Phát hiện nguồn nước ngầm siêu sạch tại HN
Các chuyên gia của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc vừa phát hiện tầng nước ngầm mới tại Hà Nội. Với trữ lượng cực lớn và chất lượng đảm bảo, nguồn nước ngầm này sẽ “giải khát” cho các khu đô thị mới đang bức xúc vì thiếu nước sạch sinh hoạt.
Ô nhiễm, suy kiệt
Theo Sở TN-MT Hà Nội, hiện nay, tổng mức khai thác nước ngầm của toàn thành phố khoảng 700.000m3/ngày đêm. Dự báo, tới năm 2020, mức khai thác sẽ tăng gấp đôi, lên tới mức 1,4 triệu m3/ngày đêm. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 170.000 giếng khai thác nước ngầm, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam thành phố. Trong đó, tổng số giếng tư nhân (thuộc các hộ gia đình) lên tới trên 100.000 chiếc.
Hàng trăm nghìn chiếc “vòi bạch tuộc” này không chỉ hút cạn nước ngầm ở cả 2 tầng Holocen và Pleistocen mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các tầng này. Điển hình là khu vực Hà Đông. Kết quả quan trắc mực nước tại hai công trình quan trắc bố trí vào khu vực khai thác nước dưới đất khối lượng lớn (Nhà máy nước Hà Đông) cho thấy, mực nước có xu thế giảm với biên độ khoảng 0,47m/năm.
Đáng chú ý, các kết quả quan trắc nguồn nước dưới đất ở Hà Nội vài năm gần đây cho thấy, nguồn nước dưới đất có dấu hiệu gia tăng ô nhiễm. Kết quả phân tích thành phần hóa học chỉ ra, trong cả hai tầng chứa nước, có một số chỉ tiêu cao hơn giới hạn cho phép, trong đó chủ yếu là hàm lượng amoni, asen và hàm lượng hữu cơ. Các yếu tố này đang có xu thế tăng theo thời gian cả về hàm lượng, diện tích phân bố và tập trung chủ yếu tại những khu vực có các nguồn có khả năng gây ô nhiễm cao như các bãi rác thải, khu công nghiệp, ở những vùng mực nước hạ thấp sâu, nơi tập trung chứa lượng nước thải lớn như Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Từ Liêm, Gia Lâm và Long Biên, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông. Ngoài ra, tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, nước có độ khoáng hóa lớn hơn 1g/l.
Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư ở phía Nam thành phố, tầng chứa nước Halocen bắt đầu nhiễm amoni, vi sinh vật và các vi nguyên tố khác. Ở cả 2 tầng chứa nước mà thành phố đang khai thác, hàm lượng sắt, măng-gan, các hợp chất nitơ đều vượt quá giới hạn cho phép. Đặc biệt, ở tầng thứ nhất, các chất bẩn đã bắt đầu xuất hiện do nước thải, chất thải và phân bón xâm nhập qua các lỗ khoan. Từ vài năm trở lại đây, các hộ dân sử dụng nước ngầm ở khu vực phía Nam thành phố như Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng… đều phải sử dụng hệ thống lọc mới có thể sử dụng trong sinh hoạt bởi nước ngầm thường có mùi tanh rất khó chịu.
Tầng chứa nước Neogen là lối thoát cho các khu vực nước ngầm đang bị suy thoái hoặc nhiễm bẩn
Nguồn hy vọng mới
Ông Tống Ngọc Thanh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước miền Bắc (LĐQH&ĐTTNN) cho biết, khoảng 10 năm gần đây, các nhà địa chất thủy văn đã quan tâm tới nguồn nước dưới đất tầng Neogen vùng TP Hà Nội.
Vừa qua, LĐQH&ĐTTNN đã hoàn thành Đề án “Điều tra, nguồn nước dưới đất tầng Neogen vùng thành phố Hà Nội” với vùng nghiên cứu có diện tích 872km2. Đề án đã làm rõ sự phân bố theo diện và chiều sâu của các trầm tích Neogen trong khu vực, có độ sâu từ mặt đất xuống khoảng 60-110m. Các trầm tích của hệ tầng Vĩnh Bảo phân bố đến độ sâu 197- 447m. Lỗ khoan TD9 ở Bình Minh, Khoái Châu sâu 600m vẫn chưa khoan hết hệ tầng Tiên Hưng. Nhiều lỗ khoan đã gặp nước, có lưu lượng khá tốt. Về cơ bản, nước trong tầng Neogen có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất. Thậm chí, ở một số địa điểm đã đưa vào khai thác, phục vụ cấp nước cho ăn uống sinh hoạt như Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân (quận Hoàng Mai).
Theo kết quả điều tra, tầng chứa nước Neogen phía Nam Hà Nội nhiều vùng giàu nước. Quan trọng hơn, chất lượng nước tốt, hàm lượng sắt ít, các yếu tố vi sinh, vi lượng đều dưới mức cho phép. Đề án đã xác định được các vùng có triển vọng khai thác nước lớn trong tầng chứa nước hệ tầng Vĩnh Bảo và đánh giá được trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của các trầm tích hệ tầng Vĩnh Bảo lên tới 1.642.925m3/ngày.
Video đang HOT
Đặc biệt, có nơi phát hiện nguồn nước có lưu lượng lớn ở nhiệt độ 36 độ C, thuộc loại nước khoáng ấm. Ông Tống Ngọc Thanh nói: “Kết quả điều tra tầng chứa nước Neogen vùng thành phố Hà Nội cho thấy triển vọng nguồn nước mới có chất lượng rất tốt, có thể khai thác để sử dụng cho ăn uống sinh hoạt hoặc ngành sản xuất công nghiệp (dệt may, điện tử) cần nguồn nước có chất lượng tốt… Ngoài ra, nguồn nước khoáng ấm có thể khai thác để phát triển du lịch”. Đương nhiên, vì ở độ sâu lớn hơn các tầng nước ngầm hiện đang khai thác, chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn hơn. Song, theo các chuyên gia, lợi ích về lâu dài là rất rõ bởi ưu thế về chất lượng và trữ lượng của nguồn nước này.
Theo 24h
Ở chung cư tiền tỉ, uống nước cực độc
Hơn 5 năm nay, người dân sống ở cụm dân cư No1 - No5 Dự án nhà để bán của Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Hà Nội ở thôn Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội phải dùng nước giếng khoan bị nhiễm hàm lượng thạch tín (asen) cao gấp 37- 43 lần cho phép.
Pha sữa cho con bằng nước nhiễm thạch tín
Như tin đã đưa, hơn 100 hộ dân với khoảng 500 người đang sinh sống ở cụm dân cư No1 - No5 Dự án nhà để bán của công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Hà Nội ở thôn Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội đã sống với nguồn nước bị ô nhiễm thạch tín (asen) vượt quá 37 lần cho phép. Đây là kết luận của Viện Hóa học khi đại diện tổ dân cư khu nhà mang mẫu nước đi xét nghiệm.
Chị Hoàng Thị Lương, ở căn hộ 407, tầng 4 nhà No1 hiện đang nuôi hai con nhỏ, cháu lớn được 4 tuổi rưỡi, cháu nhỏ mới được hơn 1 tuổi. Chị Lương cho biết, chị sinh cả hai cháu đều ở khu chung cư No1 này và hàng ngày nước dùng nấu đồ ăn, pha sữa cho các cháu đều từ nguồn nước do công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Hà Nội cung cấp. Chị Lương bức xúc: "Từ lâu chúng tôi đã thấy nước có màu khác thường, nhưng không thể ngờ nước lại bị ô nhiễm vượt đến 37 lần hàm lượng thạch tín cho phép. Cũng do từ lâu tôi chủ quan, cứ tin vào nguồn nước chủ đầu tư tòa nhà bán cho là sạch, nên bây giờ lo lắng đến mất ăn, mất ngủ".
Chị Lương dùng nước này pha sữa cho con
Lúc đầu nghe tin nước ở toà nhà nhiễm asen hơn 37 lần, chị Lương không tin nhưng khi thấy dấu đỏ chứng nhận của Viện hóa học bên dưới tờ kết quả xét nghiệm, chị thực sự choáng váng. Khi bình tâm lại, chị tiếp tục hỏi thăm xem có đúng nước nhiễm độc nặng vậy không, một kết quả khác cho biết nước nhiễm asen vượt 43 lần khiến chị sốc nặng.
Chị Lương lấy một bát nước từ bể chứa của tòa nhà cho chúng tôi xem. Nước có màu đục, để một lúc có những cặn đen. Chị bức xúc: "Gia đình và cả hai đứa con tôi đều ăn bằng loại nước này đây, mình đã đành, còn các cháu nhỏ lỡ sinh bệnh tật gì thì tôi ân hận lắm".
Cũng như chị Lương, chị Ngọc ở căn hộ bên cạnh có con gái mới được 9 tháng tuổi, ngày nào cũng phải pha sữa bằng nước của tòa nhà cung cấp. Chị Ngọc đã ngất xỉu khi gia đình anh Nguyễn Minh Thành ở phòng 401 cho xem phiếu xét nghiệm từ Viện hoá học với kết quả nước nhiễm thạch tín vượt 37 lần cho phép.
Nước từ trạm cấp nước của Công ty có màu đục và cặn đen
Ở chung cư tiền tỉ, dài cổ chờ nước sạch
Theo anh Nguyễn Minh Thành, ở căn hộ 401 chung cư No1, nhiều hộ dân mua nhà ở các tòa nhà này từ năm 2007 với giá thành vào loại khá cao lúc bấy giờ. Ví dụ như căn hộ của gia đình anh trên tầng 4 có diện tích khoảng 70m2 có giá hơn 700 triệu đồng.
Trong khi đó, nhà chị Hoàng Thị Lương cũng phải bỏ ra gần 1 tỉ đồng để mua căn hộ 407 tại tòa nhà No1. "1 tỷ đồng cách đây 5 năm là một số tiền lớn chứ không phải như giá hiện hành. Tôi nhớ thời điểm đó, 1 tỉ đồng mua được 76 cây vàng", chị Lương cho biết.
Người dân treo biển phản đối Ban quản lý chung cư cung cấp nước nhiễm thạch tín
Anh Thành cho hay: "Từ khi nhận căn hộ đến nay, các hộ dân ở đây đều sử dụng nguồn nước do Công ty Cổ phần bất động sản Hà Nội cung cấp. Tuy nhiên, vài năm gần đây, chúng tôi nhận thấy nguồn nước này có những biểu hiện khác thường như vẩn đục, có váng màu vàng. Nghi ngờ nước sinh hoạt bị ô nhiễm, sợ không đảm bảo an toàn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nên chúng tôi nhiều lần có kiến nghị với Công ty nhưng nguồn nước vẫn không hề được cải thiện. Bởi nước chúng tôi đang sử dụng được được lấy từ giếng khoan của trạm cấp nước chứ không phải nước sạch từ nhà máy của thành phố".
Cũng theo anh Thành, hiện nay trong khu nhà có một vài hộ gia đình bị mắc các chứng bệnh như ngứa, rụng tóc... Nguyên nhân được các bác sỹ khẳng định là do ảnh hưởng từ môi trường sống. "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và nếu chứng minh được những bệnh trên là do nước sinh hoạt, chúng tôi sẽ khởi kiện Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Hà Nội. Vì trong hợp đồng mua bán nhà có điều khoản công ty cung cấp nước sạch cho từng hộ gia đình", anh Thành nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên khuôn viên rộng độ hơn 30m2, trạm cấp nước Công ty được xây dựng khá sơ sài, gồm 3 bình chứa nước thể tích nhỏ đặt cạnh nhau, không có hệ thống lọc và xử lý nước.
Trao đổi với PV, ông Mai Hoàng Anh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Hà Nội cho biết, trước đây, các hộ dân buộc phải dùng nước giếng khoan vì nước từ nhà máy thành phố chưa về đến địa điểm xây dựng tòa nhà (?). Khi chúng tôi đặt câu hỏi tại sao ngay sau khi nước sạch của thành phố về đến xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm mà công ty tiến hành không đấu nối, ông Hoàng Anh trả lời: "Hôm nay chúng tôi triển khai đây các anh ạ".
Trạm cấp nước cho các tòa nhà khá sơ sài
Nguồn nước tạm thời không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân
Hiện tại, sau khi trạm cấp nước của Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Hà Nội cho các tòa nhà No1 - No5 đóng cửa, do người dân không đồng ý sử dụng, phía công ty đã hỗ trợ một xe chở 8 khối nước đến cho 150 hộ dân dùng tạm. Tuy nhiên, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt vì thường xuyên thiếu nước.
Ông Hoàng Anh cho rằng đó là giải pháp tạm thời, từ hôm nay, công ty sẽ đấu nối với nguồn nước của thành phố và người dân có thể yên tâm dùng nước sạch. Hiện Công ty cũng đã dán các bản thông báo với nội dung: Công ty đã làm việc với Công ty Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch VIWACO lập phương án cấp nước sông Đà như sau: Đấu nối đường ống cấp nước từ đường Phạm Hùng đến khu dân cư với chi phí 858.887.000 đồng trong đó, mỗi hộ dân hỗ trợ đóng góp là 3 triệu đồng, phần còn lại Công ty có trách nhiệm thanh toán.
Bảng thông báo lắp đường dẫn nước sạch
Tuy nhiên, các hộ dân ở đây không đồng tình với phương án trên bởi trong hợp đồng mua nhà có điều khoản Công ty phải cấp nước sạch đến từng căn hộ.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm bộ môn công nghệ hóa học kiêm Trưởng phòng Thí nghiệm công nghệ hóa môi trường (khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội): Asen trong nước không màu, không mùi, không vị. Asen ở hàm lượng nhất định thì rất có lợi bởi tạo ra những en-zim có lợi cho cơ thể. Nhưng nước uống phải có lượng asen theo tiêu chuẩn WHO là nhỏ hơn 10 microgam/lít hay 0,01mg/lít thì mới có lợi, còn vượt quá ngưỡng trên có thể gây hại cho cơ thể. Nếu người dân uống nước có chứa hàm lượng asen cao sẽ bị nhiễm độc từ từ. Việc ăn uống, tiếp nhận asen vào cơ thể sẽ gây ra nhiều bệnh khác nhau. Đặc trưng nhất là ung thư da, phổi, gan thận...Theo 24h
Hàng trăm người dùng nước nhiễm độc Khoảng 500 người dân sinh sống ở chung cư NO1 và NO5 ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, H.Từ Liêm (Hà Nội) phải ngày ngày ăn, uống nước nhiễm độc asen cao gấp 37 lần mức cho phép cả năm nay. Mẫu nước nhiễm asen cao gấp nhiều lần mức cho phép mà người dân chung cư NO1, NO5 đã mang đi...