Phát hiện nhiều di vật cổ trong vùng đệm di sản thành nhà Hồ
Ngày 25.5, TS Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định cho phép trung tâm tiến hành khai quật, thám sát di chỉ khảo cổ vừa phát lộ tại khu vực núi Xuân Đài (xã Vĩnh Ninh, H.Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), cách thành nhà Hồ khoảng 5 km về phía nam.
Ngói hoàng lưu ly – Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ cung cấp
Theo TS Trọng, qua quá trình kiểm kê, khảo sát các di tích trong khu vực vùng đệm di sản thành nhà Hồ đầu năm 2015, cán bộ của trung tâm đã phát hiện nhiều dấu tích và di vật cổ có niên đại thế kỷ 14 – 17 trên dãy núi Xuân Đài. Các dấu tích kiến trúc phần lớn đã xáo trộn do quá trình tác động của tự nhiên và con người nên nằm rải rác ở nhiều vị trí trong khuôn viên chùa Du Anh, động Hồ Công. Trong đó có nhiều di vật phân bố đậm đặc trong một thung lũng nhỏ có diện tích khoảng 100 m2, nằm trên độ cao khoảng 30 – 40 m ngay bên phải chùa Du Anh.
Video đang HOT
Những hiện vật được phát hiện gồm: ngói âm dương, ngói mũi sen đơn, ngói mũi sen kép, ngói mũi lá, ngói ống, ngói bò nóc; các loại ngói ống, ngói âm dương, ngói lá đề lớn có trang trí hình rồng rất tinh xảo, tráng men màu vàng (hoàng lưu ly) và tráng men màu xanh (thanh lưu ly). Ngói lưu ly là loại ngói thường chỉ dùng để lợp các công trình kiến trúc của hoàng gia hoặc các dinh thự của quan lại quý tộc, có khung niên đại từ thế kỷ 14 – 16.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện nhiều chân tảng đá được đục đẽo vuông vức, đồ gốm sứ kích thước lớn, đồ sành với phần miệng có gờ hơi loe, trên thân và cổ trang trí hoa văn hình sóng nước, một số có núm trang trí niên đại thế kỷ 14 – 15.
Ngọc Minh
Theo Thanhnien
Phát hiện ổ đạn đá lớn gần Thành nhà Hồ
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết, trong các đợt điều tra, khảo sát vùng đệm di sản cuối năm 2014 đã phát hiện một ổ đạn đá gần 100 viên, tại làng Đồi Mỏ, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; cách Thành Nhà Hồ khoảng 3 km về phía Đông Bắc.
Số đạn đá này được tìm thấy trong quá trình san ủi đất đồi để mở rộng diện tích canh tác của người dân và nằm sâu trong lòng đất từ 50 - 70cm. Đạn đá có dạng hình tròn, bề mặt được mài tương đối nhẵn, có kích thước khá đều nhau với đường kính khoảng 5 - 8 cm. Chất liệu chính được làm chủ yếu từ đá vôi, ngoài ra còn một số viên được làm từ đá cuội và đá sa thạch. Nếu so sánh đạn đá sưu tầm được ở làng Đồi Mỏ với đạn đá khai quật được tại Thành nhà Hồ thì tương đồng nhau về chất liệu, hình dáng, kích thước và kỹ thuật chế tác...
Những viên đạn đá từng được phát hiện tại Thành nhà Hồ hồi đầu năm 2013 (Ảnh: Người lao động)
Có giả thuyết cho rằng đây là loại loại đạn quân sự được sử dụng phổ biến của nhà Hồ, nó dùng cho súng thần công do Hồ Nguyên Trừng (con trai cả của Hồ Quý Ly) chế tạo ra. Tại khu vực này, trước đây cũng đã phát hiện nhiều loại bi đá với nhiều kích thước khác nhau. Hiện nay nhân dân trong vùng vẫn lưu truyền nhiều giai thoại liên quan đến gò luyện quân của quân đội nhà Hồ khi xưa.
Việc phát hiện đạn đá tại làng Đồi Mỏ, xã Vĩnh Long đã góp phần bổ sung vào kho tư liệu hiện vật của Di sản Thành nhà Hồ phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đồng thời, cung cấp những cơ sở quan trọng trong công tác nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử, quân sự của vương triều Hồ trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Văn Long
Theo TTXVN
Cây di sản trăm tuổi chết khô sau khi được vinh danh Chính quyền địa phương đã nỗ lực cứu hai cây gạo hàng trăm năm tuổi ở Thanh Hóa nhưng bất thành, nguyên nhân được cho là bị bón phân sai quy cách. Cây gạo gần 400 năm tuổi ở làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa (Nông Cống, Thanh Hóa) được công nhận là Cây di sản khiến người dân địa phương rất tự...