Phát hiện nhiều sai phạm, Bộ Nội vụ đề nghị rà soát chức danh lãnh đạo
Bộ Nội vụ đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý rà soát về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh lãnh đạo, quản lý từ tháng 6/2012 đến nay.
Bộ Nội vụ vừa có báo cáo gửi Quốc hội và Đại biểu Quốc hội về việc triển khai một số nghị quyết của QH liên quan đến hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn phục vụ kỳ họp thứ 7.
Hàng nghìn công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, thực hiện chủ trương thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý ở Trung ương (đến cấp vụ trưởng) và ở địa phương (đến cấp giám đốc sở) và tương đương tại Kết luận số 37-KL/TW Hội nghị Trung ương 9 khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, có 14 cơ quan Trung ương và 22 địa phương thực hiện thí điểm tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, sở, phòng.
Bộ Nội vụ cho biết qua tổng hợp từ các Bộ ngành, địa phương, chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. (Ảnh MH: T.An)
Đến nay, Bộ Nội vụ đã nhận được báo cáo việc thực hiện thí điểm của 14 cơ quan Trung ương và 15 địa phương. Qua tổng hợp báo cáo của 14 cơ quan Trung ương, có 9 cơ quan đã tổ chức thi tuyển với 30 vị trí; 13/15 địa phương đã tổ chức thí điểm thi tuyển với 109 vị trí.
Nhiều nhất ở khối Trung ương phải kể đến là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ với 6 vị trí thi tuyển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tòa án Nhân dân tối cao đều có 4 vị trí được thi tuyển, các Bộ Tư pháp, Tài chính 3 vị trí.
Trong khối các địa phương, thành phố Đà Nẵng đi đầu với 22 vị trí, tiếp đến là Sơn La 10 vị trí, Quảng Ninh 9 vị trí, Ninh Bình và Hải Phòng 7 vị trí, Lào Cai 5 vị trí…
Tính đến ngày 22/4, Bộ Nội vụ đã nhận và tổng hợp số liệu báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 19/33 bộ, ngành ở Trung ương và 45/63 địa phương.
Video đang HOT
Kết quả cho thấy, 76.695/284.668 công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 26,94%; số công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ là 197.377/284.668 người, chiếm tỷ lệ 69,34%; số hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: 6.732/284.668 người (2,36%); có 1.690 người không hoàn thành nhiệm vụ (0,59%).
Đối với viên chức, tổng số 1.104.393 người thì có 300.866 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (27,24%); hoàn thành tốt nhiệm vụ: 740.792 (67,08%); hoàn thành nhiệm vụ: 70.042 (6,34%); không hoàn thành nhiệm vụ: 4.244 (0,38%).
Đề nghị rà soát việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo
Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2018 đến nay, Thanh tra Bộ đã chủ trì triển khai 19 cuộc thanh tra theo kế hoạch về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó…
Bộ còn tiến hành 3 cuộc kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí về một số việc tiêu cực xảy ra tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng; kiểm tra, rà soát lại việc xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu.
Bộ Nội vụ đề nghị các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh chỉ đạo các cơ quan rà soát về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh lãnh đạo từ tháng 6/2012 đến nay. (Ảnh MH: T.An)
Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện nhiều thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tổ chức, cán bộ của các bộ ngành, địa phương.
Cụ thể như việc giao và sử dụng biên chế hành chính hàng năm vượt quá chỉ tiêu được giao; thông báo tuyển dụng không được công khai, nội dung thông báo chưa đầy đủ, thời gian nhận hồ sơ dự tuyển ở một số kỳ thi không đúng quy định; tuyển dụng theo chính sách thu hút không đúng quy định; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn…
Ngoài ra, Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng tiến hành kiểm tra công vụ tại một số bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện văn hóa công vụ; việc quản lý, sử dụng biên chế công chức, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp bộ máy; việc chấp hành các quy định về tuyển dụng công chức, viên chức và bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo từ tháng 6/2012 đến nay…
Qua đó, Bộ Nội vụ đã có công văn đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, thuộc Thủ tướng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý rà soát về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh lãnh đạo, quản lý từ tháng 6/2012 đến nay.
Về việc này, Bộ tổng hợp, báo cáo và đề xuất xử lý đối với các trường hợp không đúng, không phù hợp, có sai phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm.
Đồng thời, đã kiến nghị người đứng đầu các cơ quan này thực hiện một số các giải pháp, biện pháp để khắc phục các tồn tại, thiếu sót nhằm đảm bảo công tác tổ chức cán bộ được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trong đó, có việc thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm ngay đối với các trường hợp thực hiện không đúng quy định; miễn nhiệm, không bổ nhiệm lại một số công chức giữ chức vụ lãnh đạo không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn; sắp xếp số lượng cấp phó phù hợp…
Theo Danviet
Tuyển dụng cán bộ công chức ở Gia Lai: Ưu ái con cháu lãnh đạo tỉnh
Tuyển dụng không đúng quy định, đến khi Thanh tra Bộ Nội vụ phát hiện, yêu cầu khắc phục thì tỉnh Gia Lai lại có sự ưu ái với một số trường hợp là "con ông cháu cha". Sự việc gây bức xúc cho nhiều người...
Sau khi làm việc tại Gia Lai, Bộ Nội vụ đã ra Thông báo Kết luận thanh tra số 531/TB-TTBNV, về việc quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức; bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó; đào tạo, bồi dưỡng công chức và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong trong các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Gia Lai. Thông báo nêu rõ: Tỉnh Gia Lai đã có nhiều sai phạm, đặc biệt là sai phạm trong việc tuyển dụng công chức.
Sở Nội vụ Gia Lai (Ảnh: Báo Gia Lai)
Theo đó, trong 13 trường hợp, chủ yếu là các đối tượng thuộc diện con cháu của một số lãnh đạo ở Gia Lai - được đặc cách tuyển dụng sai, tỉnh Gia Lai đã đề nghị cho sát hạch lại. Trong khi đó, một số trường hợp khác với lỗi nhẹ hơn là "chưa đủ điều kiện" khi tuyển dụng thì bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng.
Cụ thể, có 6 trường hợp được tuyển dụng không xin ý kiến Bộ Nội vụ trước khi tuyển dụng, 3 trường hợp được tiếp nhận không qua thi chưa đủ 5 năm có trình độ đại học, và 1 trường hợp tuyển dụng theo chế độ cử tuyển nhưng không thực hiện xét tuyển...
Điều đáng nói là có 13 trường hợp được đặc cách tuyển dụng, không qua thi tuyển theo chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh không đúng đối tượng theo quy định (không phải là thủ khoa tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học trong nước; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở ngước ngoài). Trong số này, có nhiều người là con, cháu lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Gia Lai như con của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, con của đương kim Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, người nhà của Bí thư huyện Đức Cơ, người nhà của đương kim Phó Giám đốc Sở KH-ĐT...
Chưa hết, việc tuyển dụng ở Gia Lai đã thể hiện nhiều hạn chế, thiếu sót trong việc quản lý biên chế công chức; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chậm, không xin ý kiến cơ quan chức năng; có 4/38 đơn vị sử dụng số lượng cấp phó vượt quá 7 người; 1 trường hợp được cử đi đào tạo sau đại học chưa đáp ứng đủ nhu cầu về thời gian công tác; tại thời điểm thanh tra, có 30/38 đơn vị hành chính ký 171 hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ...
Với một huyện vùng sâu, còn đầy rẫy khó khăn như huyện Krông Pa, nếu cứ khăng khăng cứng nhắc, không biết linh động trong công tác sắp xếp cán bộ thì sẽ không có được cán bộ thạo việc phục vụ trong bộ máy Nhà nước.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế được phát hiện qua thanh tra. Đối với những trường hợp tuyển dụng sai, phải rà soát những trường hợp đã được tuyển không qua thi; hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định về tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt và xem xét tuyển đối tượng cử tuyển...
Đáp lại, với lý do Gia Lai là tỉnh niềm núi, còn không ít khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong việc tuyển dụng người có trình độ cao... theo đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn xin ý kiến, và Bộ Nội vụ đồng ý cho thành lập Hội đồng kiểm tra về điều kiện, tiêu chuẩn, sát hạch trình độ năng lực và kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao đối với 13 trường hợp (nhiều người được xác định là con cháu lãnh đạo tại Gia Lai), được tiếp nhận theo chính sách thu hút của UBND tỉnh. Sau khi thành lập Hội đồng và tiến hành tổ chức "sát hạch", cả 13 trường hợp trên đều vượt qua sát hạch và giữ nguyên vị trí đang công tác.
Việc làm trên của UBND tỉnh Gia Lai, vô tình khiến những người cũng nằm trong diện tuyển dụng sai nhưng lại bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng bức xúc, cho rằng đây là phân biệt đối xử, ưu ái cho nhiều con cháu lãnh đạo.
Trường hợp ông Nguyễn Anh Đức (Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Krông Pa) được xác định là thiếu thời gian công tác (thiếu 10 tháng làm công việc yêu cầu có trình độ đại học). Do vậy, ngày 21/9/2018, ông Đức bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng. Trước khi tuyển dụng chính thức, ông Đức đã có 6 năm làm hợp đồng công tác chuyên môn tại Văn phòng HĐND - UBND huyện Krông Pa. Theo ông Đức thì Thanh tra Bộ Nội vụ vẫn cho các trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn đi đào tạo, bổ sung bằng cấp. Ấy vậy mà trường hợp của ông thì lại bị hủy quyết định tuyển dụng.
"UBND tỉnh và Sở Nội vụ đã quyết định tuyển dụng tôi thì lỗi không phải do tôi mà do các đơn vị trên không xin ý kiến Bộ Nội vụ, không tổ chức sát hạch. Giờ "đẩy" tôi ra khỏi ngạch công chức là hoàn toàn không công bằng. Trong khi việc thiếu điều kiện (50/60 tháng công tác) là lỗi nhỏ, có thể khắc phục được thì bị hủy bỏ quyết định. Còn 13 trường hợp đặc cách tuyển dụng không đúng đối tượng là sai phạm nghiêm trọng thì lại được UBND tỉnh Gia Lai xin ý kiến cho sát hạch lại...", ông Đức bức xúc.
Về trường hợp của ông Nguyễn Anh Đức, ông Tô Văn Chánh - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nhận xét: Ông Đức là một đảng viên mẫu mực, một công chức mẫn cán. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao...
LAM GIANG
Theo nongnghiep
Đoàn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thăm làm việc tại Hà Lan Trong hai ngày 13, 14/5/2019, Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do ông Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm làm việc tại Hà Lan. Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với Bộ Nội vụ Hà Lan. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Hà Lan Trong...