Phát hiện mới về tỷ lệ trẻ sơ sinh nhiễm bệnh từ người mẹ mắc COVID-19
Theo nghiên cứu toàn diện ngày 16/3, dưới 2% trẻ nhỏ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi được sinh ra từ các sản phụ mắc COVID-19.
Phát hiện được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (British Medical Journal – BMJ) trên cơ sở tổng hợp và phân tích gần 500 nghiên cứu trước đây liên quan tới khoảng 29.000 bà mẹ.
Một bé sơ sinh mắc COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Kiev, Ukraine ngày 16/11/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo Giáo sư Shakila Thangaratinam tại Đại học Birmingham (Anh) – Trưởng nhóm nghiên cứu – và Trung tâm hợp tác vì sức khỏe phụ nữ toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là nghiên cứu toàn diện nhất từ trước đến nay, qua đó cung cấp cái nhìn sâu rộng nhất về nguy cơ lây truyền virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong thai kỳ. Trong số 592 trẻ sơ sinh có đầy đủ dữ liệu về cách thức và thời điểm các bé mắc COVID-19, chỉ ghi nhận 7 trẻ nhiễm căn bệnh này khi còn trong bụng mẹ và 2 trẻ mắc bệnh khi chào đời.
Giáo sư Thangaratinam nhấn mạnh công trình nghiên cứu của bà và các cộng sự tạo sự an tâm cho các bậc cha mẹ và những người sắp làm cha mẹ khi thấy rằng chưa đầy 1% trẻ sơ sinh có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 48 giờ đầu tiên sau khi chào đời. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc trẻ sơ sinh dương tính với SARS-CoV-2 và việc nuôi con bằng sữa mẹ. Các bằng chứng hiện nay không khuyến khích các biện pháp như mổ lấy thai, tách con khỏi mẹ ngay sau khi sinh hoặc cho trẻ bú sữa công thức để tránh mắc COVID-19.
Tuy nhiên, Giáo sư Thangaratinam nêu rõ kết quả tổng hợp cho thấy trẻ sơ sinh nhiều khả năng nhiễm SARS-CoV-2 ở mức độ nặng trong trường hợp người mẹ phải điều trị tích cực (ICU) hoặc tử vong do COVID-19. Ngoài ra, trẻ sơ sinh có nhiều khả năng nhiễm bệnh sau khi chào đời, do đó các sản phụ và nhân viên y tế cần duy trì đeo khẩu trang, cũng như thực hiện các biện pháp khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh và hạn chế để trẻ tiếp xúc với nhiều người.
Nghiên cứu xác định mẹ mắc COVID-19 không truyền virus qua sữa cho con bú
Theo một nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) công bố trên tạp chí Pediatric Research ngày 18/1, người mẹ mắc COVID-19 không lây truyền virus sang con qua sữa cho con bú.
Bé sơ sinh bú sữa mẹ tại bệnh viện ở Ygos-Saint-Saturnin, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Nghiên cứu này đã được giới chuyên môn kiểm chứng, qua đó củng cố một số ít nghiên cứu ở quy mô hẹp trước đó và chứng minh cho các khuyến nghị từ các tổ chức y tế cho rằng mẹ nên tiếp tục cho con bú sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và tiêm phòng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ một tỷ lệ nhỏ các bà mẹ mắc COVID-19 có chất di truyền từ virus SARS-CoV-2 trong sữa mẹ. Cụ thể, qua phân tích mẫu phẩm từ 110 bà mẹ mắc COVID-19, tỷ lệ có chất di truyền của virus trong sữa mẹ ở những người có xét nghiệm dương tính hoặc có triệu chứng bệnh chỉ ở mức 6%, trong khi tỷ lệ này ở những người chỉ có xét nghiệm dương tính là 9%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh "không có bằng chứng nào" cho thấy sữa mẹ chứa virus gây bệnh hoặc chất di truyền cho phép virus sinh sôi, đồng thời nêu rõ họ không nuôi cấy được virus từ các mẫu phẩm này và chất di truyền chỉ "xuất hiện thoáng qua".
Người dẫn đầu nghiên cứu trên, Paul Krogstad cho biết cũng "không có bằng chứng lâm sàng nào" cho thấy trẻ nhiễm virus khi bú sữa của mẹ mắc COVID-19, qua đó nhà nghiên cứu này cho rằng cho trẻ bú sữa mẹ mắc COVID-10 có lẽ không gây nguy hiểm.
Đây là nghiên cứu quy mô lớn nhất về vấn đề này cho đến nay và cung cấp bằng chứng quan trọng chứng minh cho một số các nghiên cứu nhỏ hơn với các phát hiện tương tự, đồng thời củng cố cho hướng dẫn của các tổ chức y tế như Trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị mẹ tiếp tục cho con bú trong thời kỳ dịch bệnh này.
Theo WHO, mẹ mắc COVID-19 có thể cho con bú nếu muốn, nhưng cần thận trọng tránh lây bệnh cho con bằng cách thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang trong lúc cho con bú, rửa tay sạch trước và sau khi bế trẻ và thường xuyên vệ sinh các bề mặt mà họ chạm vào.
Một số loại vaccine có thể truyền virus sang trẻ bú mẹ, như các vaccine phòng bệnh sốt vàng da và đậu mùa vốn bào chế dựa trên virus sống. CDC Mỹ nêu rõ các vaccine ngừa COVID-19 được lưu hành rộng rãi hiện nay không sử dụng công nghệ này, đồng thời khẳng định vaccine không xuất hiện trong sữa mẹ. Kháng thể từ mẹ được truyền qua sữa cho con khi bú, phần nào giúp trẻ tăng đề kháng đối với virus.
Liệu Omicron có ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em hơn các biến thể khác? Cho tới nay, dịch COVID-19 dường như ít ảnh hưởng lớn đến trẻ em. Tuy nhiên, khi biến thể Omicron xuất hiện, tỉ lệ trẻ em nhập viện tăng cao bất thường ở Nam Phi đang khiến nhiều người lo lắng. Hai cậu bé chạy ngang qua một bức tranh tường tại Kliptown của Soweto, Nam Phi. Ảnh: Reuters Tỉ lệ trẻ em...