Phát hiện mới trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em
Chiều 20-3, PGS-TS.Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, khoa vừa cứu sống bé gái 3 tháng tuổi bị bệnh sởi do virus tấn công thẳng vào phổi
Bệnh nhân là bé Đặng Trúc Chi, 3 tháng tuổi, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, vào viện lúc 22g15 ngày 19-2 với các dấu hiệu sốt, phát ban. Khi đó cháu mới được 2 tháng tuổi và lúc sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Cháu bé vào BV trong tình trạng sốt cao 39 độ C, ho nhiều, chảy nước mũi, nổi ban đỏ.
Bé Chi đã hoàn toàn ổn định sau 30 ngày chiến đấu với virus sởi. Ảnh: T.An
Đáng lưu ý là trong gia đình cháu bé có anh trai 3 tuổi mắc bệnh sởi, biến chứng viêm thanh quản. Cả 2 anh em đều chưa tiêm chủng. Mẹ bé đã tiêm từ khi còn nhỏ. Ngay từ khi mới nhập viện cháu bé đã có nhịp thở nhanh. Lúc đó các bác sĩ cho cháu bé uống kháng sinh, hạ sốt. Tuy nhiên, việc điều trị gặp khó khăn khi cháu bé uống vào là nôn ra ngay. Bác sĩ phải chuyển sang dùng kháng sinh dạng tiêm. Song, diễn biến bệnh của bé Chi nặng lên nhanh. Bé ho nhiều, sốt cao liên tục, phổi có ran ẩm và rít nhiều; bé thở rất nhanh, co rút lồng ngực nặng, tím tái nặng, lượng ô-xy trong máu giảm.
“Ngay từ những ngày đầu chụp phổi đã thấy tổn thương 2/3 phổi phải rồi ngay sau đó mờ, diễn biến nhanh, mỗi ngày chụp 1 phim và đều thấy có sự thay đổi rõ rệt. Kết quả xét nghiệm cho thấy, virus sởi dương tính trong máu; 1 số xét nghiệm khác cho kết quả không bình thường như: Đạm trong máu giảm, hồng cầu giảm, hemophia giảm, tiểu cầu giảm; các kháng thể và miễn dịch trong máu giảm với chỉ số còn bằng 1/2 và 1/3 so với người bình thường. Virus sởi tấn công nhanh. Đây là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong nhanh”-TS.Dũng cho biết.
Điều đặc biệt trong diễn biến bệnh của cháu bé là những biến chứng do vi trùng xâm nhập theo kiểu “cổ điển” từ trước đến nay không như thông thường. Lúc đầu cháu bé thở ô-xy nhưng cơ thể không hấp thu được nên phải tiến hành đặt ống thở nội khí quản. Và ngay cả 3 loại thuốc chưa bao giờ dùng cho trẻ đã được sử dụng cho bé Chi. Đó là dùng vitamin A liều sớm nhất để bảo vệ không cho virus tấn công niêm mạc đường hô hấp, đồng thời cho thêm thuốc bổ sung kháng thể truyền vào máu.
Sau 8 ngày thở máy, cháu bé đã được cai máy thở và cho thở qua ống nội khí quản với tình trạng ban toàn thân bay hết, nhịp thở tốt, phổi thông khí tốt. Cháu bé được rút ống nội khí quản thì lại xảy ra tình huống nguy hiểm khác khi cháu bé bị viêm thanh quản, thở rít, co rút lồng ngực, nhịp tim tăng. Các bác sĩ đã phải đặt ống nội khí quản trở lại và cháu bé thở máy trong 3 ngày. Đến ngày 15-3, sau 16 ngày điều trị với 2 lần thở máy, cháu bé được cai máy lần 2 và rút được ống nội khí quản, cho thở ô-xy mát, bệnh nhân thở đều, không sốt.
Cho đến hôm nay là tròn 1 tháng điều trị, cháu bé hoàn toàn bình thường, không phải thở ô-xy và bú được. Làm lại các kháng thể trong máu thì các chỉ số kháng thể lại tăng lên gần sát mức bình thường.
Điều đặc biệt ở ca bệnh này là virus sởi tấn công thẳng vào phổi nên nặng rất nhanh. Virus sởi tấn công vào hệ thống miễn dịch khiến kháng thể giảm rất nhiều. Vì thế chiến lược điều trị ngoài việc cấp cứu tránh tử vong, còn phải tiêm truyền kháng thể, dịch thể để tăng sức đề kháng. Chúng ta cứ tưởng vitamin A không quan trọng nhưng thực ra lại vô cùng quan trọng. Dùng kháng sinh chỉ là phòng bội nhiễm, còn vitamin A giúp tăng cường miễn dịch cho bệnh nhân sởi tốt nhất. Đây là cái mới trong điều trị mà chúng ta cần chia sẻ để thay đổi chiến lược điều trị cho bệnh nhân sởi-TS.Dũng chia sẻ.
TS. Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc BV Bạch Mai đã chúc mừng thành công tuyệt vời của khoa Nhi. Đồng thời nhấn mạnh, đây là thành công của sự phối hợp giữa các bác sĩ, điều dưỡng trong chăm sóc, phối hợp với các khoa trong toàn BV. Đây là sự chăm sóc đầy tình thương của bác sĩ với các cháu, chăm sóc đầy tính khoa học, không chỉ lo ăn, chữa bệnh mà nghiên cứu cả sự thay đổi dịch tễ học. Qua nghiên cứu khoa học đó, TS.Dũng và các bác sĩ đã thành công.
Theo VNE
Video đang HOT
Triệu chứng và cách phòng tránh bệnh sởi
Bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, khiến nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ hết sức lo lắng. Dưới đây là một số thông tin bạn nên biết để có biện pháp phòng tránh cũng như phát hiện bệnh kịp thời.
Trong thời gian vừa qua, tình hình dịch sốt phát ban nghi bệnh sởi và một trường hợp được xác định mắc sởi đang có diễn biến tăng cao tại một số quận nội thành Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tính từ ngày 28/1 đến nay, tình hình dịch sốt phát ban nghi sởi đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc như Sơn La, Yên Bái, Lào Cai...
Tại tỉnh Yên Bái từ ngày 28/10/2013 đến ngày 31/1/2014 ghi nhận 573 trường hợp nghi sởi, trong đó riêng ngày 30/1/2014 ghi nhận 18 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, nâng tổng số ca sốt phát ban tại đây lên 90 trường hợp.
Tại tỉnh Sơn La, sốt phát ban tại hai xã Chiềng Ân và Ngọc Chiến (huyện Mường La) tích lũy được 87 ca. Kết quả kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có 52/59 mẫu dương tính với virus sởi. Tỉnh Lào Cai ghi nhận 117 trường hợp mắc.
Còn tại Hà Nội theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, tính đến nay Hà Nội có 138 ca sốt phát ban nghi sởi. Qua kết quả xét nghiệm có 66 mẫu dương tính với virus sởi. Từ tháng 12/2013 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 40 trường hợp mắc bệnh sởi (trong đó 10 trường hợp của 2013 và 30 trường hợp của năm 2014), trong đó tập trung ở các quận nội thành như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Ba Đình, Long Biên, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy và Hà Đông. Trung bình mỗi ngày có 1-2 trường hợp mắc, ngày nhiều nhất có 6 trường hợp.
Bệnh sởi đang bùng mạnh trở lại.
Số người mắc bệnh sởi ở Hà Nội tập trung ở trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 80%, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 22,9% (đây là những đối tượng chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh sởi). 31 trẻ lớn hơn 9 tháng tuổi mắc bệnh sởi không có trẻ nào được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi; 37,8% trẻ được tiêm 1 mũi vẫn mắc bệnh, số còn lại chưa được tiêm chủng.
Sởi là một bệnh lây lan rất nhanh, bệnh lây qua những giọt tiết của đường hô hấp khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Thời gian lây bệnh cho người lành là giai đoạn viêm long hô hấp trên và thời kỳ phát ban. 4 ngày sau khi phát ban thì người bệnh không còn khả năng lây nhiễm.
Bệnh sởi có các triệu chứng thường gặp sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Sau khi mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Biến chứng có thể gây mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, dẫn đến tàn phế, tử vong, đặc biệt là với trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, việc mắc sởi có thể dẫn đến sẩy thai, đẻ non.
Triệu chứng của bệnh sởi
Có thể chia làm các giai đoạn :
- Thời kỳ ủ bệnh: (từ lúc bị nhiễm siêu vi trùng đến lúc có triệu chứng bệnh) Trung bình là 10 ngày (có thể thay đổi từ 7đến 18ngày): trẻ có thể sốt nhẹ.
- Thời kỳ khởi phát (còn gọi là thời kỳ viêm long): Đây là thời kỳ hay lây nhất, kéo dài từ 3 đến 5 ngày với các biểu hiện như sau:
Bệnh sởi rất dễ nhầm với sốt phát ban
Sốt: Sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5 o C đến 40 o C, có thể có sốt cao co giật, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ đau khớp.
"Viêm long"(có triệu chứng giống như cảm cúm): thường xảy ra ở mắt và mũi, gây chảy nước mắt, đổ nghèn nhiều, kết mạc mắt đỏ, bệnh nhân sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng. Có thể gây viêm thanh quản co rút, nếu có triệu chứng viêm long ở đường tiêu hóa sẽ gây tiêu chảy.
Khám họng trong giai đoạn này có thể thấy những chấm trắng nhỏ khoảng1mm mọc trên nền niêm mạc má viêm đỏ,có vị trí ngay với răng hàm thứ nhất, đó là dấu "Koplik" rất có giá trị để giúp chẩn đoán khi phát ban. Thời gian tồn tại của dấu hiệu này khoảng 12 đến 18 giờ.
- Thời kỳ toàn phát (hay còn gọi là thời kỳ phát ban): Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 gờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân trong từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh.Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa.
- Thời kỳ phục hồi: Ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da loang lỗ như da cọp nên được gọi là "vết vằn da hổ".
Cách chăm sóc trẻ bị sởi
- Những trẻ xuất hiện các biểu hiện bệnh lý nên được cách ly ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Khi trẻ chưa xuất hiện các biến chứng kể trên, bạn không nên cho trẻ dùng kháng sinh. Việc điều trị chủ yếu là khắc phục trị triệu chứng như uống thuốc hạ sốt, vệ sinh toàn thân, răng miệng, mắt (nhỏ mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý).
- Trẻ cần được ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước. Cho bé ăn nhẹ, đủ chất; uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước quả tươi) khi trẻ sốt cao, tiêu chảy. Với trẻ đang bú, tiếp tục cho bú mẹ. Trẻ đang ăn bổ sung, ngoài sữa mẹ cần ưu tiên trẻ khẩu phần đủ chất dinh dưỡng nhất là những thực phẩm giàu protid và caroten. Ngoài ra, có thể cho trẻ dùng thuốc giảm ho.
- Khi có biến chứng, có thể dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của thầy thuốc và uống bổ sung vitamin A để tránh khô giác mạc. Tránh cho trẻ dùng corticoid.
- Bệnh nhi phải được ở nơi thoáng mát, ăn uống đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ, không nên kiêng khem quá mức, sẽ dễ gây tình trạng thiếu các vi chất ở trẻ. Hằng ngày vệ sinh da dẻ, răng - miệng, mắt để tránh nhiễm khuẩn, lở loét da: rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm; thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi để nguội). Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi thuốc kháng sinh.
Chú ý theo dõi thân nhiệt hằng ngày của trẻ, nhất là khi sởi bay có thể xảy ra biến chứng. Khi sởi bay mà trẻ vẫn sốt cần phải nghĩ đến biến chứng và đưa trẻ đi bệnh viện ngay.
- Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng.
Cách phòng bệnh sởi
- Vệ sinh cá nhân đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Che miệng khi ho, hắt hơi.
- Phải có dinh dưỡng hợp lý như uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá đáng. Cách ly người bệnh để tránh lây lan cho cộng đồng: Trẻ em phải nghỉ học, người lớn phải nghỉ làm 5 ngày kể từ khi bắt đầu phát ban.
- Vệ sinh môi trường, tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.
- Tiêm ngừa vaccine: Những ai chưa được tiêm ngừa vaccine sởi từ bé thì nên đi tiêm ngừa, những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi từ bé thì không nên đi tiêm nữa
Khi thấy tình hình bệnh nhân nhân có những triệu chứng bệnh sởi cần đến ngay các cơ sở y tế để làm xét nghiệm kiểm tra.
Theo VNE
Cảnh báo tình trạng bệnh sởi lây lan nghiêm trọng Căn bệnh sởi nguy hiểm này đang lây lan rất nhanh đấy! Cảnh báo dịch sởi bùng phát và lây lan Sởi là một căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do siêu virus gây ra. Nó có ảnh hưởng rất nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của chúng ta. Đặc biệt, căn bệnh này rất dễ lây lan...