Phát hiện mới: Va chạm sao neutron tạo ra nguyên tố nặng strontium
Các nhà thiên văn học vừa phát hiện ra vụ va chạm của 2 sao neutron năm 2017 đã tạo ra nguyên tố nặng strontium bên cạnh vàng, chì và bạch kim.
Cách đây 2 năm, các nhà thiên văn học lần đầu tiên quan sát được vụ va chạm của 2 sao neutron và vụ nổ khủng khiếp này không chỉ phát ra sóng hấp dẫn và ánh sáng mà còn tạo nên những nguyên tố nặng như vàng, bạch kim và chì. Những nguyên tố này rải rác trong vũ trụ trong một vụ nổ kilonova (tương tự như vụ nổ siêu tân tinh).
Hình ảnh minh họa vụ va chạm của 2 sao neutron. Ảnh: CNN
Hiện nay, các nhà khoa học còn phát hiện ra cả strontium – một nguyên tố nặng được tạo ra sau vụ va chạm sao neutron. Phát hiện này càng củng cố thêm bằng chứng cho thấy các cuộc đụng độ của sao neutron có thể tạo ra các nguyên tố nặng được tìm thấy khắp vũ trụ.
Các sao neutron là vật thể nhỏ nhất trong vũ trụ với đường kính chỉ bằng thành phố Chicago hoặc Atlanta (Mỹ). Chúng là những gì còn lại của các vụ nổ siêu tân tinh song lại vô cùng đặc với khối lượng thậm chí lớn hơn cả Mặt Trời của chúng ta. Hãy tưởng tượng Mặt Trời bị nén lại trong kích cỡ chỉ bằng 1 thành phố, bạn sẽ thấy các sao neutron đặc và nặng thế nào, cũng như thấy được vụ va chạm của chúng sẽ khủng khiếp ra sao.
Phát hiện mới về vụ va chạm sao neutron này vừa được công bố trên tạp chí Nature ngày 23/10/2019.
“Bằng cách phân tích lại dữ liệu năm 2017 về vụ sáp nhập sao neutron trên, chúng tôi đã phát hiện ra sự xuất hiện của 1 nguyên tố nặng nữa trong quả cầu lửa này, đó là strontium. Điều ấy càng củng cố cho nhận định rằng cuộc va chạm sao neutron có thể tạo nên nguyên tố này trong vũ trụ”, Darach Watson – trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Copenhagen ở Đan Mạch nhận định.
Video đang HOT
Strontium được sử dụng trong quá trình làm pháo hoa và nặng hơn sắt.
Các nhà thiên văn học đang nghiên cứu những nguyên tố nặng này được tạo ra như thế nào trong hàng thập kỷ qua.
“Đây là giai đoạn cuối cùng trong cuộc truy tìm trong hàng thập kỷ về nguồn gốc của các nguyên tố trên. Chúng ta đều biết quá trình tạo nên các nguyên tố này hầu hết là trong những ngôi sao nguyên thủy, trong những vụ nổ siêu tân tinh hay ở các lớp bên ngoài của các ngôi sao già. Tuy nhiên, cho tới nay, chúng ta không biết vị trí của giai đoạn cuối cùng này, thường được biết tới là quá trình bắt giữ neutron nhanh khi nó tạo nên những nguyên tố nặng trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học”, Watson nói.
Trong quá trình bắt giữ neutron nhanh, các neutron bị giữ lại cực nhanh bởi các hạt nhân nguyên tử. Bên cạnh yếu tố tốc độ, các nguyên tố nặng như strotium cũng cần môi trường vô cùng nóng chứa đầy các neutron tự do để hình thành. Đây là một quá trình tự nhiên chỉ xảy ra trong những môi trường khắc nghiệt như vậy và nó xảy ra chỉ chưa đầy 1 giây.
Do vụ va chạm sao neutron chỉ vừa xảy ra năm 2017 nên các nhà thiên văn học vẫn đang tìm hiểu điều gì đã xảy ra trong quá trình này cũng như những gì đã được tạo ra sau đó./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo CNN
Khoa học cùng với bé: Các ngôi sao được tạo ra như thế nào?
Sao không do ai hay cái gì tạo ra mà chúng tự hình thành các em ạ, hay có thể nói thế này: các ngôi sao sinh ra nhờ một tác động rất mạnh của tự nhiên được gọi là trọng lực.
Các ngôi sao luôn hình thành trong các thiên hà. Trong các thiên hà, có rất nhiều đám mây rất xốp gồm khí và bụi. Các đám mây này được gọi là các tinh vân.
Trọng lực tạo ra các cục đặc trong các đám mây xốp này - giống như những quả nho khô trong bánh ga tô vậy. Khi một trong những cục này bắt đầu trở nên rắn, chắc và cứng hơn, cũng là lúc khối lượng riêng của chúng tăng lên. Khối lượng riêng biểu thị mức độ một vật đặc, cứng và khả năng kết dính cao.
Lõi của các cục khí đặc cứng này cũng ngày càng nóng hơn và khi đạt đến một nhiệt độ nhất định (hàng triệu độ) thì một điều vô cùng đặc biệt bắt đầu xảy ra bên trong nó. Đó là các nguyên tử hydro kết hợp với nhau tạo thành helium.
(Chắc bé đã biết nguyên tử là những phần bé tí xíu tạo nên tất cả mọi vật. Tất cả các loại khí, bụi trong vũ trụ và kể cả bản thân chúng ta cũng đều do các nguyên tử kết hợp với nhau tạo thành).
Khi các nguyên tử hydro kết hợp với nhau để tạo thành helium thì phản ứng nhiệt hạch xảy ra và sinh ra rất nhiều năng lượng.
Khi các nguyên tử hydro kết hợp với nhau tạo thành helium thì xảy ra phản ứng tổng hợp hạt nhân hay còn gọi là phản ứng nhiệt hạch. Quá trình này giải phóng ra rất nhiều năng lượng và đây chính là lúc một ngôi sao ra đời.
Cuộc sống và cái chết của một ngôi sao
Giống như chúng ta, các ngôi sao sinh ra, sống, rồi chết đi. Thời gian tồn tại của một ngôi sao phụ thuộc vào khối lượng của nó khi ra đời. Các ngôi sao sáng, có khối lượng nhỏ thì sống lâu vô cùng.
Mặt trời của chúng ta cũng chính là một ngôi sao. Đến nay, mặt trời đã tồn tại được khoảng 4,5 tỉ năm và hiện nay đang ở thời kì giữa của toàn bộ thời gian sống của nó. Trong 5 tỉ năm tới mặt trời sẽ ngày càng to ra nhưng sau đó nó sẽ bắt đầu tàn lụi và cuối cùng sẽ chết. Nguồn năng lượng hạt nhân của nó sẽ tắt và nó sẽ chỉ còn nằm ở đó, nguội lạnh, như một cục than trong bếp đã cháy hết.
Một tinh vân bụi mà sau này sẽ biến thành một ngôi sao sống trong nhánh xoắn ốc của thiên hà giống như thế này.
Những ngôi sao nặng hơn mặt trời của chúng ta thì thời gian sống ngăn hơn nhiều. Những ngôi sao nặng nhất chỉ sống khoảng 1 triệu năm thôi nhưng cái chết của chúng thì đẹp mắt, hay ho hơn nhiều so với cái chết lặng lẽ, dần dần của những ngôi sao giống như mặt trời của chúng ta. Chúng ra đi bằng một vụ nổ khổng lồ và các nhà khoa học gọi hiện tượng này là siêu tân tinh.
Bé được tạo ra từ bụi của sao đấy
Bé đã bao giờ nghe thấy người ta nói "chúng ta sinh ra từ cát bụi" chưa? Điều đó là thật đấy. Bên trong một ngôi sao, các nguyên tử helium kết hợp với nhau sinh ra carbon, carbon là nguồn gốc của các chất hóa học tạo thành cơ thể bé và tất cả mọi sự sống trên Trái Đất.
Vẫn còn có rất rất nhiều thứ chúng ta chưa hiểu hết về đời sống bí hiểm của các ngôi sao. Nhưng may mắn là chúng ta có những chiếc kính viễn vọng cực lớn và các vệ tinh trong không gian để thu thập được những bức ảnh ngày càng rõ nét hơn về các ngôi sao. Tất cả những gì chúng ta cần là những người thông minh như bé cùng đến với nhau và tìm ra lời giải cho những câu đố của những ngôi sao.
Phạm Hường
Theo dantri.com.vn/The Conversation
Uống cà phê ngừa sỏi mật Các nhà khoa học thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) vừa thông tin thêm một tác dụng khác của cà phê là giúp giảm nguy cơ phát triển sỏi mật. Ảnh: Shutterstock Nhóm chuyên gia thu thập mẫu máu, kiểm tra sức khỏe thể chất và số lượng cà phê uống vào mỗi ngày ở các tình nguyện viên. Trong số hơn 104.000...