Phát hiện mảnh vỡ máy bay mất tích ở Indonesia
Lực lượng cứu hộ Indonesia ngày 5.10 đã tìm thấy mảnh vỡ của một máy bay chở 10 người mất tích trong một chuyến bay ở miền trung Indonesia hồi tuần rồi.
Hai lính không quân Indonesia bên cạnh một máy bay của hãng Aviastar – Ảnh: Reuters
Máy bay Twin Otter DHC-6 của hãng hàng không Aviastar (Indonesia), chở 10 người trong đó có 3 trẻ em, đã mất tích hôm 2.10 ngay sau khi cất cánh từ sân bay ở đảo Sulawesi để đến thành phố Makassar, Indonesia, theo AFP.
Lực lượng cứu hộ Indonesia phát hiện mảnh vỡ máy bay vào ngày 5.10 trong vùng rừng rậm trên đảo Sulawesi, cùng với một số thi thể nạn nhân.
“Máy bay được tìm thấy trên mặt đất, bị phá hủy hoàn toàn. Một số hành khách được phát hiện đã tử vong”, ông Pudji Hartanto, cảnh sát trưởng ở đảo Sulawesi cho biết. Nhưng ông Hartanto không nói rõ có bao nhiêu nạn nhân được tìm thấy.
Video đang HOT
Ông Bambang Soelistyo, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm cứu hộ Indonesia, xác nhận mảnh vỡ máy bay được tìm thấy và lực lượng cứu hộ chuẩn bị thu gom thi thể hành khách và phi hành đoàn trong ngày 6.10.
Hồi tháng 8.2015, 54 người đã thiệt mạng khi một máy bay rơi xuống tỉnh Papua (Indonesia), và một máy bay hãng AirAsia rơi xuống biển Java hồi năm 2014 khiến 162 người chết, theo AFP.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Cuộc tìm kiếm MH370 sẽ không thay đổi vì mảnh vỡ ở đảo Reunion
Úc hoan nghênh việc tìm ra mảnh vỡ tại đảo Reunion của chiếc máy bay mất tích MH370, nhưng khẳng định điều này sẽ không ảnh hưởng đến cuộc tìm kiếm ở Nam Ấn Độ Dương, các nhà điều tra Úc tuyên bố hôm 4.9.
Một thợ lặn thuộc đội tìm kiếm xác máy bay MH370 đang chuẩn bị lặn xuống - Ảnh: Reuters
AFP dẫn lời ông Martin Dolan, cục trưởng Cục An toàn Giao thông Úc (ATSB), cho biết cơ quan này hoan nghênh thông tin từ cơ quan điều tra Pháp xác nhận mảnh vỡ thuộc bộ phận cánh liệng treo được tìm thấy ở đảo Reunion là của chiếc Boeing 777 xấu số.
"Việc chính thức xác nhận mảnh vỡ tìm thấy tại đảo Reunion được là của MH370 là một điều hữu ích. Điều này có lợi cho chúng tôi. Tuy nhiên, nó chẳng tạo nên khác biệt gì đáng kể trong hoạt động tìm kiếm", ông Dolan cho hay.
Úc đang dẫn đầu cuộc tìm kiếm quốc tế tại vùng biển phía nam Ấn Độ Dương. Chiếc Boeing 777 (số hiệu chuyến bay MH370) của hãng hàng không Malaysia Airlines chở theo 239 người đã biến mất khỏi màn hình radar sau khi cất cánh khỏi phi trường Kuala Lumpur được vài tiếng vào sáng ngày 8.3.2014.
Dựa theo dữ liệu liên lạc vệ tinh, các nhà tìm kiếm cho rằng chiếc máy bay đã rơi ở vùng biển phía tây nước Úc, nhưng cuộc tìm kiếm cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả nào.
Ông Dolan cho biết Úc đang cân nhắc sử dụng các loại tàu và trang thiết bị mới để tận dụng thời gian mùa hè sắp tới, khi thời tiết khắc nghiệp tại khu vực tìm kiếm được cải thiện.
Ông cũng nói thêm rằng mảnh vỡ phát hiện tại Reunion, lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại Ấn Độ Dương, hồi cuối tháng 7.2015 tương ứng với các mô hình vật thể trôi dạt trên biển mà các chuyên gia đã thiết lập dựa theo giả thuyết máy bay rơi ở nam Ấn Độ Dương.
"Điều này không làm thay đổi nhận định của chúng tôi về khu vực tìm kiếm", ông Dolan cho hay, đồng thời bình luận rằng bộ phận cánh liệng treo vừa được phát hiện không đưa ra được bất kỳ manh mối nào về nguyên nhân máy bay mất tích.
"Tất cả những gì chúng tôi được rõ chính là bộ phận cánh liệng treo tại một thời điểm nào đó đã rời khỏi cánh máy bay và có rất nhiều giả thuyết để giải thích cho chuyện này", theo người đứng đầu ATSB.
Ông cũng khẳng định vẫn tự tin sẽ tìm ra chiếc máy bay trong khu vực tìm kiếm hiện tại. Dự kiến cuộc tìm kiếm quốc tế chiếc máy bay của Malaysia Airlines sẽ kết thúc vào cuối tháng 6.2016.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Các mảnh vỡ ở Maldives không phải của MH370 Ngày 14.8, Malaysia khẳng định tất cả những mảnh vỡ tìm thấy ở Maldives đều không phải của máy bay MH370 bị mất tích. Vật thể lớn nghi là mảnh vỡ máy bay MH370 được tìm thấy ở đảo quốc Maldives - Ảnh: news.com.au Sau phát hiện mảnh vỡ ở đảo Reunion, người dân ở đảo quốc Maldives cũng phát hiện nhiều mảnh...