Phát hiện mới của NASA về “nơi thai nghén” các vì sao giữa Dải Ngân hà
Bức ảnh NASA mới công bố ngày 19/12 tiết lộ về “nơi thai nghén” các vì sao ở khu vực trung tâm Dải Ngân hà của chúng ta.
Một hình ảnh mới về Dải Ngân hà mà các nhà khoa học NASA công bố ngày 19/12 đã cho thấy một hình ảnh thú vị mang tên “cây kẹo que sao” – nơi lưu giữ những vật chất thô trong quá trình hình thành hàng chục triệu vì sao.
Bên trong Dải Ngân hà với những màu sắc khác nhau. Ảnh: NASA
Hình ảnh tổng hợp này cho thấy vùng trung tâm của Dải Ngân hà, nơi tập trung những đám mây phân tử khổng lồ lớn nhất và đặc nhất thiên hà. Những đám mây này vô cùng lớn và lạnh với lượng khí và bụi đủ đặc để tạo thành hàng chục triệu ngôi sao giống như Mặt trời của chúng ta, NASA cho biết.
Ở trung tâm hình ảnh này có thể dễ dàng thấy rõ một hình ảnh giống như cây kẹo que. Nó trải dài trên 190 năm ánh sáng và là một trong những dải khí bị ion hóa có hình dạng dài và mỏng.
Những vùng sáng lóe lên màu đỏ, vàng và xanh ngọc lam, những vòm sáng màu xanh da trời và xanh lá cây cùng những điểm sáng mờ trong bức ảnh này đã được camera của Đài quan sát GISMO của NASA ghi lại.
“Chúng tôi rất kinh ngạc bởi vẻ đẹp của bức ảnh này. Thật là ngoạn mục! Khi bạn nhìn vào nó, bạn có cảm giác như mình đang nhìn vào những thế lực đặc biệt của tự nhiên trong vũ trụ”, Johannes Staguhn thuộc Đại học Johns Hopkins – chủ nhiệm nghiên cứu trên nhận định trong một bài viết trên tạp chí vật lý thiên văn Astrophysical Journal.
Hệ Mặt trời của chúng ta chỉ là một phần nhỏ trong dải Ngân hà, nơi bao gồm vô số ngôi sao và bụi khí được gắn kết với nhau bởi lực hấp dẫn.
“Một phần đáng kể trong quá trình hình thành các vì sao vào thời kỳ đầu của vũ trụ vẫn là một bí ẩn và chúng ta không thể phát hiện ra chúng bằng những công cụ chúng ta từng sử dụng. Tuy nhiên, GISMO sẽ làm được điều này khi nó có khả năng phát hiện ra những điều chúng ta không thể quan sát được trước đó”, ông Staguhn cho biết trong một buổi họp báo.
Hình ảnh đầy màu sắc về trung tâm Dải Ngân hà mà NASA công bố cũng cho thấy một số hình ảnh quan trọng khác. Một trong số đó là khu vực Sickle hình cái liềm, nơi có liên quan đến việc các vì sao đã ra đời như thế nào. Bức ảnh cũng cho thấy Sagittarius A – một vùng màu cam sáng cách chúng ta 27.000 năm ánh sáng. Ngoài ra còn có vùng Radio Arc màu đỏ tươi cắt xuyên qua vùng Sickle.
Vị trí và hình dạng của các dải màu này cung cấp thêm cho chúng ta bằng chứng về lịch sử Dải Ngân hà. Một vài dải màu được hình thành ở phần rìa của một “bong bóng” từng bị “thổi bay” bởi một “sự kiện vô cùng mạnh mẽ ở trung tâm Dải Ngân hà” nằm trong vùng Sagittarius A – nơi có hố đen siêu nặng của thiên hà chúng ta.
Trước đó, theo một nghiên cứu công bố ngày 16/12, một vụ nổ hình thành sao khổng lồ đã gây ra hơn 100.000 vụ nổ siêu tân tinh ở khu vực trung tâm Dải Ngân hà vào thời kỳ đầu của nó.
Trước đó, các nhà thiên văn học tin rằng sự hình thành sao là liên tục ở khu vực trung tâm trong lịch sử hình thành Dải Ngân hà. Tuy nhiên, các dữ liệu mới cho thấy vào thời kỳ đầu thiên hà hình thành, 80% những ngôi sao của nó đã được hình thành ở khu vực trung tâm./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo vov.vn/CNN
Phát hiện lỗ đen khổng lồ trong dải Ngân hà
Các nhà thiên văn học hôm nay, 28/11, thông báo, phát hiện một lỗ đen trên dải Ngân hà lớn đến nỗi nó thách thức các kiểu mẫu hiện có về cách mà các ngôi sao tiến hóa.
Theo tạp chí Nature, lỗ đen khổng lồ được đặt tên là LB-1 cách Trái Đất 15.000 năm ánh sáng và có khối lượng lớn gấp 70 lần Mặt trời.
Liu Jifeng, giáo sư quan sát thiên văn Trung Quốc chia sẻ: "Dải ngân hà được ước tính chứa 100 triệu lỗ đen nhưng LB-1 lớn gấp đôi so với kích thước trung bình. Các lỗ đen có khối lượng như vậy tưởng chừng không tồn tại trong thiên hà của chúng ta".
Các nhà khoa học chia ra 2 loại lỗ đen. Loại phổ biến là lỗ đen khối lượng ngôi sao - lớn hơn 20 lần so với Mặt trời, hình thành khi trung tâm của một ngôi sao rất lớn tự sụp đổ. Các lỗ đen siêu khối lượng lớn hơn Mặt trời ít nhất một triệu lần và nguồn gốc của chúng không rõ ràng.
Dải Ngân hà được ước tính chứa 100 triệu lỗ đen ngôi sao nhưng LB-1 lớn gấp đôi.
Nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng, thông thường các ngôi sao điển hình trong dải Ngân hà đã thải ra phần lớn khí của chúng thông qua các "cơn gió sao", ngăn chặn sự xuất hiện của một lỗ đen có kích thước bằng LB-1. Họ sẽ phải nỗ lực để giải thích sự hình thành của LB-1.
LB-1 được tìm thấy bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế.
Các nhà khoa học đã có xu hướng tìm các lỗ đen bằng cách phát hiện tia X mà chúng phát ra. Nhưng phương pháp này đã hạn chế tính hữu dụng vì chỉ một số ít hệ thống lỗ đen mà ngôi sao đồng hành quay rất gần lỗ đen sẽ phát ra tia X có thể phát hiện được.
Đoàn Hà
Theo baophapluat.vn
Nguồn gốc mảnh thiên thạch 4,5 tỷ năm tuổi Mảnh thiên thạch Canyon Diablo là một trong những vật thể cổ xưa nhất từng phát hiện trên Trái Đất, hình thành từ thời sơ khai của hệ Mặt Trời. Theo tapchitaichinh.vn