lại, của đội ngũ cán bộ đi trước.
Theo P.V (Dân trí)
Đề xuất hỗ trợ cán bộ phục vụ việc bồi thường sự cố Formosa UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quy định rõ mức hỗ trợ cho các đối tượng là cán bộ cơ sở phục vụ bồi thường thiệt hại cũng như đảm bảo công tác an ninh trật tự (ANTT) sự cố môi trường biển năm 2016 để tỉnh có hướng chi trả cho các đối...