Phát hiện nhiều mặt hàng thức ăn chăn nuôi giả từ Trung Quốc và Ấn Độ
Trong cuộc kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu gần đây, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã phát hiện một số mặt hàng nhập khẩu không đạt chất lượng và có dấu hiệu hàng giả.
Đoàn thanh tra Chi Cục Thú y kiểm tra đại lý thức ăn chăn nuôi tại Bắc Giang. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Cụ thể, cơ quan chức năng đã phát hiện các sản phẩm như Choline Chloride Cob 60% và Betaine Anhydrous 80% nhập về từ Trung Quốc nhưng không có các thành phần như quy định, hoặc chỉ đạt tối đa các thành phần là 6,2% và các sản phẩm axit amin xuất xứ từ Ấn Độ cũng không có các thành phần axit amin mà chủ yếu là tro, chiếm trên 90%.
Trước tình hình đó, Cục Chăn nuôi đã phối hợp làm việc với các doanh nghiệp và nhà cung cấp nước ngoài song hầu hết họ chỉ là trung gian nên thiếu trách nhiệm và năng lực khắc phục hậu quả. Cục Chăn nuôi đã có công văn gửi Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước có liên quan đề nghị hỗ trợ và có ý kiến với cơ quan chức năng của nước sở tại về trường hợp các doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, theo quy định của Việt Nam thì các mặt hàng này được quy về là hàng giả và Cục Chăn nuôi đã xử lý, buộc tiêu hủy hoặc tái xuất toàn bộ.
Video đang HOT
“Trong thực tế sản xuất, vẫn có thể tồn tại các loại sản phẩm này từ những nguồn gốc khác nhau,” Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương cho biết.
Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo và yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong nước khi nhập khẩu mặt hàng này, phải yêu cầu phía đối tác cung cấp đầy đủ các thông tin về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Mặt khác. các đơn vị cần đặc biệt chú ý đến các phương pháp thử nghiệm đi kèm với các chỉ tiêu chất lượng công bố nhằm tránh thiệt hại cho người sản xuất và ngành chăn nuôi trong nước.
Bên cạnh đó, với những sản phẩm tương tự hiện có, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần lấy mẫu gửi phân tích kiểm tra chất lượng tại các phòng thử nghiệm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ định. Nếu phát hiện chất lượng không đạt thì yêu cầu ngừng sử dụng ngay và báo cáo về Cục Chăn nuôi hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trên địa bàn để phối hợp xử lý./.
Theo Vietnam
Việt Nam sẽ có thực phẩm biến đổi gene
Bộ NN&PTNT đang soạn thảo Thông tư cho phép đưa thực vật biến đổi gene vào làm thức ăn gia súc và thực phẩm. Nếu được thông qua thì Việt Nam sẽ chính thức gia nhập các quốc gia trồng, sử dụng sản phẩm biến đổi gene.
1,5 triệu tấn ngô phải nhập khẩu mỗi năm, trong đó có sản phẩm biến đổi gene
Đã dùng ngô, đậu tương biến đổi gene nhiều năm nay
Hiện, trên thế giới có khoảng 170 triệu ha chuyên trồng cây biến đổi gene (GMO), chiếm 12% diện tích canh tác toàn cầu, con số này đã tăng gấp 100 lần so với cách đây gần 17 năm (năm 1996 diện tích chỉ khoảng 1,7 triệu ha). Hiện tại, có 28 nước trồng cây GMO với tốc độ tăng trưởng diện tích khoảng 11%/năm, trong đó, chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển với diện tích chiếm tới 52% như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Mỹ, Argentina... Ba loại cây biến đổi gene đang được trồng phổ biến là ngô, đậu tương và cây bông vải. Tại Việt Nam, từ năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt và giao cho Bộ NN&PTNT thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Từ năm 2010, Bộ NN&PTNT đã triển khai khảo nghiệm ngô biến đổi gene trên diện hẹp và hiện tại vẫn đang tiếp tục tiến hành.
Trong khi đó, dù chưa chính thức công bố cho phép sử dụng sản phẩm biến đổi gene nhưng thực chất, những sản phẩm này đã tràn vào thị trường nước ta từ nhiều năm nay.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho biết, gần 10 năm nay, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn đậu tương, gần 1,5 triệu tấn ngô. Lượng nhập chủ yếu từ Argentina, Mỹ, Ấn Độ... vì giá thành rẻ. "Những nước này, tỷ lệ cây ngô, đậu tương biến đổi gene lên tới 90-95%, khó có thể tìm được sản phẩm ngô, đậu tương không biến đổi gene. Chúng ta cứ trốn tránh cây trồng biến đổi gene, nhưng thực chất, đã sử dụng nhiều năm nay", ông Lịch nhấn mạnh.
Còn GS. Nguyễn Quang Thạch, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội cho rằng, trong vấn đề ATTP đáng sợ và đáng lo nhất là tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi, quá dư lượng cho phép. Trong khi, có cây trồng kháng sâu bệnh thì chúng ta lại lảng tránh, không đề cập đến. "Chúng ta nên tiếp nhận và kiểm soát chặt chẽ loại cây trồng này. Còn hiện nay, sản phẩm biến đổi gene vẫn được nhập khẩu về làm thức ăn gia súc song chúng ta lại không kiểm soát được", GS Thạch nói.
Khảo nghiệm mãi chưa xong?
Nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT đã tiến hành khảo nghiệm một loạt trên cây ngô biến đổi gene kháng sâu và thuốc diệt cỏ. Ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, có 10 giống ngô biến đổi gene đã được khảo nghiệm, đánh giá, Hội đồng an toàn sinh học của Bộ NN&PTNT đã thông qua, tiến tới sẽ trình lên Hội đồng an toàn sinh học quốc gia. Cũng theo ông Lê Huy Hàm, đến nay, chưa có tài liệu nào cho thấy, sản phẩm thực vật biến đổi gene gây hại cho con người cũng như gia súc. Tuy nhiên, lãnh đạo Viện Di truyền nông nghiệp cũng nhìn nhận, tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gene mới được khảo nghiệm an toàn với môi trường, sinh học, còn trong chăn nuôi và làm thực phẩm cho con người thì chưa được khảo nghiệm, đánh giá. "Dù muốn hay không chúng ta vẫn đang nhập khẩu nhiều thực phẩm biến đổi gene về bán cho người tiêu dùng".
Mặc dù việc nhập khẩu và sử dụng sản phẩm biến đổi gene diễn ra đã nhiều năm nay, nhưng đến nay, Bộ NN&PTNT mới đang xây dựng Thông tư quản lý loại thực phẩm này. "Việc xây dựng, ban hành Thông tư này nhằm quản lý chặt chẽ hơn các loại thực vật biến đổi gene trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam để sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, góp phần đảm bảo ATTP và tạo điều kiện cho công nghệ sinh học phát triển, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng", ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định.
Theo dự thảo Thông tư, thực vật biến đổi gene được cấp Giấy xác nhận phải đáp ứng các điều kiện: Được Hội đồng thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và kết luận thực vật biến đổi gene đó không có các rủi ro không kiểm soát được đối với sức khỏe con người và vật nuôi. Thứ hai, thực vật biến đổi gene được ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó.
Theo ANTD